Sunday, December 11, 2016

Harari – Homo Deus: một Lịch sử Ngắn gọn của Ngày mai (04)

Người-gót: một Lịch sử Ngắn gọn của Ngày mai
Homo Deus: A Brief History of Tomorrow

Yuval Noah Harari








Một lịch sử Ngắn gọn của những Sân cỏ

Nếu lịch sử không tuân theo bất kỳ những quy luật bền vững nào, và nếu chúng ta không thể tiên đoán giòng chảy tương lai của nó, tại sao nghiên cứu nó? Thường thường có vẻ rằng mục đích chính yếu của khoa học là để tiên đoán tương lai – những nhà khí tượng được mong đợi để dự báo thời tiết, liệu ngày mai mưa hay nắng; những nhà kinh tế tất sẽ biết việc giảm giá đồng tiền đang dùng liệu sẽ chuyển hướng hay đưa thẳng vào một khủng hoảng kinh tế; những y sĩ giỏi thấy trước liệu điều trị dùng hoá học hay dùng phóng xạ, cách nào sẽ thành công hơn trong việc chữa bệnh cancer phổi. Tương tự như vậy, những nhà sử học được yêu cầu khảo sát những việc làm của tổ tiên chúng ta, để chúng ta có thể lập lại những quyết định khôn ngoan của họ, và tránh những sai lầm của họ. Nhưng là điều hầu như không bao giờ làm được thế, vì hiện tại thì thật đúng là rất khác biệt với quá khứ. Nghiên cứu những chiến thuật của Hannibal trong Chiến tranh Punic Thứ hai, như để bắt chước chúng trong Chiến tranh Thế giới thứ Ba, là điều phí thì giờ. Những gì đã làm hay trong những trận chiến kỵ binh, sẽ không tất định là nhiều lợi ích trong chiến tranh cyber.

Dẫu vậy, khoa học thì không chỉ là về tiên đoán tương lai. Những học giả trong mọi lĩnh vực đều thường tìm cách mở rộng tầm nhìn của chúng ta, bằng cách ấy, mở ra trước chúng ta những tương lai mới và chưa biết. Điều này thì đặc biệt đúng với lịch sử. Mặc dù những nhà sử học đôi khi thử nhúng tay họ vào việc tiên tri (với không thành công nào đáng chú ý), nghiên cứu lịch sử, quan trọng nhất, là nhằm mục đích làm chúng ta nhận thấy được những tình thế có thể xảy ra, bình thường chúng ta không lưu ý tới. Những nhà sử học nghiên cứu quá khứ không nhằm để lập lại nó, nhưng để được giải phóng khỏi nó.

Mỗi và mọi chúng ta đều đã được sinh ra trong một thực tại lịch sử có sẵn, được cai quản bởi những chuẩn mực và những giá trị cụ thể, và được quản lý bởi một hệ thống kinh tế và chính trị thuộc chỉ một loại nào đó. Chúng ta nhận lấy thực tại này không hỏi han, nghĩ nó là tự nhiên, là không thể tránh và không thể đổi. Chúng ta quên rằng thế giới của chúng ta đã được tạo ra bởi một chuỗi ngẫu nhiên của những sự kiện, và lịch sử đã định hình không chỉ kỹ thuật, chính trị và xã hội của chúng ta, mà còn những suy nghĩ, những sợ hãi và những giấc mơ của chúng ta. Bàn tay lạnh giá của quá khứ trồi lên từ phần mộ của tổ tiên chúng ta, giữ chặt cổ chúng ta, và chi phối cái nhìn của chúng ta hướng tới chỉ một tương lai duy nhất. Chúng ta đã cảm thấy sự nắm giữ đó từ lúc chúng ta sinh ra, vì vậy chúng ta cho rằng nó là một phần tự nhiên và tất nhiên của sự thể chúng ta là ai. Do đó, chúng ta hiếm khi cố gắng rũ bỏ để chúng ta được tự do, và hình dung những tương lai có thể chọn lựa thay thế.

Nghiên cứu lịch sử nhằm làm nới lỏng sự nắm chặt của quá khứ. Nó cho phép chúng ta quay đầu chúng ta về hướng này hay theo cách kia, và bắt đầu ghi nhận những khả năng, những cơ hội vốn tổ tiên chúng ta đã không thể tưởng tượng được, hoặc không muốn chúng ta tưởng tượng. Bằng cách quan sát những chuỗi ngẫu nhiên của những sự kiện đã dẫn chúng ta đến đây, chúng ta nhận thấy chính những suy nghĩ và những giấc mơ của chúng ta đúng là đã được hình thành như thế nào – và chúng ta có thể bắt đầu để nghĩ và để mơ khác đi. Nghiên cứu lịch sử sẽ không bảo chúng ta lựa chọn những gì, nhưng ít nhất nó cho chúng ta nhiều những điều hơn để lựa chọn.

Những phong trào tìm cách thay đổi thế giới, thường bắt đầu bằng cách viết lại lịch sử, qua đó cho người ta có khả năng để tưởng tượng lại tương lai. Cho dù bạn muốn những công nhân để tiếp tục một tổng đình công, những phụ nữ để giữ quyền làm chủ cơ thể của họ, hay những khối dân ít người bị áp bức để đòi những quyền chính trị – bước đầu tiên là để kể lại lịch sử của họ. Lịch sử mới sẽ giải thích rằng “tình trạng hiện nay của chúng ta thì không tự nhiên, cũng không vĩnh cửu. Một lần trước kia, những sự việc thì đã khác biệt. Chỉ một dây nối những biến cố ngẫu nhiên đã tạo ra thế giới bất công như chúng ta biết ngày nay. Nếu chúng ta hành động một cách khôn ngoan, chúng ta có thể thay đổi thế giới đó, và tạo một thế giới tốt hơn nhiều”. Đây là tại sao những người Mácxít kể lại lịch sử của chủ nghĩa Tư bản. Tại sao những nhà tranh đấu cho nam nữ bình quyền nghiên cứu sự hình thành của xã hội phụ hệ; và tại sao người USA gốc Africa kỷ niệm những kinh hoàng của sự buôn bán nô lệ. Mục tiêu của họ không phải là để làm quá khứ sống mãi, nhưng đúng hơn là để được giải phóng khỏi nó.

Những gì thì đúng với những cách mạng xã hội lớn lao, thì cũng đúng như thế ở mức độ rất nhỏ của đời sống hàng ngày. Một cặp vợ chồng trẻ muốn xây một ngôi nhà mới cho họ, có thể yêu cầu kiến trúc sư vẽ một bãi cỏ đẹp ở sân trước. Tại sao một sân cỏ? “Vì những sân cỏ đều đẹp,” đôi vợ chồng này có thể giải thích. Nhưng tại sao họ lại nghĩ như vậy? Điều đó có một lịch sử đằng sau nó.

Những người săn bắn hái lượm thời Đồ Đá đã không trồng cỏ ở lối vào hang động của họ. Không có sân cỏ xanh nào chào đón du khách ngày nay đến Acropolis ở Athens, điện Capitol ở Rome, đền thờ của những người Jew ở Jerusalem, hay Tử Cấm thành ở Beijing. Ý tưởng về nuôi trồng một sân cỏ ở lối vào những nhà tư nhân và những công thự đã ra đời trong những lâu đài của giới quý tộc ở France và England vào cuối thời Trung Cổ. Vào đầu thời mới ngày nay, tập quán này đã đâm sâu rễ, và đã trở thành nhãn hiệu của quyền quí.

Những sân cỏ được gìn giữ cẩn thận đã chiếm nhiều đất và đòi rất nhiều công việc chăm sóc, đặc biệt là trong thời trước khi có những máy cắt cỏ và những vòi tưới nước tự động. Để đổi lại, chúng không sản xuất gì giá trị. Bạn thậm chí không thể thả gia súc trên những sân cỏ này, vì chúng sẽ ăn và dẫm chết cỏ. Những nông dân nghèo không đủ khả năng để phí phạm đất quí, hay tốn thì giờ vào những sân cỏ. Những sân cỏ cắn xén gọn gàng ở lối vào những lâu đài tương ứng với một biểu tượng của địa vị xã hội không ai có thể mạo nhận. Nó thẳng thừng tuyên bố với mọi người đi qua: “Tôi rất giàu và quyền thế, và tôi có đất nhiều hàng mẫu và nhiều nông nô, nên tôi có thừa điều kiện để tạo cảnh trí xanh kỳ diệu này.” Sân cỏ càng lớn và càng gọn gàng, giòng dõi càng quyền thế hơn. Nếu bạn đến thăm một công tước và thấy sân cỏ của ông xấu dạng, bạn biết ông đang lúc khó khăn.[1]

Những sân cỏ kiểu cách đẹp đẽ thường là khung cảnh cho những lễ hội ăn mừng và những trình diễn công cộng quan trọng, và trong tất cả những thời điểm khác thì cấm lai vãng. Cho đến nay, trong số không đếm được của những cung điện, những toà nhà chính phủ và những không gian công cộng, có một dấu hiệu nghiêm khắc ra lệnh cho mọi người “Tránh khỏi sân cỏ”. Trong trường đại học Oxford của tôi trước đây, toàn bộ khu nhà vây quanh vuông vức, ở giữa đã thành hình một sân cỏ rất rộng và đẹp, trên sân đó chúng tôi đã được phép đi bộ hoặc ngồi, mỗi năm chỉ một ngày. Vào bất cứ ngày nào khác, khốn cho sinh viên không may nào lỡ dẫm chân lên thảm cỏ thiêng liêng!

Những cung điện và lâu đài vương hầu đã biến sân cỏ thành một biểu tượng của uy quyền. Cuối thời vừa qua, sau khi những ngôi vua bị lật đổ và những quận công phải lên máy chém, những tổng thống và thủ tướng mới đều giữ lại những sân cỏ. Những toà nhà quốc hội, tòa án tối cao, nhà ở của tổng thống và những công thự khác, đã thêm công bố quyền lực của chúng trong những hàng tiếp hàng cỏ cắt gọn ghẽ dài song song. Đồng thời, những sân cỏ đã chinh phục thế giới thể thao. Trong hàng nghìn năm, con người đã chơi trên hầu hết tất cả mọi loại nền đất có thể mường tượng được, từ băng tuyết đến sa mạc. Tuy nhiên, trong hai trăm năm qua, những môn chơi thể thao thực quan trọng – chẳng hạn như bóng đá và quần vợt – đều đã chơi trên sân cỏ. Dĩ nhiên, miễn là bạn có tiền. Trong những favelas [2] của Rio de Janeiro, những thế hệ bóng đá tương lai của Brazil đang đá những quả bóng ‘cây nhà lá vườn’ trên cát và bụi bẩn. Nhưng trong những ngoại ô giàu có, những đứa con của giới giàu có cũng đang thích thú đá bóng trên những sân cỏ được chăm sóc tỉ mỉ.

Thế đó, con người đã đi đến nhận mặt những sân cỏ với quyền lực chính trị, địa vị xã hội và giàu có kinh tế. Không phải lấy làm lạ rằng trong thế kỷ XIX, giai cấp tư sản thành thị đang lên đã nhiệt tình đón nhận sân cỏ. Lúc đầu, chỉ những giám đốc nhà băng, luật sư và những nhà kỹ nghệ mới có đủ khả năng với xa xỉ như vậy ở những nhà riêng của họ. Tuy nhiên, khi cuộc Cách mạng Kỹ nghệ đã mở rộng tầng lớp trung lưu và đã tạo nhân cho máy cắt cỏ xuất hiện, và sau đó, máy phun nước tự động, hàng triệu gia đình đột nhiên có thể đủ khả năng có một sân cỏ ở nhà riêng. Ở những vùng ngoại ô các thành phố USA, một sân cỏ tinh tươm xanh tươi mát mắt đã chuyển từ sự sang trọng của một người giàu có sang thành một sự cần thiết của lớp trung lưu.

Đây đã là một ‘lễ nghi’ mới thêm vào ‘nghi thức thờ phượng’ của những dân ngoại ô. Sau lễ nhà thờ sáng Chủ nhật, nhiều người tận tụy dành thì giờ cho sân cỏ của họ. Đi bộ dọc theo những đường phố, bạn có thể nhanh chóng xác định sự giàu có và địa vị của mỗi gia đình, qua kích thước và phẩm chất sân cỏ của họ. Không có dấu hiệu chắc chắn nào hơn đám cỏ thiếu chăm sóc ở sân trước, rằng một gì đó không bình thường đã xảy ra với nhà họ Jones,. Ngày nay, cỏ được trồng rộng rãi nhất, nhiều chỉ sau bắp và lúa mì, và những ngành công nghiệp cỏ (nuôi trồng, phân bón, máy cắt, vòi phun nước, người làm vườn) chiếm hàng tỉ đô la mỗi năm. [3]



Những sân cỏ của Château de Chambord, trong thung lũng sông Loire. Vua François I xây dựng nó vào đầu thế kỷ XVI. Đây là nơi mà tất cả đã bắt đầu.





Thiên đường Tiểu-tư sản.





Những sân cỏ đã không còn chỉ là một say mê của Europe hoặc USA. Ngay cả những người chưa bao giờ đến thăm thung lũng Loire, cũng đã thấy tổng thống USA đọc diễn văn trên sân cỏ Nhà Trắng, những trận đá bóng quan trọng diễn ra trên những sân vận động màu xanh, và cha con nhân vật Homer và Bart Simpson (trên tivi) cãi nhau về đến lượt ai phải cắt cỏ nhà họ. Những người trên toàn thế giới liên kết những sân cỏ với quyền lực, tiền bạc và uy tín. Do đó, những sân cỏ đã lan xa và rộng, và bây giở bắt đầu chinh phục mạnh mẽ ngay cả vùng trung tâm của thế giới Islam. Bảo tàng Nghệ thuật Islam của Qatar mới xây, hai bên có những sân cỏ tuyệt đẹp, gợi nhớ về Versailles của Louis XIV nhiều hơn về Baghdad của Haroun al-Rashid. Chúng được một công ty USA vẽ kiểu và xây dựng, và hơn 100.000 mét vuông chúng dành cho cỏ – ở giữa sa mạc Arab – đòi hỏi một lượng kỳ diệu của nước ngọt mỗi ngày để giữ màu xanh lá cỏ. Trong khi đó, trong những ngoại ô Doha và Dubai, những gia đình trung lưu tự hào về sân cỏ của họ. Nếu nó không phải là những áo choàng trắng và hijabs đen, bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng bạn đang ở trong vùng Trung Tây USA hơn là Trung Đông.

Sau khi đọc lịch sử ngắn này của sân cỏ, bây giờ khi bạn đi đến sửa soạn kiểu mẫu cho ngôi nhà mơ ước của bạn, bạn có thể nghĩ kỹ hơn về việc có một sân cỏ ở trước nhà hay không. Bạn dĩ nhiên vẫn đang có tự do để làm điều đó. Nhưng bạn cũng có tự do rũ sạch khỏi những hành lý văn hóa do những công tước Europe, thế lực tư bản và những nhân vật như gia đình Simpsons đã để lại cho bạn – và tưởng tượng cho bạn một ‘vườn đá’ kiểu Japan, hoặc một sáng kiến hoàn toàn mới. Đây là lý do hay nhất để tìm hiểu lịch sử: không phải để tiên đoán tương lai, nhưng để giải phóng chính mình khỏi quá khứ, và hình dung những số phận thay thế. Dĩ nhiên đây không phải là tự do hoàn toàn – không thể tránh khỏi được quá khứ hình thành chúng ta. Nhưng một vài tự do thì tốt hơn không.


Một khẩu súng trong màn I của vở kịch

Tất cả những tiên đoán rải rác trong tập sách này đều là không gì  hơn một nỗ lực để thảo luận về những đilemma hiện tại, và một mời gọi để thay đổi tương lai. Tiên đoán rằng loài người sẽ cố gắng để đạt được sự không chết, hạnh phúc và tính gót là giống như tiên đoán rằng những người xây dựng một ngôi nhà sẽ muốn một bãi cỏ ở sân trước của họ. Nghe có vẻ rất có thể sẽ xảy ra. Nhưng một khi bạn nói nó ra cho người khác nghe, bạn có thể bắt đầu để suy nghĩ về những lựa chọn thay thế.

Mọi người đều giật mình sửng sốt bởi những giấc mơ về không chết và tính gót, không phải vì chúng nghe quá xa lạ và khó có thể xảy ra, nhưng vì điều là không thông thường để bộc trực nói huỵch toẹt như vậy. Tuy nhiên, khi họ bắt đầu nghĩ về nó, hầu hết mọi người nhận ra rằng nó thực sự rất có lý. Bất kể những kiêu hãnh về tiến bộ kỹ thuật của những giấc mơ này, nhưng về mặt hệ ý thức chúng là những chuyện xưa. Vì  300 năm qua, thế giới đã dưới thống trị của chủ nghĩa nhân bản [4], nó cho rằng sự sống, hạnh phúc và sức mạnh của Homo sapiens mới là thần thánh, thiêng liêng. Nỗ lực để đạt được sự không chết, hạnh phúc và tính gót chỉ đơn thuần là đem những lý tưởng nhân bản đã có lâu đời đi đến kết luận lôgích của chúng. Nó mở ra, đặt  trên bàn những gì chúng ta dấu kín dưới khăn ăn của chúng ta đã một thời gian dài.

Tuy nhiên, bây giờ tôi muốn đặt một gì đó khác trên bàn: một khẩu súng. Một khẩu súng xuất hiện trong màn I, để bắn trong màn III của vở kịch. Những chương sau thảo luận về chủ nghĩa nhân bản – sự sùng mộ thờ phụng loài người – đã chinh phục thế giới như thế nào. Tuy nhiên, sự nổi lên của chủ nghĩa nhân bản cũng chứa những hạt giống của sự sụp đổ của nó. Trong khi những nỗ lực để nâng cấp con người vào thành những gót đem chủ nghĩa nhân bản đã đi đến kết luận lôgích của nó, nó đồng thời cho thấy nhiều lỗ hổng vốn chủ nghĩa nhân bản đã thừa kế. Nếu bạn bắt đầu với một lý tưởng sai lầm, bạn thường nhận ra những thiếu xót của nó chỉ khi lý tưởng đi gần đến hiện thực.

Chúng ta đã có thể thấy tiến trình này hoạt động trong những khu bệnh viện dành trị những bệnh già. Do một tin tưởng kiên quyết nhân bản, ‘không khoan nhượng’ vào sự thiêng liêng của sự sống con người, chúng ta giữ sống những người già cho đến khi họ đi đến một tình trạng đáng thương mà chúng ta buộc phải hỏi: “Những gì rất thiêng liêng ở đây thì thực sự là gì?” Do cùng một tín ngưỡng nhân bản tương tự, trong thế kỷ XX, chúng ta có thể sẽ đẩy loài người như một toàn thể vượt quá giới hạn của nó. Cùng những công nghệ tương tự vốn có thể nâng cấp con người vào thành những gót, cũng có thể làm con người thành không đáng kể. Lấy thí dụ, những computer đủ mạnh để hiểu và khắc phục những cơ chế của tiến trình thành-già và đến cái chết, có lẽ sẽ cũng đủ mạnh mẽ để thay thế con người trong một bất kỳ và tất cả những nhiệm vụ của họ.

Do đó agenda thực sự trong thế kỷ XXI sẽ là phức tạp hơn rất nhiều so với những gì chương sách mở đầu dài này đã gợi ý. Hiện nay, có vẻ rằng sự không chết, hạnh phúc và tính gót chiếm vị trí hàng đầu trong agenda của chúng ta. Nhưng một khi chúng ta đến gần hơn để đạt được những mục tiêu này, những biến động kết quả là có khả năng làm chúng ta chệch hướng đến những điểm đến hoàn toàn khác biệt. Tương lai được mô tả trong chương này chỉ đơn thuần là tương lai của quá khứ – tức là tương lai dựa trên những ý tưởng và hy vọng thống trị thế giới trong 300 năm qua. Tương lai thực – tức là tương lai sinh ra từ những ý tưởng và hy vọng mới của thế kỷ XXI – có thể là hoàn toàn khác biệt.

Để hiểu được tất cả điều này chúng ta cần phải quay trở lại và xem xét Homo sapiens thực sự là ai, làm thế nào chủ nghĩa nhân bản đã trở thành tôn giáo chiếm ưu thế trên thế giới, và tại sao cố gắng để thực hiện giấc mơ của những người theo chủ nghĩa nhân bản có thể gây ra sự tan rã của nó. Đây là xếp đặt cơ bản của tập sách.

Phần đầu của tập sách xem xét quan hệ giữa Homo sapiens và những động vật khác, trong một nỗ lực để hiểu những gì đã làm cho loài người chúng ta thành đặc biệt. Một số độc giả có thể tự hỏi tại sao những động vật nhận được rất nhiều chú ý trong một cuốn sách về tương lai. Theo quan điểm của tôi, bạn không thể có một thảo luận chân thực cẩn thận và đầy đủ về bản chất và tương lai của loài người mà không bắt đầu với những động vật vẫn sống bên chúng ta. Homo sapiens làm hết sức mình để quên thực tại, nhưng nó là một con vật. Và nó là quan trọng gấp bội để nhớ về nguồn gốc của chúng ta ở một thời điểm khi chúng ta tìm cách biến mình thành những gót. Không điều tra về tương lai thần thánh nào của chúng ta có thể bỏ qua quá khứ động vật của chính chúng ta, hay quan hệ của chúng ta với những động vật khác – vì quan hệ giữa người và động vật là mô hình tốt nhất chúng ta có được về quan hệ tương lai giữa những người-vượt-người và con người. Bạn muốn biết những cyborgs cực kỳ thông minh có thể sẽ đối xử với con người bằng xương thịt bình thường như thế nào? Nên bắt đầu bằng nghiên cứu cách thức con người đối xử với những họ hàng động vật kém thông minh hơn của họ. Nó không phải là một so sánh tương tự hoàn hảo, dĩ nhiên, nhưng nó là mẫu hình tốt nhất chúng ta có thể thực sự quan sát thay vì chỉ tưởng tượng.

Dựa trên những kết luận của phần đầu, phần thứ hai của cuốn sách xem xét thế giới lạ lùng bất thườngmà Homo sapiens đã tạo ra trong nghìn năm vừa qua, và con đường đưa chúng ta đến ngã rẽ hiện tại của chúng ta. Homo sapiens đã đi đến tin vào tín ngưỡng nhân bản, theo đó vũ trụ xoay quanh con người và con người là nguồn gốc của tất cả những ý nghĩa và thẩm quyền như thế nào? Những tác động kinh tế, xã hội và chính trị của tín ngưỡng này là gì? Nó đã định hình đời sống hàng ngày của chúng ta, nghệ thuật của chúng ta, và hầu hết những ước muốn thầm kín của chúng ta, tất cả như thế nào?

Phần thứ ba và cuối cùng của tập sách quay trở lại đầu thế kỷ XXI. Dựa trên một hiểu biết sâu xa hơn về loài người và về tín ngưỡng nhân bản, nó mô tả tình trạng khó khăn hiện tại của chúng ta và những tương lai có thể có của chúng ta. Tại sao những cố gắng để hoàn thành chủ nghĩa nhân bản có thể kết quả là sự sụp đổ của nó? Tìm kiếm sự không chết, hạnh phúc và tính gót lay động những nền tảng của tin tưởng của chúng ta vào loài người như thế nào? Những dấu hiệu nào báo trước thảm hoạ tận thế này, và nó ném lại trên những quyết định hàng ngày của mỗi chúng ta như thế nào? Và nếu chủ nghĩa nhân bản thì thực sự bị nguy hiểm, thay thế vào chỗ của nó có thể là gì? Phần này của tập sách không chỉ gồm thuần triết lý, hay dề dà bàn chuyện tương lai. Thay vào đó, nó cẩn thận xem xét chi li những smartphone, thực hành hẹn hò và thị trường tìm việc online của chúng ta,  cho những đầu mối của những sự vật việc sẽ đến.

Đối với những người theo chủ nghĩa nhân bản chân thành, tất cả điều này nghe có vẻ rất bi quan và chán nản thất vọng. Nhưng điều hay nhất là không đi đến những kết luận. Lịch sử đã chứng kiến những thăng trầm của nhiều những tôn giáo, đế quốc và văn hóa. Những biến động như vậy là không nhất thiết là xấu. Chủ nghĩa nhân bản đã thống trị thế giới trong 300 năm, vốn như thế không phải là một thời gian dài. Những pharaoh đã cai trị Egypt trong 3.000 năm, và những vua chiên Kitô thống trị Europe trong một nghìn năm. Nếu bạn nói với một người Egypt trong thời của Ramses II rằng một ngày nào đó những pharaoh sẽ không còn nữa, ông có lẽ đã mất vía kinh ngạc. “Làm thế nào chúng ta có thể sống mà không có một pharaoh? Ai sẽ bảo đảm trật tự, hòa bình và công lý?” Nếu bạn nói với mọi người trong thời Trung cổ rằng trong vòng một vài thế kỷ Gót sẽ chết, họ hẳn đã hoảng hồn kinh hoàng. “Làm thế nào chúng ta có thể sống mà không có Gót? Ai sẽ đem ý nghĩa cho cuộc sống và bảo vệ chúng ta khỏi hỗn loạn?”

Nhìn ngược trở lại, nhiều người nghĩ rằng sự sụp đổ của những pharaoh và cái chết của Gót, cả hai đều là những phát triển tích cực. Có lẽ sự sụp đổ của chủ nghĩa nhân bản cũng sẽ có lợi. Người ta thường sợ sự thay đổi vì họ sợ những gì không biết. Nhưng hằng số độc nhất và lớn nhất của lịch sử là tất cả mọi sự vật việc đều thay đổi.[5]


Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất





[1] [Lionel S. Smith and Mark D. E. Fellowes, ‘Towards a Lawn without Grass: The Journey of the Imperfect Lawn and Its Analogues’, Studies in the History of Gardens & Designed Landscape 33:3 (2013), 158–9; John Dixon Hunt and Peter Willis (eds), The Genius of the Place: The English Landscape Garden 1620–1820, 5th edn (Cambridge, MA: MIT Press, 2000), 1–45; Anne Helmriech, The English Garden and National Identity: The Competing Styles of Garden Design 1870–1914 (Cambridge: Cambridge University Press, 2002), 1–6.]
[2] khu ổ chuột
[3] [Robert J. Lake, ‘Social Class, Etiquette and Behavioral Restraint “in British Lawn Tennis’, International Journal of the History of Sport 28:6 (2011), 876–94; Beatriz Colomina, ‘The Lawn at War: 1941–1961’, in The American Lawn, ed. Georges Teyssot (New York: Princeton Architectural Press, 1999), 135–53; Virginia Scott Jenkins, The Lawn: History of an American Obsession (Washington: Smithsonian Institution, 1994).]
[4] humanism: chủ nghĩa nhân bản (cũng dịch là nhân đạo, hay nhân văn) chủ yếu là quan điểm hay hệ thống tư tưởng tôn thờ con người, xem con người mới là chính yếu quan trọng thay vì những thần thánh, gót hay thế lực siêu nhiên. Những tin tưởng của chủ nghĩa nhân bản nhấn mạnh vào giá trị tiềm năng tốt lành của con người; hành động hướng tới những nhu cầu chung của con người, và tìm chỉ những phương cách hợp lý trí để giải quyết những vấn đề con người. Theo định nghĩa đó, chúng ta thấy từ chủ nghĩa hiện sinh của Sartre, đến chủ nghĩa xã hội của Marx đều là những chủ nghĩa nhân bản trong thế kỷ vừa qua.
[5] Tôi cho in nghiêng, không có sự thay đổi tất không có lịch sử, và đây chính là khái niệm vô thường trong triết học nhà Phật (thực sự không có mãi một chủ thể không đổi - khi nói về những động vật hữu tình, trong đó gồm con ngưởi =vô ngã). Những gì chúng ta gọi là ‘con người’ trước sau vẫn luôn biến đổi, trong lẫn ngoài, sátna này sang sátna kia, trên giòng chảy không ngừng, bám víu lấy từng khoảnh khắc tồn tại, từ những hominid, đến những ape, và đến chúng ta, những Homo-sapiens (xem Sapiens: một Lịch sử Ngắn gọn của loài Người), và con vật người khôn ngoan này, đang đi đến phát triển bộ óc ‘người’ của nó, ở những chặng cuối, những kỹ thuật AI và sinh học di truyền, chúng ta sẽ tự thể hiện những hình ảnh mơ ước từ lâu, vượt những giới hạn của thời gian và không gian, thành những thần, thánh, gót như vẫn kể trong Odyssey, Iliad, Alf laylah wa laylah, sánh Thánh Kitô, Phong Thần, Mahabharata, Ramayana,....
Những ‘chuyện kể’ như nàng Scheherazade đã kể, sẽ tiếp tục, .....