Nguồn
gốc và Ý nghĩa của những Ý tưởng của đức Phật
(What
the Buddha Thought)
Richard
Gombrich
NỘI
DUNG
Lời
nói đầu
Kiến
thức Cơ bản
Những
chữ viết tắt
1.
Dẫn nhập
2. Nói Thêm Về Nghiêp Và Môi Trường Xã Hội Của Nó
3.
Những Có-Từ-Trước Của Học Thuyết về Nghiệp trong tư tưởng đạo Brahmā
4.
Những Có-Từ-Trước Trong Đạo Jain
5.
Đức Phật Giảng ‘Vô Ngã’ Đã Với Nghĩa Gì?
6.
Những Giá Trị Tích Cực Của Đức Phật: Thương Yêu Và Từ Bi
7.
Thẩm định Chứng cớ
8.
Tất Cả Đều Đang Cháy: Tính Chất Trung Tâm Của Lửa Trong Tư Tưởng Của Đức Phật
9.
Nhân Quả Và Tiến Trình Không-Ngẫu Nhiên
10.
Nhận Thức, Ngôn Ngữ, Nirvāṇa
11.
Lập trường Thực dụng và Phong thái Trí thức của đức Phật
12.
Đức Phật Như Một Nhà Châm Biếm: Những Thuật Ngữ Của Giới brahmin Như Những Ẩn Dụ
Xã Hội
13.
Có Phải Quyển Sách Này Để Tin Theo Không?
14.
Phụ Đính: Đức Phật Lấy Dùng Bốn (Hay Năm) Thuật Ngữ Đạo Brahmā
Chú
thích
Thư
mục
Index
Nguồn gốc và Ý nghĩa của những Ý tưởng của đức Phật [1]
MỞ
ĐẦU
Quyển
sách này biện luận rằng đức Phật đã là một trong những nhà tư tưởng xuất chúng
và khởi nguồn sáng tạo nhất của mọi thời đại.
Trong
khi quyển sách này có ý định để dùng như một dẫn nhập vào tư tưởng của đức Phật,
và do đó ngay cả vào chính đạo Phật, nó cũng có những mục đích lớn hơn: nó biện
luận rằng chúng ta có thể biết rất nhiều về đức Phật hơn là vẫn được kiểu cách
thừa nhận theo thông thường trong giới học giả, và rằng suy nghĩ của ngài có một
sự mạch lạc chặt chẽ lớn hơn so với thường đã nhìn nhận. Những nhà phiên dịch,
cả thời cổ và thời nay, đều ít chú ý đến nội dung lịch sử của những giảng dạy của
đức Phật, nhưng sau khi liên hệ chúng với những bản văn của đạo Brahmā [2] sớm có từ trước,
cũng như với những bản văn của đạo Jain thời cổ, đem cho một hình ảnh giàu có hơn
nhiều về ý nghĩa của ngài, đặc biệt là khi thấu hiểu được hiệu dụng của sự châm
biếm và mỉa mai của ngài. Do ngẫu nhiên, nhiều những ám chỉ có tính biểu tượng
của đức Phật chỉ có thể được tìm thấy trong những phiên bản Pali của những kinh
điển còn sót lại, quyển sách này xác định sự quan trọng của kinh điển Pali như
chứng cớ.
Mặc
dù đức Phật đã dùng ẩn dụ rất rộng rãi, nhưng ngài đã không dựng những lập luận
của ngài trên những ẩn dụ như những nhà tư tưởng thời trước ngài: khả năng của
đức Phật với sự trừu tượng hóa đã là một bước tiến khai mở cho trí thức. Sự
chuyển hóa những ý tưởng cổ về tái sinh và hành động của con người (karma) sang
bình diện đạo đức con người của ngài đã cũng là một bước tiến khai mở cho văn
minh. Lý thuyết về karma của đức Phật
là trung tâm lôgích với tư tưởng của ngài. Karma là một tiến trình, không phải
là một sự việc; hơn nữa, nó không là ngẫu nhiên và cũng không hoàn toàn tất định.
Những ý tưởng này về Karma mà ngài đã khái quát hóa cho mọi thành phần của kinh
nghiệm hữu thức – ngoại trừ Nirvāṇa, sự giải thoát khỏi chuỗi kinh nghiệm đó. Về
mặt đạo đức, karma đã cung cấp cả hai: một nguyên lý của cá thể hóa và sự khẳng
định trách nhiệm của cá nhân về vận mệnh của chính mình.
Quyển
sách được viết dựa trên Loạt bài Thuyết trình Numata vốn tôi đã được mòi trình
bày, tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi, Đại học London, mùa thu năm
2006. Tôi đã có mười bài thuyết trình dưới đầu đề “Nguồn gốc và Ý nghĩa của những
Ý tưởng của đức Phật”. Tôi vô cùng cảm ơn Quỹ Numata, Bukkyo Dendo Kyokai, đã
tài trợ cho những bài thuyết trình; những người chủ trương quĩ này là những nhà
bảo trợ lớn nhất cho sự nghiên cứu đạo Phật trên thế giới. Tôi cảm ơn Tiến sĩ
Tadeusz Skorupski và Tiến sĩ Kate Crosby đã mời tôi. Những bài thuyết trình được
mở ra cho công chúng, và tôi đặc biệt biết ơn những thành viên của những người
nghe, họ đã đến từ nơi rất xa, và đặt những câu hỏi xuất sắc, một số trong số
đó, tôi hy vọng, cho tôi khả năng để cải tiến tài liệu của tôi.
Giống
như loạt bài thuyết trình, quyển sách có tham vọng trong việc nhắm tới hai đối
tượng người đọc. Nó có chứa nhiều những điều mới, vì vậy tôi dám mong có hy vọng
nó sẽ gây quan tâm, có lẽ ngay cả kích động, những nhà chuyên môn trong lĩnh vực.
Tuy nhiên, nó cũng nhằm mục đích tiếp cận một công chúng rộng rãi hơn – trong thực
tế, với bất cứ ai có quan tâm xa gần đến đạo Phật – mặc dù nó không hoàn toàn phục
vụ cho những ai là người vẫn còn chưa biết – cù bất cứ một gì – về những giảng
dạy của đức Phật. Tôi đã không dùng hết chỗ dành cho quyển sách này vào việc
cung cấp những kiến thức sơ đẳng vốn có thể được thu thập từ bất kỳ tác phẩm
tham khảo khác nào – hoặc tốt hơn nữa, có lẽ, từ những quyển sách như Những gì đức Phật đã dạy của Walpola
Rahula, hay The Buddha Way của H.
Saddhatissa. Mặt khác, tôi đã gồm, để dễ dàng tham khảo, bản văn của một tài liệu
được phân phát tại chỗ của loạt bài giảng, với tựa đề ‘Kiến thức Cơ bản’.
Như
tôi giải thích đầy đủ hơn dưới đây, tôi đã cố để làm quyển sách có thể được dễ tìm
đọc bằng cách không dùng những từ ngoại ngữ trong phần bản văn khi nó hoàn toàn
không cần thiết, nhưng cũng có những chỗ tôi không thể truyền tải thông điệp của
mình mà không thảo luận những từ Pali với chi tiết. Tôi hy vọng rằng những thảo
luận đó sẽ không làm nản lòng những ai không là những nhà ngôn ngữ học; họ không
nên. Tôi đã dùng từ có chữ đầu viết hoa cho một số từ tiếng England để chỉ rằng
chúng là những phiên dịch tiêu chuẩn của những thuật ngữ Pali cố định.
Nhan
đề của quyển sách này là một cử chỉ tỏ lòng tôn kính với cố Hòa thượng Tiến sĩ
Walpola Rahula, người đã dạy tôi nhiều những gì tôi hiểu về đạo Phật thời kỳ đầu.
Tôi tin rằng nó sẽ không bị hiểu sai lạc nếu đồng thời tôi cũng thú nhận rằng không
chỉ muốn bổ sung quyển sách của ngài bằng cách giải quyết chủ đề này nhiều hơn
từ góc độ lịch sử, nhưng ngay cả trong một chủ đề, nirvāṇa, mạo hiểm để làm rõ ràng những gì tôi sợ là một sự trình
bày có phần nào còn chưa được sáng tỏ.
Quyển
sách này có chủ định để đọc từ đầu đến cuối, chứ không phải chỉ đọc lược qua,
vì nó có một số những luận chứng rất phức tạp và xây dựng lên dần qua sưu tập và
chứng minh cho trường hợp của kết hợp nhất quán chặt chẽ của đức Phật và rực rỡ
lỗi lạc của đức Phật như một nhà tích tập tư tưởng. Tuy nhiên, người đọc có thể
tìm thấy một hướng dẫn ngắn gọn hữu ích về nội dung của nó.
Sau
những nhận xét dẫn nhập để mở đầu, hai chương đầu tiên chủ yếu là về karma.
Chương 3 và 4 sau đó giải quyết với những nền tảng của đạo Brahmā và đạo Jain với
những ý tưởng của đức Phật.
Chương
5 cho thấy một số những khái niệm chính của đức Phật liên quan như thế nào với
những khái niệm trong Upanişads và như
thế chúng liên quan thế nào với nhau.
Chương
6 là một nghiên cứu chuyên biệt về một chủ đề rất quan trọng, quan điểm của đức
Phật về thương yêu và từ bi; nó có cao vọng cho thấy bằng thí dụ, như một nhà sử
học về những ý tưởng, cách giải quyết của tôi có thể chiếu một tia sáng mới
trên suy nghĩ của đức Phật. Chương 7 sau đó thảo luận phương pháp tôi đã cho
thí dụ trong chương 6, và đưa ra quan điểm của tôi về bằng chứng cho những gì
tôi đang nói. Tôi nhìn nhận rằng không giải thích phương pháp của tôi cho đến
khi đã nửa chừng trong quyển sách là điều bất thường, nhưng tôi hy vọng nó vẫn giữ
mọi người tiếp tục đọc.
Ba
chương kế tiếp, từ 8 đến 10, trình bày những gì tôi coi là những ý tưởng chính
yếu nằm chìm dưới những giảng dạy của đức Phật; ngay cả người ta có thể gọi
chúng là ‘triết học’ của ngài. Tôi đã muốn làm cho bản văn của tôi có thể tiếp
cận được như Những gì đức Phật đã dạy,
nhưng ở đây ít nhất tôi chắc chắn đã thất bại, vì tôi phải đối ứng với một số
những ý tưởng phức tạp và không quen thuộc. Nếu bất kỳ người đọc nào có cảm thấy
chán nản khiến phải buông sách xuống, tôi hy vọng rằng dù sao đi nữa họ sẽ kiên
nhẫn với những chương còn lại, vì những chương này không chỉ đầy màu sắc mà còn
(đặc biệt là chương 11) quan trọng để tìm hiểu về não thức và nhân cách phi thường
của đức Phật. Trọng tâm của chủ đề về karma trong tư tưởng của đức Phật được
duyệt xét tổng kết trong chương cuối cùng.
Đi
đến những ý tưởng của riêng tôi, tôi đã mang nhiều những gánh nợ trí thức rất lớn
lao, trước hết là Joanna Jurewicz và Sue Hamilton. [3] Tôi ý thức được rằng
bản văn của tôi không truyền đạt đầy đủ món nợ tôi có với những thị kiến sâu xa
của Sue Hamilton như thế nào; đặc biệt là tôi đã cảm thấy thích hợp để dành nhiều
không gian cho sự nhận thức trong chương 10, tôi đã trích dẫn từ công trình của
bà rất dài. Minh giải của bà rằng đức Phật luôn luôn nói về kinh nghiệm thì hòa
âm đẹp đẽ với công trình trước đó của Joanna Jurewicz về ‘Tụng ca Sáng tạo’ (Hymn of Creation)
của Ŗg Veda, [4] trong đó bà cho thấy
từ những ghi chép về tư tưởng khởi đầu của India, hiện hữu và ý thức [5] đã quấn bện vào nhau
như thế nào. Mặc dù đức Phật đã tháo gỡ chúng ra, triết lý của kinh nghiệm này,
như người ta có thể gọi nó, đã ảnh hưởng ngài rất sâu xa. Những khám phá khác của
Joanna Jurewicz cũng không kém quan trọng. Không chỉ bà đã mở khóa được những ẩn
dấu của ý nghĩa ban đầu của chuỗi những duyên khởi [6]. Sự khám phá của bà
về tin tưởng vào sự tái sinh trong Ŗg
Veda cũng làm cho toàn bộ lịch sử tôn giáo ban đầu của India trở nên có thể
tin cậy được và mạch lạc chặt chẽ hơn. Tôi tự hỏi liệu có bất kỳ học giả độc nhất
nào khác trong vòng 100 năm qua đã làm được một đóng góp quan trọng như thế cho
lĩnh vực này.
Tôi
cũng phải đặc biệt nhắc đến những sinh viên tương đối gần đây của tôi là Noa
Gal Roilkin và Alexander Wynne. Những giáo sư không thể có phần thưởng nào lớn
hơn là tìm thấy những sinh viên của họ vươn lên cao hơn bởi đứng trên vai của họ.
Đây là trung tâm đối với tiến trình của suy đoán và phản bác vốn tôi xem như
cách duy nhất để tiến tới trước.
Kiến thức Cơ bản
Khuyên
bạn đọc nhanh, lướt qua tài liệu này và sau đó dùng nó để tham khảo.
Những Ngôn Ngữ
Sanskrit (S): có gốc ở India.
Đây là một ngôn ngữ Indo-Europe, và do đó có liên hệ với tiếng England. Những bản
văn cổ nhất viết bằng Sanskrit đã đi ngược thời gian, đến hai nghìn năm TCN,
nhưng qua một truyền thống truyền miệng (do đó rất khó để định năm tháng); chữ
viết đã đầu tiên dùng ở India trong thế kỷ III TCN. Những bản văn cổ nhất được
gọi là Vedas (xem dưới đây) và được những brahmin,
phái nam của một giới tu sĩ truyền thừa, gìn giữ như thiêng liêng
Prakrit: là thuật ngữ của India
cho những ngôn ngữ trực tiếp có nguồn từ Sanskrit. Những bản khắc trên đá lâu đời
nhất, thấy trên khắp India rộng lớn, được hoàng đế Asoka dựng vào giữa thế kỷ III
TCN, là bằng tiếng Prakrit. Một số từ trong Prakrit cũng giống như trong
Sanskrit.
Pali (P) là một ngôn ngữ Prakrit. Không chính xác là ngôn ngữ mà đức Phật đã
nói, nhưng khá gần với nó. Những bản văn thiêng liêng của truyền thống Theravada,
còn được gọi là đạo Phật miền Nam, tạo thành tàng kinh điển Pali. Mặc dù không
thể không thay đổi theo thời gian, một số bản văn này phải là bằng chứng cổ nhất
của chúng ta cho đạo Phật.
Để biết thêm về Pali, xem bài giới thiệu của tôi, có tựa
đề “Pali là gì?”, trong Ngữ pháp tiếng Pali của Wilhelxn Geiger
(1994).
Vài Dữ
liệu Cơ bản về đạo Phật
Tam Bảo
Đạo Phật gồm ‘Tam Bảo’ (ba viên ngọc quí/báu): đức Phật,
Giảng dạy của ngài, và Tăng già. Cũng còn được gọi là ‘Ba Nương Tựa, có nghĩa
là những người đạo Phật dựa vào đấy, đặt tin tưởng vào đấy. Mặc dù nhiều người
không thích gọi đạo Phật là một ‘tín ngưỡng’, nhưng không phải là không công bằng
khi nói rằng những người đạo Phật có đặt những tin tưởng vào Tam Bảo.[7]
Đức Phật [Buddha (S / P)] : thì nói cho đúng, là một ngôi vị. Theo nghĩa
đen, nó có nghĩa là người ‘đã Tỉnh thức’ nhưng chúng ta có khuynh hướng dùng như
người ‘đã Giác ngộ’. Họ của ngài là Gotama (P).
Những người ngoài đạo Phật chỉ đơn giản coi đức Phật
là người sáng lập đạo Phật. Đối với người đạo Phật, ngài đã tái-sáng lập nó
trong khu vực và thời kỳ của vũ trụ mà chúng ta đang sống; cũng có những đức Phật
tương tự khác, những vị này cũng làm như vậy khi và/hoặc nơi mà đạo Phật đã bị
tuyệt.[8]
Pháp [Dhamma (P) hay Dharma (S)] là những gì đức Phật đã dạy
(theo những người đạo Phật: Tất cả những gì những đức Phật dạy). Thuật ngữ có
nhiều cách dùng và nhiều cách dịch, tùy theo nội dung câu văn. Nó vừa mang tính
mô tả và có tính quy phạm, luật (vận hành) của vũ trụ.[9]
Dhamma dịch là ‘Phật pháp/đạo Phật’ (hay Pháp) [10]nếu như từ này này có nghĩa là hệ thống những ý tưởng. Đối với ‘đạo Phật’
như là một hiện tượng thực nghiệm lịch sử, người đạo Phật dùng một từ khác, sāsana (P) hoặc śāsana (S) (nhấn âm tiết đầu) [11]. Từ này cũng có nghĩa là ‘giảng dạy’, nhưng “hệ thống tôn giáo” giữ ý định
được tốt hơn. Như thế, một vị Phật tìm thấy một sāsana, nhưng dhamma là một
tập hợp gồm những sự thật, vĩnh cửu nhưng đôi khi bị quên mất.
Tăng già [Sańgha (S / P)] có nghĩa là ‘cộng
đồng’.[12] Thuật ngữ này cũng có nhiều chỗ dùng, nhưng chúng không khó để phân biệt.
Đức Phật có thể ban đầu đã dùng nó để chỉ tất cả những ai là người theo ngài đã
đạt đến giai đoạn đầu tiên của sự tiến bộ tinh thần. Nhưng đến nay, cách dùng
thông thường nhất của nó là để chỉ những người đã được thọ giới: chư tăng, ni
cô và sa di của cả hai giới. (Tuy nhiên, trong Theravada chính thống, tăng thân
phái nữ đã không còn nữa). Thuật ngữ này có thể đề cập đến cộng đoàn tu viện như
một toàn thể, hoặc cho một cộng đồng địa phương cụ thể.
Tăng đoàn được cai quản bằng những qui luật, được gọi
chung là Vinaya (S / P) ‘giới luật’ [13]. Thuật ngữ này có thể đề chỉ những quy tắc hoặc những bản văn có chứa
những quy tắc đó.
Những bản
văn nền tảng
Tàng kinh Pali chép bằng tiếng Pali gọi là TiPiṭaka, “Ba giỏ”. Chúng (theo thứ tự
quan trọng) gồm:
1. Vinaya Piṭaka,
những quy tắc cho giới Tăng già, cho cả những cá nhân và cho toàn thể cộng đồng.
Hai bộ luật kỷ luật dành cho những cá nhân (một cho phái nam, một cho phái nữ)
được gọi là pātimokkha (P) / prattimokşa (S). Mặc dù phần lớn của Vinaya Piṭaka là một bình luận về những
quy tắc này, như thế khiến chúng được đặt chung vào trong nó, nhưng nói cho
đúng thì chúng đứng bên ngoài tàng kinh điển; chúng có một tư thế tối cao, vì một
người không được truyền thừa, nhập giới đầy đủ (ít nhất trong lý thuyết) nếu
không thuộc lòng pātimokkha.
2.
Sutta Piṭaka. Sutta (P), sūtra (S).
Sutta là một bản văn, văn xuôi hoặc văn vần, hoặc cả hai, chứa đựng những Giảng
dạy. Phần lớn là trong một khung cảnh tường thuật. Bộ sưu tập chính của những
bài thuyết pháp của đức Phật là trong bốn Nikāya,
bộ sưu tập được sắp xếp chủ yếu dựa trên những tiêu chuẩn hình thức.
3.
Abhidhamma Piṭaka, ‘những giảng dạy
cao hơn’, những giảng dạy được xếp đặt phân loại vào thành một sự trình bày có
hệ thống và toàn vẹn. Trong khi những trường phái đầu tiên có chung những bản
văn chính của hai Piṭaka đầu tiên,
chúng thì khác nhau trong abhidhamma
(S: abhidharma).[14]
Khi
người ta nói một gì đó giống như ‘những bản văn kinh điển ban đầu’, người ta
thường đề cập hầu hết đến Vinaya Piṭaka,
bốn Nikāya, và một ít những bản văn
khác của Sutta Piṭaka.
Bối cảnh Lịch sử và Văn hóa
Thời gian
Vì
đức Phật đã sống rất lâu trước khi chữ viết được dùng ở India, không có gì ngạc
nhiên rằng nhiều những truyền thống đạo Phật khá khác nhau về niên đại của
ngài. Kinh điển ghi chép về cái chết của ngài nói rằng ngài qua đời ở tuổi tám
mươi. Trong một thời gian, giới học thuật thời nay đã định năm tháng này là 483
TCN, hoặc trước sau gần đó và niên đại này vẫn còn được tìm thấy trong nhiều
tác phẩm tham khảo. Nhưng nó vẫn còn quá sớm. Năm ngài qua đời phải là khoảng
năm 405 TCN.
Để
biết thêm chi tiết, bao gồm cả giải thích về những giới hạn của độ chính xác có
thể, hãy xem bài “Niên đại đức Phật: hé mở một manh mối đã làm lạc chú ý”,
trong Sự định niên đại của đức Phật lịch
sử / Die Datierungdes historischen Buddha, Phần 2 (Symposien zur
Buddhismusforschung, IV, 2 ), Heinz Bechert, người biên tập (Gottingen:
Vandenhoeck và Ruprecht, 1992), trang 237-59. Cho một giải thích với ít chuyên
môn hơn, hãy xem bài “Khám phá năm-tháng của đức Phật”, trong Lakshman S.
Perera (ed.), đạo Phật cho kỷ nguyên mới,
London: Tổ chức đạo Phật Thế giới, 2000, trang 9-25.
Hoàng
đế Asoka, người có công lớn cho sự truyền bá rộng rãi đạo Phật, đã cai trị
India từ năm c. 269 đến c.231 TCN.
Không gian
Đức
Phật đã ra đời trong vùng gần với biên giới ngày nay giữa India và Nepal, vốn
khi đó chưa có, trong một bộ tộc gọi là Shakyas. Ngài đã trải qua cuộc đời của
mình trong phần của vùng Đông-Bắc India, hiện nay gọi là Bihar (tên này bắt nguồn
từ từ ngữ đạo Phật có nghĩa ‘tu viện’) và vùng Đông của Uttar Pradesh. Thành phố
Benares ngày nay (Varanasi trong những ngôn ngữ India) khi ấy đã có rồi; Patna
(tên xưa: Pataliputra), vốn sẽ là của kinh đô của Asoka, đã được thành lập
không lâu sau thời của ngài.
Môi trường xã hội
Đức
Phật đã sống khi những thành phố đầu tiên đã đang xuất hiện ở India. (Chúng ta
bỏ qua nền văn minh có trước-lịch sử ở Thung lũng sông Indus) Với điều này, n nổi
lên hững nhà nước lớn hơn và có tổ chức hơn, hầu hết là những vương quốc, và một
sự gia tăng lớn về thương mại, dẫn tới việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài
India.
Một
hệ thống tôn giáo và văn hoá phức tạp đã từng được những người theo đạo Brahmā
trình bày rõ ràng xong xuôi. Tuy nhiên, giới lãnh đạo của họ đã bị những giai tầng
chính trị và thương mại mới thách thức, đó là những người có khuynh hướng ủng hộ
những vị thày không-chính thống. (‘Heterodox’ có nghĩa là không chấp nhận thẩm
quyền của Vedas, và do đó sự diễn giảng của giới tu sĩ đạo Brahmā). Vị đồng thời
với đức Phật là Mahāvira, ngài đã là một trong số những người này; ngài đã giảng
dạy, mặc dù ngài không thành lập đạo Jain, một tôn giáo vẫn còn đến ngày nay.
Xem
thêm tập sách của tôi: đạo Phật
Theravada: một Lịch sử Xã hội, 2nd edition. London: Routledge, 2006, Chương
2 và 3.
Tôn giáo và xã hội brahmin
Hệ
ý thức của những brahmin đưa ra một cấu trúc xã hội có thứ bậc mà chúng ta gọi
là “hệ thống giai cấp”. Theo đó, xã hội có bốn strata, vốn họ gọi là ‘những màu sắc’ (S: varņa). Những brahmin (S: brāmaņa)
ở trên tầng cao nhất, sau đó đến tầng lớp quý tộc (S: kşatriya hay rājanya), rồi
đến vaişya, gồm những người ban đầu
làm nghề chăn nuôi gia súc và làm ruộng, nhưng vào thời của đức Phật, chủ yếu
là những nhà buôn, và cuối cùng đến sūdra,
những thợ thủ công và thợ thuyền lao động. Lại còn dưới tất cả những giai cấp
này là những người bị ‘mọi giai cấp ruồng bỏ’, [15] những người, theo lý
thuyết, đã liên quan với việc làm không sạch sẽ, có dính líu với xác chết và /
hoặc phân. Lý thuyết đạo Brahmā này, lần đầu tiên được đề cập đến trong quyển
sách thứ mười của Ŗg Veda. Những nhà
vua, theo lý thuyết, đã được cho là người thực thi những quy tắc của nó. Tuy nhiên,
trong thực tế, việc cưỡng chế đã luôn luôn là rất nhiều thay đổi khác nhau rất
nhiều.
Văn
học tôn giáo thời kỳ đầu của đạo Brahmā thì rất rộng lớn. Tất cả đều mang tên Veda, có nghĩa là ‘tri thức’, và tất cả
đều thuộc một loại Sanskrit cổ (nhưng không đồng nhất). Nó được phân loại theo
từng thể loại và ở một mức độ nào đó những thể loại cũng tạo thành một trình tự
thời gian. Thể loại lâu đời nhất đôi khi được biết đến ở phương Tây như những Vedas, điều này gây nhầm lẫn. Ŗg Veda, một bộ sưu tập của 1028 bài
thánh ca, là bản văn cổ nhất trong thể loại này. Thể loại / tầng lớp mới nhất
là của Upanişads; Chúng được sáng tác
qua nhiều thế kỷ; lâu đời nhất và dài nhất là Brihad-āranyaka Upanişad, chắc chắn đức Phật
có biết đến, mặc dù không nhất thiết đúng như dạng hiện tại của nó, vì vậy nó
phải có trước những năm 500 TCN.
Những truyền thống đạo Phật
Có
hai truyền thống chính của đạo Phật trên thế giới hiện nay: Theravada và Mahāyāna.
Theravada là một từ Pāli (Theravāda)
có nghĩa là ‘Học thuyết của những Trưởng lão’. Mahāyāna là một từ Sanskrit (Mahāyāna) và có nghĩa là ‘Con Đường Lớn’ hoặc ‘Cỗ
Xe Lớn’ – nó thì tối nghĩa. Đạo Phật Theravada, Theravada, chỉ thừa nhận thẩm
quyền của kinh điển Pali. Mahāyāna, Mahāyāna khởi lên từ đầu thời Kitô và tôn
kính nhiều những bản văn khác. Theravada chiếm ưu thế ở hầu hết (không phải tất
cả) Nam và Đông Nam Á, Mahāyāna ở Đông và Trung Á. Có những chi tiết khác nữa nhưng
đều không cần cho quyển sách này.
Những
chữ Viết tắt
AN Ańguttara Nikāya
BĀU Brhad-Ānraņyaka Upanişad
Ch. Up. Chandogya Upanişad
Dhp. Dhammapada
Dhs. Dhammasańgaņi
DN Dīgha Nikāya
J Jātaka
MLD Middle Length Discourses
MN Majjhima Nikāya
PED Pali-English Dictionary
RV Ŗg Veda
Ś.Br. Śatapatha Brāhmava
SN Saṃyutta Nikāya
Snip. Suttanipāta
Thg. Therīgāthā
Ud. Udāna
Vin. Vinaya Piṭaka
Vism. Visuddhimngga
Chương 1
GIỚI THIỆU
Động
cơ để tôi viết quyển sách này đã chủ yếu đến từ hai tình cảm: ngưỡng phục và bứt
rứt khó chịu.
Sự
ngưỡng phục của tôi là dành cho đức Phật, người tôi cho là một trong những
nhà tư tưởng vĩ đại nhất – và một trong những nhân cách vĩ đại nhất – của những
người mà chúng ta đã ghi chép trong lịch sử loài người. Xếp hạng con
người theo thứ tự tài trí xứng đáng là một sự theo đuổi phù hợp chỉ với
những trò chơi chữ nghĩa trong phòng khách gia đình [16], nhưng tôi chủ
trương rằng đức Phật thuộc cùng một lớp với Plato và Aristotle, những
khuôn mặt khổng lồ, những người đã tạo ra truyền thống triết học phương
Tây. Tôi nghĩ rằng những ý tưởng của ngài nên làm thành phần của sự
giáo dục cho mọi trẻ em trên toàn thế giới, và rằng điều này sẽ giúp vào
việc làm thế giới trở thành một chốn văn minh hơn, vừa thuần nhã, hòa dịu
hơn vừa khôn ngoan lịch lãm trí tuệ hơn.
Điều
này không có nghĩa là tôi nghĩ rằng tất cả những ý tưởng của đức Phật đều đúng. Với
khoảng cách giữa đức Phật và tôi trong thời gian và không gian, sẽ là điều
phi thường nếu tôi đã nghĩ thế. Tôi không đồng ý với một vài trong số
những lý thuyết của ngài và không đồng thuận với tất cả những giá trị ngài đưa
ra. Do đó, tôi không tự gọi mình là một người đạo Phật. Tuy
nhiên, tôi tin rằng sự hiểu biết về những ý tưởng của ngài làm tôi ít nhất
cũng là một người hết sức chân thành ngưỡng mộ đức Phật như hàng triệu người
xác định là những người đạo Phật. Hơn thế nữa, sự ngưỡng mộ của tôi kéo
dài rất xa đến nhiều những gì những người sinh ra trong truyền thống đạo
Phật nghĩ và làm. Và phần đáng ngưỡng phục đó của truyền thống đạo
Phật, hoặc những truyền thống nếu bạn muốn, quay ngược trở lại, theo quan điểm
của tôi, về chính đức Phật.
Những
truyền thống đó của đạo Phật, đã kéo dài trong hơn hai nghìn năm trăm năm, và
đã mở rộng trên một khu vực địa lý quá bao la, đa dạng như vậy, khiến một
số học giả xem thường chính khái niệm rằng người ta có thể nói về ‘đạo
Phật’, và nhấn mạnh vào việc dùng từ này trong những dấu ngoặc, nếu nó tất
cả phải đã đem dùng. Tôi không đồng ý. Đã chấp nhận như một hiện
tượng nhân văn, đạo Phật chính nó là đối tượng của câu thành ngữ của
đức Phật rằng ‘Tất cả những sự vật việc do kết hợp mà có đều là vô thường’
[17]. Sẽ thật ngạc
nhiên nếu trong một thời gian dài như vậy, khi nó chuyển đến những vùng và
những văn hoá khác nhau, nó đã lại không trải qua những thay đổi lớn
lao; tương tự như đã xảy ra với mọi truyền thống của con người. Nhưng
nhà sử học nên có khả năng dõi theo mọi nhánh của truyền thống ngược về
một nhánh khác, cho đến khi chúng ta đi đến thân và gốc, là chính đức
Phật. Thay đổi ẩn dụ từ cây cối sang những giòng sông: trên dòng chảy
của chúng, những dòng nước khác nhau của đạo Phật truyền thống đã được nối
lẫn và pha trộn với những dòng nước từ những văn hoá khác, mà ảnh hưởng của
chúng vả chăng cũng phải được phân tích. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng
trong hầu hết những truyền thống – hoặc ít nhất là trong những truyền thống có
bản văn, vốn đã làm được nhiều nhất để định hình lịch sử loài người – nó
là những gì có nguồn gốc của nó từ đạo Phật cổ xưa vốn vượt trội hơn rất
nhiều.
Nhiều
người sẽ giữ thái độ hoài nghi. Họ có thể đồng ý rằng Tăng đoàn đạo Phật
gồm những nhà sư nam và nữ, Sańgha, là cơ chế tổ chức lâu đời nhất trên trên thế giới, và
dễ dàng nhìn nhận như vẫn là một tổ chức từ thời này sang thời khác, và đất
nước này sang đất nước khác; nhưng họ có thể phản đối rằng ngày nay, những
tin tưởng đạo Phật thì nhiều đủ loại và khác nhau đến thất vọng, và hỏi tại
sao. Tôi tin rằng tôi có một trả lời. Đức Phật đã là khởi đầu sáng tạo
nguyên thủy. Nhiều ý tưởng của ngài đã được thành hình để phản bác
những ý tưởng lưu hành trong thời của ngài, nhưng để trực tiếp đối thoại hiệu
quả, ngài chắc chắn dùng ngôn ngữ của những đối lập của mình, vì đã không
có gì nào khác. Như tôi sẽ giải thích ở nhiều điểm trong quyển sách
này, ngài rót những nghĩa mới vào những thuật ngữ cũ. Điều này không
tránh khỏi đã dẫn đến những hiểu lầm, đặc biệt trong số những ai là người đã
biết chỉ một phần hay mặt ngoài những giảng dạy của ngài.
Hãy
để tôi đưa ra một thí dụ nổi bật. Lập đi và lập lại, tôi tìm thấy trong
giảng dạy và trong những ấn phẩm của những đại học India thời nay, đã truyền bá
quan điểm rằng đức Phật đã dạy hầu như cũng hoàn toàn giống Upanişads, những bản văn thiêng
liêng đối với những brahmin, và chỉ khác biệt một cách đáng kể với thánh
thư này trong sự tấn công hệ thống giai cấp. Điều này phát sinh từ sự kiện
rằng những đối kháng hệ ý thức chính của đức Phật đã là những brahmin với những
quan điểm Upanişad, vì thế ngài đã dùng những thuật ngữ riêng của chính họ để
tấn công họ. Hơn nữa, những tấn công đó được thực hiện chủ yếu bằng
cách dùng ẩn dụ và mỉa mai chê cười, khắc ghi rất tinh tế trong những đầu óc
cởi mở. Để minh họa điều này sẽ là một trong những chủ đề chính của quyển
sách này.
Nhưng
có nhiều những điều cần hơn để nói. Trong nhiều trường hợp, đức Phật
không đặt cùng những câu hỏi tương tự như những đối lập của ngài, hoặc quả
thực như những người tiếp nối của những đối lập của ngài ở India hàng trăm
năm sau. Ngài đã không luôn luôn theo những luật lệ không-nói-ra của những
gì triết học, hoặc tư tưởng có hệ thống, đã được giả định để là phỏng
chừng như thế. Tự nhiên, điều này dẫn đến những hiểu lầm sau khi ngài
chết, ngay cả trước khi đạo Phật được cấy trồng ở những nước ngoài India
bao la. Một thí dụ nổi bật khác có thể làm rõ điều này. Truyền
thống tư tưởng Veda chính thống, đã rất quan tâm đến những vấn đề hữu thể
học: những gì tồn tại, hay hiện hữu, hay là-có?
Đức Phật đã nói rằng đây là một câu hỏi đặt sai. Nhưng điều này đã là quá
cao, quá sức cho những người theo ngài. Một trường phái lớn, abhidharma, đã đem cho những giảng dạy
của ngài một diễn giải Duy thực [18]; một trường
phái khác, Vijñānavāda, một diễn giải
Duy ý [19] ; có thể rút ra
cả hai diễn giải này từ tàng kinh điển ban đầu, đặc biệt là nếu người ta
nêu bật một số bản văn và bỏ qua những bản văn khác. Thực sự có những
bản văn, nếu được tiếp nhận trong cô lập, có vẻ tối nghĩa, không rõ ràng
về chính vấn đề này.
Trước
khi đã có nhiều thế kỷ trôi qua, những sự việc đã đi xa hơn ngay cả điều
này. Khi đạo Phật đã đến nước Tàu, những khó khăn lớn của việc dịch
những bản văn tiếng India sang tiếng Tàu, những khó khăn vừa cả hai: của một
đặc tính dân tộc thực tiễn và kế thừa trong sự khác biệt rộng lớn giữa những
văn hoá của hai nước, chẳng bao lâu đã đưa đến tư tưởng thần bí, hay huyền
học: huyền học theo ý hướng rằng những lời Phật dạy đã được quả quyết là
vượt qua lý tính, và là không diễn tả được trong ngôn ngữ. Mặc dù không
phải là lập trường duy nhất, quan điểm này đã từng là ưu thắng, chi phối
đạo Phật Viễn Đông, đặc biệt là trong trường phái được biết đến ở phương Tây,
qua tên gọi Japan của nó, Zen. Trong
khi tôi sẽ cho thấy trong quyển sách này rằng tôi đồng ý rằng đức Phật đã tán
thành mục tiêu của đời sống tôn giáo để là một kinh nghiệm vốn ngôn ngữ
không có sức mạnh để diễn tả hết, tôi mạnh mẽ không đồng ý với những diễn giải
về những giảng dạy của ngài, dĩ nhiên được diễn tả bằng ngôn ngữ, như
là huyền bí theo nghĩa thô thiển của sự bất chấp lôgích thông thường.
Do
đó tôi cho rằng một giải thích thành công về đức Phật sẽ làm rõ ràng không
chỉ những ý tưởng ngài đã diễn tả, nhưng cũng như thế nào những ý tưởng đó tự
chúng đem cho những diễn giải khác nhau vay mượn, vốn trong thực tế lịch
sử đã chứng thực. Đức Phật như thế sẽ đứng như nguồn cho một lịch sử thành tựu
của những ý tưởng của đức Phật – mặc dù để biên soạn một lịch sử như vậy,
ngay cả chỉ phác thảo, có thể là vượt quá những khả năng của bất kỳ học
giả đơn độc nào. Thêm nữa, đó phải là điều vượt quá phạm vi của quyển sách
này.
Sự
Hiểu lầm và sự Thâm sâu Giả tạo
Những
đoạn văn trên có thể cho người đọc một gợi ý đầu tiên của lý do một trong những
động cơ thúc đẩy tôi để viết là sự bứt rứt khó chịu. Tuy nhiên, tôi có
thể đặt vấn đề ngay cả còn gãy gọn rõ ràng, không quanh co hơn từ một góc
nhìn khác. Tôi tìm thấy những ý tưởng của đức Phật khôn ngoan lịch
lãm và mạnh mẽ vô cùng, một công trình của bậc thiên tài. Tôi không
nghĩ rằng những ý tưởng mạnh mẽ đó, được hiểu đúng, lại rất phức tạp hay
khó khăn để nắm vững. Tuy nhiên, những người đạo Phật và người ngoài đạo
Phật như nhau đều khăng khăng trong cách nhìn những tư tưởng của đức
Phật như vô cùng ”thâm sâu” theo nghĩa của phức tạp và do đó phải rất
khó khăn mới có thể hiểu được. Tôi không chia sẻ quan điểm này.
Cũng
giống đúng như sự chú giải theo truyền thống của bốn quyển sách về đời Jesus đã
không nhận vào nhiều giải thích từ bối cảnh dân tộc và đạo Juda của Jesus, sự
chú giải theo truyền thống về đức Phật đã hoạt động hầu như trong sự hoàn
toàn thiếu hiểu biết về bối cảnh lịch sử của ngài. Rốt cục, nếu như ngài đã
giảng dạy những chân lý vĩnh cửu, bối cảnh lịch sử đã không hiện ra như có bất
kỳ liên quan nào! Điều đó có thể tha thứ cho cách giải quyết ‘mắt nhắm mắt
mở’ của những nhà bình luận buổi đầu, nhưng nó sẽ không dùng được cho những học
giả thời nay. Những phát biểu, hiển nhiên, được dẫn đến ý nghĩa của chúng phần
lớn từ bối cảnh nội dung. Thế nên, để hiểu những gì bất cứ một người
nào nói, đặc biệt nếu nó vượt quá sự tầm thường giản dị, người ta cần phải
cố gắng để tái tạo nội dung lịch sử của nó.
Tôi
đã có những bước đầu tiên theo hướng này trong những chương đầu của quyển
sách của tôi: đạo Phật Theravada: Một
Lịch sử Xã hội, và đã đi xa hơn trong quyển sách tiếp theo của tôi, đạo Phật đã Bắt đầu Thế nào. Tôi sẽ
đi theo cùng một lối đi trong quyển sách này; điều này sẽ dẫn đến
việc tôi lập lại chính tôi một chút, nhưng tôi hy vọng không quá
nhiều. Phương pháp của tôi do đó là phương pháp lịch sử.[20]
Hầu
hết những sách do giới học giả hàn lâm viết – và tôi thú nhận rằng tôi là một
trong những người đó – cảm thấy rằng họ phải bắt đầu bằng một chương nói về
những gì họ gọi là phương pháp luận, nghĩa là ‘Tôi đã bắt đầu thế nào để
viết quyển sách này?’ Đối với những sử gia, điều này thường có nghĩa
họ tìm thấy những gì họ xem là bằng chứng liên quan như thế nào, và họ giải
quyết nó thế nào. Đối với tôi, bằng chứng của cái bánh pudding thì trong việc ăn nó, và tôi
thấy là điều nhàm chán và vô ích để đọc về một gì đó có thể hoặc đã có thể
được thực hành trên lý thuyết như thế nào, trước khi người ta đã được chứng
kiến việc thực hành. Vì lý do này, tôi thảo luận phương pháp của
tôi, nghĩa là, cách tôi dùng bằng chứng, chỉ sau khi đã qua một nửa của
quyển sách, một khi người đọc đã có một cơ hội để xem phương pháp của tôi làm
việc thế nào.
Tại
sao tôi nghĩ rằng tư tưởng của đức Phật đã từng được đánh giá quá thiếu
tương xứng như vậy? Tôi sẽ không đi quá xa để nói rằng việc đánh giá
thiếu tương xứng thì tỷ lệ với sự tôn kính; nhưng dẫu sao đi nữa có
một gì đó trong đó. Trong khi tôi cho rằng đạo Phật, nhìn chung, đã từng
là một sức mạnh lớn cho sự tốt lành trong lịch sử loài người, một thế lực tác
động văn minh, tôi nghĩ rằng việc nhìn đức Phật chỉ thuần túy như một vị
thầy tôn giáo có thể là không ích lợi. Dĩ nhiên một sự kiện thực tế
rằng ngài đã sáng lập những gì chúng ta gọi là một tôn giáo; trong
những thuật ngữ của chính ngài, quả thực, ngài đã tự xem mình như giảng dạy một
con đường đi đến giải thoát. Nhưng để nhấn mạnh chỉ điều đó có thể là một
cản trở trong những hệ thống giáo dục của ngày nay. Đương nhiên, tôi
không tranh luận rằng như một người sáng lập của một tôn giáo, đức Phật có
thể được xếp cùng với những Moses, Giêsu hay Mohammed. Nhưng chúng ta
hãy đừng vì như thế mà bỏ ngài ra ngoài danh sách những nhà tư tưởng như Plato,
Aristotle và Hume.
Thuật ngữ và Tính Trong sáng
Một
trong những người thày của tôi, Hòa thượng Tiến sĩ Walpola Rahula, được kể lại
đã nói người ta có thể dạy đạo Phật cho những người chưa biết đạo Phật nghe
trong ngôn ngữ của họ, không phải dùng bất kỳ một từ xa lạ gốc nước ngoài,
nào cả. Tôi đồng ý. Nhưng đồng thời tôi đã vẫn luôn luôn chủ trương
rằng nếu một người muốn nắm bắt hoàn toàn ý nghĩa của một bản văn của đạo Phật,
người ấy cần phải đọc nó trong ngôn ngữ gốc. Tôi nói thế có nghĩa gì?
Những
thuật ngữ then chốt trong đạo Phật – và có lẽ trong một bất kỳ hệ thống những ý
tưởng nào – không nhắc dẫn, hay trỏ về những đối tượng bên ngoài, chẳng hạn
như: mũi, cây, cốc. Nhưng chúng là những từ trừu tượng. Những
nhà ngữ học hiểu rằng có rất ít những từ có những từ chính xác tương đương trong một ngôn ngữ khác, ngoại trừ đôi
khi trong một ngôn ngữ có họ hàng gần gũi: từ ‘cốc’ (đựng nước) sẽ
không có một từ tương đương chính xác nào trong tiếng Tàu, vì người
Tàu theo truyền thống có một loạt những dụng cụ dùng trong nhà khác biệt
với những người nói tiếng England, và từ tiếng Tàu gần nhất thí dụ, có
thể, bao gồm một một phạm vi rộng hơn hoặc hẹp hơn ‘cốc’. Tuy nhiên,
một khi từ “cốc” được dùng trong một nội dung, thường không có vấn đề gì để
chuyển tải những gì nó trỏ đến, với mức độ đủ chính xác, để phục vụ những
nhu cầu của truyền thông.
Việc
dịch những từ trừu tượng thì có nhiều vấn đề hơn. Đây không chỉ vì những
thuật ngữ không có những từ tương đương chính xác trong những tiếng nước ngoài,
mặc dù trong trường hợp những từ trừu tượng, những hàm hồ và phạm vi ngữ
nghĩa của thuật ngữ có thể làm những dịch giả và những ai phụ thuộc vào
bản dịch của họ rất bối rối. Để tôi đưa ra hai thí dụ đơn giản. Tiếng
Italy coscienza có thể là ‘ý thức đạo
đức’ hay ‘tự có ý thức’. Tiếng Germany Geist
có thể là ‘hồn’, ‘tinh thần’, ‘ma’, ‘não thức’ hoặc ‘khôn lanh’. Vấn đề trở nên
khó khăn hơn nhiều khi những ý tưởng một người đang cố gắng để hiểu lại
được diễn tả trong ngôn ngữ gốc bằng cách liên hệ từ này với một từ kia, hoặc
ngay cả giải thích một này bằng những thuật ngữ của một từ khác.[21]
Bằng
chứng rộng rãi lâu đời nhất cho những ý tưởng của đức Phật, tôi chủ trương, thì
phần lớn được tìm thấy trong một sưu tập khổng lồ của những bản văn được biết
trong giới tiếng England như Tàng kinh Pali [22]. Pali là
một ngôn ngữ bắt nguồn từ Sanskrit-trước-cổ điển, và liên quan chặt chẽ với nó
– ngay cả còn chặt chẽ hơn tiếng Italy liên quan với tiếng Latinh. Nó cũng
liên quan chặt chẽ đến ngôn ngữ (cũng xuất phát tương tự như vậy từ Sanskrit)
mà chính đức Phật hẳn đã nói. Thuộc về ngôn ngữ đó chúng ta không có ghi
chép trực tiếp, vì chữ viết đã chưa dùng ở India, đến chừng mức như chúng ta có
thể nói, trong đời của đức Phật (trừ khi là đã có một hệ thống viết những
con số). Đối với hầu hết những mục đích, người ta có thể diễn giải chi
tiết đạo Phật India một cách rành mạch như nhau cho dù người ta dùng những
thuật ngữ Sanskrit hay tương đương của chúng với tiếng Pali; điều này
có một vài ngoại trừ, nhưng chúng hầu hết đều không liên quan đến nội dung
quyển sách này. Mặt khác, Sanskrit có một lịch sử rất lâu dài
và nhiều thể loại của những bản văn khác nhau, và để hiểu sâu hơn về ý
nghĩa của những từ Pali người ta cần so sánh chúng không chỉ với những từ
Sanskrit nói chung, nhưng cũng với những từ Sanskrit của thời đức Phật –
vốn được nhắc đến tổng quát như Sankrit thời cuối Veda.[23].
Từ
điểm này trở đi, thảo luận sẽ chỉ dùng những từ ngữ Sanskrit (S) và Pali
(P); mặt khác, trong nội dung bối cảnh này, không có ích trong nếu bám chỉ
vào một, hoặc S hoặc P, nhưng không đổi.
Cách đức Phật dùng Ẩn dụ
Lời
giảng dạy được ghi lại trong những sutta,
những bản văn chứa đựng những giảng dạy và những giảng luận của đức Phật,
chủ yếu chuyển đạt với những gì tiếng Pali gọi là pariyāya. [24] Nghĩa đen, từ này có
nghĩa là “đường vòng” và như vậy là ‘lối đi gián tiếp’, nhưng nó đề cập
đến một ‘cách để nói những sự vật việc’. dịch là ‘nói uẩn khúc’ [25] sẽ hầu như không
xuôi, vì như thế một cách sai lầm gợi ý về sự ‘nói lòng vòng’ dài dòng, hay ‘nói
lảng’ nói thoái thác, pariyāya chỉ về
những ẩn dụ, ngụ ngôn, dụ ngôn, về bất kỳ cách dùng nào của ngôn từ vốn thì
không hiểu theo nghĩa đen. Một bản văn được chuyển tải với pariyāya thì tương phản với một bản
văn được truyền tải không với pariyāya,
nói cách khác, với một bản văn vốn nó thì để được nhận hiểu theo nghĩa
đen. Trong những kinh điển thời ban đầu, đó là những bản văn abhidharrma vốn với ‘không pariyāya’, và như thế tuyên bố đem cho
chúng ta ý nghĩa của đức Phật theo nghĩa đen [26].
Điều
này có ý nghĩa gì với chúng ta? Nó là nhiệm vụ chính yếu của một người diễn
dịch thời nay như chính tôi, để trình bày trong ngôn ngữ của chúng ta
những gì đức Phật đã nói có nghĩa gì, theo nghĩa đen. Đem lấy bỏ đi sự
dùng hình tượng của ngôn ngữ – vốn làm đầy và làm sinh động những giảng luận
của ngài – thì chắc có thể khiến chúng thành ít sinh động và thú vị
hơn; bên cạnh đó, luôn luôn có thể tranh luận về vấn đề rằng khi nó
được thể hiện bằng một ẩn dụ thì đến mức độ nào nó có thể được chuyển tải
bằng chữ nghĩa tương đương của nó, đặc biệt khi chủ đề là nội dung tôn
giáo. Tôi có thể, dĩ nhiên, thử đưa vào những ẩn dụ của riêng tôi,
nhưng trừ khi tôi rất cẩn thận để làm rõ những gì tôi đang làm, điều này
sẽ dẫn đến liều lĩnh của sự bóp méo thông điệp, đặc biệt vì thế giới chúng
ta thì quá xa cách với của India thời cổ. Tốt hơn, tôi nên bám vào nhiệm
vụ của khai mở ra ánh sáng những gì đức Phật đã nói bằng cách nhận ra khi
nào ngài nói theo nghĩa bóng, và tốt hơn là cũng hiểu được tại
sao. Nhưng nếu chỉ đơn giản làm ngơ trước những ẩn dụ là để mất đi một
phần thiết yếu của ý nghĩa.
Phương Tiện Thiện xảo
Cách
dùng ẩn dụ của đức Phật thì liên kết với những gì đã trở thành được biết như ‘khéo
léo’ trong những Phương Tiện của ngài. Trong Mahāyāna, Phương tiện Thiện xảo
(S: upāya-kauśalya) [27] có vị thế của một thuật
ngữ chuyên môn. Thuật ngữ đó thì không được thấy trong những bản văn Pali
ban đầu, nhưng những gì nó biểu thị được tìm thấy khắp trong tất cả chúng [28] – Thuật ngữ trỏ về
sự khéo léo của đức Phật như một người truyền đạt ý tưởng. Điều này, lần
lượt, được thể hiện bởi khả năng của đức Phật để thích ứng những gì ngài
nói với những người nghe của ngài, với những thiên kiến, những kỳ vọng
và năng lực của họ. Khi gặp những người không là người đạo Phật, đức
Phật hầu như không bao giờ bắt đầu một thảo luận hoặc khởi đầu bằng cách
đưa ra những quan điểm riêng của ngài. Như T.W. Rhys Davids đã chỉ ra một
trăm năm trước đây [29], “điều này nhắc
chúng ta đến Socrates, người luôn luôn có những đàm thoại diễn tiến bằng cách
hỏi phía bên kia trình bày quan điểm của họ. Khi người đối thoại của đức
Phật đã nói xong, kỹ thuật thông thường của đức Phật là đồng ý – và sau đó
tiếp tục. Ngài nói, ‘Vâng ... và ...’.
Đây
là một nghệ thuật tuyệt vời trong mặc cả buôn bán hay sách lược ngoại giao, từ
đó bất cứ ai cũng có thể học được. Đức Phật tránh một lập trường đối
địch. Những gì ngài làm sau thỏa thuận ban đầu của mình là để nhận những
gì đã rõ ràng được đồng ý và lật nó trở ngược. Một trong những cách chính
của ngài để làm thế, là làm cho những từ của người đối thoại với ngài mang
một nghĩa gì đó khá khác biệt.
Cách
thức trong đó đức Phật truyền ý nghĩa mới vào trong những từ ngữ đã chấp
nhận thì rất táo bạo khiến trong một vài trường hợp người ta hầu như có
thể gọi nó là thái quá. Từ ‘karma’
tự nó [30] cung cấp một thí dụ
toàn hảo. Nó là một danh từ bắt nguồn từ một từ-gốc phổ biến nhất
trong tất cả những từ-gốc Sanskrit, kŗ, có
nghĩa là ‘làm’ hoặc ‘tạo’. Sanskrit karman
và Pali kamma như thế có nghĩa
là ‘hành động, tác động, hành vi’. Bất kể thuộc những loại hành động nào
vốn từ ngữ này được dùng để chỉ, hay nhắc tới, một hành động là một gì đó diễn
ra trong thế giới vật chất. Vì vậy, khi đức Phật nói, “Đó là ý định mà ta gọi karma” [31] ngài đã làm một gì
đó tương đồng về lôgích để nói rằng ngài chọn để gọi đen là ‘trắng’, hay
để gọi trái là ‘phải’. Thí dụ này thì quá cực đoan đến mức có lẽ là
điều không mô tả nó một cách đầy đủ để nói rằng những gì những đối thủ của
ngài dùng theo nghĩa đen, ngài đã nhận hiểu nó một cách ẩn dụ. Tuy nhiên,
có rất nhiều thí dụ về phương cách thứ hai. Khi ngài đã lấy một từ để chỉ
sự ‘hiến sinh’ vốn những brahmin dùng theo nghĩa đen, và đã xoay nó vào
thành một ẩn dụ, thì chúng ta thì ở trên địa bàn quen thuộc hơn.
Trong
những thời cổ, vấn đề này đã trở thành hiển nhiên rồi trong quan điểm của
những người đạo Phật về truyền thống riêng của chính họ. Mặc dù mỗi vị Phật
đã được cho là đạt đến sự toàn hảo đạo đức trong một tập hợp gồm toàn bộ những
đức hạnh, hai đức hạnh đã có sự quan trọng tối cao: từ bi và trí
tuệ. Lạ tai như chúng ta có thể nghe về nó, thí dụ chính yếu về lòng từ bi
của ngài là sự giảng dạy của ngài. Đã không có cần thiết khiến ngài
phải giảng dạy, nhưng ngài đã có đủ lòng thương xót (chúng sinh) để
làm như vậy, và như thế cho tất cả chúng sinh thấy con đường đến giải
thoát, tránh khỏi tái sinh. Phù hợp với ý tưởng về trách nhiệm cá
nhân, vượt trên tất cả, từ bi của đức Phật đã gồm trong sự giúp những
người khác để họ giúp chính họ. Và đó đã là trí tuệ của ngài đã cung ứng
những Phương tiện Thiện xảo, làm giảng dạy của ngài hiệu quả như thế.
Khai mở Ẩn ngữ một Cấu trúc về Hệ Ý
thức
Ý
nghĩa của những bản văn đạo Phật sẽ không bao giờ là sáng sủa với chúng ta, nếu
chúng ta ôm chặt vào những cách đọc dịch theo lối ‘từng chữ một’, hoặc những
chú giải trong đó bám cứng vào những bản dịch loại như vậy. Đây là một
phát biểu điển hình của một trong những giảng dạy cơ bản của đức Phật: “đức
Phật đã dạy rằng những sinh vật sống không có tự ngã, nhưng những gì chúng ta
nghĩ như tự ngã thực sự gồm năm kết hợp”. Nhiều người đã quá quen với những câu
giống như câu này, vốn hết sức mù mịt đến như không có nghĩa, khiến họ cứ đọc
(hay nghe) tiếp tục, nhưng không có lấy một thầm thì để phàn nàn
nào. Một số người, ngay cả còn nghĩ xa nghĩ gần rằng nếu như họ không
thể hiểu được những ‘thâm sâu’ như vậy, đó phải là lỗi của họ!
Dĩ
nhiên, người thày dạy nào sau khi nêu một phát biểu loại như vậy rất có thể
đã giải thích rằng ‘tự ngã’ ở đây tương ứng với từ Sanskrit: ātman (Pali: attā), vốn thêm vào đó, ‘tự ngã’ cũng có thể được dịch là ‘hồn
người’, và rằng ‘năm kết hợp’ dịch từ Sanskrit: skandhāh (P: khandhā). Đúng. Nhưng
như một giải thích về những gì đức Phật đã giảng dạy, điều này vẫn còn
chưa hoàn toàn thỏa đáng.
Cách
duy nhất để giải thích đầy đủ những vấn đề cho một người nói tiếng Việt là để
dùng chính tiếng Việt bình thường, trong sáng [32]. Điều này sẽ không
thể làm được, nếu qua việc chỉ dịch những từ ngữ hoặc những câu có chứa
những từ ngữ đó. Tuy nhiên, một phần lớn của sự giải thích sẽ gồm
việc tìm hiểu những từ ngữ đó, sau khi thăm dò phạm vi ngữ nghĩa của chúng
và bàn luận về những cách dùng của chúng, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng qua ẩn
dụ.
Tôi
hãy bắt đầu với từ ‘tự ngã’, ngắn ngủi tạm hoãn từ ‘năm kết hợp’. Trong suốt
những thời cổ, trong những nền văn hoá mà nó được biết, học thuyết nổi bật
của đạo Phật, tính cách đặc trưng nhất được nhận biết của nó, đã được chủ trương
là học thuyết về ‘Vô Ngã’ hay ‘Không có Linh-hồn’. Cả hai thành ngữ này,
có hai từ trong tiếng England [33] dịch từ S: anātman và P: anatta / anattā. Khi
phương Tây biết đến (chủ yếu trong thế kỷ XIX) đạo Phật, nó đã được những người
đạo Kitô giải thích và cho chính những người đạo Kitô, những người đã bàng
hoàng chấn động không ít trước sự chối bỏ của đạo Phật về một vị gót sáng tạo
tối cao; nhưng với những học giả thời nay cũng vậy, sự gạt bỏ một tự ngã
hay hồn người đã là đặc tính nổi bật nhất của đạo Phật và của sự giảng
dạy được cho là của đức Phật.
Để
hiểu rõ lập luận của tôi, sẽ là dễ nhất nếu tôi đi thẳng đến điểm chính, và nói
không úp mở rằng tất cả những ồn ào và hiểu nhầm đã có thể tránh được nếu người
ta đã chêm vào từ ‘không-thay đổi’[34] , như thế khiến hai
cụm từ trên trở thành ‘không có Tự Ngã không-thay đổi’ và ‘Không có Hồn người
không-thay đổi’. Tôi sẽ khảo sát vấn đề chi tiết hơn trong sách sau này, nhưng
ở đây là đủ để nói rằng với khối người nghe của đức Phật, theo định nghĩa từ ātman/attā đã dùng để chỉ về một gì đó không-thay
đổi; trong môi trường ngôn ngữ đó, lại thêm vào một từ có nghĩa ‘không-thay đổi’
tất sẽ là thừa. Do đó, có nhiều cách để diễn tả học thuyết này rõ ràng và chính
xác trong tiếng England. Người ta có thể nói, lấy thí dụ, ‘Không có gì trong
chúng sinh mà không bao giờ thay đổi’, hoặc ‘Không có bản chất không thay đổi
trong chúng sinh’. (Bởi quan tâm chính là với mọi người, có thể là có ích để
thay thế “người ta” hoặc “những sinh vật đang sống” bằng “chúng sinh”).
Cho
đến đây, tất cả đều tốt. Nếu đạo Phật chỉ là một con đường để đi đến sự
giải thoát [35], xem dường để
biết rằng – điều này áp dụng cho những con người chúng ta – là đủ. Tuy
nhiên, trong thực tế, học thuyết thì lớn rộng hơn nhiều. Nó áp dụng với tất
cả mọi sự vật việc nằm trong kinh nghiệm thông thường của chúng
ta. Trong nội dung mở rộng hơn này, từ ‘hồn người’ trở nên không
thích hợp và người ta muốn một từ như ‘bản chất’. Nên lời giảng chủ
yếu trở thành: “Không có gì trên thế giới có một bản chất không
thay đổi’, hoặc ‘Không có gì trong kinh nghiệm bình thường của chúng ta mà
không bao giờ thay đổi’.
Về
một mặt, đây là những phát biểu giản dị, dễ hiểu. Về một mặt khác, ‘trong
thế giới’ đã được xem là tương đương với ‘trong kinh nghiệm bình thường của
chúng ta’. Như thế, mỗi phát biểu của học thuyết dẫn chúng ta tiếp
đến một phát biểu khác. Nói cách khác – và đây là điểm chủ yếu nhất
của tôi – chúng ta đang đề cập đến một hệ thống không đơn thuần chỉ mạch lạc
trước sau nhưng cũng chặt chẽ đan cuộn vào nhau. Nó thì hoàn toàn có thể
hiểu được, nhưng để hiểu nó chính xác, bạn phải biết toàn bộ tập hợp gồm
những thuật ngữ quan trọng được dùng như thế nào. Do đó, đối với đức Phật,
‘thế giới’ thì cũng giống như ‘gì đó vốn chúng ta có thể có kinh nghiệm thông
thường’.
Tốt,
bây giờ chúng ta sẽ đi tiếp đến giải thích ‘bình thường’ nghĩa là
gì. Nhưng nếu chúng ta đã kỹ lưỡng trong việc đi từ liên kết này đến liên
kết kia, chỉ giới thiệu chúng không thôi cũng sẽ trở thành trọn môt quyển
sách. Thế nên, trong lúc này, phải là đủ để cho thấy rằng đức Phật chủ yếu
đã không quan tâm với những gì là-có
[36] – trong thực tế,
ngài nghĩ rằng đó là một điều nêu lên nhằm đánh lạc hướng chú ý – nhưng
với những gì chúng ta có thể kinh nghiệm, những gì có thể hiện diện được với
ý thức. Cho mục đích của ngài, những gì là-có và những nội dung của kinh nghiệm đều là tương tự như
nhau. Ở mức độ này, nếu chúng ta muốn một nhãn hiệu, học thuyết của ngài
trông giống như chủ nghĩa duy nghiệm thực dụng [37].
Để
thêm một bước xa hơn: điều này phù hợp với những gì được biết như Khổ Đế, hay
Chân lý Cao quí Thứ Nhất [38]. Theo truyền
thống, điều này được diễn tả trong một từ Pali đơn độc, dukkha (S: duhkha). ’Sự thật’ này đã diễn tả như một từ duy nhất, không như
một câu, và như thế trông giống như một lời tán thán hơn là
một mệnh đề khẳng định. Lại nữa, đã có rất nhiều tranh luận về
cách dịch từ dukkha; và một
lần nữa, sự lựa chọn trong việc dịch thuật phải tùy thuộc nhiều vào nội
dung câu văn. Nhưng những gì được diễn tả đó là đời sống như chúng ta
thông thường có kinh nghiệm, nó thì không thỏa mãn, không làm vừa long (chúng
ta).
Như
thế, chúng ta đi đến những gì được biết đến trong những tín điều Pali như tilakkhaņa, “ba dấu hiệu tiêu chuẩn”.
những dấu hiệu tiêu chuẩn của gì? Của đời sống như chúng ta có thể thông
thường biết nó. Những dấu hiệu đó là anicca,
dukkha, anatta: ‘vô thường (tức là, luôn thay đổi [39]), không hài
lòng, không tự ngã /không có bản chất’ [40]. Chúng ta đã
thấy rằng theo định nghĩa tự ngã thì không thay đổi, những dấu hiệu đầu
tiên và thứ ba thì hầu như là sự lập lại nhau [41]. Trong chương 5
chúng ta sẽ cho thấy rằng cùng điều tương tự cũng áp dụng với dukkha: rằng trong thuật ngữ trong đó
đức Phật đã suy nghĩ và giảng dạy, không có gì vô thường lại có thể
là được hoàn toàn vừa lòng. Điều này có thể không hiển nhiên với
chúng ta, và quả thực nó thiết lập chuẩn mực cho sự vừa lòng cao hơn rất
nhiều so với nhiều người trong chúng ta muốn, nhưng đối với đức Phật, chúng
ta sẽ thấy, đây là một tiên đề (axiom)
nền tảng.
Một
điểm nữa mà chúng ta phải bằng lòng để lướt qua, tạm thời cho lúc này, là
sự hàm hồ giữa không là một tự ngã
hay bản thể, và không có một tự ngã
hay bản thể. Cho những mục đích của trình bày tóm tắt này, sự hàm hồ không
mấy thành vấn đề, và chúng ta sẽ trở lại nó trong chương 5.
Điểm
cơ bản nhất của lời Phật dạy mà chúng ta cho đến giờ đã trưng bày là rằng mọi
sự vật việc trong những đời sống của chúng ta đều thay đổi: rằng hầu hết chúng
ta không có kinh nghiệm về bất cứ một gì không thay đổi. Hơn nữa,
theo cái nhìn này về thế giới, để ‘là-có’ là để không thay đổi: sự là-có và sự trở thành là-có được định nghĩa như những đối lập. Nhưng có
phải thay đổi thì ngẫu nhiên? Chắc chắn không. Ngay cả nếu chúng
ta và mọi sự vật việc xung quanh chúng ta lúc nào cũng luôn thay đổi, đời sống
không thể tiếp tục nếu chúng ta đã không nhận ra những liên tục ở mỗi
bước. Sự thay đổi, nói cách khác, thì không ngẫu nhiên. Đức Phật đã
đặt điều này như tiên đề trong lời xác nhận rằng không có gì là-có mà không có một nhân.
Một
cách khác, đơn giản hơn để nói rằng tất cả những hiện tượng trưng bày sự thay
đổi không ngẫu nhiên là nói rằng mọi sự
vật việc là tiến trình. [42] Đó quả thực,
trong quan điểm của tôi, là lập trường của đức Phật. Nhưng bây giờ
chắc chắn câu hỏi phải là: nếu đức Phật đã nói một gì đó đơn giản và không
quanh co phức tạp như thế – nói như thế không có nghĩa là nói rằng tất cả những
ngụ ý đều gãy gọn rõ ràng, không phức tạp – nhưng tại sao đây không phải là
những gì chúng ta đọc thấy trong mọi quyển sách về đạo Phật? Tôi sẽ nêu
lên rằng điều này rất có thể là vì tiếng Pali và Sanskrit thiếu một từ
tương ứng chặt chẽ với ý tưởng ‘tiến trình’, và đã phải diễn tả nó một
cách tượng trưng. Tôi cũng tin rằng từ saṃskārā, vốn được dịch ra trong nhiều những cách khác nhau đến kinh
ngạc, thường đi gần hơn đến “tiến trình” so với đã từng nhìn nhận cho đến
nay. [43]
Karma như Sự Liên tục Cá nhân
Đến
lúc để trở lại chỗ tôi đã bắt đầu trình bày tóm tắt này: với con người, cá
thể đau khổ, đã phải chịu chết kẹt với sự thay đổi liên tục, trong khi cho cả
người này và những người thân yêu của người này, sự thay đổi lớn từ sống sang
chết mãi mãi hiện ra đang lớn dần. Đến lúc, thực vậy, để nói về Karma nhiều hơn. Karma là điểm ưa
thích của tôi để đi vào thế giới quan của đức Phật. Thay vì bắt đầu với
một công việc phá gỡ, như tôi đã làm khi tôi đã cho thấy rằng sự hiểu biết
thông thường về ‘Không có Hồn người’ thì thiếu xót nghiêm trọng, tôi có
thể giới thiệu Karma như một học thuyết tích cực. Tôi tin rằng nó không
phải chỉ là nền tảng đối với toàn bộ nhân sinh quan của đức Phật, nhưng còn là
một loại trục xe then chốt, nó đã giữ phần còn lại của những giảng dạy cơ
bản vào với nhau bằng cách cung cấp một thí dụ toàn hảo về những gì chúng
có ý nghĩa.
Nếu
học thuyết Không có Hồn người nghĩa
là không có cá thể liên tục, sẽ cho thấy hệ quả báo động đáng ngại của
điều này rằng không có trách nhiệm đạo đức. Nhưng một hiểu biết dù
thô thiển nhất về đạo Phật, trong hầu hết một hình thức bất kỳ nào của nó,
đều cho thấy rằng đây không thể là sự giải thích chính xác, vì đạo Phật dạy
rằng khi người ta (hoặc những loài sinh vật khác) chết đi, họ được tái sinh tùy
theo những công lao hay giá trị đạo đức của họ. Đối với những người nếu
nhìn ‘hồn người’ như là tụ điểm của thiện và ác trong mỗi cá nhân, khiến điều
này làm cho đạo Phật trở nên không mạch lạc, rối rắm. Làm sao một tôn giáo
thiếu lôgích đến như vậy lại vẫn từng tồn tại, chưa kể vẫn thu hút hàng trăm
triệu người theo?
Câu
trả lời, dĩ nhiên, là ý tưởng rằng đạo Phật gạt bỏ sự liên tục của cá thể
thì hoàn toàn sai sự thật. Trong thực tế, đạo Phật có lẽ có ý tưởng
mạnh mẽ nhất về sự liên tục của cá nhân so với nếu có tìm thấy được ở bất
cứ đâu. Thí dụ, những người đạo Kitô tin vào liên tục cá nhân qua chỉ một
đời vốn chúng ta sống đây trên trái đất, và có lẽ trong một đời thứ hai, trong
một nơi hay trạng thái của phần thưởng hay hình phạt, một thiên đường hay
một hỏa ngục – dẫu vậy, vì điều đó thì thường được xem như nằm ‘ngoài thời gian’,
nó thì không rõ ràng thuật ngữ “liên tục” có thể ứng dụng ở đó như thế
nào. Ngược lại, những người đạo Phật tin vào sự liên tục cá nhân qua những
chuỗi vô tận của những kiếp sống.
Vô
tận? Vâng, những chuỗi có thể không có khởi đầu, vì đức Phật đã thiết
lập rằng không gì có thể đi đến thành là-có,
(hay hiện hữu), nhưng không có một nguyên
nhân. Vì vậy, giống như thế giới, sự sống không thể có một khởi
đầu. (đức Phật đã khuyên đừng phí thì giờ vào việc ‘hành hạ’ não thức
của bạn về việc này). Tất cả chúng ta đã từng sống vô tận những đời
sống. Những chuỗi liên tục vô tận này, tuy thế có thể có một chấm dứt: đó
là thành tựu được bằng sự đạt nirvāṇa. Theo
đức Phật, một người đã đạt nirvāṇa,
sẽ không bị tái sinh.
Thế
nên, chúng ta là những người thừa kế của chính những hành động của chúng ta dài
qua một số vô tận của những đời sống. Loạt những đời sống được ghi
chép nhiều nhất trong đạo Phật là của người có đời sống cuối cùng đã như
một vị Phật, đức Phật Gotama. Con người này đã quyết tâm để đạt được Phật
quả rất nhiều những năm trước đây. (Thuật ngữ đạo Phật cho một người có
một quyết tâm như vậy là bodhisattva.)
Những câu chuyện của hơn năm trăm những đời sống trước đây của người
ấy (được gọi là Jātaka) đã được
kể lại trong những kinh [44] và những bài giảng,
được vẽ trên những tường đền thờ, và được kể lại, hoặc diễn lại; chúng tạo
thành một một bộ phận không tách rời của văn hoá đạo Phật.
Karma
không phải là yếu tố duy nhất của sự liên tục trong những đời sống của chúng
ta. Những đời sống đó có năm nhóm, hay năm tập hợp gồm những thành
phần, và mỗi một của nhóm này được biểu thị bằng thuật ngữ, đã dịch ở
trên, từ ‘aggregate’ trong tiếng England [45] . Trong
thực tế, từ này không nên bị tách ra khỏi một từ khác đứng trước nó, trong
một hợp-từ Pali, upādāna-khandha, và
hợp-từ đó thì phức tạp, vì nó là một ‘chơi chữ’, một ý nghĩa trong đó là
một ẩn dụ: “một khối vật chất của nhiên
liệu cháy”. Trong ý nghĩa thứ hai này, nó là một phần của cùng
một cấu trúc ẩn dụ như nirvāṇa (P: nibbāna), trong đó có (một trong
những) nghĩa là đi ra khỏi ngọn lửa. Tôi
sẽ giải thích ẩn dụ này trong Chương 8. Tạm thời lúc này, chúng ta chỉ cần
ghi chú rằng – năm khối vật chất của
nhiên liệu cháy này – là nói theo lối ẩn dụ, năm tập hợp của những tiến
trình tạo thành đời sống của chúng ta. Theo thứ tự truyền thống, năm nhóm
(hay năm gói của những ràng buộc) này là: những tác động qua lại với thế
giới vật chất qua năm giác quan, những cảm xúc (như của niềm vui và đau
đớn), những tri thức tổng hợp (tri thức dùng để xác định những đối tượng),
saṃkhārā, và ý thức.
Tôi
đã chừa lại từ thứ tư không dịch. Những cách dịch phổ biến là ’những
hình thành tinh thần/não thức’ và ‘những ý muốn’. Saṃkhārā trong nội dung này đề cập đến cho những tiến trình
tinh thần đã không gồm trong những nhóm thứ hai, thứ ba và thứ năm, và
chúng thực sự là những cảm xúc và ý muốn. Quan trọng nhất của những tiến
trình này là ý định. Trong khi thừa nhận rằng một số những ý định về mặt
đạo đức là đứng giữa, trọng tâm là những ý định về đạo đức là tốt hay xấu.
Đức
Phật dạy rằng tất cả những tư tưởng, lời nói và hành vi đều nhận được giá
trị đạo đức của chúng, tích cực hoặc tiêu cực, từ ý định đứng
sau chúng. Điều này không làm tác động của những hành động là không
liên quan với nhau: đạo Phật thì không kém quen thuộc hơn với ý tưởng về
sự sơ suất so với luật thời nay. Nhưng tiêu chuẩn cơ bản cho đạo đức
là ý định. Đạo đức và không-đạo đức là những thuộc tính tinh thần của
những cá nhân. Theo nghĩa bóng, chúng thường được đề cập đến như
trong sạch và không-trong sạch. Mỗi hành vi tốt làm một người trong
sạch hơn và do đó làm cho dễ dàng hơn một chút để lập lại một hành vi loại như
thế. Thí dụ, tôi có thể thấy lần đầu tiên cho tiền phước thiện là một gì
đó như một ‘quặn thắt’, nhưng mỗi khi tôi làm như vậy sự rộng rãi sẽ đến dễ
dàng hơn. Cùng điều tương tự áp dụng với những tính xấu, chẳng hạn như độc
ác. Một ý định, được đem thực hiện, trở thành một khuynh hướng. Một tục
ngữ Damien Keown đã dẫn trong quyển sách nhỏ của ông: đạo Phật: Một Giới thiệu Rất ngắn [46] diễn đạt nó một cách
đáng phục: “Gieo một hành động, gặt một thói quen; gieo một thói quen, gặt
một cá tính cách; gieo một cá tính, gặt một số phận”.
Mặc
dù karma, ý muốn mang tính đạo đức, như thế là một trong những yếu tố của sự
liên tục trong đời sống của một cá nhân (và xa hơn), nó là điều quan trọng nhất
nhìn theo quan điểm tôn giáo. Ý muốn này, hơn nữa, được trình bày như
là một tiến trình. Nó thì rất khác với ngẫu nhiên, và một phần bị
điều kiện bởi những ý muốn có trước; nhưng nó không hoàn toàn tất
định. Nếu nó đã là thế, ý muốn tất không thể có trách nhiệm với tác
nhân của nó, và để cho tác nhân đó phải chịu những hậu quả tất sẽ là
hoàn toàn bất công, và thực sự làm cho chính ý tưởng về ý muốn thành vô
nghĩa như một nhóm riêng biệt được phân loại của tư tưởng hoặc sự kiện
tinh thần. Trong khi tôi sẽ có nhiều hơn để nói về karma và thuyết
tất định ở bên dưới, ở đây là đủ để nói rằng toàn bộ hệ tư tưởng đạo Phật
tùy thuộc vào mệnh đề rằng karma về một mặt thì chịu điều kiện, nhưng mặt
khác không tất định nghiêm ngặt.
Tự chủ và Trách nhiệm Cá nhân
Vì
giá trị đạo đức nằm trong ý định, cá nhân thì tự trị và thẩm quyền sau
cùng là những gì chúng ta gọi là ý thức đạo đức [47] của người
ấy. Không có tác nhân bên ngoài, chẳng hạn như một Gót, là người có thể
chịu lỗi cho những quyết định của chúng ta. Chúng ta có tự do về ý
định và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản thân chúng ta. Thêm nữa, trách
nhiệm này vượt quá đời sống hiện tại này. Vì thế chúng ta hoàn toàn
chịu trách nhiệm về điều kiện đạo đức của chúng ta và những gì chúng
ta tạo ra nó.
Như
một giới luật tổng quát, một nhà sư không thể bị kỷ luật vì một vi phạm mà
người ấy đã không nhận. Tương tự, những quy tắc đạo đức đặt định cho giới
cư sĩ (cũng áp dụng, tất cả còn hơn thế, với tăng đoàn) đều được thành hình như
những cam kết cá nhân: người cư sĩ đạo Phật tuyên bố: “Tôi cam kết tránh
giết hại sự sống” và vân vân, và như thế diễn tả rõ ràng ý thức đạo đức cá
nhân. Ít nhất về mặt lý thuyết, ngay cả việc đọc thuộc những lời cam
kết thì vô ích và vô nghĩa, trừ khi một người thì đồng ý lâu dài trong
tương lai với ý nghĩa của chúng.
Mục
đích của nghi thức nằm trong việc làm, không trong ý định. Như vậy đối với đạo
Phật, nghi lễ thì trung lập về đạo đức. Nó không có giá trị đạo đức nào và do
đó không mang giá trị nào như thấy trong loại của gót-học cứu rỗi (trong
đạo Kitô) [48]. Bình thường nó
không bị cấm đoán, trừ khi liên quan đến một hành động vô đạo đức chẳng
hạn như giết hại, nhưng nó chắc chắn thì không được tán dương. Đức Phật, theo
thói quen của ngài trong việc đem những nghĩa mới vào trong những từ cũ, thường
đòi hỏi những người theo ngài thay thế đạo đức vào chỗ những nghi lễ thực
hành. Một trong những ‘Ba Xiềng xích’ buộc con người vào sự tiếp tục tồn
tại trong thế giới này đã được tuyên bố là say mê với những tuân thủ nghi thức [49], bám chặt vào chữ
nghĩa, lời kinh thay vì với tinh thần của những hành động.
Đức
Phật đã lấy từ trong đạo Brahmā có nghĩa ‘nghi lễ’ và dùng nó
để biểu thị ý định đạo đức. Chỉ một chuyển dịch này đã làm đảo lộn đạo đức
của giới brahmin dựa trên giai cấp [50]. Khiến cho ý định
của một brahmin không thể đáng tin hợp lý được tuyên bố là về mặt đạo
đức thuộc một loại hoàn toàn khác với ý định của một người thuộc đám tiện
dân, không trong giai cấp nào. Nhưng ý định chỉ có thể là đức hạnh hay ác
độc. Ngay chính từ ngữ sva-dharma,
từ Sanskrit, có nghĩa là bổn phận riêng biệt thuộc một người nào đó, thì
vắng mặt trong Kinh điển Pali đạo Phật. Đó là ‘hành động trong sạch’ (puñaña kamma) đem lại cho người đạo Phật
tốt những phần thưởng trong đời sống này và những đời sống tương lai.
Nhưng vì thực thi hành động thì thực sự là tinh thần, làm một hành động
tốt thì thực sự trong sạch hóa trạng thái tinh thần của một
người. Trong thiền định, sự trong sạch hóa như vậy được thực hiện
trực tiếp, mà không cần bất kỳ hành động đi kèm nào. Như vậy có một
sự liên tục lôgích giữa những hành động đạo đức của một người trong thế gian và
những thiền định của một người ẩn dật. Điều này cho thấy tại sao
những người đạo Phật khẳng định đạo đức là một điều kiện tiên quyết cho thiền
định. Hệ thống thì tất cả là một khối [51]
Có
một số lớn nội dung trong giáo dục và tâm lý học trị liệu ngày nay gồm trong
việc làm mọi người ý thức rằng họ có trách nhiệm về bản thân họ. Trong
thực tế, chúng ta coi rằng nó tạo thành một phần lớn của những gì chúng ta muốn
nói với ý nghĩa là trở thành một người trưởng thành. Thật là sửng sốt tuyệt vời
rằng một ai đó đã quảng bá ý tưởng này trong thế kỷ V, TCN; và cũng chắc
chắn khó mà không ghi nhận sự kỳ diệu rằng vị này đã tìm thấy những người tin
theo. Trong Chương 2, tôi sẽ nêu lên những điều kiện kinh tế-xã hội nào đã
làm điều này thành có thể – mặc dù chắc chắn không là không tránh khỏi xảy
ra.
Những
giới thiệu đạo Phật được viết cho những người phương Tây thường có khuynh hướng
bắt đầu bằng trích dẫn lời khuyên của đức Phật cho một nhóm người gọi
là dân Kālāma. [52] Họ đã phàn nàn
với ngài rằng nhiều những đạo sư khác nhau đã đến và đã giảng những học
thuyết khác nhau cho họ, và họ đã bối rối không rõ nên theo ai, học thuyết nào.
Đức Phật trả lời rằng tất cả mọi người phải tự quyết định cho mình về
những vấn đề như vậy. Người ta không nên tiếp nhận bất kỳ giảng dạy nào
dựa trên sự tín nhiệm hay quyền năng đến từ bên ngoài, nhưng hãy thử nghiệm nó
trên những chuẩn mực kinh nghiệm của chính mình (hay trên hòn ‘đá thử vàng’
là chính mình). Đương nhiên, hàm ý là người ta sẽ tìm ra cho chính họ sau
đó rằng đó là giảng dạy của đức Phật, qua kinh nghiệm của chính họ, đã cho thấy
là đúng. Là điều tự nhiên và thích hợp cho những tác giả thời nay để làm
nổi bật giảng dạy này: nội dung tiềm ẩn của nó về sự khoan dung và tư tưởng
bình đẳng chính trị và xã hội, ít nhất là trên tầm mức tri thức, tất cả hài hòa
với tư tưởng thời sau-Khai sáng ở phương Tây. Thái độ không phải đã là độc nhất
trong thế giới thời cổ: người ta có thể tưởng tượng được những lời khuyên cũng tương
tự như thế đến từ Socrates – mặc dù không từ Plato. Nhưng là điều ngạc
nhiên với thán phục để tìm thấy nó ở India, một xã hội trong tổng quát đã phân
chia giai cấp.
Những
quan điểm của đức Phật về chính trị đều kỳ thú tuyệt vời, nhưng vì tôi hầu như
không có gì để thêm vào những gì tôi đã viết về chúng ở nơi khác [53], tôi phải đặt chúng
ra ngoài quyển sách này Vì vậy, hãy để tôi ở đây thu hút sự chú ý đến tư tưởng
bình đẳng chính trị và xã hội, hay tư tưởng quân bình [54] của ngài: rằng tiêu
chuẩn đúng duy nhất để xếp hạng con người là đạo đức, và đạo đức thì liên
kết chặt chẽ với khả năng trí tuệ. Mệnh đề đầu tiên của những mệnh đề này có
thể nhắc nhở chúng ta về đạo Kitô, nhưng mệnh đề thứ hai kém hơn, không
nhắc nhở được giống vậy.
Nếu
mọi người đều có trách nhiệm về những quyết định riêng của chính họ, và
đặc biệt trong quyết định để theo giảng dạy nào, điều này đặt một giá trị cao
về trí tuệ hơn mức thường. Từ ngữ quen thuộc mà đức Phật dường như đã dùng
chỉ một hành động tốt về đạo đức là một từ, kusala,
vốn trong Sanskrit [55] có thể có một
trong hai nghĩa ‘khỏe mạnh, lành/không độc’ hoặc ‘khéo léo’. Những học giả đã
tranh luận từ nào trong những từ này thì thích hợp hơn để dịch kusala trong đạo Phật. Có lẽ người
ta không cần phải thực sự quyết định giữa chúng, vì sự không rõ do nhiều
nghĩa có thể đã là có chủ ý, và lời nói có thể được lựa chọn không chỉ với
nghĩa đen của chúng mà cũng còn vì những ngụ ý, nghĩa phụ của
chúng. Tuy nhiên, hãy để tôi chịu nhận rằng là điều có ý nghĩa để hỏi ẩn
dụ nào cao nhất trong não thức của đức Phật. Câu trả lời của tôi là đối
với ngài, chính yếu nó có nghĩa là ‘khéo léo’, vì một sự lựa chọn đạo
đức tốt là một sự lựa chọn khôn ngoan lịch lãm và hiểu biết trí tuệ. Tôi
ít có ngờ vực rằng ‘khéo léo’ là thích hợp cho mục đích.[56]
Nếu
bạn có sự tự chủ trí tuệ, bạn tốt hơn đã có bộ não để tận dụng nó cho tốt.
Trong mọi xã hội truyền thống, gồm cả xã hội mà đức Phật đã ra đời, giáo dục
gồm chủ yếu trong sự lập lại như két những gì thày dạy nói. Nếu sau đó một
số người đạo Phật đã lập lại như con két, ’người thày nói rằng tôi phải
nghĩ cho bản thân tôi,’ chúng ta không thể đổ lỗi cho đức Phật về điều đó.
Đức Phật ngay cả đã làm một phán quyết cho tu viện, rằng một trong những
nhiệm vụ của một người học trò với thày dạy của mình, là chữa cho người ấy khi
người này thì sai về học thuyết, hay có nguy cơ nói một gì đó không phù
hợp. [57] Điều đó, tôi
nghĩ rằng, hiếm có những tương đồng trong lịch sử thế giới.
Mặc
dù lời khuyên của đức Phật cho những người Kālāma có thể không theo một
cách lôgích từ học thuyết về karma của ngài, tôi thấy cả hai kết nối chặt chẽ
với nhau: tất cả mọi người cuối cùng có trách nhiệm cho bản thân họ
và phải dùng trí tuệ khôn ngoan lịch lãm của họ để làm những lựa chọn
riêng cho chính họ.
Tại sao tôi đã bắt đầu từ chỗ này?
Trong
chương Giới thiệu này, tôi đã cố gắng để tóm tắt ngắn gọn nhưng tôi hy
vọng rõ ràng, những gì tôi cho là quan trọng nhất của những ý tưởng của
đức Phật. Tôi đã cho thấy rằng để tiếp nhận những khái niệm then chốt
trong cô lập thì gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự hiểu lầm. Thế nên,
khái niệm ‘Không có Hồn người’, thông thường đã được nêu cao như điểm đặc
trưng nhất trong giảng dạy của đạo Phật, đã ít nhất phải được tiếp nhận trong
kết hợp với học thuyết về karma.
Hóa
ra, tôi sẽ biện luận, rằng nếu người ta muốn trình bày chi tiết những giảng dạy
cốt lõi của đức Phật, có khá nhiều điều quấn quit vào chỗ nào mà người ta bắt
đầu. Tôi đã dùng vô ngã và karma (quan hệ nhân quả đạo đức) như những
điểm dẫn nhập của tôi. Truyền thống đạo Phật thì đồng thuận hoàn toàn rằng
đức Phật đã bắt đầu bằng giảng dạy Bốn
Sự thật Cao quí, vốn đưa ra giải quyết cho dukkha (chúng ta hãy gọi nó là sự ‘đau khổ’). Tôi đã nhắc
đến Chân lý Thứ nhất, rằng tất cả những loài vật có sự sống đều kinh
nghiệm sự đau khổ, nhưng tôi đã không chọn nó làm điểm dẫn nhập, tôi cũng đã
vẫn chưa giải thích ba chân lý cao quí kia. Tại sao?
Vì
đức Phật đã giảng dạy cho một khối người nghe, những người đã có sẵn một
tập hợp gồm những tiên kiến, chúng (những tiên kiến) hầu hết đều rất khác biệt
với của riêng chúng ta. Những người nghe này đã tiếp nhận tái sinh như những gì
đương nhiên; họ tin vào một vài thực thế trường tồn ở trung tâm của mỗi con
người, một thực thể vốn được chuyển dịch (uân hồi) từ đời này sang đời
khác; có lẽ hầu hết trong số họ tin rằng chu kỳ tái sinh có thể được đưa
đến một chấm dứt, nhưng rằng thực thể trung tâm bằng cách nào đó sẽ vẫn
tồn tại mãi mãi. Một vài trong số họ tin rằng hình thức trong đó một người
được tái sinh đã chịu tác động bởi người ấy đã cư xử ra sao trước đó, nhưng
không biết điều này đã xảy ra hay không và xảy ra như thế nào đã là một vấn đề
tranh cãi nóng bỏng. Vì vậy, tôi đã phải làm những tiên kiến này rõ
ràng ngay từ đầu; và thực vậy sau khi tôi đã giải thích quan điểm của
đức Phật về nghiệp một cách chi tiết hơn trong chương tiếp theo, hai
chương sau sẽ đối phó với những quan điểm về nghiệp và tái sinh vốn đã dẫn
đến quan điểm riêng của đức Phật.
Hầu
như tất cả mọi sự vật việc tôi đã viết cho đến giờ, đều đòi hỏi tiếp
tục khai triển thêm, và tôi ngay cả đã chưa chạm đến những nội dung quan
trọng như nirvāṇa, quan điểm của đức
Phật về ngôn ngữ, và – có lẽ quan trọng nhất của tất cả – những giá trị đạo
đức. Những tính chất nổi bật quan trọng khác của giảng dạy và thực hành
của đức Phật, như thiền định và tổ chức tu viện, phải giữ gần như
hoàn toàn ngoài phạm vi của quyển sách này. Tôi hy vọng, tuy nhiên,
tôi đã làm đủ để chứng minh rằng những ý tưởng trình bày ở đây là không
chỉ mạnh mẽ mà còn tạo thành một hệ thống chặt chẽ.
TÓM TẮT:
Có phải một cá nhân thực sự đã nghĩ
về tất cả những vấn đề này?
Tôi
đã nhắc ở trên rằng một số học giả hoàn toàn không thích nói về đạo Phật,
hay Phật học, trong số ít, trừ khi nó được đặt trong dấu ngoặc kép.
Có lẽ ngay cả còn phổ biến hơn, ít nhất là ở U.S., là quan điểm rằng nếu một
nhân vật lịch sử như đức Phật đã hiện hữu, chúng ta có thể không biết
gì về nhân vật ấy. Giới học giả, những người là con mồi, hay nạn nhân, của
phong trào ‘giải cấu trúc’ thời thượng này, đều lưỡng lự khi xem xét bất cứ gì
(nói, kể) trong một bản văn đạo Phật là cổ hơn chính bản văn. Vì là điều khó
xảy ra rằng có một bản văn bất kỳ nào đã từng được viết xuống trước triều đại
Hoàng đế Asoka, vào giữa thế kỷ thứ ba TCN, khoảng 150 năm sau khi đức
Phật qua đời, và quả thực khó mà có bất kỳ bản văn nào chúng ta còn giữ được đã
được ghi chép sớm đến như thế, [58] cùng những người
hoài nghi tuyên bố rằng chúng ta có thể không biết gì về đạo Phật, hay
Phật học, trước khi nó đã được phân thành những trường phái và giáo phái. Điều
đó có nghĩa, dĩ nhiên, không biết gì về đức Phật hay những ý tưởng của
ngài. Theo quan điểm này, đạo Phật nổi lên vào trong vùng sáng của lịch sử từ
đêm tối dày đặc không vào được.
Điều
này chắc chắn thách thức ngay cả nhận thức và phán đoán thông thường. Thứ nhất,
hoàn toàn là điều vô nghĩa để cho rằng đạo Phật đã có thể nảy sinh nhưng không
có một nhân vật lịch sử nào đã sáng lập nó, và đã cung cấp cho nó với những
ý tưởng và những cơ chế nền tảng (Về hệ ý thức của cơ chế nền tảng tôi sẽ
có một vài điều để nói trong Chương 11). Nó cũng thiếu vững chắc, không
hợp lý, theo quan điểm của tôi, để tuyên bố rằng những ý tưởng này đã có
thể chỉ tích lũy theo thời gian giữa những người đạo Phật, và rằng kết cấu chặt
chẽ của chúng là một vấn đề của ngẫu nhiên lịch sử. Một bộ óc phi thường xuất
chúng vẫn được ghi nhớ đã phải là nguyên nhân tạo dựng của hệ ý thức cơ
bản. Người có bộ óc đó đã xảy ra là được biết, một cách thích đáng, như đức
‘Phật’, người đã ‘tỉnh thức’.
Thêm
nữa, như tôi đã bắt đầu để trình bày trong Đạo
Phật đã Bắt đầu Thế nào [59] và sẽ chứng minh
thêm hơn dưới đây, rằng bộ óc đó đã nhận ảnh hưởng mạnh mẽ của những luồng
ý tưởng trong một không gian và thời gian nhất định. Những ý tưởng này đã là
sáng tạo nguyên thủy và lỗi lạc sáng chói, nhưng để hiểu chúng đầy đủ cũng đòi
hỏi một hiểu biết về những gì đã có trước chúng. Đó là vì những nhà chú
giải đã có quá ít hiểu biết như vậy, khiến những ý tưởng này đã thường bị
diễn giải sai lạc.
Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
[1] Dịch theo bản in: Gombrich, Richard,
2009. What the Buddha Thought. London/Oakville: Equinox.
Những
chú thích trong [ ...] từ
nguyên văn – của tác giả Richard Francis Gombrich (1937–).
Những chú thích khác (và những sai lầm – nếu có) là
của người dịch bản tiếng Việt.
Tham khảo từ ngữ chính: Từ điển Phật học, Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách, Huế: nxh Thuận
Hóa, 1999
Những trích dẫn kinh Pali từ những bản dịch của Hòa
thượng Thích Minh Châu.
[2] Brāhmanism: đạo Brahmā [Bà-la-môn 婆 羅 門]: Những thực hành tôn giáo/tín ngưỡng
và những tin tưởng như được phản ánh trong Vedas. Tiền thân của đạo Hindu (Hinduism);
tôi dùng brahmin như tĩnh từ chỉ những
gì thuộc về đạo Brahmā, và thể hiện qua tư tưởng/tín ngưỡng của giai cấp tu sĩ
của đạo Brahmā này.
[3]
Joanna Jurewicz (1962-): University of Warsaw, Faculty of Oriental Studies,
Chair of South Asia, Faculty Member
[4] Rigveda,
(Sanskrit: có nghĩa “The Knowledge of
Verses”) cũng viết là Ṛgveda, thánh thư cổ nhất của tư tưởng
tín ngưỡng đạo Hindu, một hợp tuyển những bài thơ, hay những bài tụng ca (văn vần)
do những người nói ngôn ngữ Indo-European soạn bằng một tiếng Sanskrit rất cổ,
những người này sống trong vùng Tây Bắc India, khoảng 2000 năm TCN. Soạn thảo
trong một hình thức cổ của Sanskrit, không thể ấn định được năm tháng của
Vedas, nhưng đa số học giả đã chấp nhận thời kỳ của nó vào khoảng 1500–1200
TCN, trong khu vực ngày nay là vùng Punjab của India và Pakistan. Rig Veda cùng với “Yajur Veda,” “Sama Veda” và “Atharva Veda,” bốn tập
sách thiêng kinh điển của đạo Hindu được gọi chung là Vedas (Sanskrit: véda: “kiến thức, khôn ngoan”). Nó gồm một sưu tập 1,028 bài thơ,
phân nhóm thành 10 mandalas (chùm,
nhóm, vòng kết). Rig Veda thì cổ nhất
trong những Vedas, và cũng là một
trong những văn bản cổ nhất còn giữ lại được của ngôn ngữ Indo-European. Rigveda đã được truyền miệng trước khi
được chép xuống khoảng năm 300 TCN. Mõi tập Veda
đã lại được phân thêm vào thành bốn loại văn bản –Samhitas (mantras and benedictions), Aranyakas (text on rituals, ceremonies, sacrifices and
symbolic-sacrifices), Brahmānas
(commentaries on rituals, ceremonies and sacrifices), và Upanishads (texts discussing meditation, philosophy and spiritual
knowledge). Một số học giả còn thêm loại thứ năm – Upasanas (worship)
[5] Những gì nghĩ tưởng được = là là-có,
là thực
[6] Pratītyasamutpāda
[7] Tam bảo: Ba ngôi báu 三 寶; S: triratna; P: tiratana
[8] Theo tôi hiểu: đức Phật Gautama đã lại
tìm thấy dharma và giảng dạy nó trong khoảng thời-không của vũ trụ trong đó con
người chúng ta đang sống trên hành tinh này; Nhưng trong quá khứ hay tương lai,
có thể có những đức Phật – những vị giác ngộ – tương tự khác, những vị này cũng
làm điều tương tự, loại như: tìm thấy/truyền giảng dharma; dharma – hiểu như
chân lý giải thoát – hoặc đã bị mất vì lỗi thời, hay vẫn còn chưa xuất hiện
trong những phương tiện có hình thức nào đó ứng hợp với những loại sinh vật
khác trong những khoảng thời-không tương ứng của vũ trụ khác.
[9] Dharma (s): đạt-ma 達 摩 (磨);
Pháp 法.
[10]
Buddhism
[11] Śāsana: thánh giáo 聖 教
[12] Saṅgha (s, p): Tăng-già 僧 伽.
[13]
Vinaya (s): điều phục
調 伏; giới luật 戒 律; luật 律;
tì-na-da 毘 那 耶; tì-nại-da 毘 奈 耶
[14] Abhidhamma-piṭaka:
Luận tạng 論 藏, A-tì-đạt-ma tạng, A-tì-đạt-ma 阿 毘 達 磨.
Abhidhamma: dịch nghĩa là Thắng pháp 勝 法 (abhi: thắng, vượt lên khỏi, vượt
qua; dhamma: Pháp), Vô tỉ pháp 無 比 法, dịch âm là A-tì-đạt-ma.
[15] Untouchable/Harijan/Dalit
[16] Parlour game
[17]
[sabbe saṃkhārā aniccā. Việc dịch saṃkhārā trong đoạn này thành ‘compounded things’, theo T .W. Rhys Davids, đã thành thông thường. Thuật ngữ này sẽ
được bàn luận đầy đủ trong Chương 9. ]
[18] Realism: Duy Thực
[19] Idealism: Duy Ý (Duy tâm) – Duy thức
tông 唯 識 宗.
[20] Theravåda Buddhism: a social history from ancient Benares
to modern Colombo. London: Routledge
and Kegan Paul, 1988. How Buddhism began:
the conditioned genesis of the early teachings. 2nd ed. London: Routledge,
2006
[21]
[For more on this semantic problem, see my ‘Understanding
early Buddhist terminology in its context’,
pp. 74-101.]
[22] [Trong Pali, được gọi là Tripitaka, which literally means ‘that which consists of three baskets.]
[23] Late Vedic Sanskrit
[24] [In the Bhabra edict, the
inscriptioil in which he exhorts his subjects to learn certain named Buddhist
texts, the emperor Asoka refers to the texts as dharnma-paliyāna, i.e., pariyāna.]
[25] Circumlocution: nói quanh co luẩn quẩn;
nói uẩn khúc
[26] [This early terminology corresponds
rather closely to the later distinction in Sanskrit between sūtra and śāstra, though the latter pair of terms refers to genres of text.]
[27] Upāya
(s); Phương tiện 方 便. kauśalya (s); thiện xảo 善 巧.: phương tiện thiện xảo để chuyển hoá
chúng sinh
Khái niệm ‘phương tiện thiện xảo’ thì nổi bật quan trọng trong Mahāyāna
và được giải thích trong những bản kinh ra đời sớm: kinh Diệu Pháp Liên hoa,
và kinh Duy Ma Cật (Vimalakīrti Sūtra).
Trong
chương 2 (phẩm Phương tiên) kinh Diệu
Pháp Liên hoa, đức Phật giới thiệu lý thuyết về những phương tiện thiện xảo
và những thể hiện qua việc sử dụng những dụ ngôn, và cũng giải thích lý do của
ngài: “... Xá-Lợi-Phất! ...
Các đức Phật theo thời nghi nói pháp y-thú khó hiểu. Vì sao? Ta dùng vô số phương tiện các món nhân duyên,
lời lẽ thí dụ diễn nói các pháp. Pháp đó không phải là suy lường phân biệt
mà có thể hiểu, … Thuở quá khứ các đức Phật dùng vô lượng vô số phương tiện các
món nhân duyên lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp. … Các đức Phật
đó chỉ giáo hó. …, vì muốn đem tri kiến Phật mà chỉ cho chúng sanh, vì muốn đem
tri kiến Phật cho chúng sanh tỏ ngộ, vì muốn làm cho chúng sanh chứng vào tri
kiến Phật vậy. … Xá-Lợi-Phất! Nay ta cũng lại như thế, rõ biết các chúng sanh
có những điều ưa muốn, thân tâm mê chấp, ta tùy theo bản tánh kia dùng các món
nhân duyên lời lẽ thí dụ cùng sức phương tiện mà vì đó nói pháp” (Phẩm Phương Tiện – Kinh Diệu Pháp
LIên Hoa – theo bản dịch của HT TTTịnh)
[28]
[Perhaps I should add that in the Mahayarla the tern1 refers particularly to
earlier non-Mahayatla teachings, which are thus claimed to fall short of the
full truth.]
[29]
7 [T. W. Rhys Davids, ‘Introductioton
the Kassapa Sihanāda Sutta,’ ‘Dinalog
of f theBuddha, Part1, pp.
206-7. I quote the whole passage
in How Buddhisrn Began, pp. 17-1 8.]
[30] [Karma and nirvāṇa are the two
Buddhist doctrinal ternls which I assume to have become naturalized in English
and are therefore not italicized.]
[31] [AN
III,415.]
Như vậy
‘karma’ (S); [P: kamma]
- Tiếng
Tàu dịch là Nghiệp 業: (a) Ngày xưa cắt miếng gỗ ra từng khớp
để ghi các việc hàng ngày, xong một việc bỏ một khớp, xong cả thì bỏ cả đi, gọi
là tu nghiệp 修業. Nay đi học ở tràng gọi là tu nghiệp,
học hết lớp gọi là tất nghiệp 畢業 đều là nói nghĩa ấy cả, nói rộng ra
thì phàm việc gì cũng đều gọi là nghiệp cả (b) Cái nhân. Như nghiệp chướng 業障 nhân ác làm chướng ngại. Có ba nghiệp khẩu nghiệp 口業 nhân ác bởi miệng làm ra, thân nghiệp 身業
nhân ác bởi thân làm ra, ý nghiệp 意業 nhân ác bởi ý làm ra, ba món miệng,
thân, ý gọi là tam nghiệp 三業. (ThieuChuu), cũng còn phiên âm là ‘Yết-ma’ 羯磨 – Trong tiếng England, tương đương với
từ ‘deed’ hơn là ‘action’; vì deed là một hành động làm với ý thức,
với chủ ý, với ý định. Trong bản dịch này, tôi dùng karma và nghiệp tuỳ chỗ, thực
sự để cho rõ ràng hơn karma nên dịch là ‘nghiệp
lực’, sát với định nghĩa karma, trong đạo Phật, cũng như tác giả
trình bày sự tiến hoá của khái niệm này trong tư tưởng tôn giáo India.
[32]
Tác giả – trong thí dụ trên, dùng tiếng England và
những từ aggregates, self (ngũ uẩn, tự ngã) – nhân đây chúng ta thấy từ ātman, skandhāh sang aggregates, self và rồi, trong trường hợp chúng ta, dùng những từ
có sẵn của đạo Phật Tàu ngũ uẩn, tự ngã
(do người Tàu đã nhận hiểu và dịch qua tiếng Tàu của họ), để có thể hiểu đúng
những khái niệm này – chúng ta phải trở lại với những từ gốc ātman, skandhāh, và trong những nội dung
trong bản kinh gốc như ngữ cảnh của hơn 2000 năm trước, để có thể cố gắng đón
nhận được ý nghĩa của chúng, đó là ý của tác giả, một học giả lỗi lạc về Pali
và Phật học, nói ở trên
[33] No Self, No Soul
[34] ‘unchanging’ = không-thay đổi (tôi không muốn dùng từ ‘bất biến’, vì nếu thế,
thực cũng không rõ nghĩa gì hơn
[35] Nguyên văn ‘salvation’, nhưng theo nội
dung ở đây, tác giả (như nhiều tác giả Tây phương vội vàng) muốn nói đến ‘enlightment’.
[36] Hiện hữu, hay tồn tại, hay hiện sinh;
ở đây cũng như nhiều chỗ khác tôi dùng từ ‘là-có’;
một từ thuần Viêt, theo tôi có nghĩa rõ ràng hơn. Ở một chỗ khác, tôi cũng đã
nhấn mạnh, theo hiểu biết của tôi, đạo Phật nhiều phần, nhìn theo những định
nghĩa của triết học phương Tây, có thể xem là một hiện tượng luận, (và tri thức
luận phụ cho hiện tượng luận của nó, nếu muốn), hơn là một bản thể luận.
[37] Pragmatic empiricism
[38] Khổ để của Bốn Sự thật Cao quí
[39]
[The term ‘imperrnanent does not, of
course, necessarily imply that something is changing all the time, and I
believe that in sonle contexts the Buddha did not intend the term to carry this
strong sense. But expositions gloss this over; and in the abhidharma the doctrine was
systematized to mean constant change: it was even attempted to specify the
speed of change.]
[40] Tam Pháp Ấn: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã
[41] (a) ∀ sự vật
việc = vô thường; (b) Ngã ∈ ∀ sự vật việc > (c) Ngã = vô thường
[42] ‘Everything
is process’: tất cả đều là những gì không
là-có nhưng đang trở thành là-có
và sắp mất đi– trong một tiến trình của
những hiện tương thay đổi – có thể hiểu ý tác giả muốn nói tất cả mọi sư vật việc
là kết quả/những kết quả của những hành động, những thay đổi, những vận hành,
thao tác (=process). Tôi muốn trình bày một diễn tả tương đương và quen thuộc
khác trong những thuật ngữ triết học phương Tây: ‘tất cả những sự vật việc chúng ta biết, thấy và nghĩ tới, trước hết
và chủ yếu đều là những hiện tượng, chúng thực sự là những tiến trình của đang
trở thành hay mất đi, …. Như thế, chúng không có tự thân, không có bản thể,
chúng chỉ là là những là-có, lúc này và ở đây, những là-có ấy cũng đồng thời là
nguyên nhân lẫn cho nhau để là-có (không gì có chỉ một nguyên nhân, tất cả đều
nương nhau mà có (tương khởi); là-có như thế trong không gian đều là những ‘giả-hợp’, chúng liên tục thay đổi dòng thời gian tuôn chảy; và sau cùng cả
không và thời gian cũng chỉ là những khái niệm của tư tưởng, giúp con người có
thể hoạt động
[43] saṃskārā: Khi
cố gắng hiểu não thức tự giam bẫy nó như thế nào, tư tưởng triết học India thời
cổ đã nghĩ ra khái niệm samskara (từ
hai từ gốc Sanskrit có nghĩa là “chảy
cùng nhau”). Một samskara có thể hiểu
như một ‘rãnh’ trong não thức, làm cho những suy nghĩ chảy theo cùng một hướng.
Hiểu như thế samskara như ‘bản năng’ của mỗi người. Tâm lý học đạo Phật sử
dụng khái niệm này với nhiều tinh vi hơn, bằng cách nói về samskara như những dấu ấn trong não thức vốn có một cuộc sống của
riêng chúng. samskara cá nhân của một
người, được xây dựng từ những ký ức quá khứ, ‘buộc’ người này phải phản
ứng theo cách hạn chế lặp đi lặp lại, cướp đi sự lựa chọn tự do của người này
(tức là, lựa chọn như thể mỗi lần là lần đầu tiên). Từ này được định nghĩa bởi
những người theo đạo Phật theo nhiều cách – những hình thành ý chí; những ấn tượng
tinh thần; hiện tượng có điều kiện; phân bố; những lực tác động điều kiện cho
hoạt động tâm lý; những lực hình thành sự phát triển đạo đức và tinh thần.
Samskara:
Hành là thứ tư trong Ngũ Uẩn, và là liên kết thứ hai trong Mười hai Nhân Duyên,
vì vậy đó là một khái niệm quan trọng, thể hiện trong nhiều giáo lý đạo Phật.
Nó cũng liên kết chặt chẽ với Nghiệp
(Hành tạo Nghiệp)
Theo
Bhikkhu Bodhi, từ samskara hay
sankhara không có tương đương chính xác trong tiếng England. “Từ sankhara có nguồn từ tiền tố sam, có nghĩa là ‘cùng nhau’, được nối với
danh từ kara, hành động, làm.’ Do đó, Sankharas là ‘những
cùng-làm/co-doings’ (những sự vật việc
hoạt động đồng bộ với những sự vật việc khác, hoặc những sự vật việc được tạo
ra bởi sự kết hợp của những sự vật việc khác.”
Trong
What the Buddha Taught, Walpola
Rahula đã giải thích rằng samskara có
thể dùng để chỉ “tất cả những sự vật
việc tương đối và những trạng thái chịu điều kiện, phụ thuộc lẫn nhau, cả về thể
chất lẫn tinh thần. (all conditioned, interdependent, relative things and
states, both physical and mental.)
[44]
[In the Theravada/Pali tradition, these stories are conventionally said to
number 550. Some of them are found in all major Buddhist traditions.]
Jātaka:
(Pali and Sanskrit: “Birth”) any of
the extremely popular stories of former lives of the Buddha, which are
preserved in all branches of Buddhism. Some Jataka tales are scattered in
various sections of the Pali canon of Buddhist writings, including a group of
35 that were collected for didactic purposes. These 35 constitute the last
book, the Cariya Pitaka (“Basket of Conduct”), of the Khuddaka Nikāya
(“Short Collection”). Beyond this, a Sinhalese commentary
of the 5th century that is questionably attributed to a Buddhist scholar named Buddhagosa and called the Jatakatthavannana, or Jatakatthakatha, gathers together about
550 Jataka stories, some of which are quite brief while others are as long as
novelettes.
Each
tale begins by noting the occasion that prompted its telling and ends with the
Buddha identifying the lives of the people in the introductory story with those
of people from the past. There is humour in these stories and considerable
variety. The future Buddha may appear in them as a king, an outcast, a god, an
elephant—but, in whatever form, he exhibits some virtue that the tale thereby
inculcates.
Many
Jatakas have parallels in the Mahabharata
(“Great Epic of the Bharata Dynasty”), the Panca-tantra (animal fables), the Puranas (collections of legends), and elsewhere in non-Buddhist
Indian literature. Some turn up again in such places as Aesop’s fables. The Jataka stories have also
been illustrated frequently in sculpture and painting throughout the Buddhist
world.
[45] Aggregate: < 五 蘊; Ngũ Uẩn (S: pañca-skandha; P: pañca-khandha);
cũng gọi là Ngũ ấm (五 陰), năm nhóm (蘊 = Uẩn: Tích chứa, góp): 1. Sắc (色; s,
p: rūpa), chỉ thân và sáu giác quan (Lục căn); 2. Thụ (受; s, p: vedanā), tức là cảm giác; 3. Tưởng (想; s: saṃjñā; p: saññā); 4. Hành (行; s:
saṃskāra; p: saṅkhāra); 5. Thức (識; s: vijñāna; p: viññāṇa). Ngũ uẩn
cũng được gọi là năm ràng buộc vì chỉ
có Phật hay A-la-hán mới không bị dính mắc trong chúng. Ðặc tính chung của
chúng là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Kinh Ma-ha
bát-nhã ba-la-mật-đa Tâm kinh nhấn mạnh đến tính Không của ngũ uẩn
[46] [Damien Keown. Buddhism: A Very Short Introduction. Oxford: Oxford University
Press, 2013]
[47] hay lương tâm, tôi tránh dùng những từ này, nghĩa quá rộng
đến mơ hồ
[48] soteriology
[49] [P: sīla-bbata-parāmāso.]
[50] Homa: sự hiến cúng (thần thánh) = (hộ ma, hiến cung, cung dưỡng護 摩,献 供,供 養).
[51]
[Most of the last four paragraphs is taken from my Theravada Buddhism: A Social History, pp. 69-70.]
[52] [AN
I, 188-93.] Kinh Kalama (Các vị ở
Kesaputta) Kesaputta là thị trấn nơi bộ tộc Kalamas cư trú, là nơi Đức Phật
Thích Ca đến, được dân Kalamas hỏi về căn cứ của lòng tin đạo chân chính (chánh
tín), và Đức Phật đã thuyết pháp kinh này cho họ nghe; ngài nói chuyện với những
dân Kâlâma ở thành Kesaputta (nay thuộc tiểu bang Bihar).
“Một thời, Thế Tôn đang đi du hành… , đi đến Kesaputta, thị trấn của
những người Kàlàmà….” Họ hỏi: “… Có một số Sa-môn, Bà-la-môn, bạch Thế
Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng
họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Bạch Thế Tôn,
và một số Sa-môn, Bà-la-môn khác cũng đi đến Kesaputta, … khinh miệt, chê bai,
xuyên tạc. Đối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ phân vân: ‘Trong những Tôn giả Sa-môn này, ai nói
sự thật, ai nói láo?’…” Đức Phật trả lời qua đó nói về sự độc
lập và tự do của tư tưởng:
“…Đương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những nghi ngờ! Đương nhiên,
này các Kàlàmà, các Ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ,
các Ông đương nhiên khởi lên phân vân.
Này các
Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có
tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì
lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời
hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất
từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. … “(bản dịch ThíchMinhChâu)
[53]
[Gombrich, Theravada Buddhism, pp.
83-8. This is of course not to deny that the Buddha’s ideas can be, have been, and should be applied to politics and
public affairs]
[54] Egalitarianism:
a political doctrine that holds that all people should be treated as equals
from birth, usually meaning held equal under the law and in society at large.
It is a belief in human equality, especially with respect to social, political
and economic rights and privileges, and advocates the removal of inequalities
among people and of discrimination (on grounds such as race, gender, sexual
orientation, religion, etc).
Political
philosophies such as Socialism, Marxism, Communism and Anarchism all support
the principles of Egalitarianism to some degree. Christian
Egalitarianism holds that all people are equal before God and in
Christ
[55] [In Sanskrit the word is kusala.]
[56]
[Xem L. S. Cousins, ‘Good or skilful?
– Kusala in Canon and commentary’
(1996), especially pp. 143-8.]
[57] [Vin.
I, 49 para 20,46 para 10.]
[58]
[This refers to their being written down for the first time. But our earliest
physical evidence, our oldest manuscripts, of most texts is not nearly that
old, and each copying brings further errors, including interpolations.]
For
a summary account of our evidence for the Pali Canon, see my ‘What is Pali?’ in A Pali Grammar.]
[59] Richard F. Gombrich. How Buddhism Began: The Conditioned Genesis
of the Early Teachings. London: Athlone Press, 1996. Sẽ dịch để tham khảo
khi thời giờ cho phép.]