Wednesday, May 15, 2024

Noam Chomsky – Cấu Trúc Của Ngôn Ngữ (03)


CẤU TRÚC CỦA NGÔN NGỮ

(The Architecture Of Language)

 Noam Chomsky

 (← ... tiếp theo)

 




THẢO LUẬN

 

Người xem-nghe được mời đặt câu hỏi và cũng viết, gửi những câu hỏi cho nhanh tiện. Rama Kant Agnihotri, giáo sư ngữ học, khoa trưởng, trường đại học Delhi đã chủ tọa buổi thảo luận. Trò chuyện sau đây diễn ra sau đó.

 

Chomsky (nói với Agnihotri): Tại sao tôi không tự mình đọc những câu hỏi; làm thế, sẽ đơn giản hơn.

Agnihotri : Tôi đang cố phân loại chúng trước đã, nhưng có vẻ như...

Chomsky : Được rồi, ông muốn làm việc đó; hãy làm việc đó.

Agnihotri : Nếu ông có thể trả lời những câu hỏi này trước; Tôi sẽ tiếp tục đưa cho ông thêm nhiều nữa.

Chomsky : Đó là kiểm duyệt, có sự kiểm duyệt đang diễn ra ở đây ! (nói đùa cho vui)

 

 

1. Phạm vi của Ngôn ngữ học

 

Hỏi : Với sự phát triển của một “thời đại Chomsky”[1], ngôn ngữ học chắc chắn đã trở thành một ngành học chuyên môn đòi hỏi cố gắng nghiên cứu lâu dài. Đồng thời, nó đã thành “bí truyền” quá khiến thành thu hẹp chỉ với người có một việc làm/ chỗ đứng trong ngôn ngữ học. Ông nghĩ thế nào về việc ngành học này có thể trở thành nhận dùng được với những người không chuyên ngành ngữ học? Thế còn thị trường tìm công ăn việc làm của nó thì sao?

 

Chomsky : Tôi không thích sự cá nhân hóa này. Đó là cách nghĩ sai lầm về những sự việc như thế. Không có sự cá nhân hóa trong nghiên cứu duy lý, mọi người thì làm việc với nó. Nhưng tôi sẽ trả lời câu hỏi theo cách vẫn nghe nói và hiểu về nó.

 

Chà, trước hết, rất nhiều (nội dung) của ngôn ngữ học có thể nhận dùng được. Ông có thể đặt cùng câu hỏi tương tự về hóa học. Rất nhiều nội dung của hóa học thì đúng là không thể hiểu được, trừ khi ông có một giáo dục chuyên môn khá sâu rộng, để hiểu người ta đang nói về những gì, hiểu những thành quả, nền tảng, những nguyên lý , và v.v. Nhưng những ý tưởng cơ bản của nó thì có thể làm thành nhận dùng được với mọi người. Đó là những gì là khoa học phổ thông. Làm cho những kết quả của một nghiên cứu chuyên môn có thể nhận dùng được với mọi người, ở bất kỳ trình độ nào họ muốn hiểu nó, là một vai trò rất đáng kính và có giá trị về mặt xã hội. Vì vậy, nếu tôi muốn tìm hiểu một gì đó về vật lý quantum, tôi không muốn bận tâm đến tất cả những chi tiết; Tôi chỉ muốn hiểu tổng quát về những gì đang xảy ra. Có những nhà chuyên môn và những sách báo, và v.v, vốn cố gắng làm nó thành sẵn sàng với trình độ và mức độ quan tâm của tôi. Tôi nghĩ điều này cũng đúng trong ngôn ngữ học [2]

 

Còn về thị trường việc làm? Công ăn việc làm thì chắc chắn là một vấn đề. Khi bạn vào trong bất kỳ lĩnh vực (chuyên môn) nào vốn khó khăn và phức tạp, luôn luôn có một câu hỏi về việc bạn sẽ kiếm một việc làm ở đâu. Sự việc đó thì cũng đúng trong ngành toán học như trong ngôn ngữ học. Ngay bây giờ ở United States, trung bình có vài trăm ứng viên cho mỗi vị trí chuyên môn trong toán học. Đó là một vấn đề. Nó không chỉ là một vấn đề cho ngành ngôn ngữ học; trong thực tế, trong nhiều đường lối , nó lại ít là một vấn đề với ngôn ngữ học hơn.

 

Nhưng dù sao đi nữa, đó là một vấn đề tổng quát. Nó có liên quan đến một vấn đề xã hội rộng lớn hơn: cần chú trọng vào nghiên cứu và phát triển khoa học (trong xã hội) đến mức nào? Ngay bây giờ, trả lời đã có cho câu hỏi đó, theo quan điểm của tôi, là hết sức phi lý. Không có gì bí mật, ai cũng biết rằng của cải và quyền lực đều tập trung rất lớn vào một nhóm nhỏ những cá nhân đưa ra quyết định. Cách họ làm quyết định phần lớn là bằng dựa trên trên những gì họ muốn từ quan điểm của giá trị thị trường. Đó là một cách hết sức phi lý để thực hiện những quyết định xã hội. Những quyết định này, giống như tất cả những quyết định khác, nên là những quyết định phổ thông, nên được thực hiện trên cơ bản những xem xét những nguồn lực nên đi đến nơi nào vốn toàn xã hội cần nhất.

 

Theo ý tôi, cần phải có nhiều khoa học hơn và mọi người cần phải tham dự vào nó, trong một ý hướng giống như phải có nhiều văn học và nghệ thuật hơn. Đây là những phương diện vốn làm phong phú đời sống con người; chúng nên được làm cho dễ nghiên cứu giải quyết với mọi người. Điều này có nghĩa là chúng ta nên dành những nguồn lực cho chúng. Nhưng vì cách này không tạo ra lợi nhuận cho những doanh nghiệp và vì đó là cách những việc làm và nguồn lực đã được phân phối, nên kết quả (không tốt) nhận được vẫn tồn tại. Tôi nghĩ sự việc đó rất phi lý, nhưng có liên quan với sự thiếu dân chủ trong xã hội nói chung

 

Hỏi : Những gì là có chung giữa khoa học ngôn ngữ và chính trị của ông là sự vắng mặt của bất kỳ một vai trò nào của cộng đồng và văn hóa. Lương tâm của cộng đồng là những gì tìm thấy diễn tả trong công lý cũng như ngôn ngữ. Trong nghiên cứu ngôn ngữ, ông không nghĩ rằng sẽ có được những kết quả tốt hơn sau khi đem những giá trị tích cực cho những khác biệt giữa những ngôn ngữ, cho những quan hệ bổ túc giữa hai hay nhiều ngôn ngữ nói đồng thời trong cùng một cộng đồng, và bởi việc giả định tình trạng song ngữ là bình thường với loài người?

 

Chomsky : Quan điểm chính trị của tôi là của riêng tôi. Tất nhiên, bất cứ một gì người ta nói về chính trị đều liên quan đến cộng đồng và văn hóa. Làm sao có thể khác được? Điều đó không chỉ đúng với những cố gắng tìm hiểu thế giới, nhưng cũng đúng với cả việc thay đổi thế giới. Trong trường hợp cá nhân tôi, vấn đề sẽ là đặc biệt rõ ràng, chỉ vì sở thích và cam kết của tôi với thuyết vô chính phủ – cụ thể là những khuynh hướng trong đó nhấn mạnh trên ý nghĩa quan trọng của cộng đồng, hiệp hội và văn hóa.

 

Khoa học về ngôn ngữ không phải của tôi. Nó là của bất kỳ ai đang làm việc với nó; người ta không sở hữu một khoa học. Vì vậy, nó không phải là khoa học về ngôn ngữ của Chomsky. Việc tìm hiểu về cách thế giới vận hành là một dự án hợp tác tập thể hướng tới một mục tiêu chung và không có gì có thể được gọi là “khoa học của X về Y”, và ngay cả (nếu như có thế) thì nó không đáng để xem xét. Có một lĩnh vực vốn thường được gọi là “ngữ pháp phát sinh”, nhưng nó không phải của tôi hay của một bất kỳ ai khác. [3]

 

Nhánh nghiên cứu ngôn ngữ này thực sự được đánh dấu bằng một sự vắng mặt của bất kỳ vai trò nào cho cộng đồng và văn hóa, nhưng đó là vì lý do tôi đã nhắc đến trước đó. Không có bất kỳ một gì có ý nghĩa đã được biết, ít nhất là với tôi, về cộng đồng và văn hóa vốn liên quan đến những câu hỏi này về bản chất của một hệ thống sinh học nhất định. [4] Nếu có một gì đó được biết, tôi sẽ rất vui khi để tìm học về nó, nhưng tôi không biết về nó. Vì vậy, theo như tôi biết, không có sự quan hệ.

 

Nhưng sự việc đó không có nghĩa là những câu hỏi về cộng đồng, văn hóa và ngôn ngữ là không quan trọng. Chúng hết sức quan trọng, nhưng mọi sự vật việc về đời sống con người đều cũng như vậy; chỉ là chúng ta có ít hiểu biết khoa học về chúng. Chúng ta phải rất rõ ràng và minh bạch về những gì chúng ta hiểu, những gì chúng ta có kiến thức chuyên môn, và khi chúng ta có cùng trình độ hiểu biết như những người khác. Chúng ta chỉ cố gắng tìm cách vượt qua nó, hết sức như chúng ta có thể, nhưng không có hiểu biết lý thuyết sâu xa nào. Nếu điều đó sai, tôi rất vui để được chỉ dẫn, nhưng tôi không biết được một bất kỳ một lý do nào để tin rằng điều đó là sai.

 

Mọi người làm việc, nghiên cứu về ngôn ngữ, gồm cả chính tôi, tập trung chú ý trên “những khác biệt giữa những ngôn ngữ”. Nếu đã không thế, chúng ta tất đã kết luận rằng dù ngôn ngữ nào đi nữa, chúng ta ngẫu nhiên xem xét, là bẩm sinh – vốn chắc chắn sẽ “giải quyết” được rất nhiều câu hỏi về khả năng ngôn ngữ, sự tiếp thu ngôn ngữ, v.v. Công trình thời nay đầu tiên về ngữ pháp phát sinh đã xảy ra với tiếng Hebrew [5]. Cong trình ngữ pháp phát sinh đầu tiên được xuất bản là về tiếng Hidatsa [6]. Như thế, nó tiếp tục. Vấn đề không phải là “kết quả tốt hơn” hay “kết quả tồi tệ hơn”, như một ai có thể trả lời câu hỏi không biết chúng ta có được “kết quả tốt hơn” hay “kết quả tồi tệ hơn” bằng nghiên cứu chỉ hydro hay những khác biệt giữa hydro và helium, hay nghiên cứu chỉ loài ruồi giấm và không phải là sự khác biệt giữa loài ruồi giấm và loài vượn. Bất cứ lúc nào, người ta tập trung vào những câu hỏi có nhìn vẻ hứa hẹn.

 

Về phần giá trị tích cực của những khác biệt giữa những ngôn ngữ và song ngữ, v.v., tôi thực sự không có bất kỳ ý kiến đáng kể nào về việc này. Hiển nhiên, bạn là một người giàu có hơn, nếu bạn có nhiều những kinh nghiệm thuộc loại khác nhau; điều đó chắc chắn là đúng. Vì vậy, việc tiếp xúc với những văn hóa khác nhau và hòa mình vào những văn hóa, ngôn ngữ khác nhau, v.v. sẽ làm tăng thêm một một sự giàu có nhất định nào đó cho đời sống, và đúng thế, sự phong phú cho đời sống có một giá trị tích cực; nhưng tôi không biết có gì hơn để nói về việc này.

 

Khả năng song ngữ là bình thường đối với chủng loại trong nghĩa giản dị rằng thế giới thì quá phức tạp khiến nghiêm ngặt một ngôn ngữ là một gì gần như không thể tưởng tượng được. Ngay cả trong xã hội nhỏ nhất, gồm những người săn bắn hái lượm, với mười lăm người trong bộ lạc, sẽ có sự đa dạng. Người ta không phải là những bản sao và miễn là có một vài tính đa dạng, quí vị sẽ có một vài loại nhỏ của nhiều-ngôn ngữ. Nó có thể nhỏ đến mức quí vị sẽ không gọi nó là “đa ngôn ngữ” nhưng sẽ có một số loại khác nhau. Theo nghĩa đó, điều là tự nhiên với chủng loại, nhưng tôi không thấy có gì sâu xa về điều đó.

 

Cũng nên nhớ rằng “đa ngôn ngữ” là một khái niệm trực giác mơ hồ; mỗi cá nhân thì cóa nhiều khả năng ngôn ngữ , trong một nghĩa chuyên môn hơn. Về mặt kỹ thuật, mỗi người có một loạt những năng lực ngôn ngữ khác nhau. Nói rằng người ta nói những ngôn ngữ khác nhau thì cũng giống một chút như nói rằng họ sống ở những nơi khác nhau hay trông khác nhau, đây là những khái niệm vốn hoàn toàn có ích trong cuộc sống hàng ngày, nhưng chúng đều rất tương đối với những chú ý/ quan tâm cụ thể. Chúng ta có khuynh hướng nói rằng một người nói nhiều ngôn ngữ, thay vì nhiều phương ngữ của một ngôn ngữ, nếu những khác biệt đó là quan trọng cho một vài mục đích hay chú ý/ quan tâm cụ thể.

 

Hỏi : Ông có coi âm nhạc như một ngôn ngữ không?

 

Chomsky : Tôi không có gì đặc biệt để nói về việc này nhưng có những người đã nghiên cứu nó. Nghiên cứu hay nhất tôi biết là của Ray Jackendoff và Fred Lerdahl [7]. Lerdahl là một nhà soạn nhạc chuyên nghiệp và Jackendoff là một nhà ngữ học chuyên nghiệp và thự tế cũng là một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Hai người đã soạn một quyển sách về những phương diện ngôn ngữ của âm nhạc, rất đáng chú ý xem xét. Họ đã nghiên cứu một phạm vi hẹp của âm nhạc (nhạc cổ điển phương Tây với những âm sắc trung tâm) và cố gắng cho thấy rằng nó có những thuộc tính gần như ngôn ngữ. Quí vị có thể đọc quyển sách và xem nó thuyết phục quí vị như thế nào. Quyển sách thực sự được viết như một kiểu trả lời cho một cố gắng của Leonard Bernstein để làm một gì đó tương tự [8].

 

Bây giờ giả định rằng họ đúng; nó có đưa đến rằng âm nhạc là một ngôn ngữ? Đó không phải là một câu hỏi có ý nghĩa vì khái niệm của – một ngôn ngữ là gì – thì không là một khái niệm có ý nghĩa. Nó có phải là một ngôn ngữ con người không? Tất nhiên là không rồi; nó không phải là một ngôn ngữ con người. Nó có giống ngôn ngữ con người không? Chà, chắc chắn rồi, theo một số cách thức, nhưng khi đó câu hỏi đặt ra là: ông nói “giống” theo nghĩa nào?

 

Nói rằng một gì đó là một ngôn ngữ thì không phải là một nhận xét có ý nghĩa; chỉ cần nói: “nó thì đủ giống ngôn ngữ con người, nên tôi sẽ gọi nó là “ngôn ngữ”“. Nó giống như hỏi: có phải một ai đó sống gần Boston không? Không có trả lời chính xác tuyệt đối cho sự việc đó. Nếu tôi đang nói chuyện với một người bạn ở nhà và chúng tôi đang nói về việc đi đến làm việc ở Boston thế nào, tôi có thể hỏi ông bạn: “có phải ông sống gần Boston không?”; nếu ông ấy sống cách xa mười dặm, xa hơn tôi, ông sẽ nói “không”. Mặt khác, nếu tôi đang nói chuyện với quí vị ở đây, thành phố Delhi, và tôi hỏi “có phải ông bạn tôi sống gần Boston không?”, trả lời sẽ là “có” bởi vì, từ một góc độ khác, ông ấy sống gần Boston. Tương tự như vậy, không có câu hỏi nào có ý nghĩa “một gì đó là một ngôn ngữ phải không?” Chúng ta có thể đặt câu hỏi không biết nó có giống ngôn ngữ con người trong một số phương diện hay không. Và nếu xảy ra chúng ta cảm thấy chú ý với những điểm giống nhau đó, chúng ta có thể quyết định để gọi nó là “một ngôn ngữ”. Đó là một câu hỏi về chữ nghĩa/thuật ngữ.

 

Hỏi : Ông có nghĩ rằng chuỗi ký hiệu DNA của virus là một ngôn ngữ không?

 

Chomsky : Câu hỏi này không thể trả lời được, vì khái niệm về “ngôn ngữ” thì quá thiếu chính xác. Nó giống như hỏi – không biết máy bay có “thực sự bay” (như đại bàng) nhưng tàu ngầm không “thực sự bơi” (như cá heo) và con người không “thực sự bay” khi họ nhảy qua một thanh chắn ngang trong những tranh đua Olympic. Trong tiếng Anh, chúng ta nói về máy bay (chứ không phải người) “bay”, nhưng không nói về tàu ngầm “bơi”. Cách dùng từ thì khác nhau trong những ngôn ngữ khác [9]. Đây không là những câu hỏi vè sự kiện thực tế; đúng hơn, những câu hỏi về việc có nên dùng một số cách dùng ẩn dụ nhất định nào đó hay không. Tương tự với chuỗi ký hiệu DNA và ngôn ngữ.

 

Có thể có những câu hỏi tổng quát đáng chú ý xem xét về việc máy bay, con người và đại bàng làm gì khi chúng ở trên không, rời khỏi mặt đất, có thể là một gì đó về những nguyên lý khí động học. Và có thể có những câu hỏi đáng chú ý xem xét về những quan hệ giữa chuỗi ký hiệu DNA và hệ thống sinh học cụ thể, ngôn ngữ con người (một số nhà khoa học quan trọng đã hỏi chúng). Đáng chú ý xem xét thế nào ? Việc đó chúng ta sẽ biết sau khi có kết quả, không phải trước đó.

 

Hỏi : Người ta biết rằng người điếc có “tiếng nói” bên trong. Điều này dựa trên ngữ nghĩa hay cú pháp?

 

Chomsky : Những người thiếu tiếp xúc với ngôn ngữ nói có thể có hay không có một gì đó giống với những gì chúng ta gọi là “tiếng nói bên trong”. Chúng ta chắc chắn có nhận thức về những gì có vẻ rất giống với việc dùng ngôn ngữ nhưng không phát âm rõ ràng, mặc dù có thể liên quan đến những hệ thống phối hợp giác quan-vận động. ; và có lẽ một gì đó tương tự cũng đúng với con người nói chung. Về việc không biết những hệ thống này có “cú pháp” hay “ngữ nghĩa” hay không, trước tiên chúng ta phải làm rõ ý nghĩa của những thuật ngữ này. Nếu chúng ta muốn nói đến chúng theo nghĩa của hầu hết “lý thuyết về dấu hiệu” thời nay, thì chắc chắn chúng có cú pháp (nghĩa là những phương thức tổ chức những yếu tố biểu tượng vốn chúng được cấu thành), nhưng có thể có hay không có “ngữ nghĩa” (nghĩa là, một quan hệ có mục đích giữa những biểu tượng và những sự vật việc thuộc thế giới không-tinh thần vốn chúng “quy chiếu” đến). Có những câu hỏi không tầm thường ẩn giấu ở đây, đối với cả ngôn ngữ nói thông thường [10].

 

Hỏi : Ngôn ngữ ký hiệu hay ngôn ngữ nói: cái nào là một lựa chọn nào tốt hơn trong bối cảnh thiếu hụt trong mặt giao tiếp phối hợp giác quan-vận động vận động đối với trẻ bị điếc?

 

Chomsky : Điều đó phụ thuộc vào những hoàn cảnh. Nếu những người hàng xóm của tôi có một đứa trẻ bị điếc và hỏi lời khuyên của tôi, trước tiên, tôi sẽ nói rằng tôi không đủ tư cách đặc biệt để đưa ra lời khuyên về điều gì là tốt nhất cho con họ; và thứ hai, lời khuyên của những người được đào tạo và có kinh nghiệm thực sự nên được chú ý và đánh giá, nhưng với nhìn nhận rằng ngay cả họ cũng chỉ có hiểu biết rất giới hạn về những vấn đề phức tạp như vậy. Và sau đó, nếu lời khuyên của tôi vẫn còn cần thiết, tôi khuyên nên cho đứa trẻ làm quen với cả ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ nói, trong môi trường tự nhiên nhất có thể được.

 

Hỏi : Có phải là có một liên hệ giữa ngôn ngữ và tình dục như Jacques Lacan đã nêu lên trong lý thuyết về tính chủ quan của ông ấy không?

 

Chomsky : Cá nhân tôi biết Lacan và tôi không bao giờ hiểu được đến được một từ nào ông nói về cái gì; vì vậy tôi không thể trả lời câu hỏi. Thực tế, tôi có một cảm giác khá mạnh mẽ rằng ông nói những chuyện đùa giỡn, rằng ông đang cố thử xem mình có thể điên rồ đến mức nào nhưng người ta vẫn coi trọng ông.Tôi không thể chứng minh sự điều là đúng nhưng đó là nghi ngờ của tôi. Chúng tôi rất hợp nhau, chúng tôi nói về đủ loại đề tài, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói về những sự việc này [11]

 

Hỏi : Ông có coi ký hiệu học như một khoa học như chúng ta coi ngôn ngữ học ngày nay không?

 

Chomsky : Ký hiệu học là bất cứ gì mà nó là. Ông có bao nhiêu hiểu biết về nó, đó là những gì ông có. Đối với tôi nó nhìn không có vẻ gì là sâu xa cho lắm. Một lần, tôi đã t tham dự một hội nghị quốc tế cùng với Dan Sperber, một nhà ký hiệu học người Pháp và là một trong những nhà chuyên môn hàng đầu trong lĩnh vực này. Ông được cho là sẽ nói chuyện về ký hiệu học. Ông đứng dậy, đi đến tấm bảng đen và vẽ một vòng tròn lớn; Ông đã viết trong đó “ngôn ngữ”. Sau đó, bên cạnh nó, Ông vẽ một vòng tròn nhỏ và vẽ một mũi tên chỉ vào đó có ghi “đèn đường giao thông”. Sau đó, ông quay về phía người xem-nghe và nói “Đó là ký hiệu học”. Tất nhiên, ông đã phóng đại nhưng có một gì đó đúng về điểm vốn ông đang cố gắng đưa ra. Người ta biết rất nhiều về một trong những sự việc đó, ngôn ngữ; nhưng không có nhiều để nói về đèn đường giao thông. Có những đề tài lớn khác như điện ảnh, nghệ thuật, những quan hệ con người, và đó là những đề tài hết sức quan trọng, nhưng tôi không nghĩ quí vị học được nhiều về chúng từ ký hiệu học. Quí vị phải quyết định việc đó cho chính quí vị.

 

Hỏi : Người ta nói rằng homo sapiens có ưu thế của khả năng của ngôn ngữ. Có phải có thể rằng những động vật đều thực sự trong tư thế thuận lợi hơn chúng ta vì hệ thống truyền thông giao tiếp của chúng rất tinh vi (khiến chúng truyền đạt nhiều hơn nhưng với ít yếu tố hơn hay phương tiện đơn giản hơn?

 

Chomsky : Tôi không thấy có cách nghiêm chỉnh nào để đặt câu hỏi – loài nào có “tư thế thuận lợi hơn – loài kiến, loài chim, loài người, hay bất cứ loài gì gì đi nữa. Không có những tiêu chuẩn để so sánh. Chỉ chú ý đến hệ thống truyền thông giao tiếp, người ta tìm thấy đủ loại trong thế giới hữu cơ, gồm cả loài người (hệ thống ra dấu hiệu, dùng cử chỉ, v.v.). Ngôn ngữ của con người cũng được sử dụng để giao tiếp, như hầu hết những hoạt động của con người, đều phục vụ mục đích giao tiếp, nhưng ở đây, so sánh nó với những hình thức giao tiếp khác là vô nghĩa. Một số hệ thống giao tiếp của động vật, theo một nghĩa nào đó (dù không có ý nghĩa lắm), có thể được coi ngay cả là còn “phong phú” hơn ngôn ngữ tự nhiên – vì, chúng không tạo thành từ những đơn vị tách biệt, riêng lẻ như ngôn ngữ con người, nhưng tạo thành một một dòng chảy liền mạch, không gián đoạn. Điều này trái ngược với ngôn ngữ con người, vốn gồm những đơn vị riêng lẻ, rời rạc, như những từ và câu vốn có thể kết hợp theo vô số cách – cho phép chúng truyền tải nhiều thông tin hơn với ít tín hiệu hơn hoặc đơn giản hơn? – một đặc tính khác thường của những sinh vật [12]

 

Trong những tranh luận sôi nổi ở thế kỷ 18 về việc không biết loài vượn có ngôn ngữ hay không, một ý kiến đưa ra là chúng quả thực có ngôn ngữ, nhưng đủ thông minh để nhận hiểu rằng nếu chúng thể hiện khả năng này, loài người sẽ bắt chúng làm việc như những nô lệ; vì vậy chúng thích giữ im lặng khi có con người xung quanh. Tôi luôn luôn thích câu chuyện đó.

 

Hỏi : Ông đã nói rằng trong cấu trúc kiến trúc tổng thể của bộ óc con người, cơ chế tiếp thu ngôn ngữ có một vị trí đặc biệt với một loại mặt giao tiếp nào đó nhưng mặt giao tiếp này lại thiếu trong trường hợp của những loài linh trưởng. Có phải ông muốn nói rằng ngay cả động vật cũng có một cơ chế (mô-dun / một hệ thống kết cấu) ngôn ngữ nhưng vì chúng không có được một khả năng về mặt giao tiếp thích đáng nên chúng không có khả năng để dùng một ngôn ngữ?

 

Chomsky : Tôi đã có nói việc đó nhưng như một lối nói đùa. Tôi đã nói đó là một có thể có (đó là một có thể có về lý thuyết); không có gì chúng ta biết về thế giới tự nhiên nói với chúng ta rằng việc loài vượn thực sự có một khả năng ngôn ngữ nhưng không thể lấy dùng được nó là sai. Việc đó thì có thể có, nhưng không có lý do gì để tin vào việc đó. Vì vậy, đúng, có một điều có thể có, và có lẽ, một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm ra được rằng nó là thực, nhưng không ai trông chờ việc đó (xảy ra); nhiều phần có thể xảy ra hơn là chúng không có một khả năng-ngôn ngữ.

 

Cách nào đi nữa, nó là loại khó khăn để giải thích. Không có giải thích được biết cho hầu hết những thuộc tính phức tạp của những sinh vật. Người ta nói về sự tiến hóa theo Darwin và những điều tương tự, nhưng việc đó không thực sự đem cho quí vị những trả lời, ngoài những câu hỏi đơn giản. Không chỉ trong trường hợp của những việc như ngôn ngữ. Lấy thí dụ, những cấu trúc sinh học như virus – những sinh vật rất đơn giản. Chúng có những thuộc tính vè cấu trúc nhất định, chẳng hạn như lớp vỏ nhiều mặt-hình học.[13]. Gán việc đó cho “sự chọn lọc tiến hóa tự nhiên” sẽ là không trả lời thẳng vào vấn đề.

 

Hoặc, lấy chuỗi toán học được gọi là “dãy số Fibonacci”. Nó xuất hiện khắp nơi trong tự nhiên; không ai biết chính xác tại sao. Nếu ông lấy một bông hoa hướng dương và nhìn vào bông hoa, nó có những đường xoắn ốc đi theo những hướng khác nhau. Số phần xuất hiện trong những hình xoắn ốc liền kề có liên quan với nhau dưới dạng những số hạng liên tiếp trong chuỗi Fibonacci. Ông tìm thấy loại đó ở khắp nơi trong tự nhiên; không hiểu rõ tại sao. Có một gì đó về thế giới vật chất buộc một số loại cấu trúc phải xuất hiện trong những điều kiện cụ thể [14]. Nếu ông không thể giải thích về hoa hướng dương trông giống thế nào, thì ông sẽ không thể giải thích ngôn ngữ tự nhiên giống những gì; nó phức tạp hơn nhiều. Vì vậy, việc chúng ta không biết cách đưa ra giải thích tiến hóa quan trọng về sự việc này thì không có gì ngạc nhiên; điều đó thường không thể thực hiện được khi vượt qua khỏi những trường hợp đơn giản.

 

 

2. Sự Tiếp Thu Ngôn Ngữ

 

 

Hỏi : Xin ông cho biết thêm quan điểm của ông về phát biểu rằng ngôn ngữ thì bẩm sinh nhưng nó cũng có chức năng bao trùm cả ở mức độ phát âm và mức độ biểu đạt?

 

Chomsky : Chà, vấn đề về tính bẩm sinh của ngôn ngữ là một vấn đề gây nhiều thắc mắc muốn biết. Có một kho tài liệu đồ sộ tranh luận chống lại tính bẩm sinh của ngôn ngữ, nhưng không có gì bảo vệ luận thuyết đó.. Vì thế, tranh luận thì có phần buồn cười trong việc rằng nó thì một-chiều. Nhiều người bác bỏ việc đưa lên rằng ngôn ngữ thì bẩm sinh, nhưng chưa có ai từng trả lời họ. Lý do không có ai trả lời là vì những lập luận chống lại tính bẩm sinh thì không có ý nghĩa, thiếu logic. Không có cách nào để trả lời chúng.

 

Nói rằng “ngôn ngữ thì không bẩm sinh” là nói rằng không có sự khác biệt nào giữa đứa cháu gái tôi, một hòn đá và một con thỏ: nói cách khác, nếu ông lấy một hòn đá, một con thỏ và đứa cháu gái tôi và đặt chúng trong một cộng đồng, ở đó người ta nói tiếng Anh, chúng sẽ tất cả học tiếng Anh. Nếu người ta tin thế, thì họ tin rằng ngôn ngữ thì không bẩm sinh. Nếu họ tin rằng có một sự khác biệt giữa giữa đứa cháu gái tôi, một hòn đá và một con thỏ, thì họ tin rằng ngôn ngữ thì bẩm sinh. Vì vậy, ai là người đưa lên rằng có một gì có thể tranh luận được về sự giả định rằng ngôn ngữ thì bẩm sinh đều là chỉ bị lẫn lộn. Đã lẫn lộn quá sâu khiến không có cách nào trả lời những lập luận của họ. Không nghi ngờ gì rằng ngôn ngữ là một khả năng bẩm sinh.

 

Nói “ngôn ngữ thì bẩm sinh” là diễn tả sự tin tưởng rằng một số bản chất bên trong quan trọng và có liên quan đã phân biệt đứa cháu gái của tôi với hòn đá, loài ong, loài mèo và loài chimpanzees. Chúng ta muốn tìm biết bản chất bên trong này là gì. Trong hiểu biết hiện hành, nó là một sự biểu hiện của những gen, vốn cách nào đó chúng tạo ra một khả năng ngôn ngữ (và lấy thí dụ, dẫn đến những đặc điểm thể chất cụ thể, như xương trong tai đặt ở một chỗ tốt – như trường hợp này, cũng đúng với loài chuột). Như thế nào thì chưa biết, nhưng việc đó thì cũng đúng cho hết sức nhiều những câu hỏi đơn giản hơn. Tuyên bố không trịnh trong, thông tục rằng ngôn ngữ thì bẩm sinh với con người có nghĩa là một gì đó giống thế này. Tương tự, chúng ta nói rằng cánh tay là bẩm sinh với loài người và cánh bay là với loài chim.

 

Giờ đây, một câu hỏi có thể được đặt ra là không biết có phải bất cứ một gì bẩm sinh về ngôn ngữ thì đặc biệt cho khả năng ngôn ngữ, hay không biết có phải nó chỉ là sự kết hợp nào đó của những phương diện khác của não thức. Đó là một câu hỏi thực nghiệm và không có lý do gì để là giáo điều (lý thuyết) về nó; quí vị nhìn và quí vị thấy. Những gì chúng ta có vẻ như tìm thấy là nó thì đặc biệt cụ thể. Có những thuộc tính của khả năng ngôn ngữ vốn không thấy ở nơi nào khác, không chỉ trong não thức con người, nhưng còn trong những cấu trúc sinh vật khác đến mức như chúng ta biết.

 

Lấy thí dụ, thuộc tính cơ bản nhất của khả năng ngôn ngữ là thuộc tính của sự không liên tục vô tận [15]; quí vị có những câu sáu-từ, những câu bảy-từ nhưng quí vị không có những câu sáu-từ rưỡi . Thêm nữa, không có giới hạn; quí vị có thể có những câu mười-từ, những câu hai mươi-từ, và tiép tục như thế đến vô hạn. Đó là thuộc tính chất của tính không liên tục vô tận. Thuộc tính này hầu như không được biết đến trong thế giới sinh học. Có rất nhiều hệ thống liên tục, nhiều hệ thống hữu hạn nhưng nếu cố gắng tìm một hệ thống không liên tục vô tận (thì mãi sẽ không thấy!) Năng lực duy nhất khác vốn bất kỳ ai cũng biết là năng lực về số học, có thể là một nhánh nào đó của năng lực ngôn ngữ [16] Quí vị càng tiếp tục, nó càng có vẻ đúng [17]

 

Khi quí vị gặp những câu hỏi thuộc loại vốn chúng ta đang thảo luận ở đây, dường như không có sự tương đồng nào ở chỗ khác trong thế giới sinh học, xuống đến mức độ, có lẽ, của DNA, hay một vài mức độ nào đó, ở đó quí vị thực sự nói về hóa học-sinh học. Vì vậy, có vẻ như ngôn ngữ không chỉ bẩm sinh nhưng còn rất đặc biệt trong những phương diện khá quan trọng. Tôi cho rằng đó là ý nghĩa của câu hỏi về “lớp phủ” [18]. Nó là lớp phủ cho những thứ khác, nó là một gì được chèn vào trong một hệ thống vốn có những thuộc tính khác. Đó là nơi vốn điều tra thực nghiệm dẫn quí vị đến. Nếu một ai có thể nghĩ ra một số giải thích khác về sự kiện, sẽ là rất đáng chú ý xem xét để nghe điều đó. Nhưng không có đưa ra giải thích nào khác, thế nên không có gì để bàn luận.

 

Vấn đề là thăm dò xem những thuộc tính của ngôn ngữ và việc dùng nó là đặc biệt cho hệ thống này thì mở rộng đến mức độ nào. Do đó, chúng ta có thể đặt câu hỏi không biết lưỡi và răng có được điều chỉnh đặc biệt cho việc dùng ngôn ngữ trong một cách nào đó, hay chúng đã tiến hóa độc lập với ngôn ngữ. Những ý kiến khác nhau, mặc dù về một số vấn đề (thí dụ, xương hàm ở loài bò sát, đã tiến hóa trở thành xương ở tai trong của loài động vật có vú), những trả lời có vẻ khá rõ ràng. Một số nhà khoa học uy tín nghiên cứu về phân tích và nhận thức giọng nói, nghi ngờ rằng có bất kỳ sự thích ứng cụ thể nào của những hệ thống phối hợp giác quan-vận động với ngôn ngữ; nhưng có những người khác không đồng ý [19]

 

Về phần vấn đề khó khăn hơn nhiều của những mức độ biểu tả (ngôn ngữ), cũng có những ý kiến khác nhau và những ý tưởng đáng chú ý, nhưng đã được hiểu thì đương nhiên là ít hơn nhiều. Lấy thí dụ, giả định rằng một người tin rằng một diễn đạt của ngôn ngữ tự nhiên thì ghép kết nối với “ngôn ngữ của suy nghĩ” (LOT) [20] . Một số thuộc tính của diễn đạt phải ấn định diễn đạt ngôn ngữ thì ghép kết nối với diễn đạt nào của LOT. Phương diện nào trong cách chúng ta giải thích diễn đạt là phần của khả năng ngôn ngữ, và phương diện nào thuộc về “ngữ nghĩa của LOT”? Có những phỏng đoán, nhưng không có gì nhiều hơn.

 


Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ hai

(Mar/2024)

(Còn tiếp ... )

 

http://chuyendaudau.blogspot.com/

http://chuyendaudau.wordpress.com




[1] Thuật ngữ “thời đại Chomsky” dùng để chỉ một thời kỳ trong lĩnh vực ngôn ngữ học chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi công trình và ý tưởng của Noam Chomsky. Một nhà ngôn ngữ học lỗi lạc, Chomsky đã cách mạng hóa việc nghiên cứu ngôn ngữ vào giữa thế kỷ 20 với công trình đột phá về ngữ pháp phát sinh và thuyết ngữ pháp phổ quát. Những ý tưởng của Chomsky có tác động sâu xa đến ngôn ngữ học, dẫn đến sự thay đổi trọng tâm từ những phương pháp giải quyết theo thuyết tâm lý hành vi sang cách hiểu ngôn ngữ mang tính nhận thức và tinh thần hơn.

Thời đại Chomsky, gần như bắt đầu từ những năm 1950, đánh dấu thời kỳ mà những thuyết của Chomsky được chấp nhận rộng rãi và định hình đáng kể hướng nghiên cứu ngôn ngữ. Những yếu tố chính của kỷ nguyên Chomsky gồm sự nhấn mạnh của Chomsky vào cấu trúc ngôn ngữ bẩm sinh, nghiên cứu cú pháp và ngữ pháp là trung tâm để hiểu ngôn ngữ và sự phát triển của thuyết Ngữ pháp phổ quát. Mặc dù ảnh hưởng của Chomsky rất lớn lao, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là nghiên cứu ngôn ngữ rất đa dạng và có nhiều quan điểm thuyết khác nhau tồn tại trong lĩnh vực này.

[2] [Xem Pinker (1995) cho một giải thích thích thú về công trình hiện nay về ngôn ngữ.]

[3] Đúng vậy, Noam Chomsky được công nhận rộng rãi như người sáng lập của lý thuyết ngữ pháp phát sinh. Khi ông nói như trên “ngữ pháp phát sinhkhông phải là của ông, có lẽ ông đang nhấn mạnh bản chất cộng tác của công việc khoa học và ý tưởng rằng một khi một lý thuyết được đưa ra, nó trở thành phần của khối kiến thức lớn rộng hơn của cộng đồng khoa học. Quan điểm này nhấn mạnh rằng những lĩnh vực khoa học phát triển qua nỗ lực tập thể của giới nghiên cứu thay vì qua công việc của một cá nhân, ngay cả khi cá nhân đó đóng một vai trò nền tảng như Chomsky.

[4] Tôi muốn giữ cách nói của tác giả – vắn tắt – có thể hiểu là “Theo như tôi được biết, không có thông tin/ hiểu biết quan trọng nào kết nối cộng đồng và văn hóa với việc nghiên cứu hệ thống sinh học cụ thể này (ngôn ngữ) “

[5] [xem Chomsky (1951)]

[6] [xem Matthews (1964)]

[7] [xem Jackendoff & Lerdahl (1983); và cũng xem Jackendoff (1992).]

[8] [xem Bernstein (1976)]

[9] [trong tiếng Nhật, có một ý hướng của “bay” trong đó người ta bay. trong tiếng Hebrew, máy bay “trượt/lướt” nhưng không “bay”.

[10] [Xem phần thảo luận về “ngữ nghĩa” bên dưới]

[11] [Ở một chỗ khác Chomsky nói như sau về Jacques Lacan:

Thí dụ, trong trường hợp của Lacan, ý kiến bộc trực của tôi nói ra có vẻ như thiếu nhã nhặn hoặc gay gắt –là ông là một người lòe bịp chủ ý, và đã chỉ đơn giản là chơi đùa với giới trí thức Paris để xem ông có thể tạo ra nhiều phi lý đến đâu mà vẫn được coi là nghiêm trang. Ý tôi muốn nói là theo nghĩa đen. Tôi hiểu ông. (Trích trong Rai (1995:206)]

Lý thuyết về tính chủ quan của Lacan: nói đến những ý tưởng của Jacques Lacan về cách những cá nhân nhận thức về bản thân và bản sắc định tính của họ qua sự tác động qua lại của ngôn ngữ, vô thức và những cấu trúc xã hội. Lý thuyết của Lacan cho rằng tính chủ quan (ý thức về bản ngã của một người) được xây dựng qua ngôn ngữ và biểu tượng trật tự, gồm những chuẩn mực văn hóa và ngôn ngữ của xã hội, ông cho rằng ngôn ngữ gắn bó sâu sắc với tiềm thức và định hình cách những cá nhân kinh nghiệm ham muốn và bản sắc định tính.

[12] [Xem phản hồi đầu tiên trong phần tiếp theo.]

[13] polyhedral shells

[14] [Xem Stewart (1995) để biết một khảo sát phổ biến về vấn đề này. Xem Penrose (1995) để biết những thí dụ tương tự và những vấn đề liên quan xung quanh lý thuyết về não thức]

[15] discrete infinity: discrete (riêng biệt, không liên tục) dùng để chỉ những yếu tố riêng lẻ và tách biệt (như những chữ cái hay những từ). Chúng có thể được kết hợp theo nhiều cách khác nhau để tạo ra vô số cách diễn đạt trong ngôn ngữ. Tính không liên tục vô tận có nghĩa là ngôn ngữ dùng một tập hợp hữu hạn gồm những khối tạo dựng, như những chữ cái và những từ, để tạo ra vô số – một tập hợp vô han – những câu và ý tưởng. Thí dụ, chỉ với 29 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chúng ta có thể tạo thành hàng nghìn từ và với những từ đó, chúng ta có thể tạo ra vô hạn những câu nói khác nhau.

[16] [Xem Hurford (1987) cho một thảo luận về ngôn ngữ và những con số]

[17] [Xem Premack (1986) về những vấn đề này và những vấn đề liên quan; cả Pinker (1995), Chương 11.]

[18] Overlay

[19] [Xem Lieberman (1975) để biết một thảo luận kinh điển ban đầu về những cơ sở tiến hóa của lời nói loài người. Xem Pinker (1995: Chương 11) để xem lại những tài liệu gần đây hơn từ một quan điểm khác].

[20] [Xem Fodor (1975) để biết một phát biểu kinh điển của giả thuyết này.]

language of thought (LOT): Ngôn ngữ của suy nghĩ là một khái niệm lý thuyết cho thấy rằng có một ngôn ngữ tinh thần trong đó suy nghĩ của chúng ta được cấu trúc và thể hiện. Theo lý thuyết này, những tiến trình nhận thức của chúng ta, bao gồm cả suy nghĩ và lý luận, diễn ra bằng ngôn ngữ tinh thần này. Noam Chomsky đã đóng góp vào những thảo luận về bản chất của tư duy và ngôn ngữ, nhưng khái niệm LOT lại gắn liền với triết gia Jerry Fodor hơn. Fodor đề xuất rằng LOT là một hệ thống trí tuệ bẩm sinh gồm những biểu tượng và quy tắc hoạt động tương tự như ngôn ngữ nói, cung cấp phương tiện cho những tiến trình suy nghĩ phức tạp. Công trình của Chomsky về cấu trúc ngôn ngữ và khái niệm ngữ pháp phổ quát phù hợp với ý tưởng rằng có những cấu trúc bẩm sinh trong não giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc dùng ngôn ngữ và có thể cả suy nghĩ, nhưng ông không đặc biệt tập trung vào LOT giống như cách Fodor đã làm. Đóng góp chính của Chomsky là khám phá cách ngôn ngữ và suy nghĩ có thể được kết nối với nhau qua những cấu trúc nhận thức bẩm sinh.

Jerry Fodor (1935-2017): triết gia và nhà khoa học nhận thức người US, được biết đến với công trình nghiên cứu về những tiến trình tinh thần, ngôn ngữ và suy nghĩ. Quyển sách quan trọng của ông, The Language of Thought / Ngôn ngữ của Suy nghĩ (1975), giới thiệu Giả thuyết Ngôn ngữ của Suy nghĩ (the Language of Thought Hypothesis), cho rằng suy nghĩ xảy ra trong một ngôn ngữ tinh thần với cú pháp và ngữ nghĩa riêng của nó. Quyển này được coi là một công trình có ảnh hưởng sâu rộng về khoa học về nhận thức và triết học về não thức.