Thursday, May 28, 2009

Bertrand Russell - Tại Sao Tôi Không là người Kitô?

Tại Sao Tôi Không là người Kitô?
Why I Am Not a Christian

Bertrand Russell (1872-1970)
  








Lời Người Dịch


1.
Tại sao tôi Không là người Kitô (Why I am not a Christian) – được coi như bản văn triết học báng bổ Kitô nhất đã từng viết và phổ biến rộng rãi, điều sau đến từ sức lôi cuốn tự nhiên với những người đọc là những ai đã có kinh nghiệm về tôn giáo lớn và quan trọng này. Sau mở đầu bằng định nghĩa một người theo Kitô chủ yếu là phải có niềm tin vào hai đối tượng: tuyệt đối vào Gót và ít nhiều vào Christ. Russell lần lượt trình bày sự nghi ngờ và phủ nhận của ông, qua luận lý, dựa trên lý trí của khoa học và triết học. Ở phần đầu tiên, Russell phân tích một số những biện chứng luận lý về sự hiện hữu của Gót, trong đó có luận chứng vũ trụ, luận chứng luật thiên nhiên, luận chứng thiết kế và những luận chứng đạo đức. Sang phần thứ hai, ông đi vào phê phán một vài điểm quen thuộc của giáo điều Kitô, cho thấy những thiếu sót ngay từ những lời giảng và tư cách đạo đức của chính bản thân Christ – đặc biệt là sự xác quyết của vị này vào tính vĩnh cửu của trừng phạt và của hỏa ngục, hai vũ khí tinh thần khủng bố con người.

Russell cũng bày tỏ mối hoài nghi về một Jesus lịch sử, nhưng khi đặt câu hỏi để đánh giá lại tính chất đạo đức vẫn được gán cho tôn giáo này, ông dựa trên những thuật kể về nhân vật Jesus tự xưng là Christ trong Tân ước, vì nhân vật này, dù hư hay thực, những người Kitô đã lấy chân dung đó làm khuôn mẫu đạo đức tối cao cho họ. Sau cùng, từ thực tại xã hội, giới hạn trong lĩnh vực đạo đức, ông lên án tổ chức thế tục của tôn giáo này: “Tôi nói – với tất cả thận trọng rằng – đạo Kitô, như tổ chức giáo hội, đã từng và vẫn còn, là thù nghịch chính của các tiến bộ đạo đức trên toàn thế giới”.


2.
Chúng ta đều biết Bertrand Russell là một nhà lôgích và một triết gia lỗi lạc. Why I Am Not a Christian, cũng là tên gọi chung của một tuyển tập gồm những bài viết về tôn giáo của ông, Bài  luận văn này – Tại sao tôi không là người Kitô chủ yếu là một lý luận chứng minh bản chất lừa dối và độc hại của tin tưởng tôn giáo và của các hoạt động hội nhà thờ. Tính chất lừa dối và độc hại này được Russell trình bày với những lập luận và bằng chứng không thể chối cãi, không thể đưa ra lập luận hoài nghi, hay phản bác được. Bài văn có cấu trúc lôgích đơn giản, chặt chẽ:  Ông nêu hai tiền đềvà đưa ra kết luận thuận lý và vững chắc từ hai tiền đề đó:  

Tiền đề 1              Gót không có thực; những chứng minh Gót hiện hữu đều không đứng vững 
Tiền đề 2              Christ không là người khôn ngoan nhất, cũng không là người đạo đức nhất 
Kết luận               đạo Kitô là một sai lầm, lừa dối và tai hại – nên tôi không là người Kitô

Nếu có thể tóm tắt kết luận chính yếu Russell đem cho chúng ta, là như sau: con người có tín ngưỡng, theo tôn giáo, và đặc biệt tin tưởng vào Gót – hoàn toàn đến từ tình cảm hơn là lý trí. Tình cảm chủ yếu đó, Russell chỉ ra là sự sợ hãi. Thế nên, đoạn cuối, ông khuyến khích chúng ta hãy là những người tự do, đừng để đời sống và tư tưởng bị nô lệ vì sợ hãi, hãy nhìn thẳng vào thế giới quanh mình, sống với nó, vui với nó, cam chịu với nó, hay như vẫn nóichìm nổi với đời này, đừng nhìn đâu khác, đừng trông mong đời khác, thần linh khác, đừng vì những không chắc thực mà bỏ mất những gì chắc chắn thực:

Chúng ta muốn đứng thẳng, vững chãi trên chính hai chân mình, tự lập với tất cả những gì cần để sống, không phải nhờ bất cứ ai khác, nhìn thế giới với con mắt ngay thực và công bằng – những sự kiện tốt, những sự kiện xấu, những cái đẹp đẽ, và những cái không-đẹp-đẽ của nó; nhìn thế giới như nó-thực-là, và đừng sợ nó. Chinh phục thế giới bằng trí tuệ thông minh và đừng chỉ đơn thuần để sự khiếp hãi từ nó đến làm mình bị khuất phục nô lệ. Toàn thể khái niệm về Gót là một khái niệm bắt nguồn từ những thể chế chuyên quyền cổ hủ của vùng Cận Đông. Nó là một khái niệm hoàn toàn đáng khinh, không xứng với con người tự do”.

3.
Ra đời đã gần một trăm năm, thông điệp của bản văn vẫn không mất chút thời gian tính nào, và đang được làm sống lại mạnh mẽ, sôi động, hùng hồn, và được tiếp nhận sâu rộng hơn, với những khuôn mặt mới nhưng sớm quen thuộc với độc giả của thế giới văn hóa Anh ngữ hiện nay, tạm kể những giọng đang cao, tiếng đang lớn, và đang chuyển động dư luận: Richard Dawkins, Daniel Dennett, Sam Harris, và Christopher Hitchens. Tôn giáo, đặc biệt là ba tôn giáo tin-chỉ-một-gót ở phương Tây, vẫn là đề tài thời sự nỏng bỏng của ngày nay, vì chúng đã không  chìm vào bóng tối như đã tưởng, nhưng vẫn không ngừng là những động lực mạnh mẽ đi ngược, cản trở những tiến bộ là thành tựu của lý trí con người, đặc biệt tại Âu Mỹ, trong các lĩnh vực đạo đức, xã hội, giáo dục và khoa học, (và những tác hại trực tiếp của chúng vào xã hội những nước hậu thực dân ở Á Phi).  Vũ khí tinh thần của những người dẫn đầu vận động Tân Vô thần (New-Atheism) này đem xử dụng, vẫn có thể gặp thấy trong Why I am not a Christian của Russell.

Tại sao tôi Không là người Kitô là bạn gối đầu giường của rất nhiều người, nhiều thế hệ. Giọng văn có nhiều chỗ hóm hỉnh và pha chút bông đùa, nhưng trước sau là sự chân thành chia xẻ kinh nghiệm cá nhân, mong đánh thức người nghe; ông hướng chúng ta đến suy tưởng sâu xa, hơn là những xúc động phẫn khích nhất thời, dù người nghe có đồng ý hay không với dòng suy nghĩ của ông về đạo Kitô, điển hình của loại tôn giáo tin-chỉ-một Gót; nên bài nói chuyện này cũng là một bản văn triết học kinh điển cô đọng, nghiêm chỉnh đặt những vấn đề trọng đại, nêu những vấn nạn tri thức rất nổi tiếng. Russell thực sự chỉ tiếp tục một truyền thống không-tin-có-gót vốn có sẵn của triết học phương Tây, trước khi có tôn giáo loại như Kitô, từ cổ thời  Hylạp, trong Epicurus, Lucretius, đến những khuôn mặt lớn của hai thế kỷ vừa qua: David Hume, Friedrich Nietzsche, Emile Durkheim, Sigmund Freud, Karl Marx. Why I am not a Christian đã thách thức bản chất tôn giáo, nội dung tin tưởng và nền tảng thần học của đạo Kitô. Riêng Why I am not a Christian, rất ngắn, rất gọn, không dày đặc ngôn từ triết học, chỉ bằng điềm đạm lôgích của những người mà ông gọi chung là những nhà tự do tư tưởng (Freethinkers), nhưng sức công phá của nó vẫn mãnh liệt không ngừng từ đó.

Ông phá mở những cánh cửa mà sau đó không thể nào đóng lại để tiếp tục che dấu, như trước nữa. Nhờ đó, rất nhiều người đã bỏ đi ra, và ắt phải đã có đông đảo hơn nhiều, những người có dịp bước ngang qua, nhưng đã không đi vào.

Không tìm thấy một bản Việt ngữ; tôi tạm dịch bài này – gửi những người lặng lẽ đi ra và những người vô danh không-đi-vào đó.

Những người Việt, những nạn nhân sống sót của thực dân tín ngưỡng, và xâm lăng văn hóa đến từ phương Tây.

Lê Dọn Bàn
(Jun/2009)

Friday, May 22, 2009

Bertrand Russell - Có Gót Hay Không?

Có Gót Hay Không?
Is there a God?
Bertrand Russell (1872-1970)







Lời Người Dịch

Russell là tên tuổi lừng lẫy của triết học phương Tây, từ thế kỷ vừa qua cho đến nay, tiếng nói của ông được nhiều người trên thế giới, nhiều thế hệ liên tục đông đảo đón nhận và lắng nghe. Riêng ở ngoài giới học thuật, ông rất nổi tiếng qua những bài viết ngắn trình bày quan điểm của mình về xã hội, chính trị và nhất là về tôn giáo – phê bình Kitô giáo độc thần, thuộc loại tín ngưỡng tin-chỉ-một-gót. Đây là một quan tâm đặc biệt từ thuở còn nhỏ tuổi. Sau khi đọc tự truyện của John Stuart Mill, ông mất lòng tin vào Gót. Trước đó, ông cho luận chứng về Nguyên Nhân Đầu Tiên đủ chứng minh sự hiện hữu của một Gót, nhưng Mill viết, có thân phụ dạy rằng nếu bảo Gót là nguyên nhân vũ trụ thì liền lập tức có câu hỏi – thế cái gì là nguyên nhân của Gót ? – nổi lên ngay. Bởi vì nếu tất cả mọi vật đều có nguyên nhân sao Gót lại không? Chuyếnh choáng vì “khám phá” này, lúc 18 tuổi ông vào Cambridge, và sung sướng làm sao, ông kể lại – khi biết rằng đa số mọi người quanh ông đều nghĩ như thế.