Phản-kitô
Lởi nguyền rủa đạo Kitô
Friedrich Nietzsche (1844 – 1900)
Der Antichrist (1895)
Fluch auf das Christenthum.
59.
Toàn bộ công sức của thế giới cổ điển
mất hết sạch, không đi đến đâu. Tôi
không có từ nào để diễn tả những xúc cảm của tôi về một-gì quá sức khủng khiếp
như thế. Và lưu ý rằng công sức đó của nó đã là một sửa soạn, mới chỉ là nền
tảng cho một nỗ lực của những nghìn năm, lúc ấy vừa được đặt xuống bằng tự tín
chắc như đá hoa cương – toàn bộ ý
nghĩa của thế giới cổ điển
tiêu tan hết. Cổ Hylạp có để làm chi? Cổ Lamã mục đích để về đâu?
Tất cả những điều kiện tiên quyết cho
một nền văn hoá bác học, tất cả những phương pháp tri thức khoa học, đã có sẵn
ở đó rồi; cái lớn lao, cái không gì sánh bằng của thuật đọc trôi viết chảy nhận
hiểu đã thiết lập xong sẵn sàng – sự đòi hỏi phải có trước hết đó cho truyền
thống của văn hoá, cho sự nhất thống của khoa học; khoa học tự nhiên, liên minh
với toán học và cơ học, đã vững bước trên đường tiến tốt đẹp nhất – ý thức về
những sự kiện chân thực,
cái cuối cùng và giá trị nhất của mọi ý thức, đã có các trường phái và truyền
thống của nó dài lâu hàng thế kỷ. Đã hiểu điều này chưa? Tất cả mọi thiết yếu đã được tìm xong, như thế để
cho công trình đã có thể bắt đầu: những phương pháp, một người phải nhắc đi
nhắc lại nó hàng mười lần, là những
gì là thiết yếu, và cũng là cái khó khăn nhất, và cũng là cái bị tập quán và
lười biếng chống cự lại dài lâu nhất. Những gì ngày hôm nay, một lần nữa chúng
ta phải chinh phục với vô vàn tự chủ – vì mỗi chúng ta vẫn có giữ
những bản năng xấu, những cái của con người Kitô, trong cơ thế của người ấy –
con mắt vô tư trước thực tại, bàn tay cẩn thận, kiên nhẫn và nghiêm trọng trong
những nội dung nhỏ bé nhất, toàn vẹn chính trực không sứt mẻ trong kiến thức – chúng
đã một lần có ở đấy trước rồi! Từ trên hai nghìn năm trước! Và, còn thêm nữa, sự tốt lành, cái ý
thức tế nhị về khéo xử và thị hiếu. Không
như thao diễn tập tành của não bộ! Không
như giáo dục “nước Đức” với những cách cư xử cục mịch! Nhưng như dáng điệu, như
cung cách, như bản năng – như thực tại, nói vắn tắt. Tất cả nhẵn sạch! Chỉ qua đêm, không còn gì cả ngoài một
ký ức!
Người ta chỉ cần đọc bất kỳ kẻ khích
động quần chúng Kitô nào, thí dụ, Augustine, để nhận thức, để ngửi mùi, một đám dơ dáy đến
như thế nào đã trèo lên đến đỉnh. Một người sẽ tự lừa mình thật hoàn toàn, nếu
người ấy giả định những người lãnh đạo phong trào đạo Kitô thiếu thông minh: Ồ,
những người đó rất thông minh, thông minh quỉ quái tới mức linh thiêng! Những bố-đạo
giỏi giang của hội Nhà thờ này! Cái mà họ thiếu là một thứ rất hoàn toàn khác.
Thiên nhiên đã bỏ xót họ – thiên nhiên đã quên không cho họ một chút hồi môn
khiêm tốn của tự trọng, của tử tế, của những bản năng trong sạch. Đặt họ giữa chúng
ta, họ còn chưa đến mức con người. Nếu đạo Islam có phỉ nhổ đạo Kitô, đạo Islam
đúng một ngàn lần: đạo Islam bao hàm con người.
60.
Đạo Kitô đã lừa đảo, lường gạt chúng
ta mất vụ thu hoạch gia tài của văn hoá cổ điển, sau đó, nó lại lừa đảo thêm
lần nữa, lường gạt chúng ta mất sự thu hoạch gia tài văn hoá đạo Islam. Cái thế giới văn hoá
tuyệt vời của những người Moors ở Spain , thực sự
liên hệ gần gũi hơn với chúng ta, thông tình ăn ý với ý thức và thị hiếu chúng
ta, hơn là với Hylạp và Lamã, đã bị giày
xéo lên (tôi không nói bằng
chân loại nào). Tại sao? Vì nó đã có nguồn gốc của nó nơi sự cao thượng, nơi
những bản năng dương cường, vì nó đã
nói Có với đời sống ngay cả với sự hiếm lạ và xa hoa đãi lọc tế nhị của cuộc
sống lối người Moors.
Sau đó, những cuộc viễn chinh thánh
chiến đã chống lại vài thứ, mà chúng đúng ra có lẽ đã phải tự mình quì lạy tung
hô sát đất – một văn hoá mà đem so sánh với, ngay cả chúng ta ở thế kỷ mười
chín, cũng có thể cảm thấy rất nghèo, rất “chậm hụt”. Điều chắc chắn, là chúng
đã muốn làm thổ phỉ cướp bóc,; miền Cận đông đã giàu có. Người ta đã không nên
có thiên kiến như thế. Những viễn chinh thánh chiến – ăn cướp thượng đẳng,
không gì khác hơn! Quí tộc dòng Đức, quí tộc dòng Viking, đồ cặn bã đáy trôn,
đã đóng thành phần đúng chỗ ở đây: Nhà thờ đã biết thật quá rõ chỉ phải làm gì
để lấy giới quí tộc nước Đức. Quí tộc Đức,
luôn luôn là “đám Thụỵ Sĩ gác cửa” [1] của
nhà thờ, luôn luôn trong sự phục dịch tất cả những bản năng xấu xa của hội nhà
thờ – nhưng được trả công rất
hậu. Rằng hội nhà thờ đã nên dùng dao kiếm Đức, máu và can đảm Đức, khởi
cuộc chiến của nó đánh cho đến chết, chống lại tất cả những gì cao thượng trên
mặt đất này! Ở điểm này, có rất nhiều những câu hỏi đau lòng. Tính cao thượng
của dân tộc Đức gần như vắng mặt trong lịch sử những nền văn hoá cao đẳng:
người ta đoán được lý do: đạo Kitô, rượu, hai cái phương tiện to lớn của sự thối
nát sa đoạ.
Thực sự, đã không nên có bất kỳ phân
vân chọn lựa nào giữa Islam và Kitô, hơn là chọn lựa giữa một người Ảrập và một
người Dothái. Quyết định chọn lựa đã ban rồi; không ai là được tự do để có chọn
lựa nào khác hơn nữa. Hoặc một người là kẻ hạ tiện chandala, hoặc
một người không là kẻ hạ tiện. “Ðánh cho đến chết bọn Kitô Lamã, cho
đến mảnh dao cùn! Hoà bình và thân thiện với đạo Islam” – như thế đã cảm nhận,
như thế đã hành động, cái tinh thần
tự do vĩ đại, vị thiên tài giữa những hoàng đế nước Đức, Frederick II [2].
Làm sao như thế? Có phải – một người Đức phải là thiên tài trước đã, phải có
một tinh thần tự do, để có được những xúc cảm
đúng đắn? Tôi không hiểu làm sao một người Đức đã từng bao giờ có thể có
được những xúc cảm Kitô.
61.
Ở đây, trở nên bắt buộc để gợi lại
một ký ức mà nó lại còn làm đau lòng dân tộc Đức hàng trăm lần gấp bội. Những
người Đức đã lừa bịp châu Âu mất đi vụ mùa thu hoạch văn hoá vĩ đại cuối cùng
mà đáng lẽ châu Âu đã vẫn có thể đem về nhà – đó là của thời Phục Hưng [3].
Có ai cuối cùng đã hiểu, có ai muốn hiểu – Phục
Hưng đã là gì? là sự đánh giá lại những giá trị đạo
Kitô, [4]
một nỗ lực, diễn ra với tất cả mọi phương tiện, với tất cả bản năng, với tất cả
mọi khả năng thiên tài, đem những phản-giá
trị, những giá trị cao
thượng đi đến chiến thắng.
Cho đến bây giờ đã chỉ có một cuộc
chiến tranh lớn này, cho đến nay đã không từng có câu hỏi quyết định hơn nào
khác là câu hỏi của thời Phục Hưng – câu hỏi của tôi là câu hỏi đó của nó – cũng đã không từng có một thể dạng
của tấn công nền tảng nào hơn, thẳng
đường nào hơn, trong đó trọn bộ mặt trận đã được đưa dẫn chặt chẽ hơn vào chống
thẳng cái trung tâm. Tấn công vị trí quyết định, trong chính chỗ ngồi của đạo
Kitô, đem các giá trị cao quí lên ngôi ở
đây, tôi muốn nói, đem chúng vào đúng ngay trong những bản năng, vào tận
trong những nhu cầu tháp nhất và những khát vọng cơ bản nhất của những ai là
người đã ngồi ở chốn này.
Tôi nhìn thấy trước tôi một khả hữu về một sự hoàn toàn kỳ diệu
siêu phàm và mê hoặc của màu sắc: với tôi, nó như long lánh trong tất cả mọi
chấn động của một cái đẹp tinh tế huyền ảo, rằng một mỹ thuật đã hoạt tạo nên
nó, thật thần diệu, thật thần linh đến ma quái đến nỗi một người có thể tìm
kiếm vô vọng hàng nghìn năm chỉ cho một giây của một sự khả hữu như thế. Tôi đã
ngắm nhìn trước một cảnh tượng đồng thời vừa hết sưc tài tình vừa nghịch lý tuyệt
vời lạ lùng, rằng nó đã có thể đem cho tất cả các thần linh vẫn ngự trên đỉnh
Olympic một dịp để cất tiếng cười vang bất tử – Caesar
Borgia làm Vua chiên! [5] Hiểu tôi không? Vậy rất tốt, đó đã
là một chiến thắng – cái kiểu chiến thắng duy nhất tôi ao ước ngày hôm nay – nếu
đã thế, đạo Kitô hẳn đã bị huỷ bỏ từ
đấy.
Điều gì đã xảy ra? Một thày chăn
chiên người Đức, Luther, đã đến Rome . Thày chăn chiên này
với tất cả những bản năng báo thù rửa hận của một thày chăn chiên bị đắm tàu
trong hệ thống của ông, đã cuồng nộ ở Rome – chống lại (những giá trị) thời Phục Hưng. Thay vì sự hiểu biết, với
một sự thâm cảm sâu xa, biến cố kinh khủng đã xảy ra ở đây, cái cơ hội chiến
thắng đạo Kitô ngay trong hang ổ của nó, sự oán ghét của ông đã chỉ hiểu cách
làm sao thu chiếm thực phẩm nuôi dưỡng nó từ cảnh tượng này. Một con người tín
ngưỡng nghĩ chỉ về bản thân mình thôi.
Luther đã nhìn thấy sự hư hỏng đồi bại của chế độ vua chiên
trong khi chính ngược lại mới hiển hiện rõ hơn: sự hư hỏng đồi bại xưa cũ, cái nguyên
tội tổ tông [6], đạo Kitô thôi không còn ngồi trên ngai
vua chiên nữa. Nhưng sự sống! Nhưng sự khải hoàn của đời sống! [7] Nhưng không gì khác ngoài cái Có vĩ
đại với tất cả những thứ cao cả, đẹp đẽ, can cường! Và Luther đã phục hồi Nhà thờ: ông ta đã tấn công nó [8].
Phong trào Phục Hưng – một biến cố vô
nghĩa, một lớn lao tan tành vô vọng.
Ô, những người Đức này, Những gì họ dành có được đã làm tổn hại chúng ta rồi!
Vô vọng – đó vẫn là cái thứ hành động những người Đức đã làm. Phong trào Phục
Hưng, Liebnitz; Kant và cái-gọi-là
triết học nước Đức, Những Chiến Tranh của “Giải phóng”, đế quốc Reich – mỗi lần
một vô vọng không đi đến đâu, tan tành dăm ba những gì vốn đã sẵn thu hoạch,
dăm ba những gì không xoay ngược lại được.
Họ là những kẻ thù của tôi, tôi thú
nhận điều đó, những người Đức này: Tôi khinh bỉ nơi họ tất cả mọi loại của khái
niệm và giá trị dơ bẩn, của sự hèn
nhát trước tất cả mọi chân
thực dạ-Có, thưa-Không. Đã hầu hết trọn một nghìn năm, họ đã làm hỗn độn rối
rắm và xáo trộn nhầm lẫn tất cả mọi thứ nếu có những ngón tay họ đụng
đến; họ có một thứ lương tâm cái gì cũng chỉ một nửa-lòng – ba-phần-tám lòng! –
Châu Âu ốm vì chúng; họ cũng có trong ý thức họ một thứ lương tâm dơ dáy nhất
của đạo Kitô, cái đó là cái thứ không thể nào chữa chạy bất trị nhất, thứ
không bắt bẻ sửa đổi gì được nhất: đạo phản thệ Kitô, Tin lành! Nếu chúng ta
không quét sạch được đạo Kitô, đó sẽ là tội lỗi của những người Đức.
62.
Với điều này, tôi đi đến một kết luận
và tuyên đọc phán quyết của tôi. Tôi kết
án đạo Kitô; tôi đem tới chống lại Nhà thờ Kitô sự lên án kinh khủng nhất trong
tất cả mọi cáo trạng lên án mà bất kỳ một người buộc tội nào nếu có đã từng
phát ngôn. Đó là, theo tôi, sự thối nát hư hỏng vĩ đại nhất trong tất cả mọi sự
thối nát hư hỏng có thể mường tượng ra được. Nó đã có cái ý chí đi đến cho bằng
được sự hư hỏng sa đọa cuối cùng mà ngay cả nếu có thể có được. Hội nhà thờ
Kitô đã không để chừa lại một gì mà không bị sự sa đoạ đồi bại của nó buông tha;
nó đã quay đảo ngược tất cả từng giá trị vào thành một vô-giá trị, tất cả mỗi chân
lý vào thành một dối trá, tất cả toàn vẹn lành lặn thành một đê tiện của linh
hồn. Hãy thử để bất kỳ một ai dám nói với tôi về những phúc lành ân sủng “nhân
đạo” của nó! Những nhu cầu thâm sâu nhất của nó dàn trải ra chống lại bất kỳ nỗ
lực nào muốn xoả bỏ khốn cùng;
nó sống bằng nguy nàn thống khổ, nó tạo
ra khốn cùng để làm chính nó thành bất tử.
Lấy thí dụ, cái con sâu tên “tội lỗi”;
với cái ách khổ ải này, ban đầu hội nhà thờ đã bón phân màu mỡ cho giống người!
– sự “bình đẳng của những linh hồn trước Gót”– cái gian lận lường gạt này, cái viện cớ cho những hiềm thù đầy ác ý [9] của
tất cả những đẫu óc đáy cặn đê tiện – cái khái niệm gây chất nổ này, vốn nó
cuối cùng đã trở thành cách mạng, ý tưởng hiện đại, và là cái nguyên lý cho sự
suy tàn của toàn bộ trật tự của xã hội – nó là chất nổ của đạo Kitô... những phúc
lành ân sủng “nhân đạo” của đạo Kitô, ai mà còn ngờ vực nỗi gì! Để nuôi nặn từ lòng nhân đạo [10] ra
thành một tự-mâu thuẫn, một nghệ thuật tự-hãm hiếp, một ý chí để nói dối với
bất cứ giá nào, một sự gớm ghét, một khinh miệt trước tất cả những bản năng tốt lành và chân
thực! Đó là một vài trong những phúc lành may mắn của đạo Kitô!
Chủ nghĩa ăn bám [11] như là sự thực hành độc nhất của hội Nhà thờ. Với ý tưởng về sự thiếu
máu, về “thần thánh”, đang hút hết tất cả máu, hết tất cả thương yêu, hết tất
cả hy vọng vét sạch hết sự sống; cái Bên-kia [12] như ý chí phủ nhận mọi thực tại, cái Thập
giá như dấu hiệu của sự nhận ra không thể lẫn lộn được của một âm mưu thâm hiểm
ám muội bí mật bậc nhất này đã từng hiện hữu, – kình nghịch lại khoẻ,
đẹp, bất cứ gì đã thành ra tươi tốt, can đảm, tinh thần trí tuệ, sự thiệp nhã tử tế của linh hồn –
kình chống lại chính bản thân
sự sống....
Bản cáo trạng bất diệt đời đời này chống
lại đạo Kitô, tôi sẽ viết trên khắp các bức tường, bất kỳ chỗ nào tìm thấy có
tường –Tôi có những chữ viết mà ngay cả kẻ mù sẽ có thể đọc được...
Tôi gọi đạo Kitô là một lời nguyền vĩ
đại, một sa đoạ nội tại vĩ đại, một bản năng vĩ đại của sự báo thù, với nó không
có những phương tiện nào là độc địa, vụng trộm, bí mật, ám muội là nhỏ cho đủ – tôi gọi nó là một vô luân
ô uế của toàn thể giống người...
Và thời gian đã được tính kể từ những
ngày bất hạnh [13] với nó tai hoạ này đã bắt đầu –
sau cái ngày của đạo Kitô – Tại sao
không đúng hơn là hãy tính từ ngày cuối của nó? – Sau ngày hôm nay? – Đánh giá lại tất cả mọi giá
trị! [14]
Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Dec/2009)
(còn tiếp . . . )
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com
Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Dec/2009)
(còn tiếp . . . )
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com
[1] Swiss guard – Tác giả mỉa
mai, nhưng sự thực, cho đến nay Vatican vẫn thuê những người Thuỵ Sĩ làm đội
quân canh gác các cung điện tại Vatican.
[2] Frederick
II of Hohenstaufen (1194 – 1250)
là hoàng đế Holy Roman. Đế quốc của ông luôn luôn tranh chấp với các tiểu quốc
của Vua chiên, ông bị “rút phép công thông” hai lần. Vua chiên Gregory IX gọi
ông là kẻ phản chúa: Antichrist.
Nhưng ông là một hoàng đế
lỗi lạc, được gọi là “Stupor mundi” ("wonder of the world") So với
các hoàng đế Lamã khác, Frederick
was là một minh quân, nâng đỡ khoa học và mỹ thuật.
[3] Renaissance – là giai đoạn châu Âu hồi sinh, bắt đầu cuối thời Trung
Cổ, chấm dứt giai đoạn thần học Kitô thống ngự trí tuệ châu Âu, chấm dứt thời
đen tối của lòng tin tôn giáo Abraham độc thần.
Từ thế kỷ 14 đến 16, văn
hoá cổ Hyla, tiền Kitô, được làm sống lại, các phát kiến thám hiểm địa lý mở
mang tầm nhìn cho châu Âu, và mở đầu cho văn học, nghệ thuật và mỹ thuật phát
triển – ngoài hội nhà thờ – ngoài học thuật kinh viện, đưa tới sự sống lại, rồi
bừng nở của khoa học, vốn đã chết từ thời sau Hylạp, các tài liệu khoa học cổ
được phục hồi nhờ các văn bản có nguồn lưu trữ từ giới Muslim.
[4] Nguyên văn “Die Umwerthung der christlichen Werthe ” “The transvaluation of Christian
values ” – Umwerthung – reevaluation – transvaluation: phán
xét lại thẩm định lại những giá trị, dùng tiêu chuẩn mới, đặc biệt là những
tiêu chuẩn khác cũ, những qui ước tập quán thông lệ, hay cổ truyền. Nhằm đưa
tới một giá trị, hệ giá trị hoàn toàn mới.
[5]
Cesare Borgia (1475 – 1507) một trong những đứa con, nổi tiếng nhất, của vua
chiên Alexander VI, mẹ của Cesare là Vannozza dei Cattanei, tình nhân của vua
chiên này. Cesare Borgia chết lúc mới có 31 tuổi, nhưng nổi tiếng nhất trong
nnuwngx dật sử của Vatican và hội nhà thờ về
những xảo quyệt, lừa phản, giết người, ám sát. Hoàn toàn chính trị thủ đoạn.
Cesare
được huấn luyện rất sớm đề nắm những vai lãnh đạo trong hội nhà thờ của cha, nên
chưa đến 20, đã giữ chức thày chăn chiên cấp vùng Valencia và rồi thày chăn
chiên áo đỏ; nhưng tài năng của ông không thi thố trong những cương vị này,
nhưng trong tư cách con người chính trị thủ đoạn, những hành động ghê gớm tàn
nhẫn, và dâm loạn. Dũng cảm, táo bạo và quyết tâm, thèm khát quyền lực và hoàn
toàn tàn nhẫn. Giết người, hối lộ và lừa dối là việc hằng ngày, và những thú
vui là phụ nữ, săn bắn và quần áo thời trang, loạn luân với cả em gái Lucrezia
và bị bệnh giang mai ngay từ tuổi hai mươi. Vua chiên Alexander VI đã đặt con
mình, Cesare làm tư lệnh của quân đội Vatican
năm 1496, khi Cesare vẫn vừa mới trong tuổi hai mươi. Cesare tạo ra một vương
quốc Ý cho mình.
Machiavelli,
người rất ngưỡng mộ Cesare, đã dựa vào thân thế Cesare để viết The Prince. Ức đoán của Nietzsche ở đây
về Cesare - có thể chịu ành hưởng từ Burckhardt. Hai người là bạn học và đồng
nghiệp (cùng dạy tại Basel
- Thuỵ sĩ) - Carl Jacob Christoph Burckhardt (1818– 1897) nhà viết sử mỹ thuật
và văn hoá. Tác phẩm nổi tiếng của ông là Civilization
of the Renaissance in Italy .
[6] Nguyên văn – “peccatum originate”: original sin –
tội lỗi nguyên thủy
[7] Nghĩa là nó hiện nguyên hình con người, với những bản năng
thấp hèn, hiện ra với sa đoạ, tham nhũng, dâm dục, âm mưu thoán nghich, chính
trị bẩn thỉu lúc ấy ở Vatican, khi hội nhà thờ “bán” những tầm vé để miễn tội,
giảm “trừng phạt” trong tương lai! ... Tất cả rất đỗi con người, rất đỗi nhân
sinh . Không có gì là linh thiêng như vẫn đóng vai giả dối nữa.
[8] Thay vì để cho nó ngập chìm trong
băng hoại, rồi tắt thở trên chính sự sa đoạ của nó, rồi đi đến tự tan vỡ, tự mất sạch đi. Luther
đã chỉ biết có phê phán, tấn công; đem cho nó một dịp may, cho nó có cơ hội
chữa chạy, và rồi qua được cơn nguy nàn đó; như lịch sử, nó đã sống xót qua cơn
thập tử nhất sinh, và tai hại cho châu Âu, nó vẫn sống dai dẳng cho đến nay!
[9] Nguyên văn tiếng Pháp rancunes
[10] Nguyên văn Latin humanitas
[11] Nguyên văn Parasitism
[12] Chỉ những gì đạo Kitô nói đến sau cái chết: linh hồn bất
tư, thiên đường khen thưởng, hỏa ngục trừng phạt; tất cả là nói láo – là giả
dối, là những hứa hẹn về những gì không thực, với tổn hại là phủ nhận cuộc đời
này.
[13] Nguyên văn latin dies
nefastus: ngày không may mắn
[14] Nietzsche – chúng ta đang tính thời gian theo lịch gọi là Dương lịch,
tính từ ngày đạo Kitô (Jesus) ra đời kể đi. Giờ đây, sau khi đánh giá lại (bằng
cách gạt bỏ giá trị cũ) mọi giá trị, phục hồi các giá trị cho nhân loại, sẽ là
ngày cuối cùng của đạo Kitô và các giá trị của nó, chúng ta hãy đánh dấu lại
thời gian, đi lại từ đầu, năm thứ nhất của nhân loại mới, giá trị mới, phản-Kitô,
bắt đầu từ ngày mai!