Phaedo
(Về Hồn-người)
(Φαίδων, Phaidōn)
Plato (Πλάτων, Plátōn, 428/427– 348/347 TCN)
Những gì chúng ta nhận được từ Plato qua những đàm thoại của ông,
như Phaedo này, là những câu hỏi triết lý. Tự thân những đàm
thoại Socrates là hỏi và đáp, vì triết lý theo như Plato, qua nhân vật Socrates
của ông, có thể hiểu khá đơn giản là sự đối thoại, là những hỏi và đáp. Nếu mỗi
triết gia có một phát biểu tiêu biểu gắn buộc, như một nhãn hiệu thương mại, kiểu
như câu “ Gót đã chết” với Nietzche, hay “Cogito ergo sum” với Descartes; với
Socrates là phát biểu nổi tiếng, trong đó ông chỉ thẳng vào sự quan trọng của hỏi
đáp: “Một đời không tra vấn, là một đời không đáng sống” (“The
unexamined life is not worth living”). Con người đặt những câu hỏi về đời người
và đời mình, tìm kiếm những trả lời, chiêm nghiệm xem xét chúng, như thế một
người mới thực sống, thực hiện hữu, không đơn thuần chỉ tồn tại. Hãy tạm đặt
qua những câu hỏi như phát biểu này có nên chấp nhận ngay với không dè dặt hay
không, hay nó chỉ đặt ra và đúng với người phát biểu là chính Socrates; ở đây,
chúng ta không thể không thấy rõ ràng quan điểm của Plato: sống là để tra vấn,
hiểu như dò dẫm, xem xét, tìm kiếm và suy nghĩ, chiêm nghiệm những gì thấy gặp
trên đường sống. Tra vấn như thế để “tự hiểu chính mình”, để “biết”
sống; đó là chủ động phán xét, chọn lựa trong đời sống, và quan trọng hơn
cả, là sống trong ý thức phản tỉnh, không như cây cỏ; từ đó sống có ý nghĩa, đời
có giá trị. Sống tự hiểu mình như thế là sống triết lý, tra vấn như thế là triết
học. Như thế, không đâu rõ hơn như trong Phaedo, qua những gì nay
được gọi là phương pháp Socrates, hay đúng hơn phương pháp bác bẻ nổi tiếng của
Socrates: elenchus, Plato trình bày với chúng ta một câu hỏi muôn đời
và cơ bản nhất về đời Sống, và không có gì ngạc nhiên, đó chính là câu hỏi về
cái Chết.
2.
2.
Loài người ngày càng
đông, thế giới càng chật hẹp, thu nhỏ hơn, nhưng con người trước sau vẫn cô
đơn; Hãy nhìn quanh, như trên chuyến xe điện đến sở làm buổi sáng này, người ta
ngồi cạnh nhau, nhưng mỗi người đều loay hoay với một màn ảnh nhỏ, một ống nghe
gắn vào tai, hầu hết như đang bận nghe gì đó, xem gì đó, hay nghĩ gì đó, đều giữ
lịch sự tôn trọng sự riêng tư, đều dửng dưng, lặng lẽ, xa cách với người bên cạnh,
sự riêng tư đó cũng là sự cô đơn. Trong cùng thang máy, đều tránh nhìn vào mặt
nhau, trước sau xa lạ, có gợi chuyện cũng chỉ chào hỏi lấy lệ, nắng mưa thời tiết,
...đằng sau mỗi người lần lượt bước ra, có thể là cả một tủ đầy sách, bụi thời
gian đóng trên những trang giấy viết còn dở dang, hay nếu có viết xong cũng vẫn
chưa đọc trọn. Chúng ta đều biết con người vẫn có thể rất cô đơn trong hoàn
toàn không cô độc, và dễ dàng thấy mọi hình thức nghệ thuật của con người, chỉ khác nhau ở tầm mức ít nhiều, nhưng đều đến-từ hay hướng-tới chính sự cô đơn không thoát của
con người. Cuối hành trình cô đơn đó là cái Chết, dù biết trước từ lâu, dù có lần
kề cận và chờ đợi, nhưng khi nó thực đến, vẫn mãi mãi là bất ngờ, không ai sẵn
sàng. Cái chết nào, dẫu giữa đám đông sống hay cùng chết, cũng chỉ một mình,
hoàn toàn cô đơn. Tận mặt với cái chết là cô đơn cuối cùng, tuyệt đối và lớn
lao nhất, đúng khi những gì thấy-được dưới ánh sáng sống, chìm khuất trong những
gì không-thấy-được của một thứ đêm chết, tăm tối vĩnh viễn. Nên câu hỏi từ đó rồi
về đâu? Sau sự sống trong cõi sáng đó sẽ là gì? Câu hỏi đó cho đến nay, nếu vẫn
mong đợi, vẫn thực sự vẫn chưa có trả lời, và nhìn theo chiều hướng của những
tiến bộ chúng ta có hiện nay trong các lĩnh vực liên hệ; mong đợi đó có lẽ sẽ
không bao giờ có trả lời cho đến khi mỗi người chúng ta đang đọc những giòng
này, từ biệt cõi đời. Như thế, trả lời nào về câu hỏi thuộc loại đứng trong ánh
sáng, trả lời về những gì đoán sẽ xảy ra, cho dù có xảy ra, nhưng hoàn toàn
trong bóng tối đó – cho đến nay, đều chỉ đến từ sự không-biết rõ ràng, hay ít
nhất là hiểu chưa trọn vẹn, nên tất cả đều ít nhiều là suy đoán, đều không đủ
chứng cớ từ vốn liếng của thực tại kiểm nghiệm được. Thế nên, con người
thường vẫn nói đến “tin tưởng”, thay vì “hiểu biết”; và khi mỗi người nói rằng
mình tin điều x hay y, thực sự chỉ là muốn tin rằng x là đúng,
hay y là thực, không có nghĩa là tự “biết” rằng x hay y là đúng, là thực. Trước cái chết, của những người khác, có quan hệ đặc biệt với mình, nhiều người trong chúng ta đều tự cảm nhận rõ ràng một day dứt, khao khát, mong muốn, thầm
kín và ít nhiều tham vọng, tin rằng sự sống này sẽ không chấm dứt ở cái chết,
và như những người Greek, trình bày trong Phaedo, họ tin có
một “hồn người” (psuche), được xem là nguyên lý của đời sống
con người, hiểu là một gì đó khiến một người ở trong trạng thái sống, và thiếu
nó là trạng thái chết. Chết được xem là trạng thái đối nghịch của Sống.
“Hồn người” là tên gọi của những gì trước sau nhiều phần đến từ cảm nhận, tưởng
tượng, và chủ yếu cho rằng – một khi thân xác bất động tan rã, hồn người như thế
vẫn còn, không bị hủy hoại như thân xác, nhưng còn mãi mãi. Trước bóng tối dày
đặc bao trùm trên hiện tượng chết; nhưng người ta vẫn cho rằng hồn người có bản
tính vĩnh cửu, xem nó là phần bất biến của một người, tin rằng nó tất đi về chốn
vĩnh cửu, dẫn đến kết luận – cái chết thì tất yếu, nhưng hồn người thì bất tử:
Tôi tất đã không thể sẵn ngừng đợi thần Chết,
Tử tế, ông đã dừng xe, đến đón tôi;
Cỗ xe đi vẻn vẹn đúng hai người
và Bất Tử. [1]
3.
Tuy nhiên, trong Phaedo,
Plato không thực sự trực tiếp trả lời câu hỏi về cái Chết. Plato giả định chúng
ta chấp nhận quan điểm nhị nguyên về con người (người = xác + hồn) của ông;
nghĩa là giả định có một gì đó của con người, nhưng khác với thân xác vật chất,
gọi là hồn người; đây là một giả định rất lớn, cũng như giả định lưỡng nguyên về
chết và sống (không-sống = chết); nhưng từ chúng đã đi đến khởi dựng những bàn
bạc, đàm thoại triết lý, những luận chứng trong Phaedo. Phải có những
giả định đó, mới có chỗ đặt để cho Socrates tìm cách thuyết phục chúng ta về sự
bất tử của hồn người; đó là – con người có hai phần, hồn và xác, xác bị huỷ hoại,
nhưng hồn thì không – Những luận chứng trong Phaedo nhằm đến
chứng minh rằng con người tuy chết, nhưng đó chỉ là phần hữu hình, nhưng phần
vô hình, phần làm một người là-sống, hiểu là không-chết,
phần tâm lý, tinh thần của nó, thì còn mãi, tiếp tục trong một thế giới khác,
nhập vào một đời sống khác. Xem dường Plato cũng tự biết những luận chứng
Socrates đưa ra vẫn chưa thoả đáng, hẳn chưa thể thuyết phục được người nghe dễ
dàng và trọn vẹn, nên ông đã gọi đến đừng “ghét lý luận” (misologia), đừng buông bỏ sự bàn luận dẫu có những luận bàn có khi
còn chưa ngã ngũ, đừng vì ghét con người để đi đến ghét lý luận của con người;
hiểu như một loại tin tưởng vào khả năng của lý trí, và sau cùng Socrates gọi đến
một tin tưởng về một thế giới khác, thế giới bên dưới, nơi cư ngụ của những người
đã chết, ông tin cũng thực như thế giới này; và như thế, cuối cùng triết lý đã
nhường chỗ cho huyền thoại, chúng ta được chuyển sang vùng đất thần bí, ở mảnh
đất có lẽ cũng cư ngụ những gì Plato gọi là những Ý tưởng tuyệt đối, hay đúng
hơn, những Thể dạng bất biến, toàn hảo, vĩnh cửu, cũng không có trong trần gian
hiện thực này, chốn đó xem dường có nhiều phần gần gũi với những gì quen thuộc,
vốn đã đưa đến những tín ngưỡng, tôn giáo. Tôi sẽ trình bày những lập luận của
Plato, và qua đó cho thấy những thiếu hụt của chúng, cuối cùng sẽ gợi mở một
vài suy nghĩ, về Chết và Sống, như kết luận về Phaedo.
4.
Trong một chiều hướng, Phaedo là
một thuật kể, nối tiếp Apology, trong đó, lời cuối của Socrates trước
phiên tòa xử ông là:
“Bây
giờ lúc ra đi đã đến. Tôi đi để chết, quí vị đi để sống. Ai trong chúng ta đi đến
phần số tốt hơn thì không người nào biết, chỉ trừ gót” [2].
Như thế, xem dường ngay
từ phiên toà, Socrates đã sẵn sàng đón chờ cái chết, và trong Phaedo,
Plato muốn nêu thêm một hình ảnh Socrates ung dung, thanh thản, tự tại, đặc
biệt là những hy vọng và tin tưởng của ông trước cái chết sắp đến. Ông như tin
mình sẽ nhận phần số tốt hơn, qua cái chết này, ông sẽ nhập vào một đám đông
khác, ở một thế giới khác; đám đông đó gồm chỉ những người tốt đẹp, có những
anh hùng, những nhân vật trong thần thoại, và cả những vị gót; thế nên đó là chốn
đáng nhắm tới và đi đến. Người đọc còn nhận được rằng với tư cách là một triết
gia chân chính, ông luôn kề cận với cái chết đã từ lâu trước đó, qua trình bày
của ông về thế nào là thái độ thích đáng của một triết gia chân thực trước cái
chết (61d – 69e). Socrates bảo Cebes nhắn nhà thơ Evenus, một người bạn
chung của họ:
“chúc
ông ta mạnh khỏe, chuyển lời chào vĩnh biệt của tôi, và nói với ông ấy, nếu ông
khôn ngoan, hãy theo tôi càng sớm càng tốt.”
Trước sự ngạc nhiên của
Cebes, Socrates giải thích thêm, những “triết gia nên sẵn lòng và sẵn sàng để
chết”, nhưng đó không là tự tử, vì theo Socrates, con người là những sở hữu của
những vị gót, sự sống con người chấm dứt khi nào là thuộc quyền của những vị
gót. Socrates đi đến bào chữa cho tuyên bố của ông – một triết gia không nên sợ
chết –
“tôi
nghĩ rằng một người là người thực sự dành trọn đời mình trong triết học, thì có
lẽ nhiều phần đúng để là một người vui vẻ lạc quan khi đối mặt với cái chết, và
có rất nhiều hy vọng rằng sau cái chết, ông sẽ đạt được những phước lành lớn nhất”.
Socrates, tiếp tục giảng
giải với Simmias và Cebes, hai người đối thoại chính, rằng cái chết sắp đến
của chính ông chỉ là biểu hiện vật lý của sự chết, và chết là bản chất của một
đời sống thực hành triết học: một triết gia, là người thực tập cái chết, để sẵn
sàng đón nhận khi hiện tượng vật lý đó xảy đến:
“Tôi
sợ rằng những người khác không nhận ra rằng một mục đích của những người đó, là
những người thực hành triết lý, theo cách thức chính đáng là thực tập cho sự phải-chết
và cái chết”.
Triết gia là người “muốn
nhiều nhất để cho hồn người được tự do”, và sự “đi thoát và tách biệt của hồn
người khỏi thân xác”, khiến nó được tự do nhất, để đạt đến được trí tuệ khôn
ngoan, chân lý triết học, vốn là sự bận tâm cao nhất của những triết gia, những
người vốn “khinh miệt thân xác và sống đời sống của triết học”. Thế nên, cái chết
với họ không phải là một ác hại lớn lao như mọi người vẫn quan niệm, nhưng là một
điều đáng thực hành, đáng mong đợi. : Ông kết luận với Simmias:
“Thực
sự, Simmias, ông nói, những ai là người thực hành triết học theo đúng đường lối,
là trong sự huấn luyện cho sự chết-đi, và trong tất cả mọi người họ sợ cái chết
ít nhất”.
Đến đây, Triết học được
nói là sự thực hành của cái chết; hiểu như triết học là cố gắng tách biệt hồn
người khỏi xác người, khỏi thế giới của những giác quan và thay đổi, và hướng
nó về chân lý vĩnh cửu. Cebes lên tiếng phản đối, vì theo ông, khái niệm này về
triết học, trong yếu tính, chỉ có nghĩa lý với Socrates, và những bạn hữu của
ông, và với những ai khác, nếu như có một gì đó, gọi là hồn người,
sẽ vẫn tồn tại sau cái chết của con người trên mặt đất này:
“Chúng
ta hãy xem xét nó trong một số cách thức như thế này: Không biết liệu những
hồn của những người đã chết có tồn tại trong thế giới bên dưới hay không.”
Như thế, câu hỏi chính của Phaedo
bắt đầu hình thành – hồn người có bất tử không? (70a). Trước hết,
chúng ta hãy xem xét câu hỏi cơ bản này của Phaedo, để thấy nó thực
vẫn còn nhiều hàm hồ, không hoàn toàn rõ ràng, và đặc biệt hàm chứa nhiều giả định
quan trọng và cơ bản khác nữa.
Ba giả định hiển nhiên,
trực tiếp là:
(a)
Có một gì đó gọi là “hồn”;
(b)
Hồn đó khác biệt với thân xác;
(c)
Khi chết, hồn rời khỏi xác.
Những giả định đó, như
nói trên, đặt trên những giả định cơ bản hơn:
(d)
Người = hồn+xác, đó là quan điểm chủ yếu của thuyết nhị nguyên (dualism). Quan điểm nhị nguyên cổ điển,
khởi từ Phaedo này cho rằng:
- Hồn
người (hay tinh thần, tâm lý, não thức) là thực thể phi vật chất
- Hồn
và xác tương giao, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau
- Hồn
ở trong thân xác, nhưng không rõ ở đâu (Socrates cho là hồn bị “giam giữ”
trong thân xác. Cebes, người đối thoại của ông, dùng hình ảnh hồn “khoác áo”
thân xác).
Quan
điểm này cũng thể hiện trong những thí dụ về đối lập Socrates đưa ra sau đó: sống/chết;
nóng/lạnh; vô hình/hữu hình, ...
(e)
Một giả định nữa còn quan trọng hơn, đến từ câu hỏi đặt trong thời gian: khi
nói một người gồm thân xác và phần không thân xác, phần gọi là tâm lý, hay tinh
thần, hay “hồn”, đưa đến câu hỏi – thế nào là một người – đó là
câu hỏi về cá tính đồng nhất (question of identity).
Trong
trường hợp Phaedo, câu hỏi đó là – đâu là tiêu chuẩn để nhận biết
có sự liên tục, đồng nhất của một hồn người, – nói khác đi, khi cho rằng
hồn người thì bất tử, nghĩa là qua thời gian, hồn của một người (hãy tạm cho là
có một hồn như thế) không chỉ vẫn còn, nhưng vẫn là một, không đổi cá tính đồng
nhất, nó hôm nay là một với nó hôm qua, và nó ngày mai. Như thế, có một giả định
cơ bản nữa về tính đồng nhất của chủ thế đối tượng, về con người và về hồn người
tương ứng. Đó là câu hỏi, tôi nhắc ở một chỗ khác, nay lập lại ở đây: “Cái tôi
phút trước sang tôi phút này,...”. Sao chúng ta có thể chứng minh được chỉ có một
cái tôi, một chủ thể tâm lý, hay tự ngã; sao chúng ta có thể chứng minh cái tôi
phút trước là một với cái tôi phút này? [3] Khi một ai đó nói, thí dụ - chị đó đã thay đổi, anh
đó đã tỉnh ngộ, hay mạnh hơn, ai đó đã bị “tẩy não”, hay ngay cả, tôi đã có lần
“lột xác”, ... Chẳng phải là đều nói về những gì thuộc tâm lý, suy nghĩ, tình cảm,…
những liệt kê tôi đã dẫn ở trước, gồm: não thức, đam mê, ý chí và tự ngã., nghĩa
là psuchē, là hồn người đã thay đổi hay sao?
Câu hỏi về tính đồng nhất của hồn người như thế sẽ phức tạp hơn: hồn tôi phút trước và hồn tôi phút này, một hay hai? Tương tự, dù chấp nhận (a), (b), và (c); chúng ta vẫn có thể hỏi – sau cái chết, hồn đó tuy tồn tại, nhưng có vẫn là một với hồn khi sống không? Nếu chúng ta đánh rơi một vật chẳng hạn, xuống một dòng nước chảy; sau đó ở một quãng khác gần đó, tìm và vớt lên được, thấy nó vẫn còn nguyên là một như trước; nhưng nếu đã trôi rất xa, và sau một tìm kiếm lâu dài, đến khi vớt lên, vật đó đã thay đổi, biến dạng, hay hư hỏng, không còn dùng vào cùng một việc như trước nữa, chúng ta cũng có thể nói là vật đó đã bị mất, gì đó tìm được không còn là một với gì đó trước nữa. Trong đời người, hồn của một người, gồm những phần tâm lý, tinh thần, mong ước, ký ức, …. cũng có thể thay đổi theo thời gian, nhưng với người sống, chúng ta vẫn cho là một, vẫn có một mẫu số chung nào đó; và thực tiễn vẫn có thể gán buộc với cùng một thân xác. Tuy nhiên, sau cái chết, thân xác tan rã, nếu hồn đó cho rằng vẫn còn, nhưng nếu nó vẫn tiếp tục thay đổi, ít nhiều chậm chạp theo khuynh hướng cũ – Nó có thay đổi không? Thay đổi đến mức nào? Và đến mức nào thì thôi không còn là một như trước? (Thí dụ, khi còn sống, nó điều khiển thân xác, nhưng khi thân xác mất, nó không có gì như trước đây nữa để điều khiển, thêm nữa nó hoàn toàn tự do, không bị “giam giữ”; nó có thay đổi khác trước không? Socrates cũng nhắc đến sự “thanh tẩy” hồn người)…. Khi phát biểu rằng rằng hồn thì bất tử, là một, là vĩnh viễn, … có nhiều phần hàm hồ, tự nó đặt thêm nhiều câu hỏi; nên phát biểu loại như thế, không thể tránh được nghi ngờ tự nhiên.
Câu hỏi về tính đồng nhất của hồn người như thế sẽ phức tạp hơn: hồn tôi phút trước và hồn tôi phút này, một hay hai? Tương tự, dù chấp nhận (a), (b), và (c); chúng ta vẫn có thể hỏi – sau cái chết, hồn đó tuy tồn tại, nhưng có vẫn là một với hồn khi sống không? Nếu chúng ta đánh rơi một vật chẳng hạn, xuống một dòng nước chảy; sau đó ở một quãng khác gần đó, tìm và vớt lên được, thấy nó vẫn còn nguyên là một như trước; nhưng nếu đã trôi rất xa, và sau một tìm kiếm lâu dài, đến khi vớt lên, vật đó đã thay đổi, biến dạng, hay hư hỏng, không còn dùng vào cùng một việc như trước nữa, chúng ta cũng có thể nói là vật đó đã bị mất, gì đó tìm được không còn là một với gì đó trước nữa. Trong đời người, hồn của một người, gồm những phần tâm lý, tinh thần, mong ước, ký ức, …. cũng có thể thay đổi theo thời gian, nhưng với người sống, chúng ta vẫn cho là một, vẫn có một mẫu số chung nào đó; và thực tiễn vẫn có thể gán buộc với cùng một thân xác. Tuy nhiên, sau cái chết, thân xác tan rã, nếu hồn đó cho rằng vẫn còn, nhưng nếu nó vẫn tiếp tục thay đổi, ít nhiều chậm chạp theo khuynh hướng cũ – Nó có thay đổi không? Thay đổi đến mức nào? Và đến mức nào thì thôi không còn là một như trước? (Thí dụ, khi còn sống, nó điều khiển thân xác, nhưng khi thân xác mất, nó không có gì như trước đây nữa để điều khiển, thêm nữa nó hoàn toàn tự do, không bị “giam giữ”; nó có thay đổi khác trước không? Socrates cũng nhắc đến sự “thanh tẩy” hồn người)…. Khi phát biểu rằng rằng hồn thì bất tử, là một, là vĩnh viễn, … có nhiều phần hàm hồ, tự nó đặt thêm nhiều câu hỏi; nên phát biểu loại như thế, không thể tránh được nghi ngờ tự nhiên.
Nếu một ai
nghi ngờ, hay phủ nhận, hay chủ trương một giả định nào khác với những giả định
trên (nhất nguyên (Monism) thay vì nhị nguyên, hay chấp nhận tuy có tinh
thần, hồn, qua suy nghĩ, cảm xúc, tưởng nhớ, ... nhưng đó chỉ là những chức
năng, khả năng của thân xác (Physicalism)[4],
dù chỉ một với những giả định trên, là phủ định tất cả Phaedo; người
ấy không cần phải xem xét những luận chứng của nó nữa. Chúng mất điểm tựa, đều
xụp đổ.
Tuy nhiên, trên
những giả định đó, Socrates đã đưa ra bốn luận chứng về
sự bất tử của hồn người.
5.
Luận
chứng thứ nhất: Luận chứng từ những Đối lập hay những
Tiến trình Đối ứng (69e-72e).
Luận chứng nói đến tương quan giữa chết và sống. Socrates dẫn kể một
niềm tin cổ xưa vào một quan hệ có tính chu kỳ giữa người sống và kẻ chết. Nêu
lên nhận xét rằng tất cả mọi sự vật việc đều đi ra từ những đối lập của chúng, thí
dụ, một gì đó lạnh bởi vì nó đã từng
là nóng. Tương tự như vậy, chết là đối
lập của sống, rồi gọi đến nguyên tắc tổng quát rằng những sự vật việc nhất thiết
phải đến từ hay đi ra từ những đối lập của chúng, nên những gì sống hẳn đến từ những
gì đã chết, dẫn đến hệ luận là có một chu kỳ của chết và sống. Những người sống
được “tạo ra” từ những người chết; sự sống tạo từ cõi chết.
Luận chứng này có thể
trình bày như sau: Hãy xem xét những sự vật việc mà có
những đặc điểm trái ngược, đối nghịch: Một gì đó bây giờ nhỏ hơn phải từng một
lần lớn hơn. Nó đi đến thành nhỏ hơn từ tư cách là lớn hơn của nó. Một cái gì
đó bây giờ lớn hơn phải từng một lần nhỏ hơn. Nó đi đến thành lớn hơn từ tư
cách là nhỏ hơn của nó. Sau đó, những thí dụ tương tự khác: nóng và lạnh, thức
và ngủ, vv ... Giả định rằng đây là một loại định luật vật lý - một luật về thay thế, hay hoán chuyển, bao gồm
tất cả những sự vật việc có những trạng thái đối lập (và những mức độ). Sau đó
áp dụng tổng quát này cho trường hợp đang xem xét ở đây: còn sống / đã chết.
Một gì đó bây giờ đã
chết phải từng một lần sống. Nó đi đến là bị chết sau khi từng sống. Một gì đó
đang còn sống phải từng một lần đã chết. Nó đi đến là đang sống sau khi đã bị chết.
Ở đây, “tư cách sống” phải được hiểu là “ở trong một trạng thái trong-một-cơ
thể”. “tư cách chết" không có nghĩa là “chấm dứt tồn tại”. Thay vào đó nó
phải có nghĩa là “ở trong một trạng thái ở-ngoài-cơ thể."
Luận chứng phụ: Được giả
định rằng có những hồn người, và cũng giả định hồn người không thể được tạo ra
từ không-gì. Sau đó, nếu hồn không chuyển từ trạng thái này sang trạng thái
khác, sau đó sẽ đến một thời gian trong đó không có gì sẽ còn sống.
Tóm lược:
1. Những gì vốn có một đối lập
đến từ đối lập của chúng.
2. đương-còn-sống là đối lập
của đã-bi-chết.
Nên >
3. Những sinh vật sống đến từ cõi chết. (1,
2)
4. Nếu X là đến từ Y, sau đó
có một tiến trình trở thành từ Y đến X.
Nên > 5.
Có một tiến trình trở-thành từ là-chết đến là-sống. (3, 4)
6. Nếu có một tiến trình của
trở thành từ là-chết đến là- sống, nó phải
là tiến trình của người chết đến với, trở về với sự sống.
7. Nếu kẻ chết đến với sự sống,
sau đó (những hồn của) người chết là một nơi nào đó.
Nên > (Những
hồn của) người chết là ở một nơi nào đó. (5,
6, 7)
Luận chứng này lỏng
lẻo, có nhiều khuyết điểm, tạm kể:
1) Từ một vài nhận xét, quan sát về – nóng/lạnh, lớn/nhỏ, thức/ngủ,..để đi đến một
định luật; nhưng định luật này có thể không hoàn toàn phổ quát, (qui nạp lỏng
lẻo) nghĩa là có những ngoại lệ, hay mức độ phân định đối lập khó xác định
(nóng-ấm-lạnh; ấm là kém-nóng; hay ấm là hơi-lạnh?) , như thế không phải mọi diễn dịch từ định luật này sẽ đều vững
chãi.
2) Tạm chấp nhận giả định rằng có sự chuyển dịch giữa
những trạng thái đối lập, nhưng phạm vi ứng dụng của nó, vẫn chưa ấn định rõ
ràng; nó có thể chỉ đúng với những đối tượng vật chất, trong lĩnh vực vật lý,
không gì chứng tỏ nó có thể áp dụng cho những gì phi vật chất, hay ở ngoài thế
giới vật lý này, (như hồn người)
3) Chết và sống chưa hẳn đã là hai trạng thái đối lập;
Trạng thái là trạng thái của một đối tượng nào đó, lấy thí dụ: trạng thái
a, b, c, ... của một đối tượng d
nào đó; a hay b có thề là đối lập của c;... Cho rằng sống là trạng thái của A, chúng
ta có nhiều phần không chắc chắn được về trạng thái của A sau khi A chết, nói
khác đi, A không còn nữa; như thế, nói rằng “chết” là trạng thái của A cũng lại
vẫn là nêu thêm một giả định khác nữa, hơn nữa khi A không còn, đã chết, cũng
có thể nói A không có trạng thái nào cả, chủ thể mất, mọi trạng thái của chủ
thể đó cũng mất, hay không thể xác định
4)
Ngay cả cho rằng chết
là trạng thái đối lập của sống, không gì chứng minh rằng hồn người thì vẫn còn (trong
trạng thái đối lập của sống, là chết), và khi nói rằng nó còn mãi mãi, bất tử, cũng
không dựa trên luận cứ nào, khi cho tuyên bố rằng hồn người vẫn còn tự ý thức,còn
nhận biêt, còn “thông minh”.
6.
Luận chứng thứ nhì: Luận chứng từ sự Nhớ lại (73c-76d)
Lê Dọn Bàn – bản nháp thứ nhất
(bắt đầu từ Nov/2013)
(còn tiếp ...)
(bắt đầu từ Nov/2013)
(còn tiếp ...)
[1] Emily
Dickinson - Because I could not stop for Death, bản dịch LDB
[3] Dissociative identity disorder (DID) hay multiple personality disorder
(MPD) là một loại bệnh tâm thần, xáo trộn thần kinh, biểu hiện qua trường hợp một
người (một thân xác) nhưng có hai, hay nhiều hơn, chủ thể tác động tâm lý.
[4] Physicalism: Chủ nghĩa vật lý, hay duy vật lý: là
quan điểm cho rằng thế giới hoàn toàn có thể mô tả và giải thích được bằng quan
hệ nhân quả vật lý chặt chẽ, không cần gọi đến gì khác ngoài chính nó. Physicalism
có thể xem là đồng nghĩa với quan điểm Duy Vật (Materialism), chỉ khác ở nhấn mạnh về bản thể học, Duy Vật lý cho rằng
những đối tượng trừu tượng, như những khả năng, cơ hội, những phổ quát, những
con số...chúng không độc lập với những hữu thể vật lý, như những trạng thái, những
biến cố vật lý.
Tôi nhắc đến Physicalism ở đây,
vì đó là quan điểm hiện nay được chấp nhận đông đảo – có những gì vẫn gọi là hồn
người, và cũng có thể cho nó là một thực thể, nhưng nó là chức năng của thân
xác, không độc lập, nghĩa là cùng có hay không-có với thân xác.