Sunday, December 14, 2014

Plato – Meno


MENO
(Μένων)

Plato
(Πλάτων, Plátōn, 428/427– 348/347 TCN)







Dẫn nhập của người biên tập bản tiếng Anh

Meno thuộc một trong những gia đình quý tộc hàng đầu của vùng Thessaly, có truyền thống thân hữu với Athens và những quyền lợi của dân Athens. Ở đây, ông là một người trẻ tuổi, sắp sửa dấn mình vào vào một sự nghiệp quân sự và chính trị bất chấp đạo đức, dẫn đến một cái chết trẻ dưới tay của vua Persia. Với “đức hạnh” quý tộc của mình (những độc giả thời cổ của Plato hẳn biết điều đó cuối cùng sẽ đi đến những gì), Meno cộng thêm một sự ngưỡng mộ với những ý tưởng về đề tài ông đã học được từ nhà hùng biện Gorgias (người mà chúng ta hiểu thêm trong đàm thoại mang tên ông). Chúng ta không được nghe kể về những gì đã khiến Meno đến Athens. Người bảo trợ địa phương của gia đình ông là nhà chính trị dân chủ Anylus, một trong những người buộc tội Socrates trong phiên tòa xử triết gia này, và xem ra Meno rõ ràng là khách mời của Anytus. Bắt đầu đột ngột, không dẫn nhập, đàm thoại Meno không có những sửa soạn vào đầu cùng loại như chúng ta thấy trong những đàm thoại Socrates khác, và không bất kỳ loại bối cảnh nội dung nào được đem cho cuộc hội thoại này. Meno muốn biết lập trường của Socrates về câu hỏi đương thời đang được bàn luận nhiều, rằng không biết đức hạnh có thể dạy được hay không, hay không biết có phải nó đến có phần đúng hơn bằng thực hành, hay khác hơn, nó được thụ nhận từ dòng giống và bởi tư chất của một người, hoặc trong một vài cách nào khác hay không? Socrates và Meno theo đuổi câu hỏi đó, và câu trả lời mở đầu về đức hạnh thực sự là gì, đi thẳng đến sự kết luận không ngã ngũ, đặc tính của những đàm thoại Socrates. (Anytus tham dự ngắn ngủi vào cuộc trò chuyện. Ông bùng giận khi, để hỗ trợ cho những nghi ngờ của mình rằng không biết đức hạnh có thể dạy được hay không, Socrates chỉ ra thất bại của những nhà lãnh đạo Athens nổi tiếng trong sự truyền đạt đức hạnh của riêng họ với chính những con trai của họ; và Anytus đưa ra một đe dọa ngầm về những hậu quả có thể xảy ra cho Socrates với những đả kích “vu khống” như vậy).


Tuy nhiên, Meno được nhớ đến nhiều nhất, là phần chen giữa của đàm thoại này, trong đó Socrates hỏi một người nô lệ của Meno những câu hỏi về một bài toán hình học – làm thế nào để tìm ra một hình vuông có diện tích gấp đôi một hình vuông bất kỳ nào cho sẵn. Sau khi xác định rằng Meno không biết đức hạnh là gì, và nhìn nhận rằng bản thân ông cũng chẳng biết gì cả, Socrates đã đề nghị với Meno rằng họ cùng tìm hiểu điều này. Meno phản đối rằng việc đó là không thể, sau khi thách thức Socrates với “nghịch lý” rằng một người, theo lôgích, không thể tìm hiểu hiệu quả được vào trong những gì một người vẫn còn chưa biết – và tất nhiên cũng không vào trong những gì một người nếu đã biết rồi! Được những câu hỏi của Socrates hướng dẫn, người nô lệ (người trước đó chưa từng học môn hình học) đi đến để thấy được cho chính mình, để nhận ra lời đáp đúng phải là gì cho câu hỏi hình học. Socrates biện luận rằng điều này khẳng định một gì đó ông đã được nghe từ những thày tu khôn ngoan, nam lẫn nữ – rằng hồn người thì bất tử, và rằng khi chúng ta ra đời, chúng ta đã sở hữu tất cả những kiến thức lý thuyết (ông bao gồm ở đây không phải chỉ lý thuyết toán học nhưng cũng cả kiến thức đạo đức). Thúc đẩy bởi những câu hỏi của Socrates, người nô lệ đã “nhớ lại” kiến thức có trước này, không phải đã rút ra kết luận từ dữ liệu lần đầu tiên vừa mới được trình bày cho anh ta. Như thế, cũng như trong tìm hiểu về đạo đức, có hy vọng rằng, nếu chúng ta đặt câu hỏi với bản thân mình đúng cách, “sự nhớ lại” có thể dần dần cải thiện sự hiểu biết của chúng ta về chân lý đạo đức và cuối cùng dẫn chúng ta đến sự hiểu biết đầy đủ về nó.

Việc thử nghiệm hỏi han người nô lệ đã làm dịu bớt nghi ngờ của Meno về khả năng của sự thăm dò loại giống như vậy. Ông và Socrates tiến hành cùng tìm hiểu đức hạnh là gì, nhưng bây giờ họ theo phương pháp mới, là đặt “giả thuyết”, một lần nữa được Socrates giới thiệu bằng cùng cách tương tự như với những thủ tục trong hình học. Socrates thôi không còn hỏi quan điểm của Meno và phê bình những quan điểm đó. Trong số những “giả thuyết” khác mà ông bây giờ làm việc với, ông phát triển và biện luận cho một giả thuyết của riêng ông, rằng đức hạnh là kiến thức (trong trường hợp đó, nó phải dạy dỗ được). Nhưng ông cũng xem xét những điểm yếu trong lập luận của chính mình, dẫn đến giả thuyết có thể thay thế, rằng đức hạnh là ý kiến, hay quan điểm đúng, nhưng do gót ban cho (và do đó, không thể dạy dỗ được). Trong nửa cuối của đàm thoại Meno, chúng ta thấy một Socrates mới, với phương pháp mới trong lập luận và điều tra, không hình dung ra được từ những đàm thoại Socrates khác giống như vậy, như trong Euthyphro, Laches, và Charmides. Meno trỏ hướng về phía trước, đến đàm thoại Phaedo, nơi luận điểm rằng kiến thức lý thuyết đến từ sự hồi tưởng, lần nữa được thảo luận, với một tham chiếu rõ ràng trở lại về Meno, nhưng bây giờ được mở rộng bằng cách thêm những Thể dạng của Plato như những đối tượng của hồi tưởng và kiến thức.

J. M. Cooper




Dẫn nhập của người dịch bản tiếng Việt

Chúng ta không học hỏi, và rằng những gì chúng ta gọi là sự học hỏi chỉ là một diễn ra của sự nhớ lại”.

1.
Meno chủ yếu có thể được xem như trình bày một tri thức luận trong Plato; lý thuyết cho rằng học hỏi là sự nhớ lại. Theo đó, trong quan điểm truyền thống, Meno vẫn diễn dịch như một giải thích siêu hình về sự tìm học, tri thức có thể có được như thế nào. Quan điểm này dựng trên một siêu hình học đặc biệt Plato, cho rằng có những ý niệm toàn hảo hay những thực thể tuyệt đối, gọi là những Thể dạng vĩnh cửu, chúng trong một thế giới không phải thế giới này, nhưng tất cả những gì chúng ta nhận biết trong thế giới này, đều là những thể hiện bất toàn, thiếu xót của chúng. Sau khi chết, hay trước khi ra đời, (trong Phaedo, chúng ta đã nghe tin tưởng của Socrates về sự tái sinh của con người) hồn người đã một lần làm quen và nhận biết chúng. Nhưng hiểu biết này bị mất khi mỗi người ra đời, và trong đời sống, hồn người như bị giam giữ trong thân xác, nên tinh thần phải pha trộn với kinh nghiệm thân xác, đưa chúng ta đến những tin tưởng (dóxa) sai lạc. Thế nên, con người muốn có tri thức khôn ngoan nên học hỏi bằng cách dùng lý trí để lấy lại kiến thức, học hỏi là sự nhớ lại những hiểu biết vốn đã có về những khái niệm bất biến, những Thể dạng vĩnh cửu. Trong Meno, Socrates cho chúng ta thấy một minh chứng linh động của lý thuyết về sự nhớ lại, qua thí dụ của một người nô lệ tuy thất học, nhưng tự tìm ra được kiến thức về hình học; tất cả để khuyến khích nhân vật Meno hãy tiếp tục tìm hiểu câu hỏi mở ra ở đầu đàm thoại này – đức hạnh là gì? có thể truyền dạy được không, hay đến qua thực hành, hay do dòng giống và tư chất của một người, hay bởi cách nào khác? – ở những dòng cuối đàm thoại, đây vẫn là một câu hỏi mở, nên một định nghĩa về đức hạnh vẫn chờ chúng ta trả lời; tựu trung xoay quanh ba khái niệm đưa ra trong Meno: tìm kiếm (zêteîn) và học hỏi (manthánein) = tổng thể như một sự nhớ lại (anámnêsis). Từ những khái niệm này, cùng lý thuyết về Thể dạng, sẽ đưa chúng ta vào những cánh cửa chờ đợi của lý thuyết về tri thức hiện đại; Kiến thức là gì? Chúng ta tạo lập những tin tưởng trên chứng cứ như thế nào? Chúng ta có thể biết được gì không? Những câu hỏi này bắt đầu nêu trong Meno, và cũng trong một đàm thoại khác (Theaetetus). Trong Meno, qua Socrates, chúng ta có: kiến thức (episteme) = “orthos doxa”, là một tin tưởng nhưng có một giải thích (logos), như thế bắt đầu định nghĩa truyền thống của kiến thức như “tin tưởng đúng với lý do chính đáng”. Động cơ của Plato là hành vi đạo đức phải được thành lập dựa trên sự hiểu biết, và rằng hiểu biết đó phải là kiến thức về những giá trị vĩnh cửu, như thế chúng sẽ không là đối tượng của chuyển dịch và thay đổi trên những ấn tượng của giác quan, hay của những ý kiến chủ quan, nhưng chúng phải đều giống nhau cho tất cả mọi người và mọi thời.

2.
Đàm thoại bắt đầu với Meno hỏi Socrates không biết đức hạnh (areté) có thể dạy được hay không, và câu hỏi này (cùng với câu hỏi cơ bản hơn về đức hạnh là gì) chiếm hết thì giờ của hai người trong toàn bộ văn bản. Những chủ đề quan trọng và thường lập lại của Plato được giới thiệu trong Meno, kể cả chính hình thức đối thoại đặc biệt của Socrates. Socrates cố gắng để mổ xẻ một thuật ngữ đạo đức bằng cách hỏi một người là người tự xưng mình biết ý nghĩa của thuật ngữ, và cuối cùng dẫn đến kết luận rằng cả người này cũng như không một “nhà chuyên môn” nào thực sự biết thuật ngữ này nghĩa là gì. Những chủ đề quan trọng khác nêu ra ở đây trong hình thức ban đầu của chúng, gồm: chủ đề anamnesis (nhớ lại những gì đã có từ trước) hay lý thuyết rằng hồn người thì bất tử, biết tất cả mọi sự vật việc, và chỉ phải “nhớ lại” để tìm học. Chủ đề đức hạnh như là một loại của tri thức khôn ngoan. Socrates cũng thiết lập một số điểm thiết yếu về bản chất của một định nghĩa. Socrates và Meno bàn luận qua một số định nghĩa có thể có được của đức hạnh, trong đó của mỗi gì Meno đưa lên, đều bị Socrates gỡ xuống. Đến một điểm, vấn đề được đặt thành ngay cả không biết có thể đi tìm một gì đó nếu người ta không biết chính nó là gì (như trường hợp tìm một định nghĩa về đức hạnh), và Socrates thực hiện một elenchus thu nhỏ với người nô lệ của Meno để giải quyết vấn đề, qua lý thuyết về sự nhớ lại. Cuối đàm thoại, những người có mặt (gồm Anytus, đóng một vai phụ ở cuối) đi đến một tình trạng cổ điển – aporia – của những chất vấn Socrates: họ vẫn không biết đức hạnh là gì, nhưng ít nhất bây giờ họ biết rằng họ không biết.

3.
Chúng ta gặp lại trong Meno, hai tính chất quen thuộc của những đàm thoại Socates: những ý nghĩa sâu xa, mở ra từ những câu hỏi ngắn gọn, dẫn tới những nội dung nhiều suy nghĩ hàm xúc hơn, tất cả gói trong một khuôn khổ tương đối đơn giản, và Meno là đặc biệt như vậy. Ngay từ thoạt nhìn đầu tiên, đối thoại này xem dường tiến hành khá rõ ràng như thế (dù có vài đoạn hơi rắc rối, có thể khó hiểu, chẳng hạn như những câu hỏi hình học với người nô lệ). Nó cũng có vẻ khẳng định hoặc thiết lập rất ít – như cuối cùng, vẫn không đưa ra một trả lời dứt khoát nào cho câu hỏi trung tâm của đàm thoại – đức hạnh là gì?. Sự đơn giản và sự dở dang (tính không xác định) này, tuy nhiên, ẩn dấu một tập hợp gồm nhiều những chủ đích tham vọng.

Chủ đích đầu tiên chúng ta gặp, liên quan đến bản chất của một định nghĩa, một khái niệm khá mới trong thời Socrates, và phần lớn mâu thuẫn với tri thức khôn ngoan bình thường của người Athens. Meno phải sửng sốt ghi nhận rằng ngay cả bản chất của đức hạnh tự nó cũng có thể là một câu hỏi; (và có lẽ cả những người đọc ban đầu của Plato) – mặc dù, đàm thoại mở ra không phải bằng câu hỏi đức hạnh là gì, nhưng đúng hơn là – có phải và như thế nào, nếu đức hạnh có thể giảng dạy được.

Vì vậy, nhiều đoạn đàm thoại ban đầu được dành cho ý tưởng rằng đức hạnh phải được xác định một cách nghiêm ngặt trước khi chúng ta có thể xem xét và bàn luận những câu hỏi theo sau về nó. Điểm này là trung tâm của elenchus Socrates, vốn tìm cách xóa bỏ, làm trống nền, rẫy sạch gốc của kiến thức có trước nhưng đã tiếp nhận không phê phán, thiếu cân nhắc, nên những gì ôm giữ thường không liên quan đến vấn đề đang tìm hiểu, ... tất cả để làm thuận lợi cho việc theo đuổi giải pháp, hay trả lời, hiểu như đến, hay gần được sự thực. Ở đây, Meno tự tin cung cấp một số định nghĩa về đức hạnh, nhưng mỗi trong số chúng chỉ đơn thuần là những góp nhặt kết hợp từ những phương diện khác nhau của văn hóa hay phong tục Athens. Socrates sau đó mổ xẻ để cho thấy chúng không đáp ứng được những đòi hỏi của một định nghĩa. Như vậy, nhân danh sự tìm hiểu để xác định đức hạnh là gì, Socrates thực sự theo đuổi mục tiêu đã có trước, bằng cách cho thấy những gì trong cơ bản không phải là đức hạnh. Những gì thực sự hoàn thành trong Meno không phải là một lý thuyết về đạo đức, nhưng một lý thuyết về những gì cần thiết để định hình một lý thuyết về đạo đức. Đây thực sự là một mục tiêu bất ngờ – Socrates cố gắng thuyết phục một thế giới vốn đã luôn luôn tự tin vào kiến thức của mình rằng nó thực sự không biết gì về những điều mà nó xem là chắc chắn nhất. Mạnh mẽ hơn, ông còn cố gắng thuyết phục thế giới rằng không những nó chỉ không biết, nhưng thậm chí nó còn không biết làm thế nào để biết. Socrates không tuyên bố mình biết câu trả lời thực sự cho câu hỏi về đức hạnh, nhưng ông quả có tuyên bố biết những hình thức cơ bản mà một trả lời như vậy sẽ có. Tuy nhiên, sự lay động triệt để này trên kiến thức chân thành nhất của mọi người về sự tốt lành như đức hạnh, là một tiến trình nhọc nhằn và nhiều ngẩn ngơ như bị lạc hướng, cho những người đối thoại của Socrates, những người đã nhiều khi phải sửng sốt trước những gì họ bây giờ xem dường quả thực đã không biết. Tính bất định, không chắc này dẫn đến một khủng hoảng trong nghịch lý về sự tìm kiếm những gì một người không biết, mà Meno nhắc đến sau một trong những huỷ cấu trúc không khoan nhượng của Socrates. Làm thế nào chúng ta có thể tìm kiếm đức hạnh vốn trước đó không biết nó giống tựa những gì?

4.
Câu hỏi này gây hứng khởi cho Socrates để trình bày dạng thức đầu tiên về anamnesis của ông – ý tưởng rằng việc học tập thật sự là một vấn đề của hồn một người nhớ lại những gì nó đã học được trước khi người này sinh ra đời. Ý tưởng này đã luôn luôn là một trọng điểm cho những người đọc Plato, một phần bởi vì nó có vẻ là sự buông bỏ căn bản một tuyên bố của Socrates rằng ông “biết rằng ông không biết gì”. Lý thuyết anamnesis ở đây, hiện ra như một mảng sáng tích cực giữa những tiêu cực, phủ định và huỷ cấu trúc.

Cuối cùng, Socrates đã thực hiện một vài điểm trọng yếu về đức hạnh bên cạnh quan điểm rằng hiểu nó (nếu nó là kiến thức) thực sự sẽ là nhớ lại nó. Điểm quan trọng đó là một tốt lành, hay đức hạnh ở trường hợp này, phụ thuộc vào tri thức, vào hiểu biết khôn ngoan: “Tất cả những cam kết và kham chịu của hồn người, nếu như được tri thức khôn ngoan dẫn đường, đều kết thúc trong hạnh phúc”. Đây sẽ là một chủ đề thường được nhắc lại trong phần còn lại tác phẩm của Plato – đức hạnh chân thực không phải là một vấn đề của tập quán xã hội, hay phong tục văn hoá, nhưng đúng hơn, là của kiến thức. Phải hiểu điều đúng thực, mới làm được việc tốt lành.

Trong Meno, tuy nhiên, điều này không được rõ ràng. Có một mâu thuẫn vẫn không dứt giữa: (a) kết luận rằng đức hạnh, “như một toàn bộ hay một phần”, như một loại tri thức khôn ngoan, với (b) kết luận rằng không ai có thể dạy nó được (vì vậy nó không thể là tri thức). Meno để lại cho chúng ta lơ lửng giữa sự định nghĩa đức hạnh như kiến thức trực tiếp, hoặc như là một loại trí tuệ bí ẩn, được những gót tiết lộ cho chúng ta mà “không có hiểu biết”. Có nhiều phần xảy ra hơn là những người đức hạnh nhất là được như vậy bằng cách giữ “những ý kiến đúng” chứ không phải là kiến thức thật sự. Những ý kiến đúng dẫn chúng ta đến cùng những chung cuộc như kiến thức hiểu biết, nhưng không giữ lại với chúng ta bởi vì chúng không phải bị “trói chân”, không “được ghì chặt”, bằng một giải thích (logos) của lý do tại sao chúng đúng. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể phụ thuộc vào hứng khởi, nhiều nửa-phần có tính-thần-linh để giữ chúng ta tập trung vào những ý kiến đúng đắn hơn là những sai lạc.

Dilemma này đưa chúng ta trở lại với mục đích ban đầu của Socrates – trong phương thức đối thoại phân tích Socrates đã theo đuổi với Meno, đầu tiên có dụng ý đưa lên tất cả những ý kiến sai lầm. Thứ hai, nó có nghĩa là để làm trống chỗ lấy nền cho một nghịch đảo của một chuỗi toàn bộ những ý kiến đúng và sự thật. Nếu những đòi hỏi cho một định nghĩa về đức hạnh có thể được dựng trên nền đó, chúng ta sẽ không còn cần phải thử nghiệm những ý kiến trong mù loà (như được thực hiện trong Meno). Thay vào đó, đầu tiên chúng ta sẽ có một giải thích của đức hạnh – một ý tưởng về đức hạnh được “ghì buộc xuống” – và từ đó có thể xác định những chi tiết. Meno chỉ theo đuổi phần đầu tiên của mục tiêu này, nhưng nó đặt xuống rất nhiều làm nền tảng cho phần thứ hai.

5.
Như thế, với sự khúc triết quen thuộc vẫn thấy trong những đàm thoại Socrates, Meno bao gồm một mảng đáng kinh ngạc gồm nhiều những chủ đề: chính trị, giáo dục, đức hạnh, sự định nghĩa, phương pháp triết học, toán học, bản chất và sự thu nhận kiến thức và sự bất tử của hồn người. Bàn luận của nó về những điều này, mặc dù sâu sắc, nhưng cũng ngắn gọn đến trêu ngươi, nên mở ra cho người đọc nhiều câu hỏi cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Meno của Plato là đàm thoại, hơn bất kỳ đàm thoại nào khác, chiếm một vị trí chuyển tiếp giữa những đàm thoại Socrates giai đoạn ban đầu và lý thuyết được khai triển khoảng giai đoạn giữa của những Phaedo, Symposium Republic. Như thế, nó thu hút một quan tâm đặc biệt vì có thể giúp chúng ta nhìn thấu được bên trong tiến trình tư tưởng đã dẫn Plato đến hình thành những gì trình bày những đàm thoại đó. Tuy nhiên, những vấn đề mà Meno đặt ra, tự bản thân chúng, vẫn đã là triết lý thú vị: làm thế nào chúng ta có thể biết rằng chúng ta có câu trả lời đúng cho một câu hỏi, trừ khi chúng ta đã biết câu trả lời rồi, trước khi chúng ta hỏi những câu hỏi? Có phải đức hạnh (arete) là một gì đó mà chúng ta có thể có được bằng cách được giảng dạy, hoặc nó là một gì đó bẩm sinh? Và đàm thoại cũng thích thú về lịch sử, qua những bằng chứng nó cung cấp, về những quan niệm của người Greek thời cổ về những gì tạo nên sự hoàn hảo, và về những thái độ của họ thời đó với những nhà Sophists, những người tuyên xưng mình giảng dạy sự xuất sắc và thường nhận món tiền lớn như học phí khi thuyết giảng như vậy.

6.
Trong Meno (và Theatetus), Socrates đưa ra một định nghĩa kiến thức như “tin tưởng đúng (orthos doxa) với một giải thích (logos)”. Khi phân biệt kiến thức (epistêmê) và tin tưởng (doxa), Plato đã phần nào đẩy trọng tâm của nhận thức học – từ “Kiến thức/hiểu biết là gì? thành “Có phải kiến thức là tin tưởng/ý kiến đúng, hay được giải thích là đúng?” – Như thế; câu hỏi cơ bản: biết là gì? biết đến đâu?, hay cụ thể hơn: chúngta/con người/ tôi có biết không? và biết gì?, thành những tìm kiếm biện minh cho những tin tưởng/ ý kiến. Plato vẫn được xem như triết gia được nhắc nhở đầu tiên, và luôn được dẫn chứng về lý thuyết “truyền thống” của nhận thức học, theo đó “kiến thức như tin tưởng đúng thực”, từ Meno này.

Vắn tắt, một ai đó, tạm gọi là Mỗ, biết rằng mệnh đề p là đúng, nếu và chỉ nếu (iff):
(i)              Mỗ tin rằng p
(ii)            Điều là đúng rằng p
(iii)           Tin tưởng của Mỗ rằng p thì giải thích được
Theo chiều hướng này (Plato), chúng ta quan tâm về kiến thức, chúng ta học hỏi, vì chúng ta quan tâm với sự thực trong những tin tưởng/ý kiến (doxa) của chúng ta, và sự học hỏi, tìm biết là sự tìm kiếm những giải thích để bảo đảm cho sư thật đó. Ngày nay, chúng ta có thể thấy rõ ràng, rằng như thế ở chân trời vừa mở ra, những khó khăn đã bắt đầu dâng lên bất tận – (iii) > giải thích ra sao/thế nào, đến đâu/cho đủ? Giải thích tất phải trước sau sẽ không tránh khỏi dùng lời nói (logos) và đó là một vướng mắc rắc rối khó gỡ.

Từ những khái quát nêu vắn tắt trên, tôi tạm dịch văn bản triết học lịch sử này, như một bắt đầu, để chia xẻ với những ai băn khoăn với câu hỏi – học hỏi là gì/ kiến thức là gì? – đưa vào một hành trình thích thú, bắt đầu với câu Meno hỏi Socrates về hiểu biết – nay gọi là Nghịch lý của Meno:

Ông sẽ tìm nó thế nào, Socrates, khi ông không biết nó là gì hết tất cả? Ông sẽ nhắm hướng ra sao để kiếm một gì đó ông hoàn toàn không biết? Nếu như ông có gặp nó, làm sao ông sẽ biết rằng đây chính là điều vốn ông đã không biết?

L.D.B.




MENO
Plato
(Theo bản dịch tiếng Anh của G.M.A. Grube) [1]

(70)
Meno: Ông có thể cho tôi biết, Socrates, đức hạnh [2] có thể giảng dạy được không? Hay có phải nó không thể dạy được nhưng là kết quả của sự thực hành, hay nó không phải là một nào trong những điều này, nhưng con người có nó do tư chất, hay bằng một vài cách nào khác hay không?
Socrates: Trước đây, Meno, những người Thessaly đã nổi tiếng giữa những người Greek và đã được ngưỡng mộ vì tài cưỡi ngựa và sự giàu có của họ, nhưng bây giờ, có vẻ như với tôi, họ cũng được ngưỡng mộ vì sự khôn ngoan của họ, đặc biệt người bạn và đồng hương của bạn, Aristippus người thành Larissa. Đưa dẫn đến danh tiếng này của các bạn là từ Gorgias, vì khi ông đến thành phố của các bạn, ông đã tìm thấy rằng gia đình quí tộc hàng đầu Aleuadae, trong số đó có người bạn yêu, Aristippus, đã yêu ông vì sự khôn ngoan của ông, và những người dẫn đạo Thessaly khác cũng đã thế. Đặc biệt, ông đã làm các bạn quen với sự đem cho một trả lời táo bạo và to tát với bất kỳ câu hỏi nào bạn có thể đem hỏi, như những nhà chuyên môn có lẽ thường làm. Quả thực, bản thân ông đã sẵn sàng để trả lời bất kỳ người Greek nào, là người nếu đã muốn hỏi ông, và mỗi câu hỏi đều được trả lời. Nhưng ở đây, tại Athens, Meno thân yêu của tôi ơi, ngược lại mới là điều xảy ra, vì như thể đã có một sự thiếu hụt của tri thức khôn ngoan, và sự khôn ngoan dường như đã bỏ nơi đây vì đi đến xứ các bạn. Khi đó, nếu bạn muốn hỏi một người trong chúng tôi loại câu hỏi như thế, mọi người sẽ cười và nói: “Bạn hàng xứ tốt bụng này, bạn phải nghĩ rằng tôi quả thực sung sướng, nếu bạn nghĩ rằng tôi biết liệu đức hạnh có thể giảng dạy được không, hoặc như thế nào nó đi đến để thành; tôi rất mịt mù với sự hiểu biết rằng không biết đức hạnh có thể dạy được hay không, khiến tôi ngay cả còn không có bất kỳ một kiến thức nào về bản thân đức hạnh là gì”.
Bản thân tôi, Meno, cũng nghèo nàn như những công dân cùng thành với tôi trong vấn đề này, và tôi tự trách mình vì sự hoàn toàn thiếu hiểu biết của tôi về đức hạnh. Nếu tôi không biết một gì đó là gì, làm thế nào tôi có thể biết được nó có được những phẩm tính gì? Hay có phải bạn nghĩ rằng một người nào đó là người không biết Meno là ai tất cả, là có thể biết rằng không biết anh ta có đẹp trai, hay giàu có, hay thuộc dòng dõi quí phái hay không, hoặc ngược lại với những điều này? Bạn có nghĩ rằng điều đó thì có thể?

Meno: Tôi không nghĩ thế; nhưng, Socrates, có phải ông thực sự không biết đức hạnh là gì? Chúng tôi có sẽ kể lại điều này với những người cùng quê tôi về ông, hay không?
Socrates: Không chỉ có vậy, bạn tôi ơi, mà cũng còn, như tôi tin rằng, là tôi đã chưa từng bao giờ gặp bất cứ ai nào khác là người đã biết.
Meno: Sao vậy? Không phải ông đã gặp Gorgias khi ông ta đã ở đây?
Socrates: Tôi đã gặp.
Meno: Lúc đó, không phải ông nghĩ rằng ông ta biết?
Socrates: Tôi không nhớ trọn vẹn được tất cả, Meno, nên bây giờ tôi không thể kể cho bạn những gì tôi đã nghĩ lúc đó. Có lẽ ông ta có biết; bạn biết những gì ông thường quen nói, thế bạn hãy nhắc lại cho tôi về những gì ông đã nói. Hãy tự chính bạn nói cho tôi nghe, nếu bạn sẵn lòng, vì chắc chắn bạn chia sẻ cùng quan điểm với ông ta. – Tôi có thế.

Socrates: Vậy chúng ta hãy đặt Gorgias qua một bên, vì ông không có đây. Nhưng Meno, có những gót chứng giám, bản thân bạn nói đức hạnh đó là gì? Hãy nói và đừng tị hiềm mất lòng với chúng tôi, thế để tôi có thể đã nói một điều không đúng, thật đáng tiếc nhất, khi tôi nói rằng tôi chưa bao giờ gặp bất cứ ai biết, nếu như bạn và Gorgias được cho thấy có biết.
Meno: Không phải là điều khó để cho ông biết, Socrates. Trước tiên, nếu ông muốn đức hạnh của một người đàn ông, rất dễ dàng để nói rằng đức hạnh của một người đàn ông gồm có khả năng để quản lý những vấn đề chính trị công quyền, và khi làm như thế làm lợi cho những bạn bè của mình và gây tổn hại cho những thù địch của mình, và phải cẩn thận để không lụy đến bản thân; nếu ông muốn đức hạnh của một người đàn bà, không phải là khó khăn để mô tả: bà phải quản lý nhà cửa cho tốt, gìn giữ những tài sản của gia đình, và phục tùng chồng bà; đức hạnh của một đứa trẻ, dù nam hay nữ, lại là khác nữa, và cũng thế là của một người già lão, nếu ông muốn điều đó, hoặc nếu ông muốn của một người tự do hay một người nô lệ. Và có rất nhiều những đức hạnh khác, như thế khiến một người không phải lúng túng để nói đức hạnh là gì. Có đức hạnh cho mọi hành động và mọi lứa tuổi, cho mọi công việc của chúng ta và mỗi người chúng ta – và Socrates, điều này cũng đúng cho sự tà ác.
Socrates: Tôi dường như được may mắn lớn, Meno; trong khi tôi đang tìm kiếm lấy một đức hạnh, tôi đã tìm thấy bạn có trọn một bầy đông đúc những chúng. Tuy nhiên, Meno, để nối tiếp với hình ảnh của những bầy đàn đông đúc, nếu như tôi đã hỏi bạn bản chất của loài ong là gì, và bạn nói rằng chúng rất nhiều, và thuộc đủ mọi loại, nhưng bạn sẽ trả lời thế nào, nếu tôi hỏi bạn: “Có phải bạn muốn nói rằng chúng rất nhiều và rất đa dạng và khác biệt lẫn nhau đến mức độ như chúng là những con ong? Hay là chúng không khác nhau trong chiều hướng đó, nhưng trong một số khía cạnh khác, trong vẻ đẹp của chúng, lấy thí dụ, hoặc kích thước của chúng, hoặc trong một vài cách khác tựa như vậy?” Nói tôi nghe, bạn sẽ trả lời gì, nếu được hỏi như vậy?
Meno: Tôi sẽ nói rằng chúng không khác biệt nhau trong tư cách là những con ong.
Socrates: Nếu tôi hỏi tiếp: “Nói tôi nghe, chính điều này là gì, Meno, trong đó chúng tất cả đều giống nhau và không khác biệt lẫn nhau”. Bạn có thể nói cho tôi nghe không?
Meno: Tôi có thể.
Socrates: Cùng một điều thì đúng trong trường hợp của những đức hạnh. Ngay cả nếu chúng rất nhiều và khác loại, tất cả trong chúng có một và cùng một thể dạng vốn làm chúng là những đức hạnh, và là đúng để xem xét điều này khi một ai được hỏi để làm rõ ràng là đức hạnh là gì. Hay có phải bạn không hiểu ý tôi muốn nói?
Meno: Tôi nghĩ rằng tôi hiểu, nhưng tôi chắc chắn không nắm được ý nghĩa của câu hỏi đầy đủ như tôi muốn.
Socrates: Tôi đang hỏi không biết – có phải bạn nghĩ chỉ là trong trường hợp của đức hạnh vốn có một cho một người đàn ông, một khác cho một người đàn bà, và tiếp tục như vậy hay không – hay có phải cũng đúng trong trường hợp của sức khỏe, và kích thước, và sức mạnh? Bạn có nghĩ rằng có một sức khỏe cho một người đàn ông và một cho một người đàn bà? Hay, nếu là sức khỏe, có phải nó có cũng một hình thức giống nhau ở khắp mọi nơi, cho dù trong con người, hoặc trong bất cứ gì khác dẫu bất kỳ là gì?
Meno: Sức khỏe của một người đàn ông xem dường với tôi cũng là một như của một người đàn bà.

Socrates: Và có phải cũng như vậy với kích thước và sức mạnh? Nếu một người phụ nữ thì mạnh mẽ, sức mạnh đó sẽ cũng là một giống nhau và có cùng một thể dạng giống như vậy, khi nói “cũng là một giống nhau”, tôi muốn nói rằng sức mạnh thì không có gì khác nhau trong mức độ như là có sức mạnh, cho dù ở một người đàn ông hoặc một người phụ nữ. Hay có phải bạn nghĩ rằng có một sự khác biệt?
Meno: Tôi không nghĩ như vậy.
Socrates: Và sẽ có bất kỳ khác biệt nào hay không trong trường hợp của đức hạnh, trong chừng mức như là liên quan về đức hạnh, cho dù đó là trong một đứa trẻ, hoặc một cụ già, một người phụ nữ, hoặc một người đàn ông?
Meno: Tôi nghĩ, Socrates, rằng không biết sao, nhưng điều này thôi không giống những trường hợp khác đó.
Socrates: Sao thế? Không phải bạn đã nói rằng đức hạnh của một người đàn ông gồm sự quản trị thành phố cho giỏi, và của một người phụ nữ gồm sự quản trị những người ăn ở trong nhà? – Tôi đã.
Socrates: Có thể quản trị một thành phố cho giỏi, hay một gia đình, hoặc bất cứ gì khác, trong khi không quản trị nó một cách chừng mực ôn hoà và công chính? – Chắc chắn là không.
Socrates: Khi đó, nếu họ quản trị một cách công chính và chừng mực ôn hoà, họ phải làm như vậy với công lý và sự ôn hoà? – Tất yếu.
Socrates: Như thế, cả người đàn ông và người phụ nữ, nếu họ là tốt, cần những điều như nhau, công chính và ôn hoà. – Xem dường như thế.
Socrates: Thế còn một đứa trẻ và một người già thì sao? Có thể nào họ là tốt nếu họ không ôn hoà và không công chính? – Chắc chắn là không.
Socrates: Nhưng nếu họ là ôn hoà và công chính? – Có.
Socrates: Như thế, tất cả mọi người là tốt đều trong cùng một cách, vì họ trở nên tốt bằng cách có được những phẩm chất tương tự. – Nó có vẻ như vậy.
Socrates: Và họ sẽ là không tốt trong cùng một cách, nếu họ không có cùng một đức hạnh như nhau. – Họ chắc chắn sẽ không là.
Socrates: Khi đó, vì đức hạnh của tất cả là một như nhau, hãy cố cho tôi biết và nhớ những gì Gorgias, và bạn với ông ta, nói rằng cùng một điều như nhau đó là gì.
Meno: Còn gì khác nhưng là có khả năng để cai trị người ta, nếu ông đang tìm một mô tả để vừa vặn với họ tất cả.
Socrates: Đó thực sự là những gì tôi đang tìm, nhưng Meno, có phải đức hạnh là cùng một như nhau trong trường hợp của một đứa trẻ, hay một nô lệ, cụ thể là, cho họ có khả năng để cai trị trên một người chủ, và có phải bạn nghĩ rằng anh ta là người cai trị thì vẫn là một nô lệ? – Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy, Socrates.
Socrates: Điều đó không có khả năng xảy ra, người tốt bụng của tôi ơi. Hãy xem xét thêm điểm này: bạn nói rằng đức hạnh là có khả năng để cai trị. Không phải chúng ta sẽ thêm vào điều này một cách công bằng và không bất công hay không?
Meno: Tôi nghĩ như vậy, Socrates, vì công lý là đức hạnh.
Socrates: Có phải nó đức hạnh, Meno, hay một đức hạnh? – Ý ông là gì?
Socrates: Như với bất cứ gì khác. Để thí dụ, nếu bạn muốn, lấy sự tròn trịa [3], về nó tôi sẽ nói rằng đó là một hình dạng, nhưng không chỉ đơn giản rằng nó là hình dạng. Tôi sẽ không nói về nó như thế, bởi có những hình dạng khác. [4]
Meno: Ông hoàn toàn đúng. Vì vậy, tôi cũng nói rằng không phải chỉ có công lý là một đức hạnh, nhưng có rất nhiều những đức hạnh khác.

(74)
Socrates: Chúng là những gì? Nói cho tôi biết, vì tôi có thể nhắc đến những hình dạng khác cho bạn nếu bạn mời tôi làm vậy, như thế bạn hãy nhắc đến đức hạnh khác.
Meno: Tôi nghĩ rằng can đảm là một đức hạnh, và điều độ, khôn ngoan và rộng rãi độ lượng, và rất nhiều những khác nữa.
Socrates: Chúng ta lại có cùng một rắc rối lần nữa, Meno, mặc dù trong một cách khác; chúng ta đã thấy nhiều những đức hạnh trong khi đang tìm lấy một, nhưng chúng ta không thể tìm thấy cái-một mà nó gồm tất cả những cái khác,
Meno: Tôi vẫn không thể thấy, Socrates, những gì ông đang tìm, một đức hạnh cho chúng tất cả, như trong những trường hợp khác.

Socrates: Đó là có khả năng xảy ra, nhưng tôi rất mong, nếu tôi có thể, rằng chúng ta sẽ tiến bộ, vì bạn hiểu rằng cùng một áp dụng cho tất cả mọi sự vật việc. Nếu một ai hỏi bạn những gì tôi vừa nhắc đến mới đây: “hình dạng là gì, Meno” và bạn nói với anh ta rằng nó thì tròn trịa, và nếu sau đó anh ta nói với bạn những gì tôi đã nói: “có phải dạng tròn trịa hay một hình dạng?” bạn chắc chắn sẽ nói với anh ta rằng nó là một hình dạng? – Tôi chắc sẽ nói,
Socrates: Đó hẳn là bởi có những hình dạng khác? – Phải.
Socrates: Và nếu anh ta hỏi thêm nữa chúng là những gì, bạn sẽ kể cho anh ta? – Tôi sẽ.

Socrates: Cũng thế, nếu anh ta hỏi bạn màu gì, và bạn nói nó là màu trắng, và người hỏi bạn cắt lời bạn, “có phải trắng là màu hay một màu?” bạn sẽ nói rằng nó là một màu, vì cũng có những màu khác? – Tôi sẽ.
Socrates: Và nếu anh mời bạn kể những màu khác, bạn sẽ nhắc đến những màu khác mà chúng đều không kém là màu hơn màu trắng là? – Phải.
Socrates: Sau đó, nếu anh ta theo đuổi luận chứng như tôi đã làm, và nói; “Chúng ta luôn luôn đi đến cái-nhiều; đừng nói chuyện với tôi theo cách đó, nhưng từ khi bạn gọi tất cả những nhiều này bằng một tên, và nói rằng không một nào trong số chúng thì không phải là một hình dạng mặc dù chúng là những đối nghịch, nói cho tôi biết đây là gì vốn nó áp dụng cũng nhiều vào cái tròn cũng như như cái thẳng và nó mà bạn gọi là hình dạng, như bạn nói cái tròn thì cũng nhiều một hình dạng như cái thẳng. “Có phải bạn không nói thế? – Tôi có.
Socrates: Khi bạn nói giống như thế, có phải bạn khẳng định rằng cái tròn thì không tròn nhiều hơn là thẳng, và rằng cái thẳng thì không thẳng hơn nó là tròn?
Meno: Chắc chắn là không, Socrates.
Socrates: Nhưng bạn nói rằng cái tròn thì không là một hình dạng nhiều hơn cái thẳng là, cũng không phải là một này nhiều hơn một kia. – Đó là đúng thật.

Socrates: Khi đó, là gì đây mà tên gọi hình dạng áp dụng với nó? Hãy cố gắng nói với tôi. Nếu sau đó bạn trả lời người đang đặt câu hỏi về hình dạng hay màu sắc: “Tôi không hiểu bạn muốn gì, ông bạn ơi, cũng chẳng hiểu bạn muốn nói gì”, ông ta có lẽ sẽ tự hỏi và nói: “Bạn không hiểu rằng tôi đang tìm kiếm cái mà là như nhau trong tất cả những trường hợp này?” Có phải bạn sẽ vẫn không có gì để nói, Meno, nếu một ai hỏi bạn: “là gì đây mà nó áp dụng cho cái tròn và cái thẳng, và những sự vật việc khác mà bạn gọi là những hình dạng, và vốn nó là như nhau trong chúng tất cả?” Hãy cố gắng để nói, điều đó bạn có thể thực hành cho trả lời của bạn về đức hạnh.

Meno: Không, Socrates, nhưng ông hãy bảo cho tôi.
Socrates: Có phải bạn muốn tôi làm ơn giúp bạn điều này?
Meno: Chắc chắn, tôi muốn.
Socrates: Và sau đó bạn sẽ sẵn sàng để kể cho tôi nghe về đức hạnh?
Meno: Tôi sẽ.
Socrates: Chúng ta chắc chắn phải tiếp tục đi tới. Đề tài thì đáng bõ công.
Meno: Nó chắc chắn là.
Socrates: Vậy tiếp tục nào, chúng ta hãy cố gắng để nói cho bạn biết hình dạng là gì. Xem không biết bạn sẽ có chấp nhận rằng nó là thế này hay không: Chúng ta hãy nói rằng hình dạng đó là những gì vốn chỉ duy một mình nó thuộc những sự vật việc hiện hữu luôn luôn đi theo màu sắc. Thế có thỏa đáng cho bạn không, hay có phải bạn tìm nó trong một vài cách nào khác không? Tôi ắt sẽ hài lòng nếu bạn định nghĩa đức hạnh theo cách này.
Meno: Nhưng điều đó là ngu dại, Socrates.
Socrates: Ban muốn nói theo nghĩa nào?
Meno: Hình dạng đó, ông nói, luôn luôn đi theo màu sắc. Vậy thì, nếu ai đó nói rằng anh ta không biết màu sắc là gì, nhưng rằng anh ta đã có cùng những khó khăn tương tự như anh đã có về hình dạng, ông có nghĩ rằng trả lời của ông sẽ là gì?

Socrates: Một trả lời đúng thực, chắc chắn, và nếu người hỏi tôi đã là một trong những người đối đáp thông minh và biện luận nóng nảy đó, tôi sẽ nói với anh ta: “Tôi đã đưa ra trả lời của tôi, nếu nó là sai, đó là công việc của bạn để bác bỏ nó.” Sau đó, nếu họ là những người thân thiện, như bạn và tôi, và muốn thảo luận với nhau, họ phải trả lời trong một cách nhã nhặn hơn và thích hợp hơn với sự thảo luận. Bằng cách này, tôi muốn nói nghĩa là những trả lời phải không chỉ là đúng, nhưng cũng trong những điều kiện chấp nhận được biết với người hỏi. Tôi cũng thế, sẽ cố gắng để nói chuyện trong những điều kiện này. Có phải bạn gọi một gì đó là “sự kết thúc?” Tôi muốn nói nghĩa là một điều như một giới hạn hay ranh giới, cho tất cả những gì đó, tôi nói, đều là cùng một điều tương tự. Prodicus [5] có thể không đồng ý với chúng ta, nhưng chắc chắn bạn gọi một gì đó “đã hết” hoặc “đã xong xuôi” – đó là những gì tôi muốn diễn tả, không có gì tỉ mỉ dài dòng.
Meno: Tôi có, và tôi nghĩ rằng tôi hiểu những gì ông muốn nói.
Socrates: Thêm nữa, bạn gọi một gì đó là một mặt phẳng, và một gì đó khác là một chất rắn, như trong hình học?
Meno: Tôi có.
Socrates: Từ điều này bạn có thể hiểu những gì tôi muốn nói có nghĩa là hình dạng, vì tôi nói điều này thuộc đủ mọi hình dạng, rằng một hình dạng là gì mà giới hạn một chất rắn; vắn tắt trong một từ, một hình dạng là giới hạn của một chất rắn.
Meno: Và thế còn ông nói màu sắc là gì, Socrates?
Socrates: Bạn thật là quá đáng, Meno. Bạn phiền một kẻ đã già để trả lời những câu hỏi, nhưng bản thân bạn lại không sẵn sàng để nhớ lại và cho tôi biết Gorgias nói rằng đức hạnh là gì.
Meno: Sau khi ông đã trả lời điều này, Socrates, tôi sẽ cho ông biết.
Socrates: Ngay cả những người dẫu bị bịt mắt cũng sẽ biết từ trò chuyện với bạn rằng bạn là đẹp trai và vẫn còn có những người yêu.
Meno: Tại sao thế?
Socrates: Vì bạn cứ mãi mãi ban những mệnh lệnh trong một thảo luận, như những người được quá chiều thành hư hỏng thường làm, những người cư xử như những bạo chúa miễn là chừng nào họ còn trẻ. Và có lẽ bạn đã nhận ra rằng tôi ở vào thế bất lợi so với những người đẹp trai, vì vậy tôi sẽ làm ơn giúp bạn một câu trả lời.
Meno: Bằng mọi cách hãy làm ơn giúp tôi điều đó.
Socrates: Bạn có muốn tôi trả lời sau theo cách của Gorgias, cách bạn sẽ theo dễ dàng nhất?
Meno: Dĩ nhiên, tôi muốn điều đó.

Socrates: Có phải cả hai bạn đều nói nói có những khí khó ngửi của những sự vật việc bốc ra, như Empedocles [6] nói không? – Chắc chắn.
Socrates: Và rằng có những kênh mà qua đó khí bốc lấy làm đường đi của chúng? – Chắc chắn,
Socrates: Và một số khí bốc phù hợp vừa vặn với một số kênh, trong khi có những khí bốc khác thì quá nhỏ hay quá lớn? – Đó là như vậy.
Socrates: Và có phải có một gì đó mà bạn gọi là tầm nhìn? – Có.
Socrates: Từ điều này, “hiểu những gì tôi nêu lên”, như Pindar nói [7]; vì màu sắc là một khí bốc lên từ những hình dạng mà vừa vặn với tầm nhìn và nhận biết được.
Meno: Điều đó xem dường với tôi là một trả lời tuyệt vời, Socrates.
Socrates: Có lẽ nó đã được đưa ra theo cách mà bạn đã quen thuộc. Đồng thời từ trả lời này, tôi nghĩ rằng bạn có thể suy diễn ra âm thanh là gì, và mùi, và nhiều những sự vật việc loại giống như vậy – Khá như vậy.
Socrates: Đó là một câu trả lời màu mè, nặng phần trình diễn, khiến nó làm bạn vui lòng, Meno, hơn là trả lời đó về hình dạng. – Đúng vậy.

Socrates: Nó không phải là hay hơn, người con trai của Alexidemus, nhưng tôi tin chắc rằng trả lời kia là hay hơn, và tôi nghĩ rằng bạn sẽ đồng ý, nếu bạn không phải bỏ đi xa trước [lễ hội] những bí ẩn, như bạn nói với tôi ngày hôm qua, nhưng có thể ở lại và được dẫn nhập. [8]
Meno: Tôi sẽ ở lại, Socrates, nếu ông có thể nói cho tôi biết nhiều những điều như thế này.
Socrates: Tôi chắc chắn sẽ không thiếu háo hức để nói cho bạn biết những điều giống như thế, cả hai đều vì lợi ích của bạn và của riêng tôi, nhưng tôi có thể không có khả năng để nói với bạn được nhiều cho lắm. Nào bây giờ, bạn cũng thế, hãy cố gắng thực hiện lời hứa của bạn với tôi, và cho tôi biết bản chất của đức hạnh như một toàn thể, và ngưng làm cho nhiều đi ra từ một, như những người pha trò nói mỗi khi một ai làm vỡ một gì đó; nhưng hãy để cho đức hạnh vẫn giữ trong toàn bộ và vững chắc, và cho tôi biết nó là gì, vì tôi đã cho bạn những thí dụ.

Meno: Tôi nghĩ, Socrates, rằng đức hạnh có nghĩa là, như nhà thơ nói, “để tìm thấy niềm vui trong những điều đẹp đẽ và có sức mạnh.” Vì vậy, tôi nói rằng đức hạnh là mong muốn những điều đẹp đẽ và có sức mạnh để có được được chúng.
Socrates: Có phải bạn muốn nói có nghĩa rằng người mong muốn những điều đẹp đẽ mong muốn những điều tốt lành? – Hầu như chắc chắn.
Socrates: Bạn có cho rằng có những người mong muốn những điều xấu xa, và những người khác mong muốn những điều tốt lành? Bạn không nghĩ rằng, con người tốt lành của tôi ơi, rằng tất cả mọi người mong muốn những điều tốt lành?
Meno: Tôi không nghĩ thế.
Socrates: Vì có một số mong muốn những điều xấu xa? – Đúng.
Socrates: Có phải bạn muốn nói có nghĩa rằng họ tin những điều xấu xa là tốt lành, hoặc họ biết rằng chúng là xấu xa và dẫu sao đi nữa vẫn mong muốn chúng? – Tôi nghĩ rằng có cả hai loại.

Socrates: Bạn có nghĩ, Meno, rằng bất cứ ai, sau khi biết những điều xấu xa là xấu xa, dẫu thế đi nữa, vẫn mong muốn chúng? – Tôi chắc chắn nghĩ vậy.
Socrates: Bạn muốn nói với nghĩa gì bằng “mong muốn”? Có phải nó là để bảo đảm cho chính mình? – Còn gì khác nữa?
Socrates: Có phải người ấy nghĩ rằng những điều xấu làm lợi cho mình, người có chúng, hoặc có phải người ấy biết chúng làm hại mình?
Meno: Có một số người tin rằng những điều xấu làm lợi cho họ, những người khác biết rằng những điều xấu làm hại họ.
Socrates: Và bạn có nghĩ rằng những người tin rằng những điều xấu làm lợi cho họ, biết rằng chúng là xấu?
Meno: Không, tôi không thể cùng tin tưởng theo tất cả điều đó.

Socrates: Rõ ràng sau đó rằng những người đó là người không biết những điều là xấu, họ không mong muốn những gì là xấu, nhưng họ mong muốn những điều đó vốn họ tin rằng là tốt, nhưng trong thực tế là xấu. Điều đó dẫn đến rằng những người đó là người không có kiến thức về những điều này, và tin rằng chúng là tốt, rõ ràng mong muốn những điều tốt. Không phải như vậy sao? – Điều đó chắc là đúng.
Socrates: Vậy thì, những người bạn nói mong muốn những điều xấu, tin rằng những điều xấu làm tổn hại cho người có chúng, biết rằng họ sẽ bị chúng làm tổn hại? – Nhất thiết thế.
Socrates: Và có phải họ không nghĩ rằng những người bị tổn hại đó là khốn khổ đến mức mà họ đã bị tổn hại? – Đó cũng là không thể tránh.
Socrates: Và có phải rằng những người khốn khổ đó đều không sung sướng? – Tôi nghĩ vậy.
Socrates: Có một ai mà lại muốn bị khốn khổ và không sung sướng? – Tôi không nghĩ vậy, Socrates.
Socrates: Như thế, không một ai muốn những gì là xấu, Meno, trừ khi anh ta muốn được là như vậy. Vì còn gì khác, nếu muốn là được khốn khổ, trừ khi mong muốn những điều xấu và giữ chặt lấy chúng?
Meno: Có lẽ ông thì đúng, Socrates, và không ai lại muốn những gì là xấu.
Socrates: Có phải bạn vừa nói mới đây, rằng đức hạnh là để mong muốn những điều tốt đẹp và có sức mạnh để đảm bảo chúng? – Vâng, tôi đã nói thế.
Socrates: Phần mong muốn của phát biểu này là chung cho tất cả mọi người, và một người này thì không tốt hơn một người khác trong việc này? – xem dường nó như thế.
Socrates: Rõ ràng sau đó, nếu một một người này thì tốt hơn một người khác, anh ta phải làm tốt hơn trong sự đảm bảo chúng. – Khá là như vậy.
Socrates: Điều này sau đó là đức hạnh theo lập luận của bạn, sức mạnh của sự đảm bảo những điều tốt đẹp.
Meno: Tôi nghĩ, Socrates, rằng trường hợp xảy ra đó thì hoàn toàn như ông bây giờ hiểu nó.

Socrates: Sau đó, chúng ta hãy cùng xem không biết những gì bạn nói là đúng hay không, vì bạn cũng có thể là đúng. Bạn nói rằng khả năng để có được những điều tốt đẹp là đức hạnh? – Tôi có nói.
Socrates: Và khi nói những điều tốt đẹp, bạn nói, lấy thí dụ, có nghĩa là sức khỏe và sự giàu có?
Meno: Vâng, và cũng là có được vàng, và bạc, cũng cả danh dự và những chức vị văn phòng trong thành phố.
Socrates: Khi nói những điều tốt đẹp, bạn không có ý nói đến những có-được nào khác ngoài những thứ này?
Meno: Không, nhưng tôi muốn nói có nghĩa là tất cả mọi sự vật việc thuộc loại này.
Socrates: Rất tốt. Theo Meno, người bạn, khách mời, dòng dõi của đức Vua vĩ đại, đức hạnh là sự có được vàng và bạc. Bạn có thêm vào sự có được này, Meno, những tiếng công minh, sùng tín đạo hạnh, hay có phải nó chẳng làm thành khác biệt nào với bạn, dù ngay cả khi một người bảo vệ, giữ chặt những sự vật này một cách bất công, bạn vẫn gọi nó là đức hạnh, không giảm đi chút nào?
Meno: Chắc chắn là không, Socrates.
Socrates: Khi đó bạn sẽ gọi nó là gian ác? – Thực vậy, tôi sẽ.
Socrates: Có vẻ như sau đó rằng sự có được phải đi kèm với công lý hoặc sự điều độ ôn hòa, hoặc sùng tín đạo hạnh, hoặc một vài phần khác của đức hạnh; nếu không, nó sẽ không là đức hạnh, mặc dù nó đem lại những điều tốt đẹp.
Meno: Làm sao có thể có đức hạnh mà không có những điều này?
Socrates: Vậy thì thất bại, không bảo vệ, giữ chặt vàng và bạc, bất cứ khi nào sẽ không là công bằng nếu làm thế, hoặc cho chính mình hoặc cho người khác, không phải sự thất bại này để đảm bảo chúng cũng là đức hạnh hay sao?
Meno: Xem ra, nó là thế.
Socrates: Khi đó, đem cho những tốt đẹp này tất sẽ không còn là đức hạnh nào nữa so với không đem lại được chúng, nhưng dường như bất cứ gì được thực hiện với công lý sẽ là đức hạnh, và những gì được thực hiện mà không có bất cứ gì cùng loại như thế là gian ác.
Meno: Tôi nghĩ rằng nó nhất thiết phải như ông nói.
Socrates: Chúng ta đã nói một chút trước đây rằng mỗi một của những điều này là một phần của đức hạnh, cụ thể là, công lý và sự điều độ ôn hòa và tất cả những điều loại giống thế đó – Vâng?.
Socrates: Nhứ thế là bạn đang bỡn cợt với tôi, Meno. – Sao lại như vậy, Socrates?
Socrates: Bởi vì tôi đã cầu xin bạn vừa mới đây, hãy đừng đập vỡ hoặc phân mảnh đức hạnh, và tôi đã cho những thí dụ về cách bạn nên trả lời thế nào. Bạn không chú ý gì cả, nhưng bạn cho tôi biết rằng đức hạnh là có khả năng đảm bảo những điều tốt đẹp với công lý, và công lý, bạn nói, là một phần của đức hạnh.
Meno: Tôi có nói.
Socrates: Khi đó, từ những gì bạn đã đồng ý với, nó dẫn đến rằng để hành động trong bất cứ gì bạn làm với một phần của đức hạnh là đức hạnh, vì bạn nói rằng công lý là một phần của đức hạnh, vì đều là tất cả những phẩm tính giống vậy. Tại sao tôi nói điều này? Bởi vì khi tôi cầu xin bạn cho tôi biết về đức hạnh như một toàn thể, bạn ngược lại, còn xa với việc nói với tôi nó là gì. Thay vào đó, bạn nói rằng mỗi hành động là đức hạnh nếu nó được thực hiện với một phần của đức hạnh, như thể bạn nếu đã nói đức hạnh là gì như một toàn thể, thế nên tôi đã biết điều đó, ngay cả nếu bạn đập vỡ nó thành nhiều phần. Tôi nghĩ rằng bạn phải đối mặt với cùng một câu hỏi từ khởi đầu, Meno thân mến của tôi, cụ thể là, đức hạnh là gì, nếu tất cả mỗi hành động được thực hiện với một phần của đức hạnh là đức hạnh? Vì đó là những gì người ta nói khi người ấy nói rằng tất cả mỗi hành động được thực hiện với công lý là đức hạnh. Bạn không nghĩ rằng bạn nên đối mặt với cùng một câu hỏi một một lần nữa, hoặc có phải bạn nghĩ rằng một ai biết một phần của đức hạnh là gì, nếu như người ta vẫn không biết bản thân của đức hạnh? – Tôi không nghĩ vậy.

Socrates: Nếu bạn còn nhớ, khi tôi đã trả lời bạn về hình dạng, chúng ta ném bỏ những loại trả lời mà cố gắng trả lời trong những thuật ngữ vẫn còn là đối tượng của sự điều tra, và vẫn chưa thỏa thuận về chúng. – Và chúng ta đã đúng để ném bỏ chúng.
Socrates: Vậy thì chắc chắn, thưa ngài khả kính, bạn phải đừng nghĩ, trong khi bản chất của đức hạnh như một toàn thể vẫn còn đang được điều tra, rằng bằng cách trả lời trong những thuật ngữ về những phần của đức hạnh, bạn có thể làm rõ ràng bản chất của nó với bất cứ ai, hoặc làm bất cứ gì nào khác rõ ràng bằng cách nói theo lối này, nhưng chỉ rằng cùng một câu hỏi phải được đặt cho bạn lần nữa – bạn nghĩ bản chất của đức hạnh là gì khi bạn nói những gì bạn nói? Hay bạn nghĩ rằng không có mục đích gì trong những gì tôi đang nói? – Tôi nghĩ rằng những gì ông nói là đúng.
Socrates: Vậy sau đó, hãy trả lời tôi một lần nữa từ lúc bắt đầu: bạn và bạn của bạn nói đức hạnh đó là gì?

Meno: Socrates, ngay cả trước khi gặp ông, tôi đã thường nghe rằng ông luôn luôn trong một tình trạng bối rối nan giải, và rằng ông đem những người khác đến cùng tình trạng, và bây giờ tôi nghĩ rằng ông đang bỏ bủa và mê hoặc tôi, chỉ bằng đơn giản đặt tôi dưới phù phép, mất kiểm soát hành động động và suy nghĩ, khiến tôi như thế hoàn toàn bối rối, hoang mang. Thật vậy, nếu như đang tuần tự diễn một trò đùa, ông dường như, trong vẻ ngoải xuất hiện và trong mọi cách khác, thì giống như loài cá phóng điện, cá “ngư lôi” [9], vì nó cũng thế, làm bất cứ ai đến gần và chạm vào nó, đều cảm thấy bị tê liệt, và bây giờ có vẻ như ông đã có được loại hiệu lực đó vào tôi, vì cả não thức tôi và lưỡi của tôi đều tê liệt, và tôi không có trả lời nào đem cho ông. Mặc dù, tôi đã có nhiều bài nói về đức hạnh, trước những khối khán giả lớn, trong hàng nghìn trường hợp, những bài phát biểu rất hay như tôi đã tưởng, nhưng bây giờ tôi thậm chí không thể nói nó là gì. Tôi nghĩ rằng ông là khôn ngoan, đừng dong thuyền đi khỏi Athens, để đến và ở những nơi nào khác, vì nếu ông đã cư xử thế này, như một người lạ ở một thành phố khác, ông sẽ bị tống đi ngay vì hành nghề phù thủy.
Socrates: Bạn là một người láu lỉnh, Meno, và bạn gần như đã đánh lừa tôi.
Meno: Đặc biệt vì sao thế, Socrates?
Socrates: Tôi biết lý do tại sao bạn đã vẽ hình ảnh này về tôi.
Meno: Tại sao ông nghĩ rằng tôi đã làm thế?
Socrates: Như thế khiến tôi sẽ vẽ ra một hình ảnh của bạn để đối lại. Tôi biết rằng tất cả những người đàn ông đẹp trai đều cảm thấy vui thích về những hình ảnh của bản thân họ; đó là lợi thế của họ, vì tôi nghĩ rằng những hình ảnh của những người đẹp đều cũng là đẹp, nhưng đến lượt, tôi sẽ không vẽ hình ảnh nào của bạn. Bây giờ nếu “cá ngư lôi”, bản thân nó tê liệt và như thế làm những gì khác tê liệt, khi đó tôi giống nó, nhưng không trong những phương diện khác, vì chính bản thân tôi không có câu trả lời, khi tôi làm những người khác bối rối, duy tôi lại còn bối rối hơn bất cứ ai khi tôi gây nên sự bối rối ở những người khác. Vì vậy, hiện giờ tôi không biết đức hạnh là gì; có lẽ bạn đã biết trước khi bạn tiếp xúc tôi, nhưng bây giờ, bạn chắc chắn giống một người là người không biết. Tuy nhiên, tôi muốn xem xét và tìm kiếm cùng với bạn những gì nó có thể là.
Meno: Ông sẽ tìm nó thế nào, Socrates, khi ông không biết nó là gì hết tất cả? Ông sẽ nhắm hướng ra sao để kiếm một gì đó ông hoàn toàn không biết? Nếu như ông có gặp nó, làm sao ông sẽ biết rằng đây chính là điều vốn ông đã không biết?
Socrates: Tôi biết những gì bạn muốn nói, Meno. Bạn có nhận ra, thật là một lập luận của một người tranh cãi, bạn đang nêu lên không? Rằng một người không thể tìm kiếm, hoặc cho những gì ông biết, hoặc cho những gì ông ta không biết? Ông không thể tìm kiếm những gì ông biết – vì nếu ông biết điều đó, không có nhu cầu để tìm kiếm – cũng không với những gì ông ta không biết, vì ông ta không biết tìm kiếm những gì.


(81)
Meno: Có phải luận chứng đó, với ông xem dường không vững chắc, Socrates?
Socrates: Không, với tôi.
Meno: Ông có thể cho tôi biết tại sao?
Socrates: Tôi có thể, tôi đã nghe những người khôn ngoan, nam và nữ, nói về những truyền thuyết linh thiêng. . .
Meno: Họ đã nói gì?

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Nov/2014)







[1] Plato, Meno, Theo bản tiếng Anh của George Maximilian Antony Grube (1899 1982)
Trong bộ Plato Toàn tập (Plato Complete Works)Biên tập, giới thiệu, chú thích của John M. Cooper, Phụ tá biên tập D. S. Hutchinson.
Nxb Hackett Publishing Company. Indianapolis/Cambridge, 1997

Tham khảo và đối chiếu với những bản:
(a)    Meno trong Plato in Twelve Volumes, Vol. 3 translated by W.R.M. Lamb. Cambridge, MA, Harvard University Press; London, William Heinemann Ltd. 1967.
(b)   Meno trong Meno and other dialogues. Bản dịch của Robin Waterfield. Oxford; New York: Oxford University Press, 2005.
(c)    Meno trong Reason & Persuasion: Three Dialogues by Plato. Belle Waring dịch và J. Holbo chú thích, giới thiệu, minh hoạ. Nxb Prentice Hall, 2002
(d)    Ménon (De La Vertu) trong bộ Œuvres de Platon (13 tập); bản dịch tiếng Pháp của Victor Cousin. Paris, 1849.
Tất cả những trang, đánh số thứ tự Stephanus từ [70a] – [100b]
Các chú thích của những dịch giả sẽ giữ trong ngoặc vuông [ … ]
Những ghi chú khác với sai lầm nếu có, như thường lệ, là của tôi.

Meno (c. 423-400 TCN), con trai của Alexidemus, một thanh niên, dòng dõi quý tộc, người thành Pharsalos, ở miền nam vùngThessaly, gia đình của Meno đã từ lâu có liên hệ chặt chẽ với Athens.
Trong Plato, Meno đến Athens như một khách mời của Anytus. Thời gian Meno nghỉ ở Athens ngắn, và Socrates nói rằng Meno đã không thể ở lại lâu hơn, để dự lễ dẫn nhập của những bí ẩn tôn giáo. Cuộc đàm thoại có lẽ không phải lịch sử, nhưng giả định là diễn ra trong năm 402 TCN, trước khi Meno tham dự cuộc chiến ở Persia, khoảng 402 TCN. Trong đàm thoại này, Meno khoảng 19 tuổi, và Socrates khoảng 67 tuổi.
Xenophon cho chúng ta biết về cái chết thê thảm của Meno trong cuộc viễn chinh giúp Cyrus (The Expedition of Cyrus 2.6.21–9). Meno dẫu rất trẻ, được phong tướng, chỉ huy một đoàn quân đánh thuê, gồm 1000 lính hoplites (lính bộ trang bị vũ khí nặng) và 5000 lính peltasts (lính bộ trang bị vũ khí nhẹ) từ Thessaly. Họ được Aristippus thuê để hỗ trợ hoàng tử Cyrus (người em) trong nỗ lực tranh dành ngai vàng Persia với người anh của Cyrus là Artaxerxes, đã được lập làm vua Persia, sau cái chết của vua Darius II. Cyrus cho rằng mình có quyền thừa kế ngai vàng chính đáng hơn; đã kết tập một quân đội, gồm những người Persian ủng hộ ông và những người Greek đánh thuê, trong đó có Xenophon và Meno. Sau khi Cyrus bị giết, và những thất bại liên tiếp; giữa khủng hoảng lãnh đạo, trong một âm mưu thương lượng bất thành với quân đội Persia của Artaxerxes, những tướng lãnh Greek đã bị phản bội, tất cả đều bị chặt đầu, có lẽ trừ Meno. Theo Xenophon, Meno đã bị giam giữ ở Persia, chịu tra tấn hết một năm, đến cuối mới bị giết.
Meno được Xenophon mô tả như tham lam, mưu mô, ích kỷ, và không có được bất kỳ một ý thức nào về công lý.

[2] αρετη [areté]: đức hạnh, (hay đức tính). Trong khái niệm của người Greek, là một khả năng, hoặc kỹ năng, thể hiện qua tài khéo (bản Oxford dịch là “excellence” – tài khéo, xuất sắc), trong một số phương diện đặc biệt. Đức hạnh, hay đức tính (hay phẩm hạnh) của một người thợ làm bánh là những gì đem cho người này khả năng để làm được bánh mì ngon/tốt; đức hạnh của người làm vườn là những gì cho phép người làm vườn có thể trồng được hoa đẹp, vv... Trong ý nghĩa này, đức hạnh khác biệt rõ ràng từ người này sang người khác (chúng ta nói đức tính của ông A, hay bà B) và từ mục tiêu đến mục tiêu (chúng ta nói đức hạnh để làm thày giáo hay để làm nhà tu). Nhưng ở đây, Socrates quan tâm đến đức hạnh đích thực, trong đó (như khi nói về sức khoẻ, một người thực sự có sức khoẻ) nên giống nhau, và chung cho tất cả mọi người. Khái niệm rộng về đức hạnh này có thể bao gồm những đức tính cụ thể như lòng can đảm, sự khôn ngoan, hoặc sự chừng mực điều độ, nhưng nó vẫn phải có khả năng cung cấp một mô tả hoàn hảo nói chung về đức hạnh như một toàn thể, kỹ năng hay khả năng để là con người hoàn toàn. Nhưng đó là những gì? Trong Meno, areté đôi khi dùng như thay thế cho “cái tốt” – theo nghĩa tổng quát, (như can đảm là đức hạnh và cũng là điều tốt về một người)
[3] Roundness: chúng ta nói “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” – khi một gì thì “tròn” , nó có tính-tròn, hay sự-tròn, hay cái-tròn; “cái” dùng như trong “cái nết đánh chết cái đẹp”.
[4] hình dạng: Socrates muốn đi tới những đặc tính có thể ấn định thế nào là một đức hạnh trong tổng quát, hay “thể dạng” (form - eidos) của đức hạnh. Khái niệm về những Thể dạng, nhắc đôi chỗ ở đây, vẫn còn có vẻ gắn buộc với một tính chất nội tại của mỗi sự vật vật chất, nhưng sẽ là một gì được Plato khai triển rộng hơn, hầu như tách biệt với thế giới vật chất, chỉ có trong một vài lĩnh vực thuần tuý tinh thần hay một thế giới khác, có tính linh thiêng và đượm huyền bí.
[5] [Prodicus là một nhà sophist nổi tiếng, người đặc biệt chú trọng về ý nghĩa chính xác của những từ ngữ.]
Prodicus người thành Ceos (c. 465 – 415 TCN): triết gia Greek, thuộc lớp đầu tiên của những nhà Sophist. Ông là một sophist đúng nghĩa – hiểu như một nhà chuyên môn/học giả hành nghề tự do, sống lưu động bằng nghề dạy học. Ông đến Athens như đại sứ của Ceos, sống khá lâu ở Athens. và trở nên nổi tiếng như một diễn giả và một thày dạy học. Ông là một người vô thần và một nhà đạo đức, nhưng nổi tiếng nhất về công trình của ông tiến tới thiết lập những gì chúng ta có thể gọi là từ điển đầu tiên của tiếng Greek, đặc biệt là cách phân biệt những từ đồng nghĩa gần. Giống Protagoras, ông tuyên bố dạy về thuật quản lý trong gia đình và công quyền, nhưng trong khi Protagoras chú trọng về khoa tu từ và văn pháp; Prodicus chú trọng về ngữ học trong giảng dạy của ông. Nhiều đàm thoại của Plato nhắc đến lý thuyết ngữ học của Prodicus, và sự nhấn mạnh của Prodicus về sự xử dụng cho đúng những tên gọi (danh từ). Có thuật lại như một câu chuyện khôi hài, trong đó chế diễu Prodicus về sự khác biệt giữa bài giảng với giá một-drachma và năm-mươi-drachma của ông. Trong Cratylus (384b) Socrates nói nếu đã có được năm mươi drachmas (theo học Prodicus), bây giờ ông hẳn phải là một nhà chuyên môn về “sự chính xác của những tên gọi”.
Trong nhiều đối thoại của Plato, Socrates xuất hiện như một người bạn của Prodicus, cho thấy ít nhất hai người đã có quan hệ cá nhân gần gũi, và Socrates đã tham dự ít nhất một vài bài giảng của Prodicus. Prodicus có lẽ là một sophist Plato dành nhiều kính trọng và có cảm tình nhất. Mặc dù thường nhẹ nhàng diễu cợt ông, Plato cũng trình bày Prodicus như một giáo sư, khi Socrates tự xưng là học trò của Prodicus (ví dụ ở trên, Meno, 75e, 96d), và người bạn của Socrates (trong Hippias Major, 282c, Socrates gọi Prodicus “người bạn” (etairos) của mình.
[6] [Empedocles (c. 493-433 TCN) thuộc vùng Acragas, ở Sicily, là một shaman, triết gia, khoa học gia, và nổi tiếng với lý thuyết của ông về thế giới thiên nhiên và những hiện tượng tự nhiên (gồm nhận thức giác quan)].
Đóng góp quan trọng của Empedocles không chỉ trong triết học thời trước-Socrates nhưng còn trong khoa học, trong sự phát triển sớm nhất cho nền tảng cơ bản của vật lý hạt nhân, vốn ông xây dựng trên lý thuyết của các triết gia trường phái Eleactics và vấn đề của sự thay đổi trong thế giới tự nhiên. Parmenides đã lập luận rằng những gì tồn tại đã vẫn luôn luôn tồn tại, và thực sự không có thay đổi cho chúng ta nhìn thấy, một quan điểm căn cứ vào chủ nghĩa duy lý vốn nhận thấy những nhận thức giác quan đưa đến những kiến thức thiếu xót, hoặc sai lạc. Heraclitus, mặt khác, (theo như Plato trình bày và nhấn mạnh) cho rằng tất cả mọi sự vật việc đều trong một trôi chảy, bất tận, miên viễn; và hiện hữu là trong một vở kịch liên tục của những đối lập, vốn là đặc trưng của vở kịch này. Empedocles tìm thấy rằng trong những lập luận trên, cả hai đều có một trống hở ngay ở khởi đầu, là đều giả định rằng chỉ có một yếu tố cơ bản của vật chất trong Tự nhiên. Thay vào đó, Empedocles tuyên bố có bốn yếu tố: lửa, không khí, đất và nước.
[7] [Mảnh 105 (Snell).] Pindar: (518–c.440 TCN), người miền Cynoscephalae, vùng Boeotia, nhà thơ trữ tình nổi tiếng nhất của Greece thời cổ. Còn giữ được một số khá nhiều những bài thơ của ông, đặc biệt là những bài ông đã được giao nhiệm vụ viết trong lễ kỷ niệm những chiến thắng thể thao.

[8] [“ở lại và được dẫn nhập”: Ở những chỗ khác, Plato đã so sánh lễ dẫn nhập của những nghi lễ bí ẩn tôn giáo, như Nghi lễ bí ẩn ở Eleusis, với sự “dẫn nhập” vào triết học (Gorgias 497c, Symposium 209e–210a, Phaedrus 250b–c, Theaetetus 155e). Chi tiết nhắc tới Nghi lễ bí ẩn ở Eleusis ở đây, cho chúng ta thêm chi tiết để định thời điểm của đàm thoại này. Meno vào khoảng 20 hay 21 tuổi khi ông bị giết tại Persia năm 400 TCN; Trước đó, khi xảy ra đàm thoại này, Meno đã đủ trưởng thành để tự mình rời Thessaly và đến Athens; có thể cũng phỏng đoán là Meno trên đường đến gặp đàn quân đánh thuê cho Cyrus ở Tiểu Á, rối sẽ bắt đầu viễn chinh, tiến về hướng Đông, sang Persia, năm 401 TCN; Như thế, đàm thoại xảy ra lúc đầu năm (Nghi lễ bí ẩn ở Eleusis xảy ra vào tháng Hai, mùa Xuân, sau khi cây cỏ chết mùa Đông đã nảy mầm “sống lại”); Thêm nữa, Meno đã ngụ tại nhà Anytus, một chính tri gia phái dân chủ , người này hẳn sẽ không có mặt ở Athens trong thời gian có chế độ tập quyền lãnh đạo ở thành phố này cuối năm 403. Tất cả những chi tiết này cho chúng ta đoán thời điểm của đàm thoại Meno là January 402.]
Nghi lễ bí ẩn ở Eleusis (Eleusinian Mysteries) là những nghi lễ bí ẩn tôn giáo chính, tổ chức hàng năm, của xã hội cổ Greece. Những nghi lễ bí ẩn có thể có nguồn gốc như một phần của một lễ hội thành hình từ buổi đầu của xã hội định cư nông nghiệp tại vùng này, đặc biệt với một số những gia đình ở Eleusis. Những nghi lễ, những thờ phụng, và những tin tưởng đều được tín đồ tham dự giữ bí mật. Có lẽ gồm những qui cách nhịn ăn, những nghi lễ thanh tẩy (bằng nước, lửa và không khí). Những nghi lễ này, về cơ bản, lập lại một huyền thoại, trong đó Persephone trở lại hàng năm với mẹ là vị gót nữ Demeter, sau khi bị bị Pluto bắt cóc làm vợ; tượng trưng cho chu kỳ hàng năm của chết và tái sinh trong Tự nhiên, cũng như sự bất tử của hồn người. Những Nghi lễ Bí ẩn được tổ chức gồm hai phần, Những Nghi lễ Bí ẩn Nhỏ, vào đầu Xuân, và Những Nghi lễ Bí ẩn Lớn vào mùa Thu. Những Nghi lễ Bí ẩn Nhỏ, tốt nhất có thể được mô tả như là một thanh lọc sơ bộ mà các ứng viên phải trải qua trước khi tham dự vào Những Nghi lễ Bí ẩn Lớn. Các nghi lễ của Bí ẩn Nhỏ thường được gọi là các myesis, như trái ngược với các nghi thức của Bí ẩn Lớn, được gọi là epopteia. Từ myesis có nghĩa là “để dạy” và cũng có nghĩa “để bắt đầu” (initiate). Epopteia có một ý nghĩa tương tự, nhưng với một sự khác biệt quan trọng; nó có nghĩa là “để làm chứng” và “được dẫn nhập”. Sự khác biệt nhỏ về hai từ này giải thích một sự khác biệt cơ bản trong những gì đã xảy ra với những người được dẫn nhập. Tất cả những ai nói tiếng Greek đều được tham dự, cả phụ nữ lẫn nô lệ. Trong nghi lễ trước, họ được giảng dạy về sự linh thiêng của hai nữ thần, và ý nghĩa của các nghi thức. Tuy nhiên, trong phần sau, họ có thể trải nghiệm những gì họ đã học được, và gần cuối của lễ hội kéo dài hàng tuần, thậm chí họ sẽ có được một viễn tượng về Persephone. Những người tham dự lần đầu, là những người được dẫn nhập, được đưa đến sự “hợp nhất” với thần linh, gồm những hứa hẹn về quyền năng thần thánh, và những phần thưởng trong đời sống sau cái chết.
[9] Torpedo fish – Torpediniformes: giống cá (nước ngọt và mặn), mình rộng, đuôi thon dài, thân trơn không vảy, dẹp, hai bên sường mở lớn như cánh. Đặc biệt phóng ra những tia điện để tấn công, tự vệ - còn gọi là Numbfishes (Cá gây Tê).