Stefan
Zweig viết về Nietzsche
1.
Trong Về Lai lịch của
Đạo đức, cuối Lời nói đầu, Nietzsche ghi: “Sils-Maria,
Oberengadin Tháng 7 / 1887”, cho chúng ta biết năm tháng
và nơi chốn ông đã viết xong tập luận văn quan trọng này.
Đọc Ecce
Homo, Nietzsche cho chúng ta biết thêm: “đến 20 September tôi mới
rời Sils-Maria. Buổi chiều ngày 21, tôi đến Turin – chỗ xứng hợp của
tôi, chốn ngụ cư của tôi, từ đấy. Tôi lại thuê cùng chỗ đã
trọ trong mùa xuân, tòa nhà số 6, phố Carlo Alberto; đối diện
với cung điện đồ sộ Carignano, nơi vua Vittorio Emanuele đã chào đời; phòng nhìn
xuống công trường Carlo Alberto, và nhìn xa đến tận những ngọn đồi. Không
chần chừ và không để mình bị quấy rầy dù chỉ khoảnh khắc, tôi quay sang
làm việc ngay …” [Nếu theo dõi hành trình của ông trong năm 1888 – ông đã ở các
thành phố: Nice (Jan- đầu Apr); Turin (Apr-May);
Sils-Maria (đầu Jun - cuối Sep); và về lại Turin (cuối Sep - Dec)].
 |
Cảnh trong
phim
Dias de Nietzsche em Turim
|
Sau đó, chuyện kể rằng
– Sáng ngày 3, Jan/1889, vừa ra khỏi cổng, – số 6, phố Carlo Albert
nói trên, – được vài bước, trên công trường Carignano, Nietzsche thấy
một người đương nặng tay đánh con ngựa kéo xe của mình, vì xem dường nó không
chịu đi. Nietzsche chạy tới, che làn roi quất, tức tưởi choàng ôm cổ con vật
đáng thương. Chuyện cũng kể ông đã ngã quị xuống đường, bất tỉnh; được chủ nhà (hay
hàng xóm) can thiệp với cảnh sát, đưa ông về phòng trọ. Nằm bất động suốt hai
ngày mới hồi tỉnh, nhưng ông không bao giờ hồi phục sau biến cố đó. Trong những
ngày sau, ông gửi đến những bạn bè quen, một loạt thư, nội dung hết sức bất
thường, như dấu hiệu cho thấy chứng suy
sụp thần kinh của ông đã trầm trọng.
Những chi tiết có
khác biệt đôi chút tùy nguồn kể, nhưng biến cố ngã xuống đường phố Turin là thực. Khi
ấy Nietzsche mới có 45 tuổi; nó chấm dứt một thời kỳ 10 năm kể từ
1879, vì thiếu sức khỏe ông đã từ nhiệm tại đại học Basel -
đây là quãng đời nay đây mai đó, nhưng đầy sáng tạo
của Nietzsche.
Chuẩn đoán bệnh của ông
khi ấy là “tê liệt cấp tính”. Sau một năm trong một bệnh viện tâm thần ở Jena. Năm 1890, ông được
mẹ đưa về quê hương ấu thời Naumburg, khi bà mất vào năm 1897, Elisabeth, em
gái đã đưa ông về Weimar.
Trong 10 năm tàn phế cuối đời này, chúng ta có thể thấy Nietzsche trong
những ảnh chụp có râu dày rậm, áo trắng, nằm dựa trên giường – nhìn kỹ, đôi mắt
sâu đã mất tinh anh. Giai đoạn này ông
đã nổi tiếng, nhiều khách đến thăm; nhưng ông thường im lặng, bình thản, trong một
trạng thái hoàn toàn mất trí. Ông chết ở Weimar,
ngày 25 tháng 8 năm 1900, khi mới 55 tuổi. Ngày nay, chúng ta có thể viếng mồ
ông ở Röcken, một làng
rất nhỏ gần Lützen trong xứ Saxony, vùng đông nước Đức. Triết gia Friedrich
Wilhelm Nietzsche ra đời tại đây, ngày 15, Oct /1844.