ION
(Iων)
Plato
(Πλάτων,
Plátōn, 428/427– 348/347 TCN)
Dẫn nhập của người biên tập
bản tiếng Anh
Một “rhapsode” là
một người chuyên nghiệp đọc thơ của Homer, và của một số nhà thơ tên tuổi ban đầu
khác của Greece. Ion người thành Ephesus (chúng ta không biết ông là một nhân
vật lịch sử hay một sáng tạo của Plato), một rhapsode vừa thắng giải, tình cờ gặp Socrates ở Athens, Socrates bày
tỏ sự ngưỡng mộ với nghề nghiệp của Ion, và hỏi rhapsode này về chuyên môn đó. Giữa hai người là một cuộc trò
chuyện riêng tư, xem dường không có ai nào khác hiện diện (cũng như trong Euthyphro).
Ion tự xưng không chỉ đọc tuyệt vời thơ của Homer (chuyên môn của ông) nhưng
cũng nói đẹp đẽ về Homer theo tài hoa của riêng mình – trong sự diễn
dịch và giải thích thơ Homer và những đặc sắc ưu việt của nó. Socrates quan tâm
nhiều đến khía cạnh thứ hai này, hơn khía cạnh thứ nhất, của tài chuyên môn của
Ion. Ông muốn biết Ion có nói về Homer “trên cơ sở của kiến thức hoặc sự tinh
thông thành thạo” hay không: có phải Ion nắm vững một khối kiến thức nào đó,
vốn ông đem dùng và diễn tả khi nói về Homer?
J. M. Cooper
Plato [1]
Dẫn
Nhập (530a-d)
Socrates: Kìa Ion! Chào bạn. Lần này bạn đã từ đâu đến thăm
chúng tôi đây? Từ nhà bạn ở thành Ephesus?
Ion: Không, không đâu, Socrates. Từ thành Epidaurus, từ lễ
hội kỉ niệm gót Asclepius. [2]
Socrates: Đừng bảo tôi rằng những người thành Epidaurus đã tổ
chức một cuộc thi cho những rhapsode [3]
trong lễ hội để tôn vinh vị gót?
Ion: Việc đó họ làm là chắc chắn! Họ làm việc đó cho mọi thể
loại của thơ ca và âm nhạc [4].
Socrates: Thật thế hả! Bạn đã tham dự cuộc thi? Và việc đó
với bạn đã xảy ra thế nào?
Ion: Giải nhất, Socrates! Chúng tôi giật giải.
Socrates: Nghe thế hay quá. Tốt, kế
tiếp hãy chờ xem rằng chúng ta có thắng giải trong những trình diễn lớn tại
Athens hay không [5].
Ion: Chúng tôi sẽ làm điều đó,
Socrates, nếu ý gót là thế.
Socrates: Bạn biết đấy, Ion, nhiều
lần tôi đã ghen tị với bạn, những rhapsode,
nghề chuyên môn của bạn. Về vật chất, luôn luôn thích hợp trong nghề của bạn để
chưng diện quần bảnh bao, để nhìn được đẹp đẽ đến mức bạn có thể; và đồng thời
là điều cần thiết cho bạn để làm việc với những nhà thơ – nhiều những nhà thơ hay, và trên tất cả là với Homer, người là nhà thơ hay
nhất và thiêng liêng nhất – và
bạn phải học tư tưởng của ông, không chỉ là những vần điệu của ông! Đây là một
gì đó để ghen tị! Ý tôi là, không ai có thể từng là một rhapsode giỏi, nếu người ấy đã không hiểu ý nghĩa những gì nhà thơ
muốn nói. Một rhapsode phải đi đến
trình bày suy nghĩ của nhà thơ với khán giả của mình; và ông không thể làm điều
đó khéo đẹp trừ khi ông biết nhà thơ nói những ý nghĩa gì. Vì vậy, tất cả điều
này xứng đáng để phải ghen tị.
Ion: Điều đó đúng, Socrates. Và đó là
phần của nghề nghiệp của tôi, vốn đã tốn công sức nhất. Tôi nghĩ tôi nói hay đẹp
hơn bất cứ ai khác về Homer; không Metrodorus của Lampsacus [6], cũng không Stesimbrotus của Thasos [7], cũng chẳng Glaucon [8] hay bất kỳ một ai khác trong quá khứ hay hiện
tại, có thể đem cho nhiều tư tưởng hay đẹp về Homer cũng bằng như tôi.
Socrates: Nghe thế hay quá, Ion. Chắc
chắn bạn sẽ không miễn cưỡng cho tôi một trình diễn?
Ion: Thực sự, Socrates, đáng bõ công
khi nghe tôi đã làm Homer được chưng diện đẹp đẽ như thế nào. Tôi nghĩ rằng tôi
xứng đáng được Những con trai của Homer
[9]
tấn phong với một vương miện vàng.
Nghệ
thuật hàm ý Kiến thức của người nói hay và dở về cùng những chủ đề: Ion không nắm
giữ một nghệ thuật (530d-533c)
Socrates: Thực vậy hả, sau này tôi sẽ
dành thời giờ để nghe nó. Bây giờ tôi chỉ thích một trả lời cho điều này: Có
phải bạn tuyệt vời thông minh như thế về một mình Homer – hay cũng cả về Hesiod
và Archilochus? [10]
Ion: Không, không đâu. Chỉ vể Homer
thôi. Thế là đủ tốt rồi, tôi nghĩ.
Socrates: Có bất kỳ đề tài nào cả
Homer và Hesiod đều nói cùng những điều tương tự?
Ion: Có, tôi nghĩ là có. Một số lớn.
Socrates: Khi đó, về những đề tài
này, có phải bạn sẽ giải thích thơ của Homer hay và đẹp hơn so với của Hesiod?
Ion: Cũng chỉ như nhau, Socrates, dù
sao đi nữa, về những đề tài này, chỗ mà họ nói những điều tương tự.
Socrates: Và còn những đề tài mà họ
không nói cùng những điều tương tự về chúng thì sao? Sự đoán ý thần linh [11], lấy thí dụ. Homer nói một gì đó về nó và Hesiod cũng làm thế.
Ion: Chắc chắn.
Socrates: Tốt. Lấy ra tất cả những chỗ
trong có hai nhà thơ đó nói về sự đoán ý thần linh, cả chỗ họ đồng ý và chỗ họ
không đồng ý: ai là người sẽ giải thích những chỗ đó hay hơn và đẹp hơn, bạn, hay
một trong những người đoán ý thần linh, nếu người ấy là một người tiên tri giỏi?
Ion: Một trong những người đoán ý thần linh [12].
Socrates: Giả sử bạn
là một người đoán ý thần linh: nếu bạn đã thực sự có khả năng để giải thích
những chỗ mà hai nhà thơ đồng ý, không phải là bạn tất sẽ cũng biết giải thích thế
nào những chỗ họ không đồng ý?
Ion: Đó là rõ ràng.
Socrates: Vậy có nghĩa lý quái lạ nào
đây rằng bạn thì thông minh rành rẽ hầu khắp trong Homer, nhưng không trong
Hesiod, và những nhà thơ khác? Có phải Homer nói về bất kỳ những đề tài nào mà khác
với những đề tài đó của tất cả những nhà
thơ khác? Không phải là ông chủ yếu duyệt qua những truyện kể về chiến tranh,
và về cách mọi người đối xử ra sao với nhau trong xã hội – những người tốt và
xấu, những người bình dân và những người có nghề chuyên môn? Và của những vị gót,
họ đối ứng như thế nào với nhau và
với con người? Và không phải là ông thuật lại trước sau những gì xảy ra trên
trời và dưới địa ngục, và kể lại những ra đời của những vị gót và những anh
hùng? Đó là những đề tài làm-thơ của Homer, phải không?
Ion: Đúng là thế, Socrates.
Socrates: Và còn những nhà thơ khác
thì sao? Có phải họ đã viết về cùng những đề tài?
Ion: Phải, nhưng Socrates, họ đã
không làm điều đó như cách Homer đã làm.
Socrates: Vậy, thế nào? Tệ hơn?
Ion: Tệ hơn nhiều.
Socrates: Và Homer làm điều đó hay
hơn?
Ion: Thật hay hơn.
Socrates: Vâng bây giờ, Ion, bạn kính
yêu ơi, khi một số người đang thảo luận về số học, và một trong số họ nói giỏi
nhất, tôi giả định rằng một ai đó sẽ
biết thế nào để chọn ra người nói giỏi.
Ion: Đúng.
Socrates: Có phải sẽ là cùng một người
là người có thể chọn ra những người nói dở, hay một người nào khác?
Ion: Cùng một người, dĩ nhiên.
Socrates: Và đó sẽ là một ai đó là người
đã nắm vững được khoa số học, đúng không?
Ion: Đúng.
Socrates: Tốt. Giả sử có một số người
đang thảo luận về sự ăn uống sao cho lành mạnh, và một trong số họ nói hay
nhất. Có phải một người sẽ biết rằng người nói giỏi nhất nói hay nhất, và một người
khác là người nói thấp kém nói tệ hơn? Hay có phải cùng một người biết cả hai?
Ion: Rõ ràng, cùng một người.
Socrates: Người ấy là ai? Chúng ta
gọi ông là gì?
Ion: Một y sĩ.
Socrates: Như vậy, để tóm tắt, đây là
những gì chúng ta đang nói: khi một số người nói về cùng một chủ đề, điều luôn
luôn là cùng một người sẽ biết thế nào để chọn ra những người nói hay và những
người nói dở. Nếu ông không biết thế nào để chọn ra một người nói dở, dù sao đi
nữa, ông chắc chắn sẽ không nhận biết một người nói hay về cùng một chủ đề.
Ion: Đó là như vậy.
Socrates: Khi đó, quay ra rằng cùng
một người là “tuyệt vời thông minh” rành rẽ về cả hai người nói.
Ion: Đúng.
Socrates: Bây giờ bạn tuyên bố rằng Homer và những nhà thơ
khác (gồm cả Hesiod và Archilochus) nói về cùng một chủ đề, nhưng không phải là
hay như nhau. Ông ấy thì hay, và họ đều
kém hơn.
Ion: Vâng, và đó là sự thật.
Socrates: Bây giờ nếu bạn quả thực
biết ai là người nói hay, bạn sẽ biết rằng những người nói kém là nói tồi tệ
hơn.
Ion: Rõ ràng như vậy.
Socrates: Bạn thật xuất sắc! Vì vậy,
nếu chúng ta nói rằng Ion thông minh rành rẽ về Homer cũng bằng như về những nhà
thơ khác, chúng ta sẽ làm không phạm sai lầm. Bởi bản thân bạn đồng ý rằng cùng
một người sẽ là đầy đủ để làm một người phán xét về tất cả những người nói về
cùng một đề tài, và hầu như tất cả những nhà thơ quả thực đều cùng bàn luận hay
trình bày về cùng những đề tài.
Ion: Khi đó, theo nghĩa lý quái lạ
nào đây ông giải thích những gì tôi
làm, hả Socrates? Khi một ai đó thảo luận về một nhà thơ khác, tôi không quan
tâm đến, và tôi không có khả năng để đóng góp được bất cứ gì cho bõ công: Tôi
đơn giản chỉ ngủ thiếp đi. Nhưng hãy để một ai đó nhắc đến Homer, và ngay lập
tức tôi hoàn toàn tỉnh táo, và tôi chú ý, và tôi có nhiều điều để nói.
Socrates: Điều đó không phải là khó để tìm ra, bạn tôi ơi. Bất cứ ai cũng có
thể nói rằng bạn thì bất lực để nói về Homer trên cơ sở của sự hiểu biết, hoặc của
sự nắm vững kiến thức. Bởi nếu khả năng của bạn đến bằng nắm vững kiến thức,
bạn sẽ cũng có khả năng nói về tất cả những nhà thơ khác. Hãy nhìn xem, có một
nghệ thuật về thơ ca như một toàn bộ, không phải sao?
Ion: Phải.
Socrates: Và bây giờ lấy toàn bộ của bất kỳ một chủ đề nào khác: không phải
là nó sẽ có cùng một sự rèn luyện [13]
trước sau? Và điều này xảy ra cho mọi chủ đề vốn có thể nắm vững được kiến thức,
làm chủ hiểu biết. Bạn có cần tôi để nói cho bạn biết điều này tôi nói có nghĩa
gì không, Ion?
Ion: Lạy Zeus, Vâng, tôi cần,
Socrates. Tôi thích nghe ông, người khôn ngoan nói chuyện.
Socrates: Tôi ước rằng điều đó đúng,
Ion. Nhưng khôn ngoan? Chắc chắn bạn là người khôn ngoan, bạn những rhapsodes
và những diễn viên sân khấu, các bạn và những nhà thơ mà các bạn hát ngâm tác
phẩm của họ. Phần tôi, tôi không nói gì nhưng chỉ sự thật, như bạn mong đợi từ
một người bình thường. Tôi muốn nói là, ngay cả câu hỏi này tôi đã hỏi bạn – hãy
nhìn xem, nó là một chuyện phổ thông và bình thường đến thế nào. Bất cứ ai cũng
có thể hiểu những gì tôi nói có nghĩa là gì: không phải là bạn dùng cùng một
môn học rèn luyện trước sau như nhau, bất cứ khi nào bạn nắm vững làm chủ toàn
bộ chủ đề hay không? Hãy lấy điều này để thảo luận – vẽ tranh là một môn học để
được nắm vững làm chủ như một toàn thể, phải không?
Ion: Phải.
Socrates: Và còn rất nhiều những
người vẽ tranh, khéo và vụng, và đã có rất nhiều trong quá khứ.
Ion: Chắc chắn.
Socrates: Bạn đã bao giờ từng biết
một ai là người thông minh trong sự cho thấy những gì được vẽ khéo và những gì
không khéo, trong tác phẩm của Polygnotus [14],
nhưng người ấy lại không có khả năng làm điều đó với những họa sĩ khác? Một
người nào đó ngủ thiếp đi và bị lạc lõng, và không có gì để đóng góp khi trình
bày tác phẩm của những họa sĩ khác – nhưng khi ông ta phải đưa ra phán đoán về
Polygnotus, hoặc bất kỳ họa sĩ nào khác (miễn là chừng nào, đó là chỉ một hoạ sĩ), ông ta tỉnh táo, và ông chú
ý, và ông có nhiều chuyện để nói – bạn có từng bao giờ bạn biết một ai như thế?
Ion: Ôi Zeus ơi, không, dĩ nhiên là
không!
Socrates: Tốt. Hãy lấy ngành điêu khắc.
Bạn
đã từng bao giờ biết một ai là người thông minh trong việc giải thích những bức
tượng nào là được khéo thực hiện trong trường hợp của Daedalus [15],
con trai của Metion, hay Epeius [16],
con trai của Panopeus, hoặc Theodorus [17]
người đảo Samos, hoặc bất kỳ một nhà điêu khắc độc nhất nào khác, nhưng là
người bị lạc lõng khi ông ấy giữa những tác phẩm của những nhà điêu khắc khác,
và ông ngủ thiếp đi, và không có gì để nói?
Ion: Ôi Zeus ơi, không, Tôi chưa từng.
Socrates: Và thêm nữa, đó là ý kiến của tôi, bạn đã không
bao giờ từng được biết một ai, tuyệt chưa từng bao giờ – không trong nghệ thuật
chơi-sáo, không trong chơi đàn cithara, không trong hát dạo với đàn cithara, và
không trong ca hát cuồng nhiệt[18]
– bạn chưa bao giờ biết đến một người là thông minh trong việc giải thích nghệ thuật
của Olympus [19], hoặc
của Thamyrus [20], hoặc
của Orpheus, [21]
hoặc của Phemius [22],
người rhapsode từ Ithaca, nhưng là người
không có gì để đóng góp về Ion, người rhapsode từ Ephesus, và
không thể nói khi ông ấy làm công việc của mình hay khéo và khi ông ta không thế
– bạn đã không từng bao giờ được biết đến một người như thế.
Ion: Tôi không có gì để nói phản lại với ông về điểm đó,
Socrates. Nhưng điều này tôi biết về
bản thân mình: tôi nói về Homer hay đẹp hơn bất cứ ai nào khác và tôi có nhiều
để nói; và tất cả mọi người nói rằng tôi làm điều đó giỏi. Nhưng về những nhà
thơ khác, tôi thì không. Bây giờ xem điều đó có nghĩa gì.
Thơ ca và sự Gót-ám: Những
người ngâm đọc thơ như những sứ giả của những sứ giả
(533c-536d)
Socrates: Tôi có thấy, Ion, và tôi sắp nói ra cho rõ với bạn
tôi nghĩ đó là gì. Như tôi đã nói khi trước đây, đó không phải là một chủ đề mà
bạn đã làm chủ được kiến thức – khi nói hay về Homer; đó là một sức mạnh thần linh
vốn lay chuyển bạn, làm bạn xúc động, như một hòn đá “nam châm” chuyển dịch những
chiếc nhẫn. (Đó là theo như Euripides đã gọi nó, hầu hết mọi người gọi nó là “Heraclean”)
[23].
Đá này không chỉ kéo những vòng nhẫn đó, nếu chúng bằng sắt, nó cũng đặt sức
mạnh trong những vòng nhẫn, như thế, chúng
lần lượt có thể làm đúng những gì đá nam châm đã làm – kéo những vòng nhẫn khác
– vì vậy khiến đôi khi có một chuỗi rất dài gồm những mảnh và vòng sắt treo
dính vào nhau từ cái này sang cái kia. Và sức mạnh trong tất cả chúng phụ thuộc
vào hòn đá này. Trong cùng một cách, thần Nghệ thuật [24]
đã chính nàng làm một số người được cảm hứng [25],
và sau đó qua những người đã được cảm hứng này, một chuỗi gồm những người khác
cũng được hứng khởi, mê đắm treo dính vào chung. Bạn biết đấy, không ai trong
số những nhà sử thi, nếu họ là những nhà thơ hay, lại là những bậc thầy kiến
thức về đề tài của họ; họ đều được truyền cảm hứng, bị thần ám, gót chiếm giữ,
và đấy là lý do khiến họ thốt ra tất cả những bài thơ hay đó. Cũng xảy ra như
vậy với những nhà thơ trữ tình, nếu họ là những nhà thơ hay: giống hệt như
những nàng Corybantes [26]
mất tâm loạn trí của họ khi họ nhảy múa, những nhà thơ trữ tình cũng thế, cũng không
trong tâm trí tỉnh táo của họ, khi họ viết những lời thơ đẹp đẽ đó, nhưng ngay lập
tức khi họ dong buồm trôi vào hòa âm và tiết điệu, họ bị sự mê cuồng Bacchus
chiếm giữ. Cũng giống như những tín đồ Bacchus [27]
khi họ thấy mình chiếm giữ được mật ong và sữa từ những dòng sông, nhưng không
phải khi họ trong tâm trí tỉnh táo của họ – hồn [28]
của một nhà thơ trữ tình cũng làm điều này, như bản thân họ nói cho chính họ. Vì,
dĩ nhiên, những nhà thơ nói với chúng ta rằng họ thu nhặt những ca khúc ở suối
chảy mật ong, từ những lũng cỏ và vườn hoa của những Muse, và rằng họ chở những bài hát về với chúng ta, như những con ong
mang mật, vỗ cánh bay như những cánh ong. Và những gì họ nói là đúng thật. Vì
một nhà thơ là một gì đó mộng ảo nhẹ hẫng, chấp cánh bay bổng, và cao đạo tột
vời [29],
và ông không có khả năng làm thơ cho đến khi ông trở nên có cảm hứng và thoát
ra khỏi tâm trí của mình, và trí tuệ của ông thôi không còn ở trong ông nữa. Cho
đến chừng nào một con người trong mình còn nắm giữ trí tuệ của mình, ông sẽ
luôn luôn thiếu khả năng để làm thơ, hoặc hát lời tiên tri. Thế nên, bởi đó
không phải do sự quán thông kiến thức mà họ làm nên những bài thơ, hay nói
nhiều điều đẹp đẽ đáng yêu về những đề tài của họ (như bạn làm về Homer) – nhưng
bởi đó là một món quà thần linh – mỗi nhà thơ có khả năng để sáng tác hay đẹp thế
đó, chỉ vì Muse đã khơi dậy nhà thơ: một ai đó có thể làm lễ ca tôn vinh thần
thánh[30],
ai khác làm thơ tán tụng [31],
một ai đó có thể làm những bài hát để nhảy múa, ai khác làm thơ vịnh sử hay anh
hùng [32],
và môt ai khác nữa, làm thơ châm biếm trào phúng [33];
và mỗi người trong đám họ là không có giá trị nào với những loại thơ khác. Bạn
thấy đấy, không phải là kiến thức vẹn toàn đã khiến họ có khả năng nói những vần
điệu này, nhưng một sức mạnh thần linh, vì nếu họ đã biết thế nào để nói cho
hay đẹp trong một loại thơ bởi sự tinh thông đề tài, họ hẳn cũng đã có thể làm
như vậy với tất cả những loại vần điệu khác. Đó là lý do tại sao gót đã lấy tri
thức thông minh của họ đi khỏi họ, khi gót dùng họ như những tôi tớ của mình, khi
nhà thơ làm những nhà tiên tri, và những người bói thần đoán ý thánh, như thế
khiến khi chúng ta là những người nghe tất biết rằng họ không phải là những người nói những câu vần điệu đó vốn có giá
trị cao dường vậy, vì trí tuệ của họ không phải là trong họ nữa: chính gót là
người đang nói, và qua họ gót cho tiếng nói đến với chúng ta. Bằng chứng hay
nhất cho thuật kể này là Tynnichus từ thành Chalcis, người không bao giờ từng làm
một bài thơ nào khiến bất kỳ một ai sẽ nghĩ có gì đáng nhắc đến, ngoại trừ những bài thơ ca khen ngợi,
tất cả mọi người đều hát, gần như thơ trữ tình đẹp nhất từng có, và đơn giản,
như chính ông nói, “một sáng tác của Muses”. Trong điều này nhiều hơn bất cứ
gì, sau đó, tôi nghĩ rằng, gót đang chỉ ra cho chúng ta thấy, như thế để chúng
ta sẽ không có nghi ngờ nào về điều đó, rằng những bài thơ hay này là không
phải thuộc con người, thậm chí không phải từ con người, nhưng là thuộc thần
linh, và từ những gót; rằng những nhà thơ không là gì cả, nhưng chỉ là những đại
diện của những vị gót, bị chiếm giữ bởi bất kỳ ai đó là người chiếm giữ họ. Để cho
thấy rằng, vị gót đã chủ định hát bài
thơ trữ tình đẹp nhất, qua nhà thơ vô giá trị nhất. Bạn không nghĩ tôi đúng hay
sao, Ion?
Ion: Zeus ơi, có chứ, tôi chắc chắn thế. Bằng cách nào đó ông
đã chạm đến hồn tôi với những lời ông nói, Socrates ơi, và tôi thực nghĩ rằng
đó là một quà tặng thiêng liêng khiến những nhà thơ hay có được khả năng để
trình bày những bài thơ này đến với chúng ta từ những vị gót.
Socrates: Và những rhapsode các bạn, khi đến lượt, trình bày
những gì những nhà thơ nói.
Ion: Điều đó cũng đúng.
Socrates: Vì vậy, bạn quay ra là những sứ giả của những sứ
giả.
Ion: Hoàn toàn đúng.
Socrates: Chờ đã, Ion; hãy kể cho tôi nghe điều này. Đừng giữ
bí mật nào với tôi. Khi bạn hay khéo tụng đọc thơ vịnh sử hay anh hùng, và bạn
tác động những khán giả của bạn choáng váng nhất như hớp hồn, hoặc khi bạn hát
về Odysseus – ông nhảy vào ngưỡng cửa thế nào, ông là ai bây giờ rõ ràng với
những người cầu hôn (vợ ông), và ông đổ những mũi tên xuống chân mình – hoặc
khi bạn hát về Achilles đương đuổi theo Hector, hoặc khi bạn hát một đoạn
thương cảm về Andromache, hoặc Hecuba, hoặc Priam, có phải tại thời điểm đó,
bạn trong tâm trí tỉnh táo của bạn, hay bạn vượt khỏi quá chính mình? Và không
phải hồn bạn, trong nhiệt tình của nó, tin rằng nó đương có mặt trong những
hành động bạn mô tả, cho dù chúng ở Ithaca hoặc ở Troy, hoặc bất cứ nơi nào
khúc hát anh hùng thực sự xảy ra?
Ion: Thật là một ví dụ sinh động mà ông đã cho tôi, Socrates!
Tôi sẽ không giữ bí mật nào với ông. Lắng nghe, khi tôi kể một câu chuyện buồn,
mắt tôi đẫm lệ; và khi tôi kể một câu chuyện là đáng sợ hay khủng khiếp, những
chân tóc tôi dựng đứng với sợ hãi, và tim tôi nhảy thình thịch.
Socrates: Vâng, Ion, chúng ta có nên nói người này là trong
tâm trí tỉnh táo của mình ở những thời điểm như thế này: khi ông ta ở những lễ
hội tôn vinh, hay lễ ăn mừng kỷ niệm, tất cả trong áo quần áo đỏm đáng ưa
thích, đầu với những vương miện vàng, và ông ta đã khóc, mặc dù ông không hề
mất đi chút nào lộng lẫy trong trang phục của mình – hoặc khi ông ta đang đứng
giữa hàng triệu người thân thiện và ông ta sợ hãi, mặc dù không ai tước quần
lột áo ông ta, hoặc gây cho ông ta bất kỳ một tác hại nào? Khi ấy ông ta có
trong tâm trí tỉnh táo của mình không?
Ion: Ồ không, Zeus ơi, Socrates. Hoàn
toàn không, để nói tất cả sự thật.
Socrates: Và bạn biết rằng bạn cũng
gây tác động tương tự trên hầu hết những khán giả của bạn nữa, phải không?
Ion: Tôi biết rất rõ rằng chúng tôi
làm thế. Từ trên lễ đài cao, mỗi lần tôi nhìn xuống họ, và họ đang khóc và nhìn
đang sợ hãi, và họ tràn đầy kinh ngạc vì những câu chuyện đang kể. Ông thấy tôi
phải giữ khôn ngoan nhanh nhẹn của tôi, và chú ý đến họ với chặt chẽ: nếu tôi
làm họ bắt đầu khóc, tôi sẽ cười khi tôi lấy tiền của họ, nhưng nếu họ cười,
tôi sẽ khóc vì đã mất tiền.
Socrates: Và bạn biết rằng lớp khán
giả này là cuối cùng của những chiếc vòng, phải không – những vòng sắt mà tôi
đã nói là có sức mạnh của chúng lẫn với nhau bởi quyền năng của đá Heraclean
[nam châm]? Vòng giữa là bạn, là người đọc thơ hay người trình diễn, và người
đầu tiên là chính nhà thơ. Gót kéo hồn của mọi người qua tất cả những người này
bất cứ chỗ nào ông muốn, truyền sức mạnh trong vòng xuống người này sang người
khác. Và cũng giống như nếu nó được treo từ đá nam châm đó, có một chuỗi rất
đông gồm những vũ công hợp xướng và những thày dạy múa và những thày phụ tá,
treo đính vào một bên của những vòng treo từ Muse. Một nhà thơ được gắn vào một
Muse, một nhà thơ khác vào một Muse khác (chúng ta nói ông đang bị “gót ám”, và
đó là gần đúng, vì ông “bị nắm giữ”).
Từ những vòng đầu tiên này, từ những nhà thơ, họ được gắn dính vào theo lượt
của họ, và nhận được cảm hứng, một số từ một nhà thơ, một số từ nhà thơ khác:
số từ Orpheus, một số từ Musaeus, và nhiều người bị chiếm hữu và nắm giữ từ
Homer. Bạn là một trong số họ, Ion, và bạn bị nắm giữ từ Homer. Và khi bất cứ
ai hát tác phẩm của nhà thơ khác, bạn thiếp ngủ và bạn lạc lõng, chẳng biết gì
để nói; nhưng khi bất kỳ một bài hát nào của nhà thơ đó được vang lên, bạn sẽ tỉnh
táo ngay lập tức, hồn của bạn thì nhảy múa, và bạn có nhiều chuyện để nói. Bạn
thấy đó, nó không phải vì bạn là một bậc thầy của kiến thức về Homer khiến bạn
có thể nói những gì bạn nói, nhưng vì một quà tặng của thần linh, bởi bạn bị gót
ám, bị chiếm giữ. Đó là cách nó đã là với những Corybantes, người có tai thính
duy nhất với bài hát cụ thể đặc biệt thuộc về vị gót bất kỳ nào đó vốn chiếm
giữ họ; họ có rất nhiều lời nói và cử động để đi với bài hát đó; nhưng họ đang hoàn
toàn đánh mất mình nếu âm nhạc là khác biệt. Đó là cách nó như thế nào với bạn,
Ion: khi bất kỳ một ai nhắc nhở đến Homer, bạn có rất nhiều để nói, nhưng nếu người
ấy nhắc nhở đến những người khác, bạn sẽ bị lạc lõng; và giải thích cho điều
này, vì bạn hỏi tôi – tại sao là việc bạn có rất nhiều để nói về Homer, nhưng
không về những người khác – là nó không là sự nắm vững tinh thông đề tài, nhưng
là một món quà của thần linh, khiến cho bạn là một ca sĩ tuyệt vời của những lời
khen ngợi Homer.
Ion: Ông là một người nói hay,
Socrates. Tuy nhiên, tôi sẽ sững sờ nếu ông có thể nói cũng đủ hay để thuyết
phục tôi rằng tôi bị chiếm hữu, hoặc bị mê cuồng, đương khi tôi ca ngợi Homer.
Tôi không tin ông sẽ nghĩ thế nếu sau khi ông nghe tôi nói về Homer.
Socrates: Và thực sự tôi quả có muốn
nghe bạn, nhưng chỉ sau khi bạn trả lời tôi điều này: bạn nói giỏi về những đề
tài nào của Homer? Tôi không giả định rằng bạn nói giỏi về tất cả chúng.
Ion: Tôi có, Socrates, hãy tin tôi
đi, về từng mỗi đề tài một!
Socrates: Chắc chắn không phải về
những đề tài xảy ra là bạn không biết gì về chúng, ngay cả nếu Homer có nói về
chúng.
Ion: Và những đề tài Homer nói về
chúng này, nhưng tôi không biết gì về chúng – là gì?
Socrates: Thế chẳng phải Homer nói về
những đề tài chuyên môn ở nhiều chỗ, và nói rất nhiều? Đánh xe chariot, lấy thí dụ, tôi sẽ cho bạn
thấy, nếu tôi có thể nhớ những dòng thơ.
Ion: Chẳng cần, tôi sẽ đọc chúng. Tôi
có nhớ.
Socrates: Vậy cho tôi biết Nestor nói
những gì với Antilochus, con trai của ông, khi ông khuyên anh ta hãy cẩn thận ở
khúc quanh, chỗ đóng trụ đá làm mốc, trong cuộc đua xe ngựa, họ đã tổ chức cho đám
tang Patroclus.
Ion: “Nghiêng”, ông nói,
Nghiêng mình con trên trên sàn phẳng nhẵn của xe ngựa
kéo
Chệch đúng về mé trái của cặp ngựa. Sau đó, với con
ngựa ở bên phải –
Kích thích nó, quát tháo nó, hai bàn tay con hãy nới
lỏng dây cương.
Ở trụ mốc chỗ quành, để con ngựa bên trái của con ôm ghì
lấy khúc quanh
Như thế, con như thẳng đến bờ ngoặt, với trục quay
Của những bánh xe hàn vững của con; Nhưng tránh, đừng cắt
vào vệ đá . . . [34]
Socrates: Thế là đủ. Ai biết nhiều
hơn, Ion, rằng không biết Homer nói có chính xác hay không, đặc biệt trong
những câu thơ này – một y sĩ hay một
người đánh xe ngựa?
Ion: Một người đánh xe ngựa, dĩ
nhiên.
Socrates: Có phải bởi ông ta là một
bậc thầy của nghề chuyên môn đó [35] , hoặc vì một vài lý do nào khác?
Ion: Không, Đó là vì ông ta là một
bậc thầy của nó.
Socrates: Khi đó, với mỗi chuyên môn,
một vị gót đã ban cho khả năng để hiểu biết một chức năng nhất định nào đó. Ý
tôi là, những sự việc thuật hoa tiêu hàng hải dạy chúng ta – cũng như thế, chúng ta sẽ không học chúng từ y học, phải không?
Ion: Dĩ nhiên là không.
Socrates: Và những sự việc y học dạy
chúng ta, chúng ta sẽ không học từ kiến trúc.
Ion: Dĩ nhiên là không.
Socrates: Và như thế là điều cho mỗi ngành
chuyên môn khác: những gì chúng ta học bằng sự làm chủ một chuyên môn, chúng ta
sẽ không học bằng sự làm chủ một chuyên môn khác, đúng không? Nhưng trước tiên,
hãy trả lời tôi câu này. Có phải bạn đồng ý rằng có những ngành nghề chuyên môn
khác nhau – rằng một ngành này thì khác với một ngành khác?
Ion: Phải.
Socrates: Và có phải đây là như thế
nào bạn xác định những ngành nghề nào là khác nhau? Khi tôi thấy rằng kiến thức
[bao gồm trong một trường hợp] bàn bạc, đề cập tới những đề tài khác nhau với
kiến thức [trong một trường hợp khác], khi đó tôi tuyên bố rằng một này là nghề
chuyên môn khác với một khác. Có phải đó là những gì bạn làm?
Ion: Phải.
Socrates: Tôi muốn nói nghĩa là nếu
có một vài kiến thức của cùng những đề tài, khi đó tại sao chúng ta tất phải
nói rằng có hai nghề chuyên môn khác nhau? – Đặc biệt nếu khi mỗi trong số chúng
sẽ cho phép chúng ta biết cùng những đề tài giống nhau! Hãy lấy những ngón tay
này: Tôi biết chúng có năm ngón tay, và bạn biết cũng cùng điều về chúng mà tôi
biết. Bây giờ, giả sử tôi hỏi bạn, không biết đó có là cùng một chuyên môn hay không
– số học – vốn dạy cho bạn và tôi, cũng cùng những điều tương tự, hay đó là hai
chuyên môn khác nhau. Dĩ nhiên bạn tất nói đó là cùng một chuyên môn.
Ion: Đúng.
Socrates: Vậy bây giờ trả lời câu hỏi
tôi hỏi bạn trước đây. Bạn có nghĩ đó là cùng một cách cho mọi chuyên môn – cùng
một chuyên môn phải dạy cùng những đề tài, và một chuyên môn khác, nếu nó là
khác biệt, phải không dạy cùng những đề tài giống nhau, nhưng những đề tài khác
nhau?
Ion: Đó là tôi nghĩ nó là như thế,
Socrates.
Socrates: Khi đó, một người đã không
làm chủ một chuyên môn nào đó nhất định, sẽ không có khả năng để là một người
phán xét tốt về những sự vật việc thuộc về chuyên môn đó, cho dù chúng là những
điều được nói hoặc những điều được làm.
Ion: Đó là sự thật.
Socrates: Vậy thì ai sẽ là người biết
tốt hơn, liệu Homer nói có đẹp và hay, trong những dòng bạn đã trích dẫn? Bạn, hay
một người đánh xe ngựa?
Ion: Một người đánh xe ngựa.
Socrates: Đó là bởi bạn là một rhapsode, dĩ nhiên, và không phải là một
người đánh xe ngựa.
Ion: Vâng.
Socrates: Và nghề chuyên môn của rhapsode thì khác biệt với của người
đánh xe ngựa.
Ion: Vâng.
Socrates: Nếu nó là khác nhau, khi đó
kiến thức của nó cũng thuộc những đề tài khác nhau.
Ion: Vâng.
Socrates: Vậy thế còn lúc Homer bảo Hecamede,
người nữ của Nestor, hãy lấy thuốc làm bằng lúa mạch cho Machaon uống, thì sao?
Ông nói một gì đó như thế này –
Bên trên rượu nho của Pramnos, bà nạo pho mát làm bằng
sữa dê
Bằng một bàn nạo bằng đồng thau … Và thêm vị hành tây
cho thức uống. . . [36]
Có phải Homer đúng hay không đúng: có
phải một chẩn đoán tốt ở đây, sẽ đến từ chuyên môn của một y sĩ hay một rhapsode?
Ion: Một y sĩ.
Socrates: Và thế còn lần Homer nói:
Nặng trĩu, nàng chúi đầu xuống đáy biển như một quả dọi
bằng chì
Nó móc chặt với một sừng bò làm mồi. Cho sự săn lùng
Vốn diễn ra giữa loài cá đói ăn, mang sự chết đến theo.
[37]
Chúng ta có nên nói đó là để cho chuyên
môn của một người đánh cá, hay của một rhapsode để bảo rằng không biết Homer mô
tả chuyện này có đẹp và khéo, hay không?
Ion: Đó là rõ ràng, Socrates. Đó là để
cho một người đánh cá.
Socrates: Tốt lắm, hãy xem đây. Giả sử bạn là một người
đặt những câu hỏi, và bạn hỏi tôi, “Socrates, bởi ông tìm ra những đoạn nào
thuộc về mỗi chuyên môn của những ngành nghề nào mà Homer nói bàn – đó là những
đoạn mà mỗi ngành chuyên môn nên phán đoán – hãy nói cho tôi nghe điều này: đâu
là những đoạn vốn thuộc về một người tiên tri và thuật đoán ý thần linh, những
đoạn mà người này tất có thể phán đoán về phần không biết chúng được soạn khéo
hay tệ?” Xem đây, dễ đến thế nào, tôi có thể cho bạn một trả lời đúng. Thường
thường, trong Odyssey, Homer nói
những điều giống như những gì Theoclymenus nói – nhà tiên tri dòng dõi những
con trai của Melampus:
Các ngươi điên sao? Quái Ác nào đây trùm trên các ngươi? Đêm
đen
Đã bọc kín những bàn tay, những khuôn mặt, và xuống đến những
đầu gối các ngươi.
Khóc than lan tràn như lửa, nước mắt tuôn rửa má các
ngươi.
Những bóng ma đầy sân trước, những bóng ma đầy sảnh đường,
chúng vội vàng
Đến cổng đen của địa ngục, chúng khuất lấp chìm thấp dưới
bóng tối. Ánh sáng mặt trời
Đã chết lịm, khỏi một vòm trời sương mù quái ác dăng
ngang. [38]
Và thường trong Iliad,
như trong trận chiến ở tường thành. Ở đó, ông nói:
Ở đó, có một con chim đến với họ, khi họ khao khát muốn
băng qua.
Một con chim ưng, một con chim bay cao, lượn vòng bên trái
đội quân
Với một con rắn màu đỏ như máu, kẹp trong vuốt nó, một
con quái vật,
Còn sống, vẫn thở, nó vẫn chưa quên sự hiếu chiến của
nó,
Vì nó quật vào ngực con chim bắt nó, vào chỗ cổ;
Nó oằn oại quắn mình lại, nhưng con chim ưng ném nó xuống
đất
Trong vật vã đau đớn, và thả nó rớt giữa đám đông,
Sau đó, chính nó, với tiếng thét, xõa cánh bay theo một
luồng gió [39]
Tôi rồi sẽ nói là những đoạn này, và
những đoạn giống như chúng, thuộc về một nhà tiên tri, người đoán ý thần linh. Những
đoạn đó là cho ông ta để xem xét, suy đoán.
Ion: Đó là một trả lời đúng,
Socrates.
Socrates: Tốt, những trả lời của bạn cũng
đúng thực nữa, Ion. Bây giờ bạn kể cho
tôi – cũng giống như tôi đã chọn ra cho bạn, từ Odyssey và Iliad, những đoạn
thuộc về một tiên tri, và những đoạn thuộc về một y sĩ, và những đoạn thuộc về
một người đánh cá – trong cùng một lối, Ion, vì bạn có nhiều kinh nghiệm với tác
phẩm của Homer hơn tôi, bạn chọn ra cho tôi những đoạn mà thuộc về rhapsode và
nghề nghiệp chuyên môn của ông ta, những đoạn thơ mà một rhapsode sẽ có thể xem
xét, phán đoán tốt hơn bất cứ ai khác.
Ion: Trả lời của tôi, Socrates, là
“tất cả trong số chúng”.
Socrates: Đó không phải là câu trả lời
của bạn, Ion. Không phải là “tất cả trong số chúng”. Hay bạn thực sự rất chóng
quên thế? Nhưng không, chóng quên sẽ không không thích hợp cho một rhapsode.
Ion: Ông nghĩ là tôi đang quên gì?
Socrates: Bạn không nhớ bạn nói rằng
nghề nghiệp của một rhapsode thì khác biệt với của một người đánh xe ngựa hay sao?
Ion: Tôi nhớ.
Socrates: Và không phải là bạn đã đồng
ý rằng bởi họ là khác nhau, họ sẽ biết về những đề tài khác nhau?
Ion: Phải.
Socrates: Vậy là nghề chuyên môn của
một rhapsode, trên quan điểm của bạn,
sẽ không biết tất cả mọi sự vật việc, và một rhapsode cũng sẽ chẳng như thế.
Ion: Nhưng những việc như thế là những
trường hợp ngoại lệ, Socrates.
Socrates: Nói rằng “những điều như
thế”, bạn muốn nói có nghĩa là gần như tất cả những đề tài của những ngành nghề
chuyên môn khác là trường hợp ngoại lệ, phải không bạn? Nhưng khi đó, những gì
đại loại như vậy một rhapsode sẽ
biết, nếu không phải tất cả mọi thứ?
Ion: Ý kiến của tôi, dù sao đi nữa,
là anh ta sẽ biết những gì là thích hợp cho một người nam, hoặc một người nữ để
nói – hoặc cho một người nô lệ, hoặc một người tự do, hoặc cho một người tuân
hành, hoặc một nhà lãnh đạo.
Socrates: Như thế – một nhà lãnh đạo nên
nói gì, khi ông ta trên biển, khi một trận bão tấn công con tàu của ông – bạn
có định nói một rhapsode sẽ biết nhiều hơn một hoa tiêu đi biển?
Ion: Không, không. Một hoa tiêu sẽ
biết điều đó.
Socrates: Và khi ông có trách nhiệm
trông coi một người ốm, một nhà lãnh đạo nên nói gì – một rhapsode sẽ biết
nhiều hơn một y sĩ?
Ion: Cũng không phải nữa.
Socrates: Nhưng anh ta sẽ biết những gì một người nô lệ nên
nói. Đó là những gì bạn có ý muốn nói?
Ion: Đúng.
Socrates: Lấy thí dụ, một nô lệ, là
người chăn bầy bò, nói gì để đám gia súc của mình bình tĩnh lại, khi chúng hoảng
tán loạn – có phải một một rhapsode sẽ biết những gì một người chăn bò không
biết?
Ion: Chắc chắn là không.
Socrates: Và còn một phụ nữ quay khung
cửi nên nói gì về việc làm lụng với len sợi?
Ion: Không
Socrates: Thế còn như một người nên
nói gì, nếu ông ta là một vị tướng, để khuyến khích những đội quân của mình?
Ion: Đúng! Đó là điều thuộc loại một rhapsode
sẽ biết.
Socrates: Sao vậy? Có phải nghề của một
rhapsode giống như của một tướng lãnh không?
Ion: Hay đấy, tôi chắc chắn sẽ biết những gì một vị tướng nên nói.
Socrates: Có lẽ đó là bởi bạn cũng là
một tướng lãnh chuyên nghiệp, Ion. Ý tôi là, bằng cách nào đó nếu bạn cùng một
lúc vừa là một kỵ sĩ và là một người chơi đàn cithara, bạn tất sẽ biết những tay
đua ngựa nào giỏi khác với dở. Nhưng giả sử tôi hỏi bạn: “Nghề chuyên môn nào dạy
bạn thuật cưỡi ngựa giỏi – một chuyên môn làm bạn thành một kỵ sĩ, hay một chuyên
môn làm bạn là người chơi đàn cithara?”
Ion: Chuyên môn của nghề kỵ sĩ, tôi ắt
nói.
Socrates: Khi đó, nếu bạn cũng biết những
người chơi đàn cithara hay khác với người dở, chuyên môn đã dạy bạn như thế sẽ là một chuyên môn trong đó khiến
bạn thành người chơi đàn cithara, không là chuyên môn làm bạn thành một kỵ sĩ.
Bạn không đồng ý sao?
Ion: Có.
Socrates: Bây giờ, vì bạn biết công
việc của một tướng lãnh, có phải bạn biết điều này bằng tư cách là một vị tướng
hay bằng tư cách là một một rhapsode giỏi?
Ion: Tôi không nghĩ có bất kỳ khác
biệt nào.
Socrates: Sao vậy? Có phải bạn nói
rằng không có gì khác biệt? Có phải theo quan điểm của bạn có một nghề chuyên
môn cho những rhapsodes và những tướng lãnh, hay là hai?
Ion: Một, tôi nghĩ.
Socrates: Như thế, bất cứ ai là một một
rhapsode giỏi cũng quay ra là một vị tướng lãnh giỏi nữa.
Ion: Chắc chắn, Socrates.
Socrates: Sau đó cũng dẫn đến rằng bất
cứ ai quay ra là một vị tướng lãnh giỏi thì cũng là một rhapsode giỏi nữa.
Ion: Không, lần này tôi không đồng ý.
Socrates: Nhưng bạn có đồng ý với
điều này: bất cứ ai là một rhapsode giỏi thì cũng là một vị tướng giỏi nữa.
Ion: Tôi hoàn toàn đồng ý.
Socrates: Và không phải bạn một
rhapsode giỏi nhất ở Greece?
Ion: Cho đến nay, Socrates.
Socrates: Bạn cũng là một vị tướng,
Ion? Bạn có phải là giỏi nhất ở Greece?
Ion: Chắc chắn, Socrates. Điều đó nữa,
tôi đã học được từ thơ của Homer.
Socrates: Vậy thì tại sao Zeus ơi,
Ion, khi bạn vừa là tướng lãnh giỏi nhất và một rhapsode hay nhất ở Greece, bạn
lại đi khắp đất nước Ion trình diễn những đoạn thơ ngâm vịnh, nhưng không phải
chỉ huy những đội quân? Bạn có nghĩ rằng Greece thực sự cần một một rhapsode là
người được phong vương miện bằng vàng? Và không cần một tướng lãnh?
Ion: Socrates, thành phố của tôi được
các bạn [Athens] cai quản và chỉ huy; chúng tôi không cần một tướng lãnh. Thêm
nữa, Không thành phố nào, Athens của bạn lẫn Sparta, sẽ chọn tôi cho chức vị
tướng lãnh. Các bạn đều nghĩ rằng các bạn đủ giỏi về việc đó cho chính các bạn.
Socrates: Ion, bạn xuất sắc lắm. Bạn
không biết Apollodorus người thành Cyzicus hay sao?
Ion: Ông ấy là gì?
Socrates: Ông ấy là một dân ngoài, nhưng
thường được những dân Athens chọn làm tướng lãnh của họ. Và Phanosthenes người thành
Andros, và Heraclides người thành Clazomenae – họ cũng đều là dân thành ngoài;
họ đã chứng tỏ phải nhìn nhận tài năng của họ, và Athens đã bổ nhiệm họ làm
những tướng lãnh, hoặc những viên chức thuộc những loại khác. Và bạn có nghĩ
rằng thành phố này, vốn đã làm những bổ
nhiệm như vậy, sẽ không chọn Ion của thành Ephesus và vinh danh anh ta, nếu họ
nghĩ rằng tài năng cuae anh đáng phải nhìn nhận? Tại
sao? Không phải bạn, người thành Ephesus, vốn là đồng minh lâu dài của Athens?
Và không phải hay sao rằng Ephesus là thành phố không thua kém một thành phố nào?
Nhưng bạn, Ion, bạn đang không thành thực với tôi, nếu những gì bạn nói
là sự thật rằng những gì cho bạn có khả năng để ca ngợi Homer là kiến thức hoặc
làm chủ của một chuyên môn. Bạn bảo đảm với tôi rằng bạn biết nhiều những sự
vật việc đẹp đẽ yêu kiều về Homer, bạn đã hứa sẽ cho tôi một trình diễn; nhưng
bạn đang lừa dối tôi, bạn hoàn toàn ngược lại với việc đem cho một trình diễn. Bạn
thậm chí còn không sẵn sàng cho tôi biết đó là những gì vốn bạn rất tuyệt vời
thông minh về chúng, mặc dù tôi đã cầu xin bạn lâu rồi. Thực sự, bạn giống đúng
như Proteus [40], bạn
uốn lên vặn xuống, và mang lấy nhiều hình dạng khác nhau, đến cuối cùng bạn đã hoàn
toàn vuột khỏi tôi, bằng cách chuyển mình thành một tướng lãnh, như thế để
tránh phải chứng minh bạn thông minh tuyệt vời về Homer như thế nào.
Nếu bạn thực sự là một bậc thầy về đề
tài của bạn, và nếu, như tôi đã nói trước đó, bạn đang lừa dối tôi về những sự
trình diễn bạn đã hứa về Homer, vậy bạn không thành thực với tôi. Nhưng nếu bạn
không phải là một bậc thầy về đề tài của bạn, nếu bạn đang bị chiếm giữ bởi một
quà tặng thần linh từ Homer, như thế khiến bạn thực hiện nhiều những phát biểu yêu
kiều về nhà thơ mà không hiểu biết bất cứ gì – như tôi đã nói về bạn – khi đó bạn không đối với tôi không thành thực. Thế
nên, hãy chọn, bạn muốn chúng ta nghĩ thế nào về bạn – như một người không thành thực, hoặc là một
người nào đó của thần linh?
Ion: Có một sự khác biệt lớn,
Socrates. Điều là đáng yêu nhiều hơn để nghĩ là của thần linh [41]
Socrates: Vậy đó là cách chúng ta nghĩ về bạn, Ion, cách đáng yêu hơn: đó là như
một người của gót, và không như bậc thầy của một chuyên môn, rằng bạn là một người
ca hát về những lời khen ngợi với Homer.
Plato
Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Nov/2014)
[1] Theo bản tiếng Anh (1983) của Paul B Woodruff (1943 – )
Trong
bộ Plato Toàn tập (Plato Complete Works). Biên tập, giới thiệu, chú thích của John M. Cooper,
Phụ tá biên tập D. S. Hutchinson.
Nxb Hackett Publishing Company.
Indianapolis/Cambridge, 1997
Tham khảo và đối chiếu với những bản:
(a)
Bản tiếng Anh của Fowler. Plato in Twelve Volumes, Vol. 1.
Harold North Fowler dịch; W.R.M. Lamb giới thiệu. Cambridge, MA, Harvard
University Press; London, William Heinemann Ltd. 1966.
(b) Bản tiếng Anh của nhà thơ Percy Bysshe Shelley
(c) Bản tiếng Anh của Allen. Plato: Ion,
Hippias Minor, Laches, Protagoras, R.E. Allen dịch và bình chú, New Haven;
London: Yale University Press, 1996.
(d) Bản tiếng Pháp Ion
(ou de l’Iliade) của Victor Cousin
Tất cả những
trang, đánh số thứ tự Stephanus từ [530a] – [542b]
Các chú thích của
những dịch giả sẽ giữ trong ngoặc vuông [ … ]
Những ghi chú khác
với sai lầm nếu có, như thường lệ, là của tôi.
[2] Theo truyền thuyết do Hesiodos kể lại, Asclepius sinh ra ở Epidaurus và
là con trai của Apollo và Arsinoe, con gái vua của vùng Messinia (Trước đó,
người ta tin rằng Asclepius là con trai của Apollo và Coronis của vùng
Thessaly).
[3] Từ “rhapsode” (rhapsōidos):
người chuyên môn đọc những sử thi, đặc biệt họ hợp thành phường hội chuyên
nghiệp, trình diễn bằng ngâm đọc thuộc lòng, và diễn giảng những truyện thơ của
Homer cho đám đông, như một nghề kiếm sống trong những lễ hội thời cổ Greece.
Theo những học giả cổ điển, rhapsōidos có
hai nghĩa gốc. Nghĩa gốc thứ nhất có liên hệ với từ chỉ cây gậy dài (rhabdos) vốn người ca vịnh khi trình
diễn thường dùng để đứng chống hay dựa. Nghĩa gốc thứ hai, kết nối từ này với
nghệ thuật thơ ca, hiểu như sự khâu nối (rhaptein)
bài thơ (oide). Như thế, rhapsode là
một người “thợ may những bài thơ.”
Ý kiến chung về những rhapsode cho
rằng họ là những người đọc chuyên nghiệp những tác phẩm của người khác, và chỉ
dựa vào trí nhớ. Trong truyền thống truyền miệng của sử thi, họ đại diện cho
giai đoạn tiếp theo sau của những aoidoi,
(hoặc bards), là những người làm thơ
về một đề tài lịch sử truyền thống nào đó, hay anh hùng ca, mỗi khi họ trình
diễn. Tuy nhiên, không có đủ chứng liệu để quả quyết một phân định rõ ràng như
vậy, ít nhất trong thời thế kỉ 6 TCN. Qua những ghi chép, cho thấy những
rhapsode, tiếp tục hành nghề trình diễn này đến suốt thế kỉ 3 CN.
Trình diễn của một rhapsode có thể có
âm nhạc đi kèm, hoặc với đàn dây lyre,
hoặc kèn sáo aulos (một nhạc cụ bộ
gió làm bằng cây sậy kép, thổi với lưỡi gà), hoặc đơn giản có thể chỉ nói bằng
giọng trầm bổng, tha thiết hay hùng hồn. Những bài đọc của rhapsode không chỉ
gồm thơ của Homer, nhưng cũng gồm của những nhà thơ cổ khác, như Hesiod,
Archilochus, Simonides, Mimnermus, Phocylides, và nhà thơ triết gia Empedocles.
Sau khi ngâm kể những bài thơ hoặc những đoạn từ những bài thơ dài, người
rhapsode sẽ trình bày những nhận xét, bình luận về chúng. Trong thời gian
khoảng những thế kỉ 6 và 5 TCN, những trình diễn của những người đọc thơ chuyên
nghiệp này trở thành một phần đặc trưng của lễ hội ăn mừng kỷ niệm Athena hàng
năm ở Athens. Sự thành công của rhapsode về việc ngâm đọc sử thi trước công
chúng, và món tiền đòi thù lao tương ứng, vốn có thể là khá lớn, đều phụ thuộc
vào hiệu quả của người trình diễn này trong việc làm cảm động khán giả của
mình.
[4] “Âm nhạc” với người Greek, gồm cả
thơ ca.
[5] Lễ hội tổ chức ở Athens để tôn vinh kỷ niệm Athena, hay Athena Polias, vị
vị gót nữ bảo hộ thành phố; và vị vua huyền thoại đầu tiên Erechtheus của
Athens. Mỗi năm vào tháng Bảy, có Lễ hội nhỏ (Small Panathenaea), và mỗi bốn
năm có Lễ hội lớn (Great Panathenaea). Các cuộc thi đua về âm nhạc, thể dục
điền kinh và đua xe ngựa kéo (charriot) chỉ mở ra trong lễ hội lớn này. Tranh
tài của những rhapsode tổ chức trong những thi đua về Âm nhạc. Những rhapsode
ngâm đọc các đoạn dài trong sử thi Iliad
và Odyssey.
[6] Một người bạn của triết gia Anaxagoras,
Metrodorus là người viết những diễn dịch ngụ ngôn, phúng dụ (allegorical
interpretations) về thơ Homer, khoảng đầu thế kỉ 5 TCN.
[7] A rhapsode, interpreter of Homer, and historian who lived in the
time of Cimon and Pericles.
[8] Không phải Glaucon trong Republic, nhưng có lẽ là một nhà bình
luận thơ Homer, Aristotle nhắc đến trong, Poetics.
25. 16.
[9] Có một phường nghề, hay một chi tộc ở đảo Chios gọi là Homeridae
(“Những con trai của Homer”), nhưng tên gọi này dường như dùng ở đây, và
những chỗ khác trong Plato để chỉ bất kỳ một ai đặc biệt chỉ hoạt động chuyên
biệt trong lĩnh vực thơ Homer.
Homeridae là một “phường hội nghề” của những rhapsode, đầu
tiên đã tuyên bố là những hậu duệ của chính Homer. Một gia đình hay một hội
những nhà thơ, ở đảo Chios, sinh quán của Homer, có những thành viên tự xưng là
dòng dõi Homer, và đã gìn giữ từ cha xuống con trai, truyền thống ngâm vịnh và
diễn giải sử thi Iliad và Odyssey của Homer (thế kỷ 8, TCN). Cf. Phaedrus 252b; Republic X 599e.
[10] Archilochus, hay Archilochos (thế kỉ 8
hay 7, TCN), nhà thơ và cũng là quân nhân đánh thuê chuyên nghiệp của Greece.
Ông được xem là đã sáng tạo ra vần iambic
meter, cũng là người đầu tiên trong truyền thống văn học phương Tây, viết
thơ trữ tình, ở ngôi thứ nhất.
Hesiod
(c.700 TCN): Một trong những nhà thơ được biết đầu tiên của Greece, ông viết Theogony (Thần phả), sử thi về lai lịch,
dòng dõi của những vị gót.
[11] sự tiên tri (prophecy), bản Allen, hay thuật tiên tri (seer’s art)
[12] Nhà tiên tri (prophets), bản Allen.
[13] disciplina (discipulus):
môn học, sự rèn luyện , giảng huấn (instruction, knowledge)
[14] Polygnotus [Một hoạ sĩ nổi tiếng, người đảo Thasos, đã trang hoàng tô
điểm cho những công thự ở Athens vào khoảng 470 TCN. Cf. Gorg. 488 B.]
[15] Daedalus [Theo truyền thuyết, nhà tạc tượng đầu tiên: cf. Euthyphro 11, Meno 97 D.]
[16] [Người làm những con ngựa gỗ thành Troy
(Homer, Od. 8.493).]
[17] [Thợ rèn (Herodot. 1. 51, 3. 41).]
[18] Minstrelsy và rhapsodizing
[19] [Truyền thuyết, nhạc sĩ chơi sáo, một
trong những người sáng tạo ra âm nhạc: cf. Symp.
215 E.]
[20] [Một thi sĩ truyền khẩu (bard) người
Thrace.]
[21] [Một thi sĩ truyền khẩu (bard) người
Thrace.]
[22] [Người hát có đàn phụ hoạ (minstrel: hát
hay ngâm đọc thơ trữ tình hay sử ca, có nhạc kèm, thường để giúp vui cho yến
tiệc của giới quí phái) bị buộc phải giúp vui cho những người cầu hôn Penelope
(Od 1. 154, 22. 330).]
[23] Nam châm tự nhiên dường như đến từ Magnesia và Heraclea trong vùng Caria,
nay là Turkey, và được gọi theo tên của những nơi đó.
[24] Musae (Μοῦσαι) Trong thần thoại Greece, Muses ban đầu là những nữ
thần (nymphs) của những giòng suối, có nước của chúng đem cho cho cảm hứng, như
những nữ thần Hippocrené, Castalia, vv ...; sau đó là những gót nữ của bài hát
nói chung; và sau đó nữa, là những đại diện của những loại thơ ca, nghệ thuật
và khoa học. Trong Homer, người bây giờ có khi nói về một, và có khi nói về
nhiều Muse, nhưng không có xác định cụ thể số lượng hoặc tên của họ, họ được
coi là ở sống trên núi Olympus, là những người vào bữa ăn của các vị gót, hát
ngọt ngào với tiếng đàn lyre của Apollo, truyền cảm hứng cho nhà thơ, và dục
dã, nhắc nhở khúc hát của nhà thơ. Đến Hesiod (Theog. 52-76), ông gọi họ là chín con gái của thần Zeus và
Mnemosyne, sinh ở Pieria, và đề cập đến tên của họ:
1. Calliŏpé (nàng mà giọng nói đẹp): Theo Hesiod, là cao quý
nhất trong tất cả, Muse của sử thi; thường cầm một bảng bằng sáp và một bút
chì.
2. Clio (nàng mà tán dương): Muse của lịch sử; với một cuộn
giấy đóng sách.
3. Euterpé (nàng mà làm vui vẻ, hớn hở): Muse của bài hát trữ
tình; với sáo đôi.
4. Thalīa (nàng mà tưng bừng khởi sắc): Muse của hài kịch và
thơ thôn dã; với mặt nạ hài hước, đầu đội vòng ivy, tay cầm gậy của người chăn
cừu.
5. Melpomĕné (nàng mà hát): Muse của bi kịch; với mặt nạ bi
thảm, đầu đội vòng ivy, và đôi khi tay cầm những vũ khí của những anh hùng, như
chuỳ, kiếm.
6. Terpsichŏré (nàng mà vui mừng trong nhảy múa): Muse của vũ
điệu; với đàn lia.
7. Erăto (nàng yêu kiều): Muse của thơ dâm tình (erotic); với
một cây đàn lia nhỏ hơn.
8. Polymnia hoặc Polyhymnia (nàng mà phong phú trong những
tụng ca): Muse của bài hát thiêng liêng nghiêm trọng; thường được trình bày với
mặt phủ khăn kín mặt và trầm ngâm.
9. Urania (nàng trên bầu trời): Muse của thiên văn học, với
khối cầu ghi vị trí những chòm sao.
[25] enthousiastēs: person
inspired by a god; và inspire (Lat. Inspirare) là “được hà hơi” vào; trước đây
chúng ta có từ dịch theo lối Tàu phiên âm, “yên sĩ phi lý thuần” (inspiration).
[26] Corybantes (Κορύβαντες): Những nữ tu, hay những giáo sĩ của tín
ngưỡng thờ gót Rhea, hay Cybelé, mẹ cả của những vị gót, phổ thông trong xứ
Phrygia (nay là Turkey). Trong các lễ hội long trọng của họ, họ trưng bày sự
cuồng nhiệt mê cuồng cùng cực trong những vũ điệu với áo giáp, vũ khí, đi kèm
với âm nhạc của sáo, chũm chọe, và trống.
[27] Những tín đồ Bacchus dường như nhảy múa
với nhau đến mê đắm, vào trong một trạng thái thất thần, sảng trí, trong đó họ
trông thấy những dòng sông như đang tuôn chảy với mật ong và sữa (Euripides, Bacchae 708-11). Bacchus cũng là Dionȳsus.
[28] Xem Phaedo, bản dịch LDB. Ở đây
cũng có thể hiểu là “hồn thơ” – nàng Thơ (Muse) đã chiếm hồn người thơ, những
gì được sáng tạo, không từ nhà thơ, nhưng đến qua nhà thơ, từ một trong những
gót thơ (bảy gót nữ của Nghệ thuật). Có lẽ
xuất xứ xa gần từ ý đó, một nhà thơ Việt trước đây đã viết: “phút
linh cầu mãi chưa về, bâng khuâng giấy trắng chưa nề mực đen” (Hồ DZếnh).
[29] Shelley: “a poet is indeed a thing ethereally light, winged, and
sacred”. Đây là đoạn dịch nổi tiếng của nhà thơ trữ tình tiếng Anh nổi tiếng:
[Hồn của những nhà thơ], bay như ong từ hoa này sang hoa kia,
và lang thang qua các khu vườn và các đồng cỏ và các đài phun mật ong của
Muses, đem về nặng đầy sự ngọt ngào của giai điệu cho chúng ta; và đã xếp đặt
chúng như theo lớp lang những lông chim của nhanh chóng tưởng tượng chúng nói
sự thật. Vì một nhà thơ quả thực là một gì nhẹ hẫng, có cánh, và thiêng liêng,
ông chẳng sáng tác được bất cứ gì đáng gọi là thơ cho đến khi ông trở thành có
hứng cảm, và như nó đã là điên dại; hoặc đương khi một lý trí bất kỳ nào vẫn
còn lại trong ông. Bởi trong khi một người còn giữ lấy một phần bất kỳ nào của
điều gọi là lý trí, người ấy hoàn toàn không có năng lực để làm thơ hay thốt
lời tiên tri. Percy Bysshe Shelley (1792–1822)
[30] dithyramb: một bài/loại
đồng ca hay thần ca Greek, say mê và cuồng nhiệt nguyên để tôn tụng Dionysus
(Bacchus).
[31] encomia: thơ ca để tán
tụng, ca ngợi nồng nhiệt – (hay laudatory
odes)
[32] epics
[33] iambus gốc Greek iambos (‘iambus, lampoon,) < iaptein (đả kích bằng lời nói) (những
nhà thơ trào phúng Greek là những người đầu tiên dùng iambic trimeter).
Iamb: một kiểu nhịp thơ gồm một âm
tiết không nhấn theo sau là một âm tiết nhấn mạnh hay một âm tiết ngắn theo sau
là một âm tiết dài.
[34] Iliad xxiii. 335-40. Lời Nestor khuyên Antilochus về thuật đánh xe ngựa: “Lean yoursel in the
well-polished chariot slightly to the left of them; but call to the right-hand
horse and goad him on, while you slacken the reigns with your hands. And at the
post let your left-hand horse swerve close, so that the nave of the
well-wrought wheel seems to graze the edge, but avoid touching the stone.”
[35] Có bản dịch là “nghệ thuật”, hay đúng hơn
“thuật khéo” (“art”), tài khéo đặc biệt (technē)
[36] Iliad xi.639-40 với 630. Thuốc của Hecamede chữa thương cho Machaon.
[37] Iliad xxiv.80-82. – Nói về Iris – sứ giả của những vị gót – vẫn được xem như
những cầu vồng, ở đây như bắc từ trên trời xuống mặt biển, như Iris lao đầu
xuống biển.
[38] Odyssey xx.351-57; Plato bỏ qua dòng 354: Theoclymenus: nhà tiên tri, dòng dõi Melampus, nói với về số phận
của những kẻ đang cầu hôn với Penelope, vợ Odysseus.
[39] Iliad xii.200-207. Hector
làm ngơ trước điềm xấu của con chim ưng và con rắn.
[40] Proteus là một đầy tớ của Posidon.
Ông có quyền năng để khoác lấy bất cứ hình dạng nào ông muốn, ngõ hầu không
phải trả lời những câu hỏi (Odyssey
iv.385 ff.).
[41] Hay cao quí hơn (nobler – kallion);
Shelley: “vinh dự” hơn (“honourable”)