Sunday, December 13, 2015

Plato – Theaetetus

Theaetetus
(Theaetetōs)

Plato (Πλάτων, Plátōn, 428/427– 348/347 TCN)








Dẫn nhập của người biên tập bản tiếng Anh


Plato đã có nhiều để nói trong những đàm thoại khác về sự hiểu biết (επιστημη epistêmê), nhưng đây là thăm dò được kéo dài bền vững duy nhất của ông vào câu hỏi “hiểu biết là gì?” Do thế, nó là tài liệu khởi dựng của những gì đi đến được biết như “tri thức học”(epistemology), như một nhánh của triết học; ảnh hưởng của Theaetetus – đặc biệt với Aristotle và những nhà phái Stoics – đã ghi đậm dấu trong tri thức học Hellas (Hylạp). Theaetetus là nhà toán học nổi tiếng, một cộng sự của Plato ở trường Academy trong nhiều năm. Phần mở đầu của đàm thoại xem dường thông báo rằng công trình này đã xuất bản như để tưởng niệm Theaetetus, không lâu sau cái chết yểu mệnh của ông, đương khi thi hành nghĩa vụ quân sự, năm 369 TCN. Do đó, chúng ta có thể định thời điểm xuất bản của đàm thoại khá chính xác, khoảng vài năm sau khi Theaetetus chết. Lúc đó, Plato khoảng sáu mươi tuổi, và Aristotle, một cộng sự lâu năm nổi tiếng khác, vừa gia nhập Academy như một sinh viên (367 TCN).

Dù không được kể như một trong những “đàm thoại Socrates” – hiểu như một đàm thoại trong đó cho thấy nhân vật Socrates thăm dò những vấn đề đạo đức, bằng xem xét, và phản bác những ý kiến của những người cùng ông thảo luận. Theaetetus mô tả một Socrates, người tự cho sự thiếu hiểu biết và tư thế thấp hơn của mình là điều quan trọng, như một người đặt câu hỏi tìm hiểu, và đàm thoại đã kết thúc bỏ lửng, không kết luận ngã ngũ. Tuy nhiên, không như trong những “đàm thoại Socrates” chính thức, bây giờ Socrates mô tả vai trò của mình ở đây như của một “bà mụ đỡ”: ông “mang ra thành biểu hiện” những ý tưởng của những người trẻ tuổi thông minh, giống như Theaetetus, bằng cách mở rộng những giả định và những hậu quả của chúng, như thế để thấy rõ ràng những ý tưởng đó cuối cùng dẫn đến đâu, và sau đó thiết lập chúng hoặc như vững chắc hợp lý, hoặc như còn thiếu sót sai lầm, bằng những lập luận độc lập của riêng ông.

Định nghĩa đầu tiên trong ba định nghĩa của Theaetetus lần lượt đưa ra về hiểu biết – rằng hiểu biết là “tri giác” (perception) – không được “sinh nở” cho đến sau cùng, khi Socrates đã nối kết nó với lý thuyết “con người là thước đo”, nổi tiếng của Protagoras về sự thực tương đối, và cũng với lý thuyết rằng “tất cả thì chuyển động và thay đổi” vốn Socrates thấy hầu hết những nhà tư tưởng Greek trong quá khứ đã chấp nhận, và cho đến khi ông đã trang bị cho nó với một lý thuyết phức tạp và khéo léo về tri giác, và cách nó hoạt động thế nào. Sau đó ông xem xét riêng biệt, sự thật của những lý thuyết đã liên kết này – không do Theaetetus, nhưng do chính ông đã đưa vào thảo luận – và, cuối cùng sau khi gạt bỏ ý tưởng của Theaetetus là không vững chắc, ông tiến tới phân tích tích cực của ông về tri giác và vai trò của nó trong hiểu biết. Nhấn mạnh này vào sự thăm dò có hệ thống về những ý tưởng, trước khi cuối cùng tự mình đặt tin tưởng vào chúng, hoặc chấp nhận chúng, hoặc từ chối chúng như không vững chắc, được tìm thấy trong một lớp bọc ngoài khác biệt trong Parmenides, với sự thăm dò tỉ mỉ có hệ thống của nó về những giả thuyết về cái Một (unity) như một phương tiện để làm việc gian nan hướng đến một lý thuyết có thể chấp nhận được về những Thể dạng. Socrates đã thiết lập một liên kết rõ ràng giữa hai đàm thoại, ở đoạn 183e, khi ông lôi vào một dẫn nhắc về cuộc nói chuyện được kể trong Parmenides.

Theaetetus có một hình thức độc nhất trong số những đàm thoại của Plato. Phần mở đầu trình bày một trò chuyện ngắn, ở Athens, giữa Eucleides và Terpsion, những người theo triết lý của Socrates, từ vùng Megara gần đấy (họ là trong số những người đã có mặt để bàn luận trong ngày cuối cùng của Socrates, kể trong Phaedo). Phần còn lại, một người đầy tớ nô lệ đã đọc (cho họ nghe) một quyển sách do Eucleides biên soạn; trong đó ghi lại một trò chuyện, đã diễn ra nhiều năm trước đó, của Socrates, Theodorus và Theaetetus. Do những nguồn tài liệu cổ bảo cho chúng ta biết những đàm thoại của Socrates thực sự đã được Eucleides công bố, nó là như thể, trừ phần mở đầu, Plato đã cho chúng ta một trong những đàm thoại của Eucleides, nhưng mang tên của mình. Dòng cuối cùng của tác phẩm này, thiết lập nó như là đầu tiên của một chuỗi đàm thoại, với SophistStatesman nối tiếp sau đó – và như đã ghi chú ở trên, Parmenides trước đó. Trong Theaetetus, Socrates thử thách sự nhiệt thành của Theaetetus, với trợ giúp của nhà hình học Theodorus, một cộng sự khác của Plato trong Academy; trong hai tác phẩm kia, Theaetetus trước, rồi Socrates trẻ tuổi tiếp sau, sẽ là những người cùng thảo luận với một vị khách không biết tên đến từ thành Elea, miền Nam nước Ý, quê hương của Parmenides và Zeno – một loại người thảo luận rất khác biệt. Socrates và phương pháp “đỡ đẻ” của ông đã vượt lên thay thế.

Mặc dù sự sống động của nó và Socrates khéo léo thông minh, gợi nhắc những “đàm thoại Socrates” chính thức, Theaetetus là một tác phẩm khó khăn về lý thuyết triết học trừu tượng. Nhà lôgích và triết gia hiện đại người Mỹ, C. S. Peirce, kể nó, cùng với Parmenides, như công trình lớn nhất của Plato, và gần đây nó thu hút được sự quan tâm và tán thành của những triết gia lớn của thế kỷ vừa qua, như Ludwig Wittgenstein và Gilbert Ryle.

J. M. C.





Theaetetus
Plato [1]


1. Dẫn nhập, giới thiệu vào đàm thoại: [142a–145e]

 [142a]
Eucleides: Có phải ông vừa mới từ dưới quê lên hay không, Terpsion? Hay ông ở đây một đôi khi đã lâu rồi? [2]
Terpsion: Tôi đã ở đây một thời gian khá lâu rồi. Thực sự, tôi đã từng tìm ông trong khu chợ và tự hỏi rằng sao tôi không thể tìm thấy ông. [3]
Eucleides: Vâng, ông không thể, vì tôi đã không ở trong thành phố.
Terpsion: Ông đã ở đâu vậy?
Eucleides: Tôi đã đi xuống bến cảng; và khi đang đi, tôi đã gặp Theaetetus, đang được đưa từ trại binh ở Corinth về Athens.[4]
Terpsion: Còn sống hay chết?
Eucleides: Còn sống; nhưng đó là tất cả gì một ai có thể nói. Bị thương nặng là một chuyện; nhưng rắc rối thực sự là bệnh này đã vỡ ra trong quân ngũ.
Terpsion: Bệnh kiết lỵ?
Eucleides: Vâng.
Terpsion: Thật là một người, để phải mất!
Eucleides: Vâng. Một người hoàn toàn xuất sắc, Terpsion. Chỉ vừa mới đây, tôi đã được nghe một số người ca ngợi anh không tiếc lời về lối anh ta đã hành xử trong chiến trận.
Terpsion: Vâng, không có gì khác thường về điều đó. Còn đáng tự hỏi nhiều hơn nếu như chính anh ta đã không tự nổi bật. Nhưng tại sao anh ấy không lên đây, ở Megara?
Eucleides: Anh đã gấp rút để về nhà. Chính tôi cứ hỏi anh, và khuyên anh; nhưng anh không nghe. Thế nên, tôi đã nhìn thấy anh đang trên đường của anh. Và sau khi tôi đã trở lại nhà, tôi đã nghĩ đến Socrates và phải nhận ông thật là một người có khiếu tiên tri giỏi – như thường lệ – về Theaetetus. Đã không lâu trước cái chết của Theaetetus, nếu tôi nhớ không nhầm, ông ngẫu nhiên đã gặp Theaetetus, người vẫn còn là một chú bé vào thời điểm đó. Socrates đã gặp anh ta và đã có một trò chuyện với anh, và đã hết sức sững sờ trước khả năng bẩm sinh tự nhiên của Theaetetus; và khi tôi đến Athens, ông đã lập lại cho tôi cuộc thảo luận mà họ đã có, vốn rất đáng được nghe. Và ông đã nói với tôi khi đó, rằng chúng ta ắt sẽ không khỏi còn nghe nhiều hơn nữa về Theaetetus, nếu anh ta sống đến tuổi trưởng thành.
Terpsion: Vâng, Socrates xem ra đã đúng, không chối cãi được – Nhưng cuộc thảo luận này là gì? Ông có thể kể nó cho tôi không?
Eucleides: Zeus ơi, không đâu. Không từ trí nhớ, dẫu thế nào chăng nữa. Nhưng lúc đó, tôi đã thực hiện một số ghi chú về nó, ngay sau khi tôi trở về nhà; từ đó về sau, tôi đã nhớ lại nó khi nhàn rỗi, và viết nó ra, và bất cứ khi nào tôi đến Athens, tôi thường hỏi Socrates về những điểm tôi không thể nhớ được, và chữa bản tôi đang viết cho đúng, khi tôi trở về nhà. Kết quả là tôi đã có toàn bộ cuộc thảo luận ghi chép khá tốt thành văn bản.
Terpsion: Vâng, Tất nhiên. Trước đây, tôi đã nghe ông nói thế, và tôi đã luôn luôn có ý để hỏi ông đem nó cho tôi xem, dẫu tôi quá mong điều đó đã lâu. Nhưng bây giờ có bất kỳ lý do nào khiến chúng ta không nên đầu đuôi xem xét nó cho tường tận? Tôi muốn nghỉ một chút, dẫu sao đi nữa, sau chuyến đi của tôi từ quê lên đến đây.
Eucleides: Vâng, tôi cũng không quản gì chuyện ngồi xuống. Tôi đã đi theo Theaetetus mãi đến tận Erineum [5]. Nào hãy cùng đến đây. Chúng ta sẽ gọi người nô lệ đọc nó cho chúng ta nghe trong khi chúng ta nghỉ ngơi,
Terpsion: Đúng vậy.
Eucleides: Quyển sách đây, Terpsion. Ông thấy đấy, tôi đã viết nó ra như thế này: Tôi đã không làm Socrates kể lại cuộc trò chuyện như khi ông kể lại nó cho tôi, nhưng tôi trình bày ông như đang trực tiếp nói với những người vốn ông nói ông đã có trò chuyện này. (Những người này, ông kể với tôi, là nhà hình học Theodorus và Theaetetus.) Tôi muốn, trong bản văn viết, để tránh những phiền hà của việc có những mảnh vụn vặt, khi tường thuật, giữa những phát biểu – Tôi muốn nói có nghĩa là, khi Socrates, bất cứ khi nào ông đề cập đến phần của riêng ông trong thảo luận, nói: “Và tôi đã chủ trương”, hay “tôi đã nói”, hoặc, của người trả lời, “Ông đã đồng ý”, hay “Ông ấy sẽ không thừa nhận điều này”. Đó là lý do tại sao tôi đã làm ông ta nói chuyện trực tiếp với họ, và đã bỏ đi những khuôn thức này.
Terpsion: Vâng, như thế là khá trong trật tự, Eucleides.
Eucleides: Bây giờ, chú bé, hãy đọc nó lên cho chúng ta nghe.

[143d]
Socrates: Nếu thành Cyrene đứng đầu trong những thương mến của tôi, Theodorus, tôi ắt sẽ hỏi ông sự việc ở đó ra sao, và không biết có bất kỳ một ai, trong số những người trẻ của thành phố ông, đang mê mải theo học môn hình học hay bất kỳ một ngành khác nào của triết học hay không. Nhưng, vì thực sự là tôi yêu Athens hơn Cyrene, và vì thế tôi nhiều băn khoăn hơn để biết ai trong số những người trẻ tuổi của thành phố chúng tôi cho thấy có những dấu hiệu sẽ trở thành tốt đẹp. Tất nhiên, đó là điều tôi luôn luôn cố gắng để tự mình tìm ra, hết sức như tôi có thể; và tôi cũng tiếp tục hỏi những người khác nữa – bất kỳ một ai nếu tôi thấy những người trẻ có khuynh hướng tụ tập quanh người ấy. Bây giờ dĩ nhiên, ông là người được rất nhiều người tìm theo, và với lý do tốt đẹp; chỉ riêng hình học của ông đủ khiến ông xứng đáng với điều đó, và đó không phải là lý do nổi tiếng duy nhất của ông. Thế nên, nếu ông có bắt gặp bất kỳ một ai đáng nhắc đến, tôi sẽ rất vui được nghe.
Theodorus: Vâng, Socrates, tôi nghĩ rằng ông nên được kể cho nghe, và tôi nghĩ tôi nên kể với ông, về một chú bé nổi bật đáng chú ý tôi đã gặp ở đây, một trong những đồng hương của ông. Và nếu như anh ta đã đẹp trai, tôi sẽ hết sức lo lắng để nói về anh ta với nhiệt tình, vì sợ tôi có thể bị nghi ngờ là có tình ái với anh ta. Nhưng như một sự kiện thực tại – nếu ông sẽ tha thứ cho tôi nói một điều như vậy – anh ta không đẹp trai chút nào, nhưng đúng hơn có phần giống như ông, mũi hếch, với hai mắt lồi; dù những nét này trong anh ta không hoàn toàn nổi bật như thế. Tôi nói với không bất kỳ ngại ngần; và tôi đoan chắc với ông rằng trong số tất cả những người mà tôi đã từng gặp – và tôi đã được biết một số rất nhiều trong đời tôi – Tôi chưa từng bao giờ thấy bất kỳ một ai có năng khiếu tuyệt vời đến sửng sốt như vậy. Cùng với một sự thông minh nhanh nhẹn vượt quá khả năng của hầu hết mọi người, anh có một tính khí dịu dàng khác thường; và tột cùng tất cả, anh là một chú bé cũng đầy nam tính như bất kỳ một đồng bạn nào của anh. Tôi không bao giờ nghĩ rằng một kết hợp như thế có thể hiện hữu; Tôi không nhìn thấy nó hiện lên ở nơi nào khác. Những người cũng sắc bén và kiên định và nhớ lâu như anh ta đều có khuynh hướng là rất không cân bằng. Họ bị quét đi, cuốn theo với một vội vàng, như những con tàu, bụng trống không dằn nặng; những gì là dấu hiệu của dũng cảm trong kết hợp của họ là một loại của sự phấn khích điên dại; trong khi, mặt khác, những người thuộc loại vững vàng ổn định hơn có khuynh hướng đi đến học hỏi của họ với trí óc uể oải chậm chạp, cách nào đó – được một trí nhớ kém cỏi chuyên chở. Nhưng chú bé này đi đến sự học hỏi của mình một cách thông xuốt, vững chắc, hiệu quả, và với nhiều bình tĩnh rất tốt; nó nhắc nhở người ta về sự tuôn chảy tĩnh lặng của một dòng suối dầu. Kết quả là điều thật kinh ngạc để thấy anh vượt qua được công việc học hỏi của anh như thế nào, ở tuổi của anh.
Socrates: Đó là tin tốt. Và anh ta là một người Athen – con của ai thế?
Theodorus: Tôi đã nghe tên, nhưng tôi không nhớ. Nhưng anh ta là người đứng giữa trong nhóm đang tiến về phía chúng ta này. Anh và những đồng bạn đã vừa mới xoa dầu cho chính họ ở sân ngoài; bây giờ trông như thể họ đã xong xuôi, và đang đi đến đây. Nhưng nhìn và hãy xem nếu ông nhận ra anh ta. [6]
Socrates: Vâng, tôi biết anh ta. Anh là con trai của Euphronius người thành Sunium – rất đúng là loại người, ông bạn của tôi, mà ông kể cho tôi về con trai của ông ta là ai. Một người lỗi lạc nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau; ông để lại một tài sản rất đáng kể. Nhưng tôi không biết tên của anh ấy.
Theodorus: Tên của anh ấy, Socrates, là Theaetetus. Về phần tài sản, tôi nghĩ rằng, những người được giao trách nhiệm trông nom nó đã làm tiêu tan. Dẫu vậy, anh ta thì rất rộng rãi về tiền bạc, Socrates.
Socrates: Một nòi quí phái thuần chủng, rõ ràng. Tôi muốn ông gọi anh ấy đến và ngồi với chúng ta ở chỗ này đây.
Theodorus: Được rồi. Theaetetus, đến đây, cạnh Socrates.
Socrates: Vâng, hãy đến đây, Theaetetus. Tôi muốn xem để thấy chính mình có mặt mũi thuộc loại nào. Theodorus nói tôi giống như bạn. Nhưng nhìn. Nếu bạn và tôi mỗi người đã từng có một đàn lyre, và Theodorus đã bảo chúng ta rằng chúng đều đã cùng được lên giây cả hai tương tự, chúng ta có nên nghe theo lời ông như thế ngay lập tức hay không? Hay chúng ta nên cố gắng tìm hiểu xem nếu như ông đã nói với bất kỳ một hiểu biết chuyên môn nào về âm nhạc? [7]
Theaetetus: Ồ, chúng ta nên thăm dò vào điều đó.
Socrates: Và nếu như chúng ta đã tìm thấy rằng ông là một nhạc sĩ, chúng ta tất đã tin những gì ông nói; nhưng nếu chúng ta tìm thấy ông không có chuyên môn như vậy, chúng ta tất không nên đặt lòng tin vào ông.
Theaetetus: Vâng, đúng là thế.
Socrates: Và bây giờ, tôi giả định rằng, nếu chúng ta chú tâm vào câu hỏi này về khuôn mặt của chúng ta thì giống nhau, chúng ta phải nên xem xét liệu ông ta nói với bất kỳ một hiểu biết nào về hoạ hình [8] hay không?
Theaetetus: Vâng, tôi nghĩ nên như vậy.
Socrates: Vậy sau đó, có phải Theodorus là một hoạ sĩ?
Theaetetus: Không, theo như tôi biết, không phải thế.
Socrates: Cũng chẳng phải là một nhà hình học?
Theaetetus: Ồ, về tư cách đó của ông thì không có gì phải ngờ, Socrates.
Socrates: Và không phải ông cũng còn là một bậc thầy về thiên văn học, và toán học, và âm nhạc – về tất cả những gì vốn một người có giáo dục nên biết?
Theaetetus: Vâng, với tôi ông xem dường là thế.
Socrates: Sau đó, nếu ông khẳng định rằng có một vài tương đồng thể chất giữa chúng ta – dù khen ngợi chúng ta, hoặc ngược lại – người ta lẽ ra không nên quá quan tâm đến ông ta?
Theaetetus: Không, có lẽ không.
Socrates: Nhưng giả sử đó đã là hồn người của một chúng ta mà ông đã ca ngợi? Giả sử ông nói một trong chúng ta thì tốt lành và khôn ngoan? Không phải ai là người đã nghe thế phải là rất bồn chồn để xem xét đối tượng của lời khen ngợi loại như vậy? Và không phải rằng người kia là rất nôn nóng để khoa trương chính mình?
Theaetetus: Vâng, chắc chắn thế, Socrates.
Socrates: Sau đó, Theaetetus thân yêu của tôi, bây giờ là lúc để bạn cho thấy bản thân bạn, và cho tôi để xem xét bạn. Vì dù Theodorus thường cho tôi những lời chứng tâng bốc về người ta, cả người thành Athens và những người ngoài, tôi đoan chắc với bạn, trước đây tôi chưa từng bao giờ nghe ông ấy khen ngợi bất kỳ một ai trong cách ông đã vừa ca ngợi bạn.
Theaetetus: Đó tất cả là rất hay, Socrates; nhưng hãy cẩn thận, liệu ông ta đã không nói thế để làm một chuyện đùa vui.
Socrates: Đó không phải là lối của Theodorus. Bây giờ bạn đừng có gắng để thử rút ra khỏi những gì chúng ta đã đồng ý, với lấy cách giả vờ rằng ông bạn của chúng ta đang nói đùa, hay bạn có thể làm nên điều cần thiết để ông ta đưa ra bằng chứng của ông – vì tội khai man thì chắc chắn không bao giờ được mang đến để buộc vào ông. Như thế, hãy vững bụng dạ để sát cánh với sự đồng ý của bạn.
Theaetetus: Được rồi, tôi phải, như thế, nếu đó là những gì ông đã quyết định.
Socrates: Bây giờ, kể cho tôi biết. Bạn đang học một số đáng kể về hình học từ Theodorus, tôi mong thế?
Theaetetus: Vâng, tôi đang.
Socrates: Và một số đáng kể về thiên văn học và âm nhạc và số học?
Theaetetus: Vâng, tôi rất nôn nóng muốn học, dù sao đi nữa.
Socrates: Và tôi cũng vậy, người bạn trẻ thân mến ơi – từ Theodorus hoặc từ bất cứ ai là người xem dường với tôi có hiểu biết về những đối tượng này. Nhưng mặc dù tôi vẫn tiếp tục với chúng khá tốt trong hầu hết mọi cách, tôi có một khó khăn nhỏ, mà tôi nghĩ rằng đáng phải được điều tra, với sự giúp đỡ của bạn và của những người khác còn lại trong đám chúng ta. – Bây giờ, không phải là đúng rằng học hỏi là để trở nên khôn ngoan [9] hơn về điều người ta đang học hỏi?
Theaetetus: Vâng, tất nhiên.
Socrates: Và những gì làm con người khôn ngoan, tôi hiểu nó, là sự khôn ngoan?
Theaetetus: Vâng
Socrates: Và có phải điều này trong bất kỳ cách nào khác biệt với hiểu biết?
Theaetetus: Điều gì?
Socrates: Sự khôn ngoan. Không phải nó là những điều vốn người ta biết chúng thì khôn ngoan về chúng?
Theaetetus: Vâng, phải.
Socrates: Vì vậy, hiểu biết và sự khôn ngoan sẽ là cùng một điều như nhau?
Theaetetus: Vâng.

2. Định nghĩa bằng Thí dụ (146a–151d)

Socrates: Bây giờ, khó khăn của tôi đi vào đúng ở chỗ này. Tôi không thể có được một nắm giữ thích đáng về hiểu biết thực sự là lạ lùng gì đây. Có thể nào chúng ta xoay sở để đặt nó vào trong những lời nói? Vậy tất cả các bạn nói gì? Ai sẽ nói đầu tiên? Bất cứ ai phạm một sai lầm sẽ ngồi xuống, và là con Lừa, như trẻ em nói khi chúng chơi ném bóng; và bất cứ ai vượt qua mà không bị sai hụt, sẽ là Vua, và khiến chúng ta trả lời bất kỳ câu hỏi nào người ấy thích. – Vâng, sự im lặng này là sao? Theodorus, tôi hy vọng lòng yêu luận chứng của tôi không làm tôi quên cách cư xử của tôi – chỉ vì tôi rất nôn nóng để bắt đầu một thảo luận và có được tất cả chúng ta cùng thân thiện và thích trò chuyện với nhau?

Theodorus: Không, không, Socrates – đó là điều cuối cùng mà người ta có thể gọi là sự quên cách cư xử của bạn. Nhưng hãy cứ làm cho một trong những người trẻ tuổi trả lời bạn. Tôi không quen với loại này của thảo luận, và tôi đã quá già để chen vào vướng lối của nó. Nhưng nó sẽ là đủ phù hợp với họ, và từ nó họ sẽ thu được nhiều lợi ích hơn. Vì tuổi trẻ luôn luôn có thể thu lợi, đó là đủ đúng thực. Vì vậy, hãy tiếp tục; đừng để rơi mất Theaetetus, nhưng hỏi anh ta thêm một vài câu hỏi nữa.

Socrates: Vâng, Theaetetus, bạn nghe những gì Theodorus nói. Bạn sẽ không muốn không vâng lời ông, tôi chắc thế; và chắc chắn là một người khôn ngoan sẽ không nên để đàn em của mình không vâng lời trong những vấn đề thuộc loại này – nó tất cả sẽ không là điều đúng đắn. Bây giờ, hãy cho tôi một câu trả lời thẳng thắn tốt đẹp. Bạn nghĩ hiểu biết là gì?
Theaetetus: Vâng, tôi phải trả lời, Socrates, vì ông và Theodorus bảo tôi phải. Dẫu trong trường hợp nào đi nữa, ông và ông ấy sẽ chữa cho tôi đúng, nếu tôi có làm một sai lầm.
Socrates: Chúng tôi chắc chắn sẽ, nếu chúng tôi có thể.
Theaetetus: Vậy, tôi nghĩ rằng những điều Theodorus dạy là hiểu biết [10] – Tôi có ý muốn nói hình học và những môn học mà ông vừa mới liệt kê. Sau đó, lại nữa, có những ngành thủ công như khâu vá giày, cho dù ông gộp chúng vào nhau hoặc tách chúng riêng rẽ. Chúng chắc chắn phải là hiểu biết.
Socrates: Đó chắc chắn là một một câu trả lời thẳng thắn và thực sự là rộng rãi, chàng trẻ tuổi thân yêu của tôi ơi. Tôi hỏi bạn lấy một điều và bạn đã cho tôi nhiều; Tôi muốn một gì đó đơn giản, và tôi đã được một mớ nhiều thứ khác nhau.
Theaetetus: Và điều đó có nghĩa là gì, Socrates?
Socrates: Không gì đâu, tôi dám nói thế. Nhưng tôi sẽ bảo cho bạn tôi nghĩ những gì. Khi bạn nói về khâu vá giày, bạn muốn nói chỉ hiểu biết của việc làm giày?
Theaetetus: Vâng, đó là tất cả ý tôi muốn nói về nó.
Socrates: Và khi bạn nói về nghề mộc, bạn chỉ đơn giản có nghĩa là hiểu biết của việc làm bàn ghế gỗ?
Theaetetus: Vâng, đó là tất cả ý tôi muốn nói về nó, lại nữa.
Socrates: Và trong cả hai trường hợp, bạn đặt vào trong định nghĩa của bạn về hiểu biết là về những gì?
Theaetetus: Vâng.
Socrates: Nhưng đó không phải là những gì bạn đã được hỏi, Theaetetus. Bạn đã không được hỏi để nói người ta có thể có hiểu biết về những gì, hoặc có bao nhiêu nhánh của hiểu biết. Đã không là với bất kỳ một ý tưởng nào về sự đếm kể những điều đó lên, mà câu hỏi đã được đặt ra; chúng ta muốn biết tự thân hiểu biết là gì. – Hay tôi nói vô nghĩa?
Theaetetus: Không, ông thì hoàn toàn đúng.
Socrates: Bây giờ cũng nghĩ về điều này nữa. Giả sử chúng ta được hỏi về một vài điều phổ biến thông thường xảy ra hàng ngày; thí dụ, đất sét là gì? Và giả sử chúng ta đã trả lời, “đất sét của những thợ gốm”, và “đất sét của những thợ làm lò bếp”, và “đất sét của những thợ làm gạch”, đó không phải rằng chúng ta sẽ là phi lý?
Theaetetus: Vâng, có lẽ nó sẽ.
Socrates; Phi lý khi bắt đầu, tôi cho là, với tưởng tượng rằng người đặt câu hỏi sẽ hiểu bất cứ gì từ câu trả lời của chúng ta khi chúng ta nói “đất sét”, cho dù chúng ta thêm rằng đó là đất sét của người làm búp bê, hay của bất kỳ thợ thủ công nào khác. Hay có phải bạn nghĩ rằng bất cứ một ai có thể hiểu được tên gọi của một sự vật việc khi anh ta không biết chính sự vật việc này là gì?
Theaetetus: Không, chắc chắn không.
Socrates: Và do đó, một ai là người không biết sự hiểu biết là gì sẽ chẳng hiểu “hiểu biết về giày dép” là gì cả?
Theaetetus: Không, anh ta sẽ không.
Socrates: Khi đó, một ai là người không biết gì về hiểu biết là gì, sẽ không hiểu sự khâu vá giày là gì, hoặc bất kỳ nghề thủ công nào khác?
Theaetetus: Đó là thế.
Socrates: Như thế, khi câu hỏi nêu lên là “Hiểu biết là gì?” để trả lời bằng cách gọi tên một của những nghề thủ công là một trả lời phi lý; vì nó trỏ vào một gì đó vốn hiểu biết thì thuộc về (của nó), trong khi đây không phải là những gì câu hỏi đã hỏi đến.
Theaetetus: Nó có vẻ như thế.
Socrates: Lại nữa, nó đi vòng quanh một đường dài không đến đâu, trong một trường hợp, tôi hiểu nó, ở đó có thể có được một câu trả lời ngắn và bình thường. Trong câu hỏi về đất sét, lấy thí dụ, nó có lẽ là có thể làm một tuyên bố đơn giản, bình thường, rằng nó là đất được trộn với chất lỏng, và để cho câu hỏi về đất sét của ai, nó tự lo cho chính nó.
Theaetetus: Thế đó xem có vẻ dễ dàng hơn, Socrates, bây giờ ông đặt nó như thế. Nhưng tôi tin rằng ông đang hỏi đúng loại câu hỏi vốn xảy ra với người mang cùng tên Socrates đây và bản thân tôi, khi chúng tôi đã có một thảo luận trước đây một chút.
Socrates: Và đó là gì, Theaetetus?

Theaetetus: Theodorus ở đây đã chứng minh cho chúng tôi, với sự trợ giúp của những giản đồ minh hoạ một điểm về những căn số.[11] Ông đã cho chúng tôi thấy rằng căn số bậc hai của ba feet và căn số bậc hai của năm feet đều không có cùng đơn vị đo lường chiều dài của căn số bậc hai của một foot vuông; và ông đã tiếp tục theo cách này, lần lượt mỗi trường hợp cho đến khi ông đi đến căn số bậc hai của 17 feet; đến đó vì một vài lý do nào đó, ông đã dừng lại. Như thế, ý tưởng xảy ra với chúng tôi rằng, bởi vì những căn số đã thành ra là vô hạn trong (số những) con số, chúng tôi có thể cố gắng để thu thập những căn số trong câu hỏi dưới một tên gọi, vốn sẽ áp dụng cho chúng tất cả. [12]
Socrates: Và bạn đã tìm thấy loại tên gọi bạn muốn ?
Theaetetus: Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã tìm thấy. Nhưng tôi muốn ông xem nếu nó có đúng không.
Socrates: Vậy, hãy tiếp tục.
Theaetetus: Chúng tôi đã chia tất cả những số thành hai lớp. Bất kỳ số nào mà có thể được thành lập bởi những phép nhân của hai số bằng nhau, chúng tôi so sánh với dạng của một hình vuông, và chúng tôi gọi đây là một số hình vuông, hoặc một số (gồm những số xếp trong một) tam giác đều. [13]
Socrates: Tốt, cho đến giờ.
Theaetetus: Sau đó, chúng tôi đã lấy những số ở giữa, chẳng hạn như ba và năm, và số bất kỳ mà không thể được thành lập bằng cách nhân hai số bằng nhau, nhưng chỉ bằng cách nhân với nhau một số lớn hơn và một số nhỏ hơn; một số (thành) như vậy nó luôn luôn chứa một cạnh dài hơn và một cạnh ngắn hơn. Một số loại này, chúng tôi so sánh với một hình chữ nhật dài, và gọi đây là một số (gồm những số xếp trong một) hình chữ nhật dài.[14]
Socrates: Thế là xuất sắc. Nhưng bạn đã tiếp tục thế nào? 

Theaetetus: Tất cả những đường thẳng lập thành bốn cạnh những số hình tam giác đều hay hình vuông, chúng tôi gọi là những (số đo) chiều dài, và những đường lập thành những số hình chữ nhật dài chúng tôi gọi là những số vô tỉ [15] vì chúng không có cùng đơn vị đo lường chiều dài với những số khác, nhưng chỉ trong những diện tích của những mặt phẳng vốn do chúng bình phương mà thành, và có một sự phân biệt khác cùng một loại tương tự như thế trong trường hợp của những khối chất rắn [16]
Socrates: Tuyệt vời, chú bé của tôi. Tôi không nghĩ Theodorus thì có lẽ phải ra toà vì làm nhân chứng dối.
Theaetetus: Chưa hết, Socrates, tôi đã không có thể trả lời câu hỏi của ông về hiểu biết theo cùng một cách mà tôi đã trả lời câu hỏi về những chiều dài và căn số bậc hai – mặc dù có vẻ với tôi là ông đang tìm kiếm một gì đó cùng loại như vậy. Như thế, sau cùng tất cả, Theodorus thành ra là một người làm chứng không đúng.

Socrates: Tốt, nhưng bây giờ giả sử, đó là cuộc chạy đua của bạn khiến ông ca ngợi; giả sử rằng ông đã nói rằng ông chưa bao giờ gặp bất cứ một ai trong số những người trẻ tuổi là người chạy đua như bạn. Và sau đó giả sử bạn bị người quán quân vô địch đang sung sức ở tuổi trưởng thành đánh bại – Bạn có nên nghĩ lời khen ngợi củaTheodorus bị mất đi bất kỳ sự thực nào của nó?
Theaetetus: Không, tôi không nên.
Socrates: Nhưng bạn có nghĩ rằng sự khám phá xem hiểu biết là gì – là những gì tôi đang nói giờ đây –thực sự là một chuyện nhỏ? Bạn không nghĩ đó là một vấn đề cho những người có khả năng ở mức cao nhất?
Theaetetus: Vâng, đúng hơn, tôi có nghĩ; và ở mức cao tột đỉnh của họ.
Socrates: Vậy hãy có tự tin vào bản thân bạn, và cố gắng để tin rằng Theodorus đã biết về những gì ông nói đến. Bạn phải đặt hết lòng thành thực sốt sắng bạn vào trong những gì chúng ta đang làm – đặc biệt trong đề tài này để lấy được một phát biểu về hiểu biết thì thực sự là gì.
Theaetetus: Nếu đặt hết lòng thành thực sốt sắng của một người vào nó là tất cả những gì đòi hỏi, Socrates, câu trả lời sẽ ra ánh sáng.
Socrates: Vậy hãy tiếp tục đi. Bạn đã cho chúng tôi một dẫn đầu tốt vừa mới đây. Hãy cố gắng bắt chước trả lời của bạn về những số lũy thừa. Ở đó, bạn đã đem tất cả nhiều những lũy thừa vào cùng trong một dạng thức duy nhất; bây giờ tôi muốn bạn, trong cùng một cách, đem cho một giải thích duy nhất về nhiều những nhánh của hiểu biết.
Theaetetus: Nhưng tôi đảm bảo với ông, Socrates, tôi thường cố gắng để nghĩ cho ra điều này, khi tôi nghe thuật lại về những câu hỏi mà ông hỏi. Nhưng tôi không bao giờ có thể tự thuyết phục mình rằng bất cứ gì tôi nói sẽ thực sự làm được việc; và tôi không bao giờ nghe bất cứ ai khác nói rõ vấn đề trong cách mà ông đòi hỏi. Và tuy vậy, lại nữa, ông biết đấy, tôi không thể ngay cả ngừng băn khoăn về nó.
Socrates: Đúng; những điều đó là những quặn đau của sinh nở, Theaetetus thân mến. Đó là vì bạn không hiếm muộn nhưng mang thai.
Theaetetus: Tôi không biết về điều đó, Socrates. Tôi chỉ nói cho ông nghe những gì đã xảy ra với tôi.
Socrates: Vậy, có phải bạn muốn nói rằng bạn chưa bao giờ nghe nói về tôi là con trai của một bà mụ đỡ khỏe mạnh đẫy đà, Phaenarete? [17]
Theaetetus: Ồ, vâng, tôi đã nghe nói thế trước đây.
Socrates: Và bạn đã chưa bao giờ từng nghe nói rằng bản thân tôi thực hành cùng một nghệ thuật?
Theaetetus: Không, tôi chắc chắn chưa từng nghe.
Socrates: Nhưng tôi làm nghề đó, hãy tin tôi đi. Chỉ đừng lộ cho tất cả phần thế giới còn lại biết thế về tôi, nghe không? Bạn thấy đấy, bạn tôi ơi, đó là một bí mật rằng tôi có nghệ thuật này. Đó không phải là một trong những điều bạn nghe người ta nói về tôi, vì họ không biết; nhưng họ có nói rằng tôi là con người thuộc loại rất kỳ cục, luôn làm cho người ta lâm vào những khó khăn. Bạn phải đã nghe nói thế, chắc chắn?
Theaetetus: Có, tôi có.
Socrates: Và tôi có sẽ nói với bạn sự giải thích về chuyện đó là gì hay không?
Theaetetus: Vâng, xin vui lòng làm ơn.
Socrates: Tốt, nếu bạn sẽ chỉ nghĩ đến những sự kiện tổng quát về công việc của nghề đỡ đẻ, bạn sẽ thấy những gì tôi muốn nói dễ dàng hơn. Bạn biết đấy, tôi giả định, rằng phụ nữ không bao giờ thực hành nghề làm mụ đỡ đẻ đương khi họ vẫn đang (tuổi) thai nghén và mang bầu những đứa con mình. Chỉ những ai là người đã quá tuổi mang thai mới là người bắt tay vào thực hành nghề này.
Theaetetus: Ồ, vâng.
Socrates: Họ nói rằng đó đã là Artemis [18] là người khởi đầu gây nên tập quán này; đó là vì bà, người đã gánh vác vai trò (gót nữ) bảo trợ cho việc sinh nở, chính bà đã không con cái. Bà đã không, đó là sự thật, ủy thác nhiệm vụ của nghề đỡ đẻ cho những phụ nữ không con cái, vì bản chất con người là quá yếu để có được kỹ năng chỗ nào nó không có kinh nghiệm. Nhưng bà đã giao nhiệm vụ cho những người đã trở thành không còn khả năng sinh đẻ vì tuổi tác – tôn vinh sự giống như của họ với chính bà.
Theaetetus: Vâng, tự nhiên.
Socrates: Và điều này cũng rất tự nhiên, phải không? – Hoặc có lẽ là cần thiết? Tôi có ý muốn nói rằng đó là những bà mụ đỡ là những người có thể nói tốt hơn bất cứ ai nào khác về biết liệu có phải những phụ nữ đang có thai hay không.
Theaetetus: Vâng, tất nhiên.
Socrates: Và sau đó, đó là những bà mụ đỡ là người có quyền năng để đem đến những cơn đau, và cũng có thể, nếu họ nghĩ là phù hợp, để làm giảm chúng; họ làm điều đó bằng cách dùng những loại thuốc đơn giản, và bằng cách tụng những câu thần chú. Trong những trường hợp khó khăn, cũng vậy, họ có thể mang đến sự ra đời; hoặc, nếu xét thấy cần, họ có thể thúc đẩy một vụ sẩy thai.
Theaetetus: Vâng, đó là như vậy.

Socrates: Có một điều nữa. Bạn có nhận thấy điều này về họ hay không, rằng họ là những người thông minh nhất trong số những người kết đôi ghép lứa, vì họ có hiểu biết kỳ diệu về loại những cặp vợ chồng nào mà hôn nhân sẽ sinh sản những trẻ em khoẻ mạnh nhất?
Theaetetus: Không, điều đó thì tất cả là không quen thuộc với tôi.
Socrates: Nhưng họ rất tự hào về điều này, tin tôi đi, nhiều hơn là việc cắt dây rốn. Bây giờ hãy nghĩ đi. Có một nghệ thuật vốn nó có liên quan với việc trồng và thu hoạch những vụ mùa. Bây giờ, có phải là cùng một nghệ thuật vốn nó mô tả đất tốt nhất cho sự trồng trọt, hay sự gieo giống một vụ mùa nào? Hay có phải nó là một nghệ thuật khác?
Theaetetus: Không, nó tất cả là cùng một nghệ thuật.
Socrates: Sau đó, áp dụng điều này vào phụ nữ, sẽ có phải là có một nghệ thuật của sự gieo giống và một nghệ thuật khác của sự thu hoạch?
Theaetetus: Điều đó xem dường không xảy ra, chắc chắn.
Socrates: Không, nó không. Nhưng cũng có một thực hành trái pháp luật và không khoa học của việc đem những đàn ông và phụ nữ vào cùng nhau, mà chúng ta gọi là dắt gái [19]; và vì điều đó, những bà mụ đỡ – một khối đông đảo những phụ nữ đáng kính – đều rất miễn cưỡng để tiến hành ngay cả việc kết đôi ghép lứa hợp pháp. Họ sợ rằng nếu họ thực hành việc này, họ có thể bị nghi ngờ việc kia. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sự kết đôi ghép lứa đáng tin cậy là một vấn đề không với ai cả, nhưng chỉ với người mụ đỡ đích thực.
Theaetetus: Rõ ràng.

Socrates: Như thế, công việc của những bà mụ đỡ là một công việc rất quan trọng; nhưng nó thì không quá quan trọng như sự thực hành của riêng tôi. Và vì lý do này, rằng trong việc đỡ đẻ không có thêm biến chứng, rằng những bệnh nhân đôi khi sinh ra những bóng ma và đôi khi những thực tại, và rằng cả hai đều khó để phân biệt. Nếu như đã có, khi đó chức năng lớn nhất và cao quý nhất của người mụ đỡ sẽ là phân biệt đứa con thật với đứa con giả – bạn không đồng ý sao?
Theaetetus: Vâng, tôi đồng ý.

Socrates: Bây giờ nghệ thuật làm nghề đỡ đẻ của tôi cũng giống như của họ trong hầu hết những phương diện. Sự khác biệt là tôi đỡ đẻ cho những người nam và không phải những người nữ, và tôi canh chừng sự sinh nở của những hồn người của họ, không phải những thể xác của họ. Và điều quan trọng nhất về nghệ thuật của tôi là khả năng để áp dụng tất cả những thử nghiệm có thể có với đứa con, để xác định xem không biết tinh thần của người trẻ tuổi đã sinh ra một bóng ma, đó là một lầm lẫn, hay một sự thật phì nhiêu. Vì một điều vốn tôi có chung với những bà mụ đỡ thông thường là bản thân tôi thì cằn cỗi về sự khôn ngoan. Chê trách có chung về tôi là tôi luôn luôn đặt câu hỏi cho những người khác, nhưng không bao giờ bày tỏ quan điểm của riêng tôi về bất cứ điều gì, vì không có sự khôn ngoan trong tôi; và đó thì cũng đủ gọi là đúng. Và lý do của nó là điều này, rằng Gót thúc ép tôi chăm sóc việc khai hoa nở nhụy cho người khác, nhưng đã cấm đoán tôi về chuyện sinh sản. Như thế khiến tôi không là một người khôn ngoan theo bất cứ nghĩa nào; Tôi không thể tuyên bố bất kỳ một khám phá nào xứng đáng với tên gọi của sự khôn ngoan như đứa con của riêng hồn tôi. Nhưng với những người liên kết với tôi, sự việc thì khác biệt. Lúc đầu, một số trong số họ có thể đem cho ấn tượng là dốt nát và ngu xuẩn; nhưng với thời gian trôi qua, và sự tiếp tục liên kết của chúng tôi, tất cả những ai là người Gót cho phép đều nhìn thấy làm được tiến bộ – một sự tiến bộ vốn là sửng sốt tuyệt vời cho cả những người khác và cho chính họ. Và thế nhưng điều là rõ ràng rằng điều này không do bất cứ gì họ đã học được từ tôi; đó là rằng họ khám phá bên trong chính họ một vô số gồm những điều đẹp đẽ, vốn họ mang chúng ra ánh sáng. Nhưng đó là tôi, với sự giúp đỡ của Gót, là người đỡ đẻ cho họ đứa con này. Và một bằng chứng của điều này có thể được nhìn thấy trong nhiều trường hợp, trong đó nhiều người đã không nhận ra sự kiện này, vơ tất cả công trạng vẻ vang vào chính bản thân chọ, và nghĩ rằng tôi đã chẳng đỡ đần gì. Họ sau đó đã nhanh chóng đi đến bỏ rơi tôi sớm hơn như họ nên đáng lẽ, hoặc thuận theo ý riêng họ, hoặc qua ảnh hưởng của những người khác. Và sau khi họ đã xa khỏi tôi, họ đã quay về với đám kết giao gây hại, với kết quả là những gì còn lại trong họ đã bị sẩy thai; trong khi họ đã sao lãng những đứa con tôi đã giúp họ sinh ra, và mất chúng, vì họ đặt giá trị trên những lời dối trá và những bóng ma nhiều hơn trên sự thật; cuối cùng họ được dư luận hạ thấp xuống hàng những kẻ ngu dại, cả bởi chính họ và bởi mọi người khác [20]. Một trong những người này là Aristides, con trai của Lysimachos [21]; và đã từng có rất nhiều những người khác. Đôi khi họ quay lại, muốn nhập đoàn với tôi một lần nữa, và đã sẵn sàng lay trời chuyển đất để được điều đó. Khi điều đó xảy ra, trong một số trường hợp, dấu hiệu thần linh đến thăm tôi, cấm tôi liên kết với họ; trong những trường hợp khác, nó cho phép tôi, và sau đó họ bắt đầu lại tạo tiến bộ, lần nữa. [22]

Cũng còn có một điểm nữa, trong đó những người liên kết với tôi cũng giống như những phụ nữ sinh con. Họ phải chịu đựng những cơn đau đẻ, và tuyệt vọng tràn đầy những ngày và đêm; quả thực, họ phải chịu đựng nhiều đau đớn hơn so với phụ nữ. Và đau đớn này nghệ thuật của tôi có khả năng làm để xuất hiện, và cũng để xoa dịu.

Vâng, đó là những gì xảy ra với họ; nhưng có những lần, Theaetetus, tôi đã ngẫu nhiên gặp những người, với tôi cách nào đó là người không có vẻ mang thai. Khi đó, tôi nhận ra rằng họ không cần đến tôi, và với ý định tốt lành nhất trên đời, tôi đảm nhận công việc ghép đôi; và tôi nghĩ rằng tôi đủ khéo – thuận ý Gót – trong việc đoán định họ có thể có lợi ích khi thành bầu bạn với người nào. Nhiều người trong đám họ, tôi đã đem tới cho Prodicus [23]; và một số đông lớn cũng tới những người khôn ngoan và truyền hứng khởi khác.

Vâng, chàng trẻ thân yêu của tôi ơi, đây đã là một sợi chỉ dài; nhưng lý do đã là tôi có một nghi ngờ rằng bạn (như bạn nghĩ về chính mình) đang có thai và trong cơn đau đẻ. Vì vậy, tôi muốn bạn để đến với tôi như với một ai là người vừa là con trai của một bà mụ đỡ và bản thân ông ta có tay nghề cao trong nghệ thuật này; và cố gắng trả lời những câu hỏi tôi sẽ hỏi bạn càng tốt càng hay. Và khi tôi xem xét những gì bạn nói, có lẽ tôi có thể nghĩ nó là một bóng ma và không là sự thật, và tiến tới lặng lẽ lấy nó đi khỏi bạn và bỏ rơi nó. Bây giờ nếu điều này xảy ra, bạn phải không được gay gắt với tôi, như một người mẹ đối với con đầu lòng của mình. Bạn có biết, những người trước đây đã thường lâm vào một tình trạng, đến nỗi với tôi, nói theo nghĩa đen, là sẵn sàng cắn, khi tôi lấy đi một vài vô nghĩa hoặc vài gì khác từ họ.

Họ không bao giờ tin rằng tôi đang làm điều này trong tất cả ý định tốt lành; họ thì quá xa với sự nhận ra rằng không Gót nào có thể mong ước tai ác cho con người, và rằng ngay cả tôi không làm loại điều này từ ác ý, chỉ vì với tôi để chấp nhận một dối trá, và bỏ đi sự thật là điều không được cho phép.

Vì vậy, bắt đầu lại lần nữa, Theaetetus, và cố gắng để nói hiểu biết là gì. Và đừng dựa trên bất kỳ lý do nào cả để bảo tôi rằng bạn không thể. Vì nếu Gót có ý thế, và bạn đóng vai con người, bạn có thể.




3. Định nghĩa thứ nhất (D1): “Hiểu biết là Tri giác” (αἴσθησις / aísthēsis) [151e–187a]
3.1 Định nghĩa Hiểu biết là Tri giác: [151d–e]


[151e]
Theaetetus: Vâng, Socrates, sau sự khuyến khích như thế từ ông, sẽ khó cho bất cứ một ai có khuôn phép lại không gắng hết sức người ấy, để nói những gì người ấy có trong mình. Vậy tốt lắm. Đối với tôi có vẻ rằng một ai là người biết một gì đó cảm nhận những gì người ấy biết, và lối nó bày hiện ra lúc này, dù ở mức độ nào, thì hiểu biết đó chỉ đơn giản là tri giác. 


Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất

(Dec/2015)







[1] Plato, Theaetetus, bản tiếng Anh của M. J. Levett (người dịch) & Myles Burnyeat (người duyệt)
Trong bộ Plato Toàn tập (Plato Complete Works)Biên tập, giới thiệu, chú thích: J. M. Cooper, Phụ tá biên tập: D. S. Hutchinson.
Nxb Hackett Publishing Company. Indianapolis/Cambridge, 1997

Tham khảo và đối chiếu với những bản:
(a)    Theaetetus trong Plato in Twelve Volumes, Vol. 12 translated by Harold N. Fowler. Cambridge, MA, Harvard University Press; London, William Heinemann Ltd. 1921.
(b)    Plato: Theaetetus (translation, introduction, notes), Penguin Books (Penguin Classics), 1987
(c)    Plato: Theaetetus. Translated with Notes by John McDowell. Clarendon Press: Oxford University Press, I973.
(d)    Theaetetus trong The being of the beautiful Plato”s Theaetetus, Sophist, and Statesman. Translated and with Commentary by Seth Benardete. The University of Chicago Press, Chicago 1984
(e)    Théétète, Ou De La Science, trong bộ Oeuvres de Platon (13 tập) của Victor Cousin. Paris, 1849
Tất cả những trang, đánh số thứ tự Stephanus từ [142a – 210d]
Các chú thích của những dịch giả sẽ giữ trong ngoặc vuông [ … ]
Những ghi chú khác với sai lầm nếu có, như thường lệ, là của tôi.

[2] Eucleides người thành Megara (khoảng. 435 – 365 TCN): triết gia Greek, theo truyền thống Socrates, đã là người thành lập trường phái triết học Megarian. Ông là một người theo học với Socrates, khoảng thế kỉ 5 TCN, và có mặt khi Socrates chết. Ông chủ trương sự Tốt lành Tối cao (Tối Thiện) là một toàn thể, vĩnh cửu và bất biến, và phủ nhận sự tồn tại của bất cứ gì trái nghịch với Tốt–lành..
The Megarians, at least under Eucleides, had an ethical and educational purpose, and it was in this spirit that they defended the unity of goodness. The Megarians consciously cultivated dialectical skills, and it was the Socratic method of questions and answers, rather than any positive doctrine, that linked them together.
[3] Terpsion người thành Megara (tên tuổi bày hiện ra khoảng thế kỉ. 5 – 4 TCN), là một trong những môn đồ của Socrates. Theo Plato, ông có mặt khi Socrates chết..
[4] Theaetetus (khoảng 417 – 369 TCN) Nhà toán học, người thành Athens, có ảnh hưởng lớn và quan trọng với sự phát triển của hình học tại Greece. Theaetetus là học trò của Socrates, và học toán với Theodorus người thành Cyrene. Có một thời gian ông đã dạy học tại Heraclea (ngày nay là Nam Italy). Theaetetus bày hiện ra trong hai đàm thoại của Plato – TheaetetōsSophistēsTheaetetōs là nguồn tài liệu chính về cuộc đời Theaetetus, cho biết cái chết của ông trong trận chiến xảy ra giữa Athens và Corinth, năm 369 TCN.
Những đóng góp quan trọng của Theaetetus với toán học, sau cùng đã được Euclid (thịnh hành khoảng 300 TCN) thu tập và đưa vào hệ thống trong Elements của ông. A key area of Theaetetus”s work was on incommensurables (which correspond to irrational numbers in modern mathematics), in which he extended the work of Theodorus by devising the basic classification of incommensurable magnitudes into different types that is found in Book X of the Elements. He also discovered methods of inscribing in a sphere the five Platonic solids (tetrahedron, cube, octahedron, dodecahedron, and icosahedron), the subject of Book XII of the Elements. Finally, he may be the author of a general theory of proportion that was formulated after the numerically based theory of the Pythagoreans (thịnh hành khoảng thế kỉ 5 TCN) yet before that of Eudoxus of Cnidus (khoảng 400 – 350 TCN) as described in Book V of the Elements.
Theodorus of Cyrene (465–398 TCN): Nhà toán học Greek, người thành Cyrene (nay là Lybia, Bắc Phi). Theodorus là thày dạy–riêng toán học cho Plato và Theaetetus. Theodorus nghiên cứu trên những câu hỏi về căn số của 3 và 5. Sự vật việc này đã dẫn ông đến những khám phá về số vô tỉ.
[5] Erineum có vị trí nằm giữa Eleusis và Athens, gần Cephissus. Như vậy Eucleides đã đi bộ khoảng 30 dặm Anh.
[6] [Địa điểm đang nói chuyện, hiển nhiên là trong một gymnasium, những người trẻ vừa mới tập thể dục xong.]
[7] επιστημη [epistêmê]: “Ἐπιστήμη” < “επἰσταμαι” = “επἰ” (trên) + “σταμαι” (đặt hay đứng): “Ἐπιστήμη” như thế là loại hiểu biết trên đó chúng ta có thể xây dựng, chúng ta có thể đặt, dựa những hiểu biết khác trên đó.
Trong Plato, ông phân biệt “epistêmê” hiểu biết, kiến thức và “technê” hiểu là tài/khả năng khéo léo hay kỹ thuật. Trong khi technê liên kết với “biết làm thế nào (epistasthai” trong một số những hoạt động, epistêmê đôi khi được dùng để chỉ định phần lý thuyết của technê. Khi đó nó liên hệ với “gnôsis” sự hiểu biết trong tôn giáo, có phần khác với “sophia” chúng ta dịch là sự khôn ngoan, và “sophia” hiểu là gồm có, hay đồng nghĩa với “episteme”.
Trong Republic V, Socrates định nghĩa khái niệm epistêmê – epistêmê là khả năng để hiểu thực tại như nó là [tự thân thực tại, không phải những gì xem thấy bên ngoài (phenomena), nhưng bản chất/yếu tính nằm bên trong (noumena); “the ability to know the real as it is” (477b)]. Trong nội dung của đoạn văn, khi Socratesnói về cái thực (real), ông nói về những thể dạng, cũng trong Republic, những thể dạng chính và quan trọng là Đẹp, Tốt lành và Công chính, Trong Symposium, định nghĩa thêm Đẹp thì không trở thành, không đi mất, không thay đổi, không bao giờ là bất kỳ gì khác, và không bao giờ hiện ra với bất cứ ai là bất kỳ gì khác, trước sau chỉ là Đẹp, hiểu là tự thân cái Đẹp. (211a–b).
Chúng ta vẫn quen dịch knowledge=kiến thức, với định nghĩa kiến thức = sự vật việc trông thấy và sự vật việc biết, thêm đó có kiến văn: sự vật việc trông thấy và sự vật việc nghe thấy (KhaiTTDuc) – ghép của hai khái niệm: kiến =  ‎(nhìn thấy) + thức =  (nhận hiểu).
Hiểu như thế, tôi dịch “knowledge” trong Theaetetus này là “hiểu biết”, rộng rãi và như thế gần Plato hơn, thay vì “kiến thức”, vốn một từ ghép khá mới, dùng những khái niệm không triết học trong tiếng Tàu để trỏ về những khái niệm của tư tưởng Hellas có từ hơn 2400 năm trước. Khi chúng ta nói “A có hiểu biết” cũng còn có nghĩa nói về khả năng hiểu biết của A.
Khi dịch episteme là hiểu biết, chúng ta sẽ có nhiều thuận tiện hơn để nối với sự phân biệt phổ thông trong tri thức học [Epistemology (Greek: epistēmē +logos) – học về sự biết (= tri thức học)] ngày nay, vốn Theaetetus là văn bản cổ điển, vẫn xem là nền tảng đầu tiên khai mở cho môn học:
(a) Hiểu biết sự vật việc đó (knowing that – propositional knowledge (French: savoir))
(b) Hiểu biết thế nào (knowing how – procedural knowledge hay knowledge of how to do things – technique knowledge)
(c) Hiểu biết do quen biết (knowing who – objectual knowledge – Russell/Knowledege by acquaintance (French: connaître))
Chúng ta vẫn thường nói – A hiểu việc đó; cô X biết chuyện kia; những người đi biển thường có nhiều hiểu biết hơn những người thường về khí tượng; không thể yêu nước nếu không hiểu biết lịch sử đất nước; có nuôi con mới biết công ơn cha mẹ …., cho đến “mục đích sau cùng là hiểu biết sự thực”. Như thông lệ của ông trong những đàm thoại khác [“Can đảm là gì” (Laches), “Công chính là gì (Alcibiades I; Republic 1), “Đạo hạnh là gì?” (Euthyphro), “Tình bạn là gì?” (Lysis), “Đức hạnh là gì?” (Meno)], và cũng kết thúc không ngã ngũ như chúng, không đi đến một trả lời dứt khoát, Socrates ở đây lại đặt một câu hỏi “Là gì? ..”. khác nữa, nhưng lần này có lẽ là câu hỏi đặc biệt hơn cả: “Hiểu biết là gì?”.
[8] ở đây là drawing: hoạ hình (vẽ thảo, vẽ phác, vẽ với bút chì, than) khác với painting
[9] [Từ “khôn ngoan” và “sự khôn ngoan” (wise/wisdom) trong luận chứng bắt đầu ở đây, trình bày khái niệm trong tiếng Greek là “sophos” và “sophia”. Nội dung ý nghĩa của luận chứng sẽ được đón nhận dễ dàng và tự nhiên hơn, nếu người đọc, trong não thức, thay thế chúng với những từ “có tài khéo, có chuyên môn” và “tài khéo, chuyên môn”] – Những gì làm con người có tài khéo, có chuyên môn là sự khéo léo là tài năng là sự chuyên môn (sự chuyên môn = khả năng chuyên môn < hiểu biết về ngành chuyên môn)
[10] khoa học
[11] feet/foot vẫn quen dịch là bộ, ở đây, tôi để nguyên từ gốc Anh, vì bộ (bu – ), là một đơn vị đo lường Tàu, dài khoảng 1,5m (một bước chân), còn feet là chiều dài của một bàn chân người, 1 foot= 30,48cm, nếu có dịch nên dịch là “bàn chân”, không thể dịch là bộ.
Đoạn văn trên tôi dịch theo bản Victor Cousin (“Théodore nous enseignait quelque chose sur les racines des nombres, nous démontrant que celles de trois et de cinq ne sont point commensurables en longueur avec celle de un “); bản Fowler, cũng tương tự (“Theodorus here was drawing some figures for us in illustration of roots, showing that squares containing three square feet and five square feet are not commensurable in length with the unit of the foot”). Giải thích của Theaetetus về số học (những số vô tỉ), nhưng những thí dụ dùng những thuật ngữ hình học (chiều dài), nên có thể khó theo dõi.

[“Powers” is a mathematical term for squares. By contrast, at 148a–b “power” is given a new, specially defined use to denominate a species of line, viz. the incommensurable lines for which the boys wanted a general account. It may be useful to give a brief explanation of the mathematics of the passage.
Two lines are incommensurable if and only if they have no common measure; that is, no unit of length will measure both without remainder. Two squares are incommensurable in length if and only if their sides are incommensurable lines; the areas themselves may still be commensurable, i.e., both measurable by some unit of area, as is mentioned at 148b. When Theodorus showed for a series of powers (squares) that each is incommensurable in length with the one foot (unit) square, we can think of him as proving case by case the irrationality of a √3, √5, . . . √17, But this was not how he thought of it himself.
Greek mathematicians did not recognize irrational numbers but treated of irrational quantities as geometrical entities: in this instance, lines identified by the areas of the squares that can be constructed on them. Similarly, we can think of the boys” formula for powers or square lines at 148a–b as making the point that, for any positive integer n, √n is irrational if and only if there is no positive integer m such that n = m × m. But, once again, a Greek mathematician would think of this generalization in the geometrical terms in which Theaetetus expounds it. ]
[12] √3, √5, √17 là những số vô tỉ.
Những thí dụ về căn số bậc 2 của những số n không thể viết dưới dạng n = m2
[13] Triangular numbers: are a pattern of numbers that form equilateral triangles. Each subsequent number in the sequence adds a new row of dots to the triangle.
[14] Oblong numbers: are the numbers of dots that can be placed in rows and columns in a rectangular array, each row containing one more dot than each column. The first few oblong numbers are 2, 6, 12, 20, and 30.
[15] surd
[16] luỹ thừa 3 (x3 ) và căn số bậc ba.
[17] Tên có nghĩa “Bà mang đức hạnh ra ánh sáng”
[18] Artemis: (Thần thoại Hellas): một gót nữ, con gái Zeus và chị của Apollo. Bà là một thợ săn, thường được vẽ hay tạc tượng với cung và tên (là Diana trong thần thoại Roma). Truyền thuyết kể rằng Leto, mẹ của Artemis, sau khi đã sinh Artemis trong nhanh chóng, không đau đớn, nhưng, Leto đã bị yếu sức và chịu đau đớn khi tiếp tục sinh Apollo, người em song sinh của Artemis. Thương mẹ, Artemis, dù chỉ ra đời một vài phút trước đó, đã trở thành người mụ đỡ cho chính mẹ mình, Artemis đã giúp mẹ và em sinh nở được vuông tròn.
[19] Procuring, pandering
[20] câu này không rõ nghĩa, tôi theo bản của Benardete (University of Chicago Press)
[21] [Aristides là một trong hai người trẻ tuổi có giáo dục của họ được Socrates bàn buận, trong Laches (178a–179b)]
[22] Ở đây, cũng như những chỗ khác, Socrates nói đến “Gót” (không phải Zeus) – nên hiểu như Aristotles, – là một trong những khái niệm sau: God = nguyên nhân đầu tiên, hữu thể/cái có tất yếu, nền tảng của sự có/hiện hữu, hữu thể/cái có toàn hảo, lý do/giải thích/cứu cánh cuối cùng, yếu tố chuyển dịch nhưng tự nó không chuyển dịch (first cause, necessity being, unmoved mover, ground existence, most perfect being, ultimate explanation)
[23] [Một sophist nổi tiếng, Xem Protagoras 315d, 337a–c, 340e–341c, 358a–b]