Friday, May 22, 2009

Bertrand Russell - Có Gót Hay Không?

Có Gót Hay Không?
Is there a God?
Bertrand Russell (1872-1970)







Lời Người Dịch

Russell là tên tuổi lừng lẫy của triết học phương Tây, từ thế kỷ vừa qua cho đến nay, tiếng nói của ông được nhiều người trên thế giới, nhiều thế hệ liên tục đông đảo đón nhận và lắng nghe. Riêng ở ngoài giới học thuật, ông rất nổi tiếng qua những bài viết ngắn trình bày quan điểm của mình về xã hội, chính trị và nhất là về tôn giáo – phê bình Kitô giáo độc thần, thuộc loại tín ngưỡng tin-chỉ-một-gót. Đây là một quan tâm đặc biệt từ thuở còn nhỏ tuổi. Sau khi đọc tự truyện của John Stuart Mill, ông mất lòng tin vào Gót. Trước đó, ông cho luận chứng về Nguyên Nhân Đầu Tiên đủ chứng minh sự hiện hữu của một Gót, nhưng Mill viết, có thân phụ dạy rằng nếu bảo Gót là nguyên nhân vũ trụ thì liền lập tức có câu hỏi – thế cái gì là nguyên nhân của Gót ? – nổi lên ngay. Bởi vì nếu tất cả mọi vật đều có nguyên nhân sao Gót lại không? Chuyếnh choáng vì “khám phá” này, lúc 18 tuổi ông vào Cambridge, và sung sướng làm sao, ông kể lại – khi biết rằng đa số mọi người quanh ông đều nghĩ như thế.

Bài viết này chọn dịch vì nay đã thành một bản văn cổ điển. Có hai chuyện lý thú – có lẽ người đọc đã nghe hay đọc ở chỗ khác – là cách Russell bác luận chứng thứ nhất bằng chuyện con rùa, và tạo ra một tương đồng giữa Gót và cái ấm trà bằng sứ quay quanh mặt trời – do một anh ba láp lảm nhảm nói, và còn nói thêm – “nhưng nhỏ lắm, không kính viễn vọng nào thấy được”, thế thì chứng minh làm sao được sự hiện hữu của ấm trà của anh ba láp đó! Biết là không có “ấm trà” nào bay trong quĩ đạo không gian trên cao xanh kia, nhưng không thể chứng minh là không-có, và đám ba láp đó cũng chỉ truyền tụng với nhau, chỉ nói lập lại, chúng cũng không thể chứng minh với bằng chứng thỏa đáng là-có cho được; nên thái độ của những người còn tỉnh trí như chúng ta là dừng lại trước khi đi xa hơn, khỏi phí thì giờ, chúng ta giữ thái độ của thuyết không-thể-biết trước vấn đề có-hay-không một ấm trà vẫn bay trong không gian này.

Sau cùng, trong bài này, lần đầu tiên trong lịch sử triết học, ông dõng đạc tuyên bố gánh nặng chứng minh có Gót hiện hữu hay không là của những người chủ trì niềm tin này, không phải của những ai theo chủ thuyết không-thể-biết (bất khả tri) như ông, hay những người vô thần (không-tin-có-gót). Thái độ của ông là “quí ngài tin có Gót – luận chứng đâu – xin cho nghe” – và chăm chú nghe xong, ông gạt qua từng luận chứng một, vì tất cả chúng, lý này hay cách khác đều không đứng vững. Là một “Thái Sơn Bắc Đẩu” của triết học hiện đại, có những công trình tiên phong trong toán học, lôgích học, và tri thức luận trong thế kỷ qua; rất nhiều những ý tưởng quan trọng và lý thuyết của ông đã được những thế hệ học giả triết gia sau ông thừa kế, tiếp tục phát triển . Đặc biệt, Russell đã khai mở một phong cách suy nghĩ, gọi là triết học phân tích, hiện vẫn còn giảng dạy ở hầu hết những phân khoa triết học những nước nói tiếng Anh. Trở về với những phát biểu của ông – triết gia nhận giải Nobel văn chương 1950 – trong bài này, cũng như bài “Tại sao tôi không là người Kitô” – chúng mãi mãi là những viên kim cương thêu trên gấm hoa – long lanh tỏa sáng, mở rộng cánh cửa tự do cho trí tuệ của toàn nhân loại.

Lê Dọn Bàn
(May/2009)





Có Gót Hay Không?

Có Gót [1] hay không? – là câu hỏi mà lời đáp ra sao sẽ dựa trên nhiều nền tảng phức tạp rất khác nhau, lại tùy từng cá nhân và cũng tùy vào những khối người khác biệt. Phần đông bao la nhân loại chấp nhận cái quan điểm phổ biến sẵn có của cộng đồng mình. Thuở ban đầu của lịch sử mà chúng ta biết được rõ rệt, hết thảy nhân loại đều tin vào nhiều vị gót. Chính Jew là dân tộc đầu tiên tin chỉ có một mà thôi. Điều Gót răn thứ nhất [2], khi mới ra, rất khó tuân theo, vì người Jew đã vẫn tin rằng Baal và Ashtaroth và Dagon và Moloch [3] và nhiều vị còn lại khác nữa, đều là gót thật cả, chỉ có là họ ác độc, đồi bại vì họ giúp phe thù nghịch của dân Jew. Từ niềm tin rằng những gót này đồi bại đến niềm tin họ không có thực, là một bước khó khăn. Đã có một thời, gọi là thời Antiochus IV, có nỗ lực mạnh mẽ trong việc Hylạp hóa người Jew. Antiochus đã ban lệnh rằng họ phải ăn thịt lợn, bỏ việc cắt qui đầu, và nên tắm ở những nơi tắm công cộng. Hầu hết người Jew sống ở thành Jerusalem tuân thuận, nhưng tại những vùng quê, có sự chống đối cứng cỏi hơn và dưới sự lãnh đạo của dòng Maccabees [4], cuối cùng người Jew lại được quyền giữ những luật lệ và phong tục đặc biệt của họ. Niềm tin vào chỉ một Gót [5] – Độc thần – khởi đi từ sự ngược đãi của Antiochus, ban đầu chỉ là tín ngưỡng của một phần trong một nước rất nhỏ, sau được đạo Kitô làm theo và rồi thêm đạo Islam bắt chước, nên thành ra chiếm thế thống trị toàn phần thế giới về phía Tây India. Nhưng từ India về phía đông, nó không thành công: đạo Hindu có nhiều gót, đạo Phật ở dạng nguyên thủy, không có gót nào, và Đạo Khổngtừ thế kỉ XI về sau [6], cũng không còn có gót nào. Nhưng, nếu dựa vào thành công thế tục để phán đoán chân lý một tôn giáo thì phe nghiêng về ủng hộ độc thần giáo có lý lẽ rất mạnh mẽ, vì nó có những đạo quân mạnh nhất, hải quân lớn nhất và sự tích lũy của cải giàu có nhất. Bước sang thời đại chúng ta, lý lẽ này dần trở nên kém phần định đoạt. Đúng là sự đe dọa không-Kitô từ Japan đã bị đánh bại, nhưng Kitô ngày nay đang đương đầu với khối vô thần từ Moscova [7], và không ai dám chắc rằng nếu ước có bom nguyên tử nổ sẽ đem đến một kết thúc thuận lý cho phe hữu thần.

Nhưng chúng ta hãy từ bỏ lối dùng chính trị hay địa lý để xem xét tôn giáo, vốn ngày càng đông những người biết suy nghĩ loại ra, kể từ thời cổ Hellas. Thời ấy, đã từng có những người không bằng lòng chấp nhận thụ động những quan điểm tôn giáo của những người láng giềng ở quanh, nhưng cất công cân nhắc xem thử lý trí và triết lý có thể có ý kiến gì về vấn đề ấy không. Ở những thành phố thương mãi vùng Ionia [8], nơi triết lý ra đời, vào khoảng thế kỷ thứ VI trước công nguyên, đã có những người suy tưởng độc lập. Công việc của họ dễ dàng hơn nếu so với những người suy tưởng độc lập thời nay, vì những vị gót Hylạp sống trên núi Olympic [9], dù dễ thương duyên dáng đến đâu qua vẽ vời thi ca, cũng không vững chắc đến mức có thể chống đỡ bằng cách dùng một thứ siêu hình không dựa vào lý trí. Đạo Orphism [10] (tôn giáo mà Kitô vay mượn rất nhiều) đã làm những gót Olympic thành phổ biến rộng rãi và, về triết lý, nhờ vào Plato, qua ông mà dân Greek rút ra một triết lý độc thần rất khác biệt với thuyết độc thần có tính dân tộc và chính trị của dân Jew. Khi thế giới Hylạp trở nên theo đạo Kitô, nó trộn cái tôn giáo mới này với siêu hình học của Plato và như thế tạo ra môn gót học. Những nhà gót học Catô, từ thời Augustine đến nay, vẫn từng tin rằng sự hiện hữu của một Gót duy nhất có thể chứng minh được mà không phải dựa vào lý trí. Thomas Aquinas ở thế kỷ XIII đưa những luận chứng này vào thành những dạng phát biểu cuối cùng. Khi triết học thời mới bắt đầu ở thế kỷ XVII, Descartes và Leibniz xoạn lại những luận chứng cũ, rồi đánh cho sáng bóng, và nhờ những cố gắng của họ, lòng tín mộ tôn giáo vẫn được coi trọng là trí thức. Nhưng đến Locke [11], dù ông vốn là một người Kitô thuần thành, đã phá vỡ cái cơ bản về lý thuyết của những luận chứng cũ, và nhiều người theo chân ông, đặc biệt là tại France, trở nên những người vô thần.

Tôi sẽ không cố gắng trình bày tỉ mỉ chi tiết những luận chứng về sự hiện hữu của Gót. Theo tôi nghĩ, chỉ một luận chứng trong đám ấy vẫn còn có giá trị với những triết gia, đó là cái luận chứng về nguyên nhân đầu tiên [12]. Luận chứng này chủ trì rằng, bởi vì tất cả những gì xảy ra đều có một nguyên nhân, như vậy phải có một Nguyên nhân Đầu Tiên, từ đó mọi sự bắt đầu. Luận chứng này yếu kém, vì cùng một nhược điểm như chuyện con voi và con rùa. Chuyện rằng (tôi không biết rõ nó thật đến đâu) có một nhà tư tưởng đạo Ấn tin rằng quả đất nằm đè trên một con voi. Khi bị hỏi thế con voi nằm trên cái gì, ông ta nói rằng nó nằm trên một con rùa. Khi có người hỏi thế con rùa này của ông nằm trên cái gì? Ông ta bảo “Tôi mệt với những câu hỏi này lắm rồi! Thôi, đề nghị chúng ta bàn sang chuyện khác đi!”. Câu chuyện này vẽ cho thấy tính chất không mãn nguyện của luận chứng về Nguyên Nhân Đầu Tiên. Tuy thế, bạn sẽ thấy trong vài luận điểm về Vật Lý cực mới, cái giọng đoan chắc rằng dõi ngược dòng thời gian, tiến trình tạo vật tất phải hiện cho thấy một cái khởi đầu đột biến [13], và ngầm rằng đó là nhờ có sự sáng thế linh thiêng. Họ khéo léo tránh xa không muốn nhận rằng giả thuyết loại này làm chủ đề dễ hiểu hơn.

Giờ đây, phần lớn những nhà gót học Thệphản gạt bỏ luận chứng kinh viện về sự hiện hữu của đấng Tối Cao [14], chọn một luận chứng mới mà theo ý tôi không cách nào gọi là tiến bộ hơn. Luận chứng kinh viện là một nỗ lực suy tưởng chân thực, và cách lý luận của nó nếu như đã thực chặt chẽ, nó đã có thể chứng minh kết luận của nó là đúng [15]. Luận chứng mới mà những nhà tư tưởng Tân Thời ưa chuộng, thì mơ hồ và những nhà tư tưởng tân thời lại khinh khi gạt phắt hết mọi cố gắng làm luận chứng này thêm rõ rệt. Có khuynh hướng nghiêng về con tim nghịch lại với trí não. Không chủ trương rằng những ai phủ nhận những luân chứng mới là phi lý, nhưng họ nói là những người ấy thiếu kém tình cảm sâu xa hay nghèo nàn cảm thức đạo đức. Dù sao chúng ta hãy xem xét những luận chứng mới này để xem chúng có thật chứng minh thực được gì hay không.

Một trong những luận chứng được ưa chuộng đến từ ý niệm tiến hóa. Thế giới đã một thời không có sự sống, và khi sự sống bắt đầu xuất hiện là một sự sống nghèo nàn, chỉ gồm có những chất lỏng xanh và những vật chẳng có gì đáng kể. Dần dần, trên đường tiến hóa, thành ra có thú vật, thảo mộc và cuối cùng là CON NGƯỜI. Con người, những nhà gót học đoan chắc với chúng ta, như thế là một sinh linh tuyệt vời, có thể xem như là thành tựu được tích lũy từ lâu lắm, khởi từ thuở còn nebula và những dung dịch lan chảy. Tôi cho những nhà gót học ấy tất phải có rất nhiều may mắn trong tương giao nhân sinh. Đối với tôi, họ dường coi nhẹ những cá nhân như Hitler hay Con Thú dữ ở Belsen [16]. Nếu là đấng toàn năng [17], với tất cả thì giờ sẵn có, thử nghĩ xem có đáng không nếu sau bao triệu năm tiến hóa, lại đưa đến nhũng con người như thế ? Tôi chỉ có thể nói rằng thị hiếu về những gì tốt lành và đẹp đẽ ở đây thật hiếm hoi. Tuy thế, không thể ngờ gì những nhà gót học có hy vọng rồi đây tiến hóa sẽ sản sinh ra người giống họ nhiều hơn và người giống Hitler ít hơn. Thôi chúng ta hãy cứ hy vọng thế! Nhưng khi vui vẻ với hy vọng này, chúng ta đã bỏ mất cái nền của thực nghiệm và trú ẩn trong một thứ lạc quan mà cho đến nay không có chứng cớ nào thấy trong lịch sử nhân loại.

Còn có những phản đối khác nữa với cái thứ tiến hóa lạc quan này. Có tất cả mọi lý do để tin rằng sự sống trên hành tinh của chúng ta sẽ không cứ tiếp tục mãi mãi như thế, bất cứ sự lạc quan nào dựa trên lịch sử địa cầu phải có tầm nhìn giới hạn và tạm thời. Dĩ nhiên, có thể có sự sống ở nơi nào đó trong vũ trụ, nhưng nếu có thế, chúng ta chẳng biết gì về nó và cũng không có lý do gì để giả định rằng sự sống ấy giống những nhà gót học mẫu mực hơn là giống Hitler. Quả đất chỉ trong một góc vũ trụ. Nó là một mảnh nhỏ của Hệ Thái Dương, cả hệ Thái Dương lại là là một mảnh nhỏ của giải Ngân Hà bao la. Và giải Ngân Hà lại là một mảnh nhỏ của biết bao nhiêu triệu triệu galaxy mà kính viễn vọng hiện đại dò thấy. Trong cái góc nhỏ bé vô nghĩa này của cosmos, có một khoảnh ngắn ngủi chen giữa hai nguyên kỷ không có sự sống. Nếu con người thực là mục đích của vũ trụ thì khúc mở đầu thật hơi quá dài. Nhắc người ta nhớ đến một thứ ông già chán ngắt kể liên miên những câu chuyện vặt vãnh, thực hoàn toàn chán phèo, trừ một tí tẹo lúc đã gần hết chuyện. Tôi không nghĩ những nhà gót học cho thấy họ đáng thương đến độ có thể so sánh như thế.

Một trong những nhược điểm những nhà gót học xưa đến nay phạm phải là đánh giá quá cao tầm quan trọng của hành tinh chúng ta. Hẳn nhiên, thế là thông thường ở thời trước Copernicus [18], khi người ta còn cho rằng bầu trời quay quanh quả đất. Nhưng kể từ Copernicus và hơn thế nữa từ khi có những khám phá mới về những vùng vũ trụ xa vời, cái quan điểm chỉ chú trọng vào địa cầu này trở thành thật lạc hậu. Nếu vũ trụ có một kẻ Sáng tạo, tuyệt không lý nào khi giả định rằng Ông ta lại chú trọng đặc biệt đến cái góc nhỏ nhoi chúng ta. Và nếu ông ta không thế, những giá trị của ông ta nhất định phải khác xa với chúng ta, vì thật khó có thể có sự sống trong đại đa số những vùng bao la của vũ trụ mênh mông [19].

Có một luận chứng đạo đức về niềm tin vào Gót, do William James [20] mà thành phổ thông. Theo luận chứng này, chúng ta phải nên tin rằng có Gót, vì nếu không thế, chúng ta sẽ không ăn ở lương thiện được. Phản biện lại luận chứng này, trước hết và mạnh nhất là, cùng cho lắm thì nó vẫn không chứng minh được là có Gót hay không, nhưng nó chỉ có thể nói là những nhà chính trị và giáo dục nên cố gắng làm dân chúng tin rằng có một vị như thế. Điều này có nên làm hay đừng, không phải là vấn nạn về gót học mà về chính trị. những lý luận như thế này giống như thứ lý luận dành vào việc dạy dỗ trẻ con, thúc dục chúng phải nên tỏ ra tôn kính lá cờ. Một người nào có tình cảm tín ngưỡng chân thực sẽ không hài lòng với quan điểm rằng nên tin vào có Gót vì nó hữu dụng, vì anh ta sẽ ước muốn biết thực có một Gót hay không. Thật phi lý khi đánh đồng hai câu hỏi này làm một. Ở vườn trẻ, tin có Ông già Noel thì hữu dụng [21], nhưng người lớn không tin rằng cứ tin như thế là chứng minh thật có một ông già Noel!

Bởi vì chúng ta không bận tâm với chính trị, chúng ta có thể xem thế là quá đủ để gạt bỏ cái luận chứng dựa trên đạo đức này, nhưng có lẽ cũng đáng theo đuổi nó thêm một chút xa hơn. Đó là, đầu tiên hết thảy, rất đáng ngờ là tin vào Gót hay không, lại có tất cả những hiệu quả tốt đẹp về đường đạo đức như vẫn được gán cho nó. Rất nhiều những nhân vật lỗi lạc, chính nhân quân tử, thật nổi tiếng của lịch sử là những người không tin vào Gót. John Stuart Mill [22] là một thí dụ. Và rất nhiều kẻ thật tồi tệ mà lịch sử còn ghi, lại là những kẻ tin vào Gót. Trong đám tồi tệ này, có lẽ có thể lấy Henry VIII làm điển hình [23].

Dẫu thế nào đi nữa, luôn luôn đưa đến kết quả tai hại khi chính quyền ra tay làm việc, nhưng cứ bám vào những quan điểm vì nó có chỗ dùng, chứ không phải vì nó có sự thật. Lập tức khi điều này đưa vào thực hành, là có nhu cầu kiểm duyệt nổi lên ngay, để trấn áp những lý luận ngược chính quyền. Và rồi tự cho là khôn ngoan khi ngăn cản sự suy nghĩ trong giới trẻ, sợ sẽ nảy sinh những “tư tưởng phản động” nguy hiểm. Khi có hành sự sai lầm như thế với tôn giáo, như ở nước Nga Sô Viết, những nhà gót học coi là xấu, nhưng vẫn cũng là xấu, khi chính những nhà gót học lại áp dụng sách lược này để bảo vệ những gì mà những nhà gót học cho là tốt, là đúng. Tự do tư tưởng và tập quán xem trọng chứng cớ là những chuyện có tầm quan trọng mang nội dung đạo đức lớn lao hơn là niềm tin vào giáo điều này hay giáo lý kia của môn gót học. Trên tất cả những nền tảng lý luận này, không thể chủ trương đặt những tin tưởng gót học lên cao hơn vì sự tiện dụng của nó mà không ngó ngàng gì đến chân lý.

Có một dạng đơn giản hơn và ngờ nghệch hơn của vẫn luận chứng này, nó lôi cuốn được nhiều người. Người ta sẽ kể với chúng ta rằng họ sẽ trở thành khốn khổ quá quắt đến không chịu đựng nổi nếu không có sự an ủi của tôn giáo. Dù có cho là đúng đi nữa, đây là luận chứng của một kẻ hèn nhát. Không ai ngoài kẻ hèn nhát mà lại tự ý chọn sống trong cái thiên đường của kẻ rồ dại. Khi một người ngờ vợ mình ngoại tình, anh ta không nghĩ là cách tốt hơn cả nên nhắm mắt trước chứng cớ. Và tôi không thể thấy tại sao nhắm mắt trước chứng cớ là điều nên khinh rẻ trong trường hợp này, nhưng lại đáng phục trong trường hợp khác. Ngoài ra, luận chứng này đã thổi phồng quá đáng sự quan trọng của tôn giáo trong việc góp phần vào hạnh phúc con người. Bạn có hạnh phúc hay không tùy thuộc vào một số yếu tố. Phần đông người ta cần khỏe mạnh và đủ cái ăn. Họ cần xã hội xung quanh có dư luận tốt về họ và được những người thân thuộc yêu mến. Không những chỉ cần sức khỏe sinh lý mà cả tâm trí nữa. Có được những điều này, số đông con người sẽ cảm thấy hạnh phúc bất kể quan điểm gót học. Không có những điều này, số đông con người sẽ cảm thấy không hạnh phúc bất kể quan điểm gót học. Suy nghĩ về số những người tôi được biết, cứ tính mức trung bình, tôi không tìm thấy người có lòng tin tôn giáo lại vui sướng hơn những người không có.

Khi quay về với chính những tin tưởng của tôi, tôi thấy tôi khó mà nhận thức được một mục đích nào của vũ trụ, và lại càng không thể ước cho nó có được một chủ đích. những ai tưởng tượng rằng hành trình tiến hóa của vũ trụ thì dần dần tiến lên một sự toàn hảo đẹp lòng kẻ Sáng Tạo, là người ấy sa vào (dù họ thường không nhận ra điều này) cái quan điểm cho rằng đấng Sáng Tạo thì không toàn năng gì cả, vì nếu Ông ta toàn năng, ông đã có thể tạo ra cái cứu cánh tốt đẹp ở chung cuộc mà không phải phiền phức với phương tiện dọc đường. Bản thân tôi không thấy có bất kỳ một toàn hảo nào mà vũ trụ đang nghiêng hướng tới. Theo những nhà vật lý, năng lượng rồi sẽ dần dần phân bối đồng đều và một khi có sự phân bối đồng đều, nó sẽ trở nên như vô dụng. Lần lần mọi sự mà chúng ta thấy có gì hay hay hoặc thích thú , như sự sống hay ánh sáng, sẽ biến mất – như thế, là cái cuối cùng, họ đoan chắc với chúng ta như thế. Vũ trụ thì giống như một rạp hát, trong đó chỉ diễn có một vở kịch một lần thôi, sau khi màn hạ xuống, rạp hát thì bỏ hoang lạnh cho đến khi nó đổ quị điêu tàn. Tôi không có lòng quả quyết với bất kỳ lạc quan nào rằng đó là câu chuyện sẽ xảy ra. Nói thế là giả định nhiều hiểu biết hơn là hiểu biết chúng ta thực có. Tôi chỉ nói rằng đó có lẽ sẽ xảy ra dựa trên những bằng chứng hiện nay. Tôi sẽ không quả quyết võ đoán rằng vũ trụ không có một cứu cánh nào, nhưng tôi nói rằng không mảy may có một bằng chứng nào để nghiêng về phía cho rằng nó có cứu cánh.

Tôi sẽ nói thêm rằng, nếu có một cứu cánh và nếu cứu cánh này là của một vị Sáng Thế Toàn Năng, thì cái vị Sáng Thế đó, thật là xa lạnh với lòng yêu thương và nhân từ, như chúng ta thường được kể, nhưng phải ở vào một mức độ độc ác họa hiếm khó có thể tưởng [24]. Một người phạm vào tội giết người thì bị xem là kẻ xấu. Một vị Thần linh Toàn Năng [25], nếu có một vị, lại giết sạch không chừa một ai. Một người chủ tâm lây bệnh như cancer cho người khác, sẽ bị coi là kẻ thù. Nhưng đấng Sáng Thế, nếu Ông ta có thật, gây bệnh hãi hùng này cho hàng nhiều nghìn [26] người mỗi năm. Một người, ông ta có kiến thức và khả năng cần thiết để làm cho con cái mình thành lương hảo, lại chọn lối làm cho chúng xấu xa, kẻ ấy đáng bị nhìn với nguyền rủa. Nhưng Gót, nếu Ông ta có thật, lại chọn lối xử sự này với rất đông đám con cái Ông ta. Toàn thể cái khái niệm về một Gót toàn năng mà phê bình đến là nghịch đạo, chỉ có thể thành hình trong thể chế chuyên quyền vùng Cận Đông, ở đấy, kẻ trị vì, dù cho ác độc một cách ma quái, cứ tiếp tục vui hưởng sự nịnh hót của bầy nô lệ. Đó là cái tâm lý tương ứng với cái thể chế chính trị lỗi thời này, nó vẫn muộn màng tồn tại trong gót học chính thống.

Cũng có, thật vậy, một dạng tân thời của học thuyết duy thần, theo đó Gót thì không toàn năng, nhưng Ông ta chỉ làm hết sức mình, dù có gặp nhiều khó khăn. Quan điểm này, dù với tín đồ Kitô là mới, nhưng nó không có gì mới trong lịch sử tư tưởng. Thật ra, có thể tìm thấy trong Plato. Tôi không nghĩ là quan điểm này có thể bị chứng minh là sai. Tôi nghĩ trong mọi điều có thể nói thì phải nói là không có lý do khẳng định nào nghiêng phần đúng về nó.

Nhiều tín đồ tôn giáo thuần thành nói cứ như phận sự của những người hoài nghi là phải đưa ra phản chứng những giáo điều thay vì chính những nhà chủ trương giáo điều phải chứng minh những giáo điều này cho đúng. Dĩ nhiên, đây là một sai lầm. Nếu như tôi đưa ra giả thuyết là giữa trái đất và sao Hỏa (Mars) có một cái ấm trà bằng sứ, quay quanh mặt trời, theo một quĩ đạo hình ellipse, không ai có thể bác bỏ sự xác quyết của tôi, nếu như tôi cẩn thận thêm vào rằng cái ấm trà này rất nhỏ, những viễn vọng kính dẫu mạnh mẽ nhất của chúng ta cũng không thể tìm được nó. Nhưng nếu như tôi cứ tiếp tục nói như thế, trong khi giả thuyết của tôi dẫu không thể phủ bác, không thể nào tự đắc nói rằng lý trí con người không ngờ vực nó. Đáng cho tôi bị xem đúng là nói ba láp. Tuy nhiên, nếu như sự hiện hữu của cái ấm trà đã được xác nhận trong những quyển sách cổ [27], lại được dạy như chân lý thiêng liêng mỗi Chủ nhật [28], và cho ngấm giọt vào tâm trí trẻ con ở nhà trường, ai chậm chạp trong sự tin vào hiện hữu của ấm trà là dấu hiệu của tánh tình lập dị và đủ để kẻ ngờ vực này được nhà tâm lý chuyên môn chú ý, trong một thời đã khai sáng nay, hay sự chú ý của phán quan tòa dị giáo [29] trong một thời trước đây. Nó thành thói quen giả định rằng, nếu một niềm tin được phổ biến rộng rãi, chắc phải có cái gì hữu lý trong ấy. Tôi không nghĩ bất kỳ ai đã học lịch sử có thể giữ quan điểm này. Trong thực tiễn, tất cả những tín mộ [30] của người cổ sơ đều phi lý. Trong những nền văn minh sơ khai, có nhiều lắm là chừng một phần trăm của mớ tín mộ, tin tưởng này có gì đáng bàn bạc. Còn trong thời đại chúng ta..... Nhưng đến chỗ này tôi phải thật cẩn thận. Chúng ta đều biết có những tin tưởng phi lý ở nước Nga Sôviết. Nếu chúng ta theo đạo Thệphản, chúng ta biết có những tin tưởng phi lý trong tín đồ Catô. Nếu chúng ta là tín đồ Catô, chúng ta biết có những tin tưởng phi lý trong đám tín đồ Thệphản. Nếu chúng ta theo đảng Bảo Thủ, chúng ta kinh ngạc về những chuyện mê tín tìm thấy trong đảng Lao Động. Nếu chúng ta là những người theo chủ nghĩa Xã Hội, chúng ta thất kinh về sự nhẹ dạ của đảng Bảo Thủ. Tôi không biết, bạn đọc thân mến ơi, đâu là những điều bạn tín mộ, nhưng dù chúng là gì đi nữa, bạn phải thừa nhận rằng chín phần mười những tín mộ của chín phần mười nhân loại đều hoàn toàn vô lý. những tín mộ bị nghi ngờ là, dĩ nhiên, những tín mộ bạn không có. Tôi không thể, do đấy, nghĩ là quá tự tin khi nghi ngờ điều gì vốn đã từ lâu được cho là đúng, nhất là khi quan điểm này chỉ phổ thông riêng trong những vùng địa lý nhất định, như trường hợp với những quan điểm gót học tôn giáo.

Kết luận của tôi là không có lý do gì để tin vào bất cứ giáo điều nào từ gót học truyền thống, và xa hơn, không có lý do nào để mong ước cho chúng là đúng. Ngoài câu thúc từ những năng lực thiên nhiên ra, con người thì tự do làm nên định mệnh cho chính mình. Trách nhiệm là của hắn, nhưng ở đấy, cũng là cơ hội.



Bertrand Russell
(Báo Illustrated Magazine, đặt viết, nhưng chưa từng in, năm 1952)








Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(May/2009)


Dịch từ Bertrand Russell, “Is There a God?” (1952), trong The Collected Papers of Bertrand Russell, Volume 11: Last Philosophical Testament, 1943-68, ed. John G. Slater and Peter Köllner (London: Routledge, 1997), pp. 543-48.






[1] Tôi thử đề nghị giữ nguyên từ “God” – đọc là “gót”– thay vì dịch là Thượng Đế, Trời, Tạo Hóa, hay chúa Trời – vì cả hai từ này – và tất cả những từ tương tự khác có trong Việt, hay Tàu– đều không hề có chứa khái niệm “Ex nihilo” (Latin, "out of nothing") – là khái niệm chủ yếu trong nội dung từ “Gót”. Trong tư tưởng phương Tây, Gót tạo ra vũ trụ từ hư không, ông ta, nếu có, thì ở ngoài vũ trụ này. Trong khi đó, ở phương Đông, Tàu, Ấn và Việt, những vị như Trời, Thượng đế, Brahman, ... đều“thuộc” vào vũ trụ này, ở trong vũ trụ này cùng với con người, dù khác biệt gì gì đi nữa.

Gọi vũ trụ này là một tập hợp U (Universal set) – Gót không phải là một phần tử của U – theo định nghĩa của tôn giáo phương Tây. Còn Trời, Thượng đế, Thiên đế, Brahman,…đều là phần tử– dù đặc biệt– của tập hợp vũ trụ U này.

Khái niệm Ex nihilo này không hề có trong tư tưởng phương Đông chúng ta quen thuộc. Dịch "Gót" là Thượng Đế, Thiên chủ – hay nôm na như "chúa Trời" (“chúa Blời”) là thủ thuật của những nhà truyền đạo– khi đem một meme hoàn toàn mới truyền vào một môi trường văn hóa khác lạ, phải quấn quanh meme này một cái áo địa phương, bằng cách mượn một cái vỏ sẵn có quen thuộc (ở đây là một từ), rồi gài đặt nó vào trong, có thế mới mong được chấp nhận dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng ở trong vẫn là một nội dung hoàn toàn khác biệt – giống như thủ thuật “ốc mượn hồn” – con còng trong vỏ ốc, đội lốt ốc, để trà trộn kiếm ăn trong đám ốc.

Sang địa hạt ngôn ngữ, gạt qua một bên những thủ thuật của tuyên truyền tôn giáo, khi nhập cảng ý niệm này – chi bằng dùng từ nguyên gốc – cho thật đúng nghĩa của nó. Chúng ta đã có một truyền thống – tivi thì gọi là tivi, radio > “ra dô”, “cuillère” > cùi dìa > thìa, rồi “mỏ lét”, “bù long”, sà phòng”, và hiện nay: “forum” > “phố rùm”, “teen age” > “tuổi teen”. Vậy, God nên giữ là “Gót”, vì những lý do kể trên. Như thế, lại hay vì Gót nếu không mang những cái vỏ giả– tự xưng là còng– không phải ốc– thì sẽ không phải nhận cóc làm cậu (“con cóc là cậu ông trời”), không phải thuê Nam Tào, Bắc Đẩu giúp việc (Thượng đế, thiên đình), không phải chờ Táo quân về chầu ngày 23 tháng chạp! Và hàng ngày không bị chửi (“tặc thiên”! – Chí Phèo– Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? ) – hay nhẹ hơn – cũng bị trách: “Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” (K), hay bị xem là ngu xuẩn ác độc "trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán, chết đuối người trên cạn mà chơi" (CONK)..vv. là những điều mà tín đồ những đạo thờ Gót không muốn.

Ở đây, Russell hoài nghi cả hai ý niệm “gót” (hữu thần) và “một Gót” (độc thần).

[2] First commandment: Ngoài ta ra, nhà người không có Gót nào khác nữa (Thou Shalt Not Have Any Gods Before Me) = “chỉ có một Gót là ta thôi”. Hay “chỉ mình ta là Gót thôi!” Là điều đầu tiên trong 10 điều Gót răn dạy cho dân Jew, qua lời kể của Moses. Lời răn này nguyên chỉ là của gót Yahweh dạy riêng cho dân Jew – sau được những tôn giáo Abraham khác nhận theo.
[3] Baal – vốn trước là danh từ chung có nghĩa “thần, thánh” ở Trung Đông, cũng có khi để chỉ Hadad, là thần mưa, sấm, sinh sản và chúa tể trên trời. Người Jew trước thờ cả hai Yahweh và Ba'al – sau bỏ chỉ thờ một mình Yahweh.
Tương tự, những gót Ashtaroth (nữ thần mặt trăng – gốc của dân Phoenician), Dagon (thần liên hệ với ngũ cốc, canh nông), Moloch (thần liên hệ với lửa) – tìm thấy trong nhiều dân tộc ở Trung Đông, khi người Jew còn theo đa thần, cũng đều là những thần linh của họ. Như tác giả dẫn trên đây.
[4] Tên gọi có về sau – thực tên là họ Asmonaeans, một gia tộc anh hùng lĩnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lai Antiochus IV, 168-161 TCN , đưa đến thời kỳ tự do cho nước Israel cổ. 
[5] Gót – viết hoa – dùng trong monotheism, mang ý niệm một gót duy nhất – ngược lại “gót” – viết thường – chỉ chung mọi thứ gót.
[6] Tôi đoán Russell muốn nói đến Tống Nho – đạo Khổng Mới – với ba khái niệm Chu Hi làm mới: Lý, Khí, và Thái Cực (thay cho Trời)
[7] Bài này viết năm 1952 – thế chiến thứ II mới chấm dứt, phe Đồng Minh thắng, nhưng nước Nga Sô Viết theo chủ nghĩa cộng sản, đối đầu với đồng minh cũ Anh, Mỹ, tạo nên cuộc chiến tranh “lạnh”.
[8] Lãnh thổ xưa của Greek, nay nằm vào vùng biển phía Tây Turkey – đây là nơi triết học ra đời– có những triết gia Hellas đầu tiên như: Anaximander, Anaximenes, Heraclitus, Anaxagoras, Diogenes Apolloniates, Archelaus, Hippo, và Thales.
[9] Người Greek tin núi Olympic là nơi những thần linh của họ trú ngụ, trong đó có 12 vị nổi tiếng– gọi chung là những thần linh Olympic: Zeus, Poseidon, Hades, Hestia, Hera, Ares, Athena, Apollo, Aphrodite, Hermes, Artemis, Hephaestus.
[10] Tín ngưỡng cổ của người Greek và Thracian, thờ Orpheus, thêm Persephone và Dionysus (Bacchus), ngày nay không còn.
[11] John Locke (1632-1704) – được coi là triết gia duy nghiệm đầu tiên của Anh, chủ trương về Tâm trí của ông chống lại cả hai triết gia Kitô: Augustin (“tội tổ tông”) lẫn Descartes (nhị nguyên). Tư tưởng của ông có ảnh hưởng rất lớn lao trong khoa nhận thức học và chính trị học. Votaire, Rousseau, và những nhà tư tưởng Scottland cùng những người lãnh đạo cách mạng US đều chịu ảnh hưởng của ông.
[12] The first cause argument (hay “cosmological argument”) Luận chứng về Nguyên Nhân Đầu Tiên hay luận chứng vũ trụ (vì giải thích nguyên nhân của vũ trụ).
Mượn ý niệm “cái khởi động ban đầu” ("prime mover") của Aristotle– Trong Summa Theologica, Thomas Aquinas phát biểu dạng quen thuộc luận chứng này (gọi là luận chứng về nguyên nhân đầu tiên – hay luận chứng vũ trụ): Theo nó, mọi sự thấy quanh ta là kết quả của một chuỗi những nguyên nhân xảy ra trước nó. Nhưng những chuỗi sự kiện này không thể kéo dài mãi ngược về quá khứ. Do đó, phải có một nhân đầu tiên mà tự nó không từ nguyên nhân nào ra cả. Gọi đó là Gót.

Phát biểu như sau:
1. Mọi sự kiện hoặc có nguyên nhân hiện hữu đến từ ngoài nó hoặc hiện hữu tự thân.
2. Không phải tất cả mọi sự kiện đều có nguyên nhân ngoài nó (đến từ sự kiện khác)
3. Do đó, ít nhất có một hiện hữu tự thân.

Có rất nhiều khó khăn chấp nhận luận chứng này – ngay về luận lý tạm kể trước hết, mệnh đề (2) không thể biết là đúng hay sai, nếu sai thì mệnh đề (3) sai, hay ít nhất không vững. Và có rất nhiều nhược điểm thấy trong luận chứng này. Trong đó Russell rất nổi tiếng phát biểu sự ngờ vực của mình – nay thành cổ điển trong giới triết học – lý luận về Gót là lý luận con rùa!
Russell nêu ra nhược điểm của lý luận có dạng “chuỗi mệnh đề đi lùi bất tận” (infinite regresses). Ông lịch sự chỉ nói là nó “không thỏa mãn” người nghe.

[13] Russell muốn nhắc đến thuyết Big Bang – do Georges Lemaître, là một nhà khoa học nhưng cũng là thày chăn chiên Catô đưa ra, nên trộn lẫn vật lý với gót học, muốn dùng “khoa học” để chứng minh cho tôn giáo của mình. Như Russell phê bình ở đây– giả thuyết này ngay từ lúc ra đời, ở mặt vật lý cũng đã không đứng vững vì dựa trên rất nhiều giả dụ (assumption), lại có ẩn ý tôn giáo nên càng chập choạng.

Ngày nay nhiều mô hình tuy còn mang tên cũ Big Bang – nhưng nội dung hoàn toàn khác hẳn – trong đó những khái niệm mới về multi universes, dark matter và dark energy ra đời. Trước big bang lại có big bang khác, thành, trụ, hoại, không …liên tục. Không còn Big Bang (viết hoa) – theo nghĩa biến cố “duy nhất” (singularity) và khoảng 17,3 tỉ năm trước – tạo thiên lập địa– nữa! Thực ra những nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ những gì đã xảy ra ở những giây đầu tiên, và thực ra cũng không có “nổ” chỉ có sự dãn nở của vật chất trong vũ trụ
[14] Scholastic arguments for the existence of a Supreme Being: Luận chứng (vẫn giảng dạy trong) kinh viện (gót học = môn học chuyên về Gót Abraham) về sự hiện hữu của đấng Tối Cao là tên gọi khác của Luận chứng về nguyên nhân đầu tiên.
[15] Trên quan điểm thông thường của luận lý học – Russell muốn nói – cách lý luận dựa trên nhân quả (causality) trong luận chứng này hợp lý, chỉ có cái kết luận của nó hướng tới là yếu, không thuyết phục và thỏa mãn được người nghe mà thôi. Vì nếu nhận mọi sự đều có nguyên nhân (lý luận như thế là thuận lý), tại sao lại dừng ở cái con rùa! (vô lý).
[16] Beast of Belsen – tên thật là Josef Kramer, từng là cai ngục của Nazi tại Auschwitz , rồi cuối cùng tại Bergen- Belsen. Nổi tiếng ác độc. Sau thế chiến II, là tội nhân chiến tranh bị xử treo cố năm 1945.
[17] Omnipotence: Toàn năng, một trong tính chất của Gót– theo định nghĩa
[18] Nicholas Copernicus (1473-1543) nhà thiên văn người Polish – đưa ra mô hình heliocentric – mặt trời là trung tâm (chứ không phải quả đât) của vũ trụ. Sợ giáo hội Kitô trừng phạt, sách On the Revolution of the Celestial Spheres của ông chỉ cho in sau khi ông qua đời, tuy thế, năm 1616 hội nhà thờ Kitô xếp vào thư mục những sách bị cấm (Index of Prohibited Books.)
[19] Russell muốn nói – Nếu kẻ sáng tạo ra vũ trụ, cũng tạo ra những dạng sống – phải khác nhau– trên những hành tinh khác nhau – số hành tinh có sự sống rất nhỏ nên nếu có chúng rất tản mác trong vũ trụ, rất xa cách nhau về không gian. Nếu thế, môi trường sống rất khác biệt – những sự sống phải có thể dạng khác biệt – vậy kẻ sáng tạo ra chúng, tương ứng, nếu có một bảng giá trị, phải rất khác biệt và rất bao biện rộng rãi.
[20] William James (1842-1910) nhà tâm lý học người Mỹ.
[21] Ở phương Tây, trẻ con được khuyến dụ làm điều tốt, rồi Noel đến, ông già Noel (Santa Claus) sẽ đem quà đến thưởng cho. nếu không thì không có quà thưởng
[22] John Stuart Mill (1806-1873): triết gia, kinh tế gia, lý thuyết gia về đạo đức và chính trị, và cũng là nhà quản trị lỗi lạc người Anh, Ông đã có ảnh hưởng rất lớn vào tư tưởng và đường lối chính trị của nước Anh và cũng là người nổi tiếng và có uy tín nhất trong thế giới nói tiếng Anh ở thế kỷ XIX. Ông là cha đỡ đầu của tác giả bài này.
[23] Henry VIII (1491–1547): vua nước Anh, nổi tiếng vô đạo đức: có 6 vợ, giết 2, cờ bạc, tàn sát những người theo Thệphản, vì những mâu thuẫn cá nhân vói Vatican, nên bỏ Catô lập Anh giáo.
[24] The Problem of Evil: Vấn nạn hay câu hỏi về KhổÁc – trong tất cả những luận chứng chủ trương vô thần, đây là câu hỏi từng có lâu nhất, bàn cãi nhiều nhất, và làm giới Kitô lúng túng, trả lời loanh quanh bằng nhiều cách nhất.
Vắn tắt, câu hỏi như sau: Quan điểm truyền thống về Gót là vị toàn trí (omniscient), toàn năng (omnipotent), toàn thiện (benevolent). Có nghĩa là nếu Gót thật có, hiện hữu, vậy ông phải biết cách, phải muốn, phải có thể làm sao, hay phòng ngừa, tạo lập, xếp đặt thế nào cho mọi tai ương, đau khổ, ác độc,… có trong nhân loại đừng bao giờ xảy ra (như một lời nguyện của Phật ADiĐà – Trong cõi của tôi, từ người thường đến bậc trời, dù chỉ còn nghe nhắc đến tên gọi những điều xấu ác, tôi sẽ hoãn không thành Phật – lời nguyện 16). Nhưng khổ đau, tai ương (thiên tai, động đất, dịch bệnh …) là chuyện thông thường, không thuyên giảm, mỗi ngày quanh chúng ta, do đó thực chẳng có một Gót toàn trí, toàn năng, toàn thiên như đã nói.
Epicurus (341–270 TCN) là triết gia Hylạp còn biết, là vị đầu tiên trong lịch sử triết học phương Tây đã nêu vấn nạn này – nay còn ghi lại những câu hỏi nghi ngờ của ông về sự hiện hữu của một Gót – dẫu lúc ấy chưa có Gót định nghĩa chặt chẽ và độc đoán theo như những tôn giáo Abraham về sau.
Nổi tiếng là Nghịch lý Epicurus (Epicurean paradox) hay những câu hỏi hiểm hóc của Epicurus (The Riddle of Epicurus) – đây là dạng biết đến sớm nhất của Vấn nạn về KhổÁc – những câu nổi tiếng và cho đến nay vẫn được dẫn chứng như sau:

Is God willing to prevent evil, but not able? – Then he is not omnipotent.
Is he able, but not willing? – Then he is malevolent.
Is he both able and willing? – Then whence cometh evil?
Is he neither able nor willing? – Then why call him God?

Phải chăng Gót muốn ngừa Xấu Ác, nhưng không thể? – Vậy ông không toàn năng
Phải chăng ông có thể ngừa, nhưng không muốn? – Vậy ông ta xấu bụng hiểm ác
Phải chăng ông ta vừa có thể và không muốn? – Vậy từ đâu Xấu Ác đến đây
Phải chăng ông ta không thể và không muốn? – Vậy còn gọi ông là Gót làm gì?

[25] Omnipotent Deity – vị thần linh toàn quyền năng– chỉ Gót.
[26] Con số thống kể thời tác giả– 1950’s – ngày nay lớn hơn nhiều.
[27] Kinh Thánh đạo Kitô.
[28] Ở những nước Kitô phương Tây, Đến nay vẫn còn, những lớp (hay trường) học ngày Chủ nhật (A Sunday school, hay Sabbath school) – là những lớp dạy giáo lý. những nhà thờ mở những lớp này trong ngày chủ nhật, đặc biệt dành cho trẻ con, đang ở những tuổi chưa biết phán xét, chỉ biết nghe và tin.
[29] Thời trung cổ, châu Âu, có những tòa án của nhà thờ lập ra, lùng bắt, tra tấn, khảo hành rồi xử tội những ai nghi ngờ những giáo điều, hay phủ nhận Gót theo như định nghĩa chính thống của giáo hội Vatican. Thiêu sống là cách xử tội thông thường.
[30] Nguyên văn là belief – có thể dịch chung là tin tưởng, ở đây dịch là “tín mộ” để nhấn mạnh là lòng tin có nội dung tôn giáo. Kitô dịch là đức tin – “đức” nhấn mạnh vào giá trị của niềm tin – vốn là xem như đức hạnh chủ yếu trong nội dung Kitô giáo.