Thursday, September 8, 2016

Plato – Protagoras (4)


Protagoras
(Πρωταγόρας)

Plato (Πλάτων, Plátōn, 428/427– 348/347 TCN)






[328d]
Protagoras kết thúc biểu diễn điêu luyện của ông ở đây và đã ngưng nói. Tôi đã mê mẩn và chỉ (biết) nhìn ông một đỗi lâu như thể ông sẽ còn nói thêm. Tôi vẫn còn náo nức để lắng nghe, nhưng khi tôi trông thấy rằng ông đã ngừng thực sự, tôi đã tự chấn tĩnh, nhìn Hippocrates, và đã chỉ vừa đủ gượng để nói: “Người con của Apollodorus, tôi thật biết ơn bạn biết bao, vì đề nghị của bạn rằng tôi hãy đến đây. Thật là tuyệt vời để được nghe từ Protagoras những gì tôi đã vừa nghe. Trước đây, tôi đã từng nghĩ là không có sự thực hành nào của con người về ứng xử qua đó sự tốt lành trở nên (điều) tốt lành, nhưng bây giờ tôi được thuyết phục rằng có [1], chỉ trừ một chướng ngại nhỏ vốn Protagoras rồi sẽ giải thích để gạt đi, tôi chắc chắn thế, vì ông đã giải thích để gạt đi quá nhiều rồi. Bây giờ, bạn có thể nghe một bài nói chuyện tương tự như thế này từ Pericles, hay từ một vài nhà hùng biện thành thạo khác, nếu bạn xảy ra có mặt khi một ai trong số họ đang nói về đề tài này.
Nhưng hãy cố hỏi một người trong số họ một gì đó, và họ sẽ như một cuốn sách, họ sẽ không có khả năng để trả lời câu hỏi của bạn, hay để hỏi một câu hỏi của riêng họ. Đặt câu hỏi điều nhỏ nhặt nhất trong những bài nói chuyện của họ và họ sẽ cứ tiếp tục giống như những chiếc bát bằng đồng, chúng cứ ngân vang mãi một thời gian dài sau khi chúng bị va vào, và kéo dài âm thanh vô thời hạn, trừ khi bạn hãm chúng lại. Đó là cách của những nhà hùng biện này: Hỏi họ một câu hỏi nhỏ và họ chạy biến đi trong một bài nói chuyện dài. Nhưng Protagoras ở đây, trong khi hoàn toàn có khả năng đem cho một bài nói chuyện dài hay đẹp, như chúng ta đã vừa thấy, thì cũng có khả năng để trả lời ngắn gọn khi được hỏi, và (cũng có khả năng để) đặt một câu hỏi, và sau đó chờ (trả lời) và chấp nhận câu trả lời – những thành tựu này hiếm có.

“Vậy bây giờ, Protagoras, tôi cần một điều nhỏ, và sau đó tôi sẽ có được tất cả, nếu bạn sẽ trả lời chỉ điều này cho tôi. Bạn nói rằng sự xuất sắc thì có thể dạy được, và nếu có bất kỳ một con người nào là người có thể thuyết phục tôi về điều này, đó là bạn. Nhưng có một điều bạn đã nói khiến tôi phân vân, và có lẽ bạn có thể thỏa mãn nghĩ ngợi của tôi. Bạn nói rằng Zeus đã gửi công lý và một ý thức về hổ thẹn cho loài người. Bạn cũng đã cho biết, ở nhiều điểm trong bài nói chuyện của bạn, rằng công lý và tiết độ [2] và lòng kính tín [3] và tất cả những điều này đều cách nào đó đã cộng chung vào một điều: sự xuất sắc. Có thể nào bạn giải thích điều này lần nữa và chính xác hơn? Có phải sự xuất sắc một điều đơn nhất, với công lý và tiết độ và lòng kính tín là những phần của nó, hay là những điều tôi vừa kể tất cả gọi tên cho một thực thể duy nhất? Đây là những gì vẫn kích thích tò mò của tôi.”

“Đây là một câu hỏi dễ trả lời, Socrates” ông đáp. “Sự xuất sắc là một thực thể đơn nhất, và những điều bạn đang hỏi là những phần của nó.”
“Những phần như trong những phần của một khuôn mặt: miệng, mũi, những mắt và những tai? Hay những phần như trong những phần của vàng, trong đó không có sự khác biệt, trừ về kích thước, giữa những phần hay giữa những phần và toàn thể?”
“Trong nghĩa kể trước, tôi nghĩ thế, Socrates: như những phần của khuôn mặt đối với toàn bộ khuôn mặt.” 

“Vậy nói cho tôi nghe điều này. Có phải một số người có một phần, và có một số (người) có một phần khác, hay theo bạn nhất thiết phải có tất cả những phần nếu bạn có một một phần bất kỳ nào của chúng?”
“Chắc chắn là không, vì nhiều người thì can đảm nhưng bất công, và lại nữa, nhiều người thì công chính nhưng không khôn ngoan.”
“Khi đó, đây cũng là những phần của sự xuất sắc – trí tuệ khôn ngoan và can đảm”
“Tuyệt đối thế, và khôn ngoan là phần lớn nhất.”
“Có phải mỗi chúng thì khác biệt với những một khác?”
“Vâng.”

“Và có phải mỗi một cũng có năng lực hay chức năng đơn nhất, có một không hai, của nó? Trong sự so sánh tương tự với những phần của khuôn mặt, mắt thì không giống như tai, năng lực của nó hay chức năng của nó cũng không phải là giống nhau, và điều này cũng áp dụng cho những phần khác nữa: Chúng thì không giống nhau trong năng lực, hay chức năng, hay trong bất kỳ cách nào khác. Có phải đây là như thế nào với những phần của sự xuất sắc? Có phải chúng không giống lẫn nhau, cả trong bản thân chúng và trong những năng lực hay những chức năng của chúng? Có phải đó là không rõ ràng rằng đây phải là trường hợp xảy ra, nếu sự so sánh tương tự của chúng ta thì hợp lệ?”
“Vâng, nó phải là trường hợp xảy ra, Socrates.”

“Khi đó, không một nào của những phần khác của sự xuất sắc thì giống như kiến thức, hay giống như công lý, hay giống như sự can đảm, hay như sự tiết độ, hay như sự kính tín?”
“Đồng ý.”
“Vậy nào, sau đó, chúng ta hãy cùng nhau xem xét mỗi một của những sự vật việc này thì thuộc loại gì. Đây là một câu hỏi đầu tiên khó trả lời ngay: Có phải công lý là một sự vật việc hay là nó không phải là một sự vật việc? Tôi nghĩ nó là. Thế còn bạn thì sao?” 
“Tôi cũng nghĩ thế.”

“Bước kế tiếp, sau đó: Giả sử một người nào đó hỏi chúng ta, “Protagoras và Socrates, nói cho tôi biết về sự vật việc này bạn vừa mới gọi tên, công lý. Có phải bản thân nó là công chính hay không-công chính?” Trả lời của tôi sẽ rằng nó thì công chính. Phán quyết sau cùng của bạn là gì? Giống như của tôi hay khác?”
“Giống như,”
“Vậy, công lý là loại sự vật việc vốn nó thì công chính. Đó là như thế nào tôi sẽ trả lời người hỏi. Bạn cũng sẽ thế?”
“Vâng.”

“Giả sử người ấy hỏi chúng ta thêm nữa: “Có phải bạn cũng nói rằng có một sự vật việc gọi là sự kính tín?” Chúng ta sẽ nói là chúng ta có nói, đúng không?”
“Đúng vậy.”
“Có phải bạn nói đây cũng là một sự vật việc?” Chúng ta sẽ nói chúng ta có nói, phải không?”
“Điều đó nữa, cũng vậy.”

“Có phải bạn nói rằng sự vật việc này thì bởi bản chất là không-sùng tín hay sùng tín?” Bản thân tôi, tôi tất sẽ khó chịu với câu hỏi này, và sẽ nói, “Hãy im đi, người ơi! Làm thế nào bất cứ gì khác lại có thể là sùng tín nếu sự kính tín tự nó thì không sùng tín?” Thế còn bạn thì sao? “Không phải là bạn sẽ trả lời theo cùng một cách?”
“Chắc chắn rồi.”

“Giả định người ấy hỏi chúng ta tiếp: Vậy thế còn những gì các bạn đã nói một chút trước đây? Có lẽ tôi đã không nghe các bạn cho đúng. Tôi nghĩ rằng hai bạn đã nói rằng những phần của sự xuất sắc đều có liên quan với nhau theo một cách khiến cho không phần nào giống với bất cứ phần nào khác.” Tôi sẽ trả lời, không có gì sai với những gì bạn đã nghe, ngoại trừ việc tôi đã không có nói thế. Protagoras đây đã nói thế,  để trả lời câu hỏi của tôi” Nếu lúc đó người ấy nói, “Có phải ông ấy nói là sự thật, Protagoras? Có phải ông là người nói rằng một phần của sự xuất sắc thì không giống như một phần khác? Có phải đây là chính thức tuyên bố của ông?” Bạn sẽ trả lời người ấy thế nào?”
“Tôi sẽ phải thừa nhận điều đó, Socrates.”

“Vâng, nếu chúng ta chấp nhận điều đó, Protagoras, những gì chúng ta sẽ nói gì nếu người ấy hỏi tiếp, “Không phải lòng kính tín là loại sự việc vốn nó là công chính hay sao, và không phải công lý là loại sự việc vốn nó là sùng tín hay sao? Hay có phải nó là loại sự việc vốn là không-sùng tín? Hay kính tín là loại sự việc vốn nó là không công chính, và do đó không công bằng và công lý thì không-sùng tín?” Chúng ta sẽ nói gì với người ấy? Cá nhân, tôi sẽ trả lời cả hai rằng công lý là kính tín và kính tín là công chính, và tôi sẽ cho cùng một trả lời thay mặt cho bạn (nếu như bạn để cho tôi), rằng công lý là cùng một sự việc như kính tín, hay rất tương tự với nhau, và một cách dứt khoát nhất, rằng công lý là cùng một sự việc như kính tín, và kính tín như công lý. Bạn nghĩ gì? Bạn sẽ phủ quyết câu trả lời này, hay là bạn đồng ý với nó?”

“Nó thì không là một trường hợp tuyệt đối rõ ràng như thế với tôi, Socrates, về phần khiến tôi chấp thuận công lý thì sùng tín, và kính tín thì công chính. Có vẻ là một sự phân biệt tương phản trong việc dàn xếp thứ tự ở chỗ này. Nhưng sự khác biệt là gì? Nếu bạn muốn, chúng ta sẽ để công lý là sùng tín, và kính tín là công chính.”

“Xin đừng làm thế với tôi! Nó không phải là chuyện đây “nếu bạn muốn” hay “nếu bạn đồng ý” mà tôi muốn kiểm nghiệm. Nó là bạn và tôi, tôi muốn đặt trên đường dây thử thách của có hay không, và tôi nghĩ rằng luận chứng sẽ được kiểm nghiệm tốt nhất nếu chúng ta bỏ chữ ‘nếu’ ra ngoài.”

“Tốt, được rồi. Công lý quả là có một vài giống nhau tương tự với kính tín. Bất cứ sự vật việc gì tất cả đều giống tương tự bất cứ sự vật việc gì khác trong một vài cách thức. Có một cách thức nhất định nào đó, trong đó màu trắng tương tự giống với màu đen, và cứng với mềm, và cứ tương tự như vậy cho tất cả những đối nghịch thông thường. Và những sự vật việc chúng ta vừa mới đang bàn đến, vì có những quyền hạn hay những chức năng khác nhau, và không là thuộc cùng những loại của những sự việc – những phần của khuôn mặt – những phần này giống nhau tương tự theo một cách thức nào đó, và chúng đều giống lẫn nhau. Như thế, bằng phương pháp này, bạn có thể chứng minh, nếu bạn muốn, rằng những sự vật việc này, cũng thế, là đều giống lẫn nhau. Nhưng là điều không đúng để gọi những sự việc này gần giống tương tự nhau, vì chúng giống nhau theo một cách nào đó, dẫu nhỏ đến đâu, hay để gọi chúng là không gần giống tương tự, vì có một vài điểm nhỏ của sự không giống nhau.”

Tôi sửng sốt, và nói với ông ta, “Bạn có cân nhắc sự liên hệ giữa công lý và kính tín thực sự chỉ một của một vài đôi chút gần giống tương tự?”

[332a]
“Không đúng hẳn, nhưng cũng không phải như những gì bạn có vẻ đã nghĩ rằng nó là.”
“Tốt, khi đó, có vẻ theo tôi, vì bạn đã bị phiền hà về điều này, chúng ta hãy buông nó đi, và hãy xem xét một điểm khác vốn bạn đã nêu lên. Có phải bạn công nhận rằng có một sự việc loại như là sự điên rồ?”
“Có”
“Và đối nghịch thẳng với nó là sự khôn ngoan?”
“Nó có vẻ như vậy với tôi.”
“Và khi người ta hành động một cách xác đáng không lầm lẫn và đem lại lợi ích, có phải họ xem dường với bạn là hành động có kiềm chế chừng mực, hay ngược lại?”
“Có kềm chế, chừng mực.” [4]
“Sau đó, nó là bằng sự tiết độ khiến họ hành động chừng mực, kiềm chế?”
“Phải là thế.”
“Và những ai là người không hành động một cách xác đáng là hành động một cách ngu ngốc, và những người hành động theo cách này không hành động một cách chừng mực?”
“Tôi đồng ý.”
“Và trái ngược của hành động một cách ngu ngốc là hành động tiết độ, có chừng mực kiềm chế?”
“Vâng.”
“Và hành vi dại dột được thực hiện với sự điên rồ, đúng như hành vi chừng mực kiềm chế được thực hiện với sự tiết độ?”
“Vâng.”
“Và nếu một gì đó được làm với sức mạnh, nó thì được làm một cách mạnh mẽ; nếu được làm với sự yếu đuối, nó được làm một cách yếu ớt?” 
“Tôi đồng ý.”
“Nếu nó được làm với sự nhanh chóng, nó được làm một cách nhanh chóng, và nếu với sự chậm chạp, một cách chậm chạp?”
“Vâng,”
“Như vậy, bất cứ gì được làm theo một cách nào đó thì được làm từ một phẩm chất nào đó nhất định, và bất cứ gì được làm theo cách ngược lại thì được làm từ đối nghịch của nó?”
“Tôi đồng ý.”
“Vậy, chúng ta hãy đi tiếp. Có chăng một điều như là sự đẹp đẽ?”
“Vâng.”
“Có chăng một bất kỳ đối nghịch nào với nó, ngoại trừ sự xấu xí?”
“Không có.”
“Có chăng một sự việc loại như là sự tốt lành?”
“Có.”
“Có bất cứ đối nghịch nào với nó, ngoại trừ sự xấu xa?”
“Không có.”
“Có chăng một điều như một thanh điệu chói tai?”
“Có.”
“Có bất cứ đối nghịch nào với nó ngoại trừ một thanh điệu sâu trầm?”
“Không, không có.”
“Như thế, với mỗi điều có thể có một đối nghịch, có chỉ một đối nghịch, không có nhiều?”
“Tôi đồng ý.”

“Giả sử bây giờ chúng ta đếm những điểm thỏa thuận của chúng ta xem đến được bao nhiêu. Có phải chúng ta đã đồng ý rằng có một đối nghịch với một điều, và không có hơn?”
“Vâng, chúng ta có thế.”
“Và rằng những gì được làm trong một cách ngược lại là được làm từ những đối nghịch?”
“Vâng.”

“Và chúng ta đã đồng ý rằng những gì được làm một cách ngu ngốc thì được làm trong một cách ngược lại với những gì được làm một cách kiềm chế chừng mực?”
“Chúng ta có thế.”
“Và rằng những gì được làm một cách kiềm chế chừng mực được làm từ sự tiết độ và những gì được làm một cách ngu ngốc được làmện từ sự điên rồ?”
“Đồng ý.”

“Và đó là đúng thực rằng nếu nó được thực hiện một cách ngược lại, nó được thực hiện từ một đối nghịch?”
“Vâng.”
“Và một thì được thực hiện từ sự tiết độ, một khác từ sự điên rồ?”
“Vâng.”
“Trong một cách ngược lại?”
“Vâng.”
“Từ những đối nghịch?”
“Vâng.”
“Khi đó, sự điên rồ là sự đối nghịch của tiết độ?”
“Nó có vẻ như vậy.”

“Tốt, sau đó, bạn có nhớ thỏa thuận trước đó của chúng ta rằng sự điên rồ là đối nghịch của sự khôn ngoan?”
“Có, tôi có nhớ.”
“Và rằng một điều chỉ có một điều đối nghịch?”
“Dĩ nhiên.”

[333a]
“Khi đó, những mệnh đề nào trong những mệnh đề này chúng ta nên loại bỏ, Protagoras? Mệnh đề nói rằng với một điều có chỉ một đối nghịch, hay mệnh đề phát biểu rằng sự khôn ngoan thì khác biệt với sự tiết độ và rằng mỗi chúng là một phần của sự xuất sắc, và rằng cộng thêm với tư cách khác biệt chúng đều là không tương tự giống nhau, cả trong tự thân chúng và trong những năng lực hay những chức năng của chúng, giống đúng như những phần của một khuôn mặt? Mệnh đề nào chúng ta nên loại bỏ? Hai phát biểu đều nghe nghịch tai [5]; chúng không hòa âm, mệnh đề này không thuận hợp với mệnh đề kia. Sao chúng có thể là như thế, nếu có một và chỉ một đối nghịch cho mỗi điều đơn nhất, vốn là sự điên rồ, vốn là một điều đơn nhất, rõ ràng là có hai đối nghịch, khôn ngoan và tiết độ? Không phải đây là sự thể hay sao, Protagoras?”

Ông tán thành, mặc dù rất miễn cưỡng, và tôi tiếp tục:
“Sẽ không phải hay sao rằng thế đó làm khôn ngoan và tiết độ là một điều? Và một chút trước đây, đã thấy như công lý và kính tín gần đã là cùng một điều. Nào, Protagoras, bây giờ chúng ta không thể bỏ cuộc, không trước khi chúng ta đã buộc xong cho chặt những chi tiết còn lỏng lẻo này. Thế nên, có phải một người nào đó là người hành động một cách bất công xem dường có vẻ ôn hòa tiết độ với bạn trong thế đó người ấy hành động một cách bất công?”
“Tôi sẽ là hổ thẹn để nói rằng nó là thế, Socrates, mặc dù nhiều người có nói nó thế ”
“Khi đó, có phải tôi sẽ tự nói với họ, hay với bạn?”
“Nếu bạn thích, tại sao bạn không tranh luận về lập trường của số đông trước đã?”
“Nó không thành khác biệt với tôi, miễn là bạn đem cho những trả lời, cho dù đó là ý kiến riêng của bạn hay không. Tôi quan tâm chính yếu vào việc thử nghiệm luận chứng, mặc dù nó có thể xảy ra cả hai; rằng người hỏi, là chính tôi, và trả lời của tôi, sau rốt đều đưa lên chịu thử nghiệm.” 

Thoạt đầu, Protagoras đã tránh né trả lời thẳng, tuyên bố là luận chứng thì quá khó cho ông để giải quyết, nhưng một lúc sau, ông đã thuận để trả lời.
“Chúng ta hãy bắt đầu lại tất cả, sau đó”, tôi nói, “với câu hỏi này. “Bạn có nghĩ rằng một số người là biết phải trái hợp lý [6] khi họ hành động một cách bất công?”
“Chúng ta hãy chấp thuận thế,” ông nói.

“Và khi nói ‘biết phải trái hợp lý’ bạn có ý nói là ‘có ý thức tốt?”
“Vâng.”
“Và có ý thức tốt có nghĩa là có sự phán đoán tốt trong hành động một cách bất công?”
“Cho thế đi.”
“Cho dù có được kết quả tốt hay không bằng cách hành động một cách bất công?”
“Chỉ khi họ có được kết quả tốt.”
“Có phải bạn đang nói, khi đó, rằng có những sự việc vốn là tốt?”
“Tôi đang nói thế.”
“Những sự việc tốt đẹp này tạo thành những gì là thận lợi cho người ta?”
“Zeus ơi, vâng! Và ngay cả khi chúng không thận lợi với người ta, tôi có thể vẫn gọi chúng là tốt”.

Tôi có thể thấy rằng Protagoras đã thực sự mất bình tĩnh và bây giờ đang gắng gượng, và rằng ông đã hoàn toàn chống lại việc phải trả lời thêm nữa. Theo đó, tôi cẩn thận sửa đổi giọng nói những câu hỏi của tôi.

“Có phải bạn muốn nói những điều không thận lợi cho người ta, Protagoras, hay những những điều không thận lợi dẫu chúng là gì đi nữa? Có phải bạn gọi những điều giống thế là tốt?”

“Tất nhiên là không,” ông nói. “Nhưng tôi biết nhiều điều vốn chúng bất lợi cho con người, những loại thức ăn và thức uống và những thứ thuốc và nhiều những thứ khác, và một số điều vốn chúng là thuận lợi; một số lại không hề thuận lợi gì cho con người nhưng chỉ cho loài ngựa; một số thuận lợi chỉ cho những gia súc; một số chỉ cho loài chó; một số không thuận lợi gì cả cho những động vật trong số này, nhưng thuận lợi cho những thực vật; một số chúng là tốt cho những rễ của một cây, nhưng lại xấu cho những chồi non của nó, chẳng hạn như phân bón, vốn chúng thì tốt nếu rải trên những rễ của bất kỳ cây nào, nhưng hoàn toàn làm chúng hư hại nếu áp dụng trên những cành và những nhánh mới. Hay lấy thí dụ, như dầu ô liu, là cực kỳ xấu cho tất cả những thực vật, và là kẻ thù tệ hại nhất cho lông tóc của tất cả những loài động vật, trừ con người, với tóc của những người mà nó mang lại lợi ích, như nó với phần còn lại của cơ thể của họ. Nhưng sự tốt lành như vậy thì là một điều có nhiều mặt và biến đổi, trong trường hợp của dầu, khiến nó thì tốt cho những phần bên ngoài của cơ thể con người, nhưng rất xấu cho những phần bên trong nó, đó là tại sao những thày thuốc phổ biến cấm những thân chủ ốm đau của họ, không được dùng dầu trong những bữa ăn của họ, chỉ trừ ít nhất là một chút, đủ để xua đuổi một hương vị gây cảm giác không ngon miệng (của mũi ngửi) của một bữa ăn được dọn sẵn.”

Khi tiếng vỗ tay cho bài nói này của Protagoras đã lắng xuống, tôi nói, “Protagoras, tôi có khuynh hướng là một người thuộc loại hay quên, và nếu có ai đó nói thật dài với tôi, tôi có khuynh hướng quên đề tài của bài nói. Bây giờ, nếu xảy ra tôi đã bị lãng tai khó nghe và bạn sẽ trò chuyện với tôi, bạn tất nghĩ rằng bạn đã nên nói với tôi to hơn với những người khác. Cùng một lối như thế, bây giờ mà bạn đã rơi vào trúng một người hay quên, bạn sẽ phải cắt ngắn những trả lời của bạn nếu như để tôi theo kịp bạn.”

“Bạn ra lệnh cho tôi làm ngắn những trả lời của tôi như thế nào? Ngắn hơn mức cần thiết?”
“Hoàn toàn không phải thế”
“Dài đến như mức cần thiết?”
“Vâng.”
“Khi đó, tôi sẽ trả lời dài như tôi nghĩ là cần thiết, hay dài như bạn nghĩ là cần thiết?”

[335a]
“Tốt lắm, tuy nhiên tôi đã nghe nói, khi bạn hướng dẫn một người nào đó về một đề tài nhất định, rằng bạn có khả năng để nói thật dài, nếu bạn chọn thế, và không bao giờ lệch ngoài đề tài, hay để nói thật ngắn đến nỗi không ai có thể ngắn hơn được. Vì vậy, nếu bạn sắp nói chuyện với tôi, xin vui lòng dùng hình thức diễn tả kể sau, sự ngắn gọn.”

“Socrates, tôi đã có những tranh luận bằng lời nói với nhiều người, và nếu tôi đã thuận theo yêu cầu của bạn và làm như đối thủ của tôi đòi hỏi, tôi tất sẽ không được nghĩ là vượt trội hơn bất kỳ một ai, và Protagoras cũng sẽ không là một tên tuổi được nhìn nhận giữa những người Hellas.”

Tôi có thể thấy ông đã không thoải mái với những trả lời trước đó của ông, và rằng ông sẽ thôi không còn định tiếp tục để sẵn sàng trả lời trong một thảo luận biện chứng [7], vì vậy tôi coi công việc của tôi với ông là đã dứt, và tôi nói như vậy: “Bạn biết đấy, Protagoras, tôi thì không đích xác hài lòng với chính tôi rằng buổi bàn luận của chúng ta đã không diễn ra theo cách bạn nghĩ nó đáng lẽ nên diễn ra. Nhưng nếu bất cứ khi nào bạn sẵn sàng tổ chức một cuộc bàn luận theo một cách khiến tôi có thể theo được, tôi sẽ tham dự nó với bạn. Mọi người nói về bạn – và bạn nói về chính mình – rằng bạn có khả năng bàn luận những sự vật việc bằng cách nói hoặc dài hay ngắn. Bạn là một người khôn ngoan, dù gì đi nữa. Nhưng tôi không có khả năng để làm được những phát biểu dài đó: Tôi chỉ ước giá mà tôi đã có thể. Đó là trông vào bạn, người có khả năng để làm cả hai, để làm sự nhượng bộ này, như thế khiến cuộc thảo luận có thể có một cơ may. Nhưng vì bạn không sẵn sàng, và tôi có phần bận rộn và không thể nán lại cho những phát biểu kéo dài của bạn – có một vài chỗ tôi phải đi – Bây giờ, tôi sẽ đi đây. Mặc dù tôi chắc chắn rằng để nghe chúng sẽ là điều thú vị hơn.”

Nói xong câu nói của tôi, tôi đã đứng lên để đi, nhưng khi tôi đang đứng dậy, Callias cầm lấy cổ tay tôi với bàn tay phải của ông, và nắm lấy chiếc áo choàng này tôi đang mặc với tay trái của ông. “Chúng tôi sẽ không để bạn đi, Socrates,” ông ta nói. “Những thảo luận của chúng tôi sẽ không như trước nữa, nếu không có bạn, vì vậy xin hãy ở lại đây với chúng tôi, tôi năn nỉ bạn. Không có gì tôi thích nghe hơn là bạn và Protagoras trong tranh luận. Xin hãy cho tất cả chúng tôi một đặc ân.”

Đến lúc này, tôi đã đang đứng thẳng và thực sự làm như thể sắp bỏ đi. Tôi nói, “Người con của Hipponicus, tôi đã luôn luôn ngưỡng phục lòng yêu sự khôn ngoan của bạn, và giờ đây tôi đặc biệt đề cao và quí trọng nó. Tôi sẽ hơn cả sẵn sàng để thỏa mãn bạn, nếu như bạn đã hỏi tôi một gì đó mà có thể làm được với tôi. Như bây giờ, bạn cũng đã có thể yêu cầu tôi để đuổi cho kịp với Crison của thành Himera, người chạy nước rút vô địch, hay để soãi bước sóng đôi, ngang với những người chuyên chạy bộ, người chạy đường dài trọn ngày [8]. Tôi có thể nói gì đây, ngoại trừ rằng tôi muốn điều đó cho chính tôi còn nhiều hơn bạn muốn nó cho tôi, nhưng tôi chỉ đơn giản là không thể sánh bước kịp với những người chạy này, và nếu bạn muốn xem tôi chạy trong cùng cuộc đua với Crison, bạn phải bảo ông ta chậm lại theo với tốc độ của tôi, vì tôi không thể chạy nhanh, nhưng ông ta có thể chạy chậm. Vì vậy, nếu bạn tha thiết một lòng muốn nghe tôi và Protagoras, bạn phải yêu cầu ông hãy trả lời những câu hỏi của tôi bây giờ như ông đã trả lời ở lúc bắt đầu – vắn tắt. Nếu ông không thế, đàm thoại của chúng ta sẽ đi tiếp đến đâu? Với tôi, sự trao đổi qua lại lẫn nhau của một đàm thoại là một gì đó hầu như khá khác biệt với một bài nói với công chúng.”

“Nhưng bạn thấy, Socrates, Protagoras có một điểm có lý khi ông ấy nói rằng ông nên được cho phép, không kém hơn bạn, để tiến hành cuộc thảo luận như ông cho là đúng (với ông).”

Đến đây, Alcibiades đã nhảy vào và nói: “Bạn nói chẳng đâu ra đâu cả, Callias. Socrates thú nhận rằng những phát biểu dài là ngoài khả năng của ông ta, và thừa nhận chịu nhường Protagoras về điểm đó. Nhưng khi đi đến thảo luận theo lối biện chứng và hiểu biết về việc cho đi và lấy lại trong trao đổi lập luận, tôi sẽ ngạc nhiên nếu ông có chịu nhường bất cứ ai. Bây giờ, nếu Protagoras thừa nhận rằng ông ta thì dưới mức thấp hơn Socrates trong biện chứng, như thế sẽ là đủ cho Socrates. Nhưng nếu Protagoras tranh cãi điểm đó, hãy để cho ông ta tham gia vào một đối thoại gồm hỏi-và-đáp và đừng có tuôn ra một bài nói dài mỗi lần ông trả lời, ngăn chặn những vấn đề vì ông không muốn nhận trách nhiệm (trả lời), và cứ tiếp tục dai dẳng cho đến khi hầu hết những người nghe đã quên không nhớ câu hỏi đã là về những gì, mặc dù tôi bảo đảm với các bạn là Socrates sẽ không quên, bất kể ông ta có nói đùa về trí nhớ của ông ta thế nào đi nữa. Thế nên, tôi nghĩ rằng Socrates có một lý lẽ khó cãi lại hơn. Mỗi chúng ta phải làm cho rõ ràng quan điểm của riêng mình.”

Sau Alcibiades đã là Critias, tôi nghĩ thế, người nói tiếp: “Hay lắm, Prodicus và Hippias, có vẻ rằng Callias thì nghiêng nhiều về phe Protagoras, trong khi Alcibiades, như thường lệ, muốn ở phe thắng của một tranh luận gay go. Nhưng không cần có bất kỳ người nào trong chúng ta phải chia phe phái đứng sau hỗ trợ cho Socrates hay cho Protagoras. Thay vào đó, chúng ta nên kết hợp nhau trong việc yêu cầu cả hai đừng sớm phá vỡ buổi họp mặt của chúng ta.”

Prodicus lên tiếng tiếp [9] : “Nói thế hay lắm, Critias. Những ai là người tham dự những thảo luận loại giống như thế này đều cũng phải lắng nghe một cách không thiên vị, nhưng không ngang nhau, với cả hai người đối thoại. Có một sự khác biệt ở đây. Chúng ta phải lắng nghe không nghiêng về bên nào, nhưng không chia sự chú ý của chúng ta ngang như nhau: Với người nói khôn ngoan hơn nên dành nhiều hơn, và với người nói kém hiểu biết hơn nên dành ít hơn. Về phần tôi, tôi nghĩ rằng hai bạn phải nên tranh luận những vấn đề, nhưng loại trừ những tranh thắng. Bạn bè tranh luận với nhau trong thân ái; Tranh luận chỉ nhằm thắng (hơn là nhằm sự thực) là cho những kẻ địch đối đầu nhau. Bằng cách này, cuộc họp của chúng ta sẽ quay sang thành lôi cuốn nhất, với các bạn, những người nói, khi đó chắc chắn sẽ hầu hết nhận được những ý kiến tốt, chứ không phải là những lời khen ngợi, của những chúng tôi là những người nghe các bạn. Vì một ý kiến tốt thì vô tư không bỏ được, gắn chặt trong hồn của những người nghe, nhưng lời khen ngợi thì chỉ quá thường xuyên chỉ là một diễn tả dối trá bằng lời nói. Và sau đó, cũng thế nữa, chúng tôi, những người nghe của các bạn, tất sẽ cổ vũ nhiều nhất, nhưng không thỏa lòng, vì được cổ vũ là để học được một gì đó, để tham dự vào một vài hoạt động trí tuệ, và là một trạng thái tinh thần; nhưng được thỏa lòng thì liên quan với việc ăn uống, hay trải nghiệm một vài vui thú khác trong cơ thể của một người.”

Nhận xét của Prodicus đã được đa số chúng tôi đón nhận nồng nhiệt, và sau đó Hippias [10] , có tiếng là người khôn ngoan, nói: “Thưa quí vị, tôi coi tất cả các bạn có mặt ở đây giống như những người cùng họ hàng, tri kỷ, và đồng bào công dân của cùng thành phố, bởi bản chất nhưng không bởi quy định. Vì giống như là có họ hàng với giống nhau bởi bản chất, nhưng qui định, vốn áp chế loài người, thường ép buộc chúng ta vào với trái bản chất. Vì vậy sẽ là điều đáng xấu hổ để cho chúng ta vốn hiểu được bản chất của sự vật nhưng không – với tư cách như chúng ta là người thông thái nhất của những người Hellas và cùng tụ tập ở đây trong hội trường đích thực của trí tuệ này, trong tòa nhà này lớn nhất và uy nghiêm đáng kính nhất của chính thành phố – lại không, tôi nói, tạo ra một gì đó xứng đáng với tất cả phẩm giá này, nhưng hục hoặc cãi nhau như thể chúng ta là những cặn bã của xã hội. Vì vậy, tôi cầu khẩn và khuyên can các bạn, Protagoras và Socrates, để hòa giải và thỏa hiệp, dưới sự phân xử trọng tài của chúng tôi, như nó đã xảy ra, về một vài cách giải quyết trung dung. Bạn, Socrates, phải đừng nhấn mạnh vào hình thức quá ngắn ngủi chính xác đó của thảo luận nếu nó không phù hợp với Protagoras, nhưng thay vào đó, cho phép những bài phát biểu được hoàn toàn tự do, như thế khiến chúng có thể truyền thông với chúng tôi ấn tượng và thanh lịch hơn. Và bạn, Protagoras, phải đừng thẳng buồm căng gió ra khơi và bỏ đất đứng ở phía sau để biến mất vào Biển của Tu từ học. Cả hai bạn phải lái vào một chiều hướng trung hòa. Vì vậy, đó là những gì các bạn sẽ phải làm, và hãy nhận lời khuyên của tôi và chọn một trọng tài hay người điều phối hay người giám sát là người sẽ theo dõi chiều dài của những bài phát biểu của bạn cho bạn.”

Mọi người ở đó, đều nghĩ đây là một ý kiến hay và đã cho nó sự chấp thuận của họ. Callias nói ông sẽ không để tôi đi, và họ yêu cầu tôi chọn một người điều phối. Tôi nói nó sẽ là điều không hợp thức để chọn một người nào đó làm trọng tài những phát biểu của chúng tôi. “Người được chọn nếu sẽ kém hơn chúng tôi, sẽ là điều không phải để một người kém giám sát người giỏi hơn mình. Nếu người ấy là đồng đẳng của chúng tôi, thế đó cũng là không tốt, vì người ấy sẽ làm cũng tương tự như chúng tôi, và là thừa thãi. Chọn một ai đó là người giỏi hơn của chúng tôi? Tôi thành thật nghĩ rằng các bạn không thể nào chọn được một người nào khôn ngoan hơn Protagoras. Và nếu các bạn chọn một người không phải là người giỏi hơn của ông, nhưng cho rằng người ấy là, khi đó bạn xúc phạm ông. Protagoras thì đúng là không thuộc hạng người không đáng kể mà bạn có thể chỉ định cho hạng người đó một người giám sát. Về phần chính mình, tôi không quan tâm một cách này hay một cách khác. Nhưng các bạn có lòng tha thiết với hội nghị này và với cách tiến hành những thảo luận này, và nếu điều đó sẽ xảy ra, đây là những gì tôi muốn làm. Nếu Protagoras thì không sẵn sàng để trả lời những câu hỏi, hãy để ông ta hỏi chúng, và tôi sẽ trả lời, đồng thời tôi sẽ cố gắng để cho ông thấy tôi nghĩ rằng câu trả lời phải là như thế nào. Khi tôi đã trả lời tất cả những câu hỏi mà ông muốn hỏi, sau đó đến lượt ông là có trách nhiệm với tôi trong cùng một cách. Như thế, nếu ông không có vẻ sẵn sàng và có ý định trả lời những câu hỏi thực sự đã được hỏi, các bạn và tôi sẽ đoàn kết trong việc thôi thúc yêu cầu ông ta, như các bạn đã yêu cầu tôi, đừng làm hỏng hội nghị của chúng ta. Điều này sẽ không đòi hỏi bất kỳ một người giám sát nào, vì tất cả các bạn sẽ cùng nhau giám sát.”

Mọi người đã đều đồng ý đây là điều để làm. Protagoras đã không muốn vướng vào điều đó chút nào, nhưng ông đã phải đồng ý để đặt những câu hỏi, và khi ông đỏi đã đủ, đến phiên để tự mình đáp lại với những trả lời ngắn.

[339a]
Như thế, ông đã bắt đầu đặt những câu hỏi đại loại gì đó như thế này: 


Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất

(Jan/2016)
(còn tiếp ...)

http://chuyendaudau.blogspot.com

http://chuyendaudau.wordpress.com







[1] Câu này, các bản tiếng Anh có khác nhau: (a) bản Taylor: ‘Previously I used to think that there was no technique available to men for making people good; but now I am persuaded that there is.’ Bản Lamb: ‘I used formerly to think that there was no human treatment by which the good were made good, but now I am convinced that there is.’ và bản chính tôi dịch (c) ‘Formerly I used to think there was no human practice by which the good become good, but now I am persuaded that there is,’
Tôi dịch theo quan điểm các học giả vẫn đồng ý là lập trường của Socrates: những xuất sắc trong lĩnh vực đạo đức, hay những đức hạnh, mỗi chúng không là một gì đó như một kiến thức đơn lẻ, hay thuộc loại gồm những hiểu biết chuyên môn riêng rẽ (như những tài khéo kỹ thuật), chúng không thể tất cả đem giảng dạy cho con người được (như dạy môn vẽ tranh, ngành nặn tượng, nghề làm giày dép, ..., hay đặc biệt như ở đây, như những môn học các nhà sophist giảng dạy chúng để kiếm tiền). Đạo đức ở đây hiểu là những gì, chúng ta gọi phân biệt là những phẩm hạnh, có thể xem là những ‘xuất sắc’ thấy trong ứng xử của con người với lẫn nhau, đều được mọi người trong xã hội cho là nên có trong đời sống cộng đồng, được xem là đáng mong ước trong mỗi công dân, và chúng được thể hiện trong tương quan giữa người và người; một thứ ‘nghệ thuật sống’ thấy trong những ứng xử thực hành, tất cả nhắm đến một mức độ nào đó về hợp lý, tốt đẹp, tiết độ, và như thế cũng thuận ý thần linh (kính tín).    
[2] sôphrosunê: sự tiết độ, thường dịch từ Greek sang tiếng Anh là: ‘temperance’ (như ở đây, nhưng cũng có khi là ‘moderation’ hay ‘control of self’, sôphrosunê là một khái niệm Greek cổ về một lý tưởng gồm sự xuất sắc của nhân cách và lành mạnh của tâm trí, kết hợp trong một cá nhân quân bằng, biểu hiện thành những đức tính như điều độ, chừng mực, thận trọng, và tự kiểm soát. [Từ Greek là ‘sôphrosunê:. Trong Plato, sôphrosunê là một sự xuất sắc phức tạp, gồm tự kiềm chế, tiết độ trong ăn uống, có ý thức về phải trái và tự biết mình]
[3] piety: lòng/sự kính tín (piety < Latin: pietās). Có hai nội dung chính: (a) Sự hết lòng và tôn kính trong tôn giáo, biểu hiện bằng lòng mộ đạo và khiêm cung, tự hạ mình; và (b) Sự hết lòng và tôn kính với cha mẹ và gia đình (filial piety=đạo làm con, hiếu thảo). Biểu lộ của ‘kính tín’ là lòng/sự ‘sùng tín’ (pious) nói chung, hay ‘mộ đạo’, thường là trong nội dung của tôn giáo nào đó (Kitô, Islam), và như thế cũng đồng nghĩa với sự ‘ngoan đạo’ (trong tôn giáo đó). Nhưng đó là ‘pietās’ (sự hết lòng với những qui luật tôn giáo, tận sức tôn kính giữ mình theo ý Gót, tuân phục những luật có nguồn gốc linh thiêng, từ gót); trong cổ Hellas, chưa có những hình thức tôn giáo như những tôn giáo Abraham, và những người Greek cũng chưa có từ để chỉ tôn giáo, và từ ‘eusebeia’ (piety) là một trong hai từ có nội dung gần nhất với khái niệm tôn giáo (từ kia là ‘threskeia’ (cult = sùng bái, tín ngưỡng)).
Vậy ‘piety’ (eusebia), như ở đây trong Protagoras, hiểu là sự ứng xử theo như truyền thống qui định cho mỗi người tuỳ vị trí xã hội của mình, trong những gì có tương quan với những vị gót. Một người bày tỏ lòng sùng tín, cho thấy mình là người có kính tín) bằng thực hành những tập quán sùng mộ, có tính cách tín ngưỡng như trong những lễ hội (thờ Zeus, Hera, Dionysus, Athena, ...) hay cầu nguyện, dâng cúng lễ vật, đặc biệt bày tỏ lòng kính mộ ở những chốn công cộng. Kính tín cũng còn là bày tỏ sự tôn kính những bậc trên, như cha mẹ, chủ nhân, nhà cầm quyền, và tất cả những gì nằm dưới sự bảo bọc của gót (đền thờ, tu sĩ, các dụng cụ dùng trong thờ cúng). Một trong những tội Socrates bị Athens buộc là tội nghịch đạo, nghĩa là không– kính tín (dyssebia). Trong đàm thoại Euthyphro. câu hỏi nổi tiếng, “Những vị gót yêu thích sự kính tín vì nó là sùng tín, hay có phải nó là sùng tín vì những vị gót yêu thích nó?” Socrates đã nêu lên với Euthyphro, đến nay vẫn chưa có trả lời ngã ngũ.
Như vậy, tôi giữ những từ ‘kính tín’ và ‘sùng tín’, vì trong Plato, những tôn giáo Abraham trong đó đặc biệt sự sùng mộ, tuân phục một gót duy nhất, tối thượng vẫn chưa xuất hiện, nên những từ này, trong Protagoras, chưa có nghĩa chật hẹp theo hướng thuần túy tôn giáo như ngày nay. Trong Plato, ở đây và những đàm thoại khác, ‘piety’ tôi dịch là ‘lòng/sự kính tín’, có thể tạm hiểu là sự ứng xử đúng, hay cư xử thích đáng của mỗi cá nhân với những gót (của thành phố Hellas). Thế nào là đúng, hay thích đáng tuỳ thuộc vào tập quán và luật lệ của mỗi thành phố và những vị gót của nó, và cũng nói thêm rằng những tập quán, luật lệ đó phần lớn đều có nguồn gốc, hay dựa trên những diễn dịch về những vị gót, và cũng thay đổi theo thời đại.
[4] Temperate
[5] dissonant
[6] Trong tiếng Greek, từ này (sophronein) là một động từ có cùng gốc với danh từ đã dịch ở trên là ‘tiết độ’ (tempeance)
[7] Phương pháp hay hình thức biện chứng (dialectic (διαλεκτική)); là phương pháp lý luận dựa trên đối thoại giữa những lập luận và phản luận, mang hình thức những mệnh đề xác định (theses) và phủ định (antitheses). Nhưng ở đây chính là phương pháp hỏi đáp quen thuộc của Socrates dựa trên đối thoại giữa hai hoặc nhiều người, họ có thể có những quan điểm đối lập, khác nhau, nhưng tất cả tham dự thảo luận đều muốn theo đuổi sự thật, thường bằng cách thử nghiệm những khẳng định của nhau, và lần lượt, từng bước có hệ thống, tìm kiếm những thỏa thuận về giá trị của chúng. Phương pháp hỏi đáp này của Socrates có khác biệt trong sự tin tưởng của chính ông rằng kiến thức là bẩm sinh và chỉ có thể được đưa ra ánh sáng bằng những phương tiện của những câu hỏi dẫn đường khéo léo.
[8] bản Lamb, có khác: “with one of the long– distance, or day– course racers,” và chú thích nhân vật đó là Pheidippides trong Herodotus, The Histories. 6.105.
[9] [Prodicus đã là nhà chuyên môn đặc biệt về những phân biệt trong ngôn từ tế nhị]
Prodicus người đảo Ceo (c 465 –  395 TCN) là một triết gia Hellas, và thuộc thế hệ những nhà sophist nổi tiếng đầu tiên. Ông đến Athens với tư cách đại sứ cho vùng đảo Ceo (Kea), và được biết như một diễn giả và một nhà giáo. Plato đối xử với ông với nhiều tôn trọng hơn những sophist khác, và trong một số đàm thoại, Socrates xuất hiện như một người bạn của Prodicus.
[10] [Hippias tuyên bố là giảng dạy nhiều những môn học khác loại. Qua những ẩn dụ ông khéo léo thường dùng rõ ràng cho thấy phạm vi kiến ​​thức rộng rãi của ông.]