Wednesday, January 30, 2013

Nietzsche - Về Lai lịch của Đạo đức (19)

Về Lai lịch của Đạo đức

(On the Genealogy of Morality
Zur Genealogie der Moral)
Friedrich Nietzsche
(tiếp theo ...)






Luận văn Thứ Ba
Những lý tưởng khổ hạnh có nghĩa là gì?


19.
Những phương pháp của nhà tu khổ hạnh đem xử dụng mà chúng ta đã vừa biết – làm cùn nhụt toàn bộ sự tỉnh thức của đời sống, hoạt động máy móc, niềm vui nhỏ nhặt, trên tất cả là niềm vui của “hãy thương yêu hàng xóm của ngươi”, tổ chức bầy đoàn, sự tỉnh thức về tình cảm về quyền lực của cộng đồng, theo đến hậu quả là sự bất mãn của cá nhân với chính nó thì bị dìm chìm bởi thích thú của người ấy trước sự thịnh vượng của cộng đồng, – những điều này, đem đo với những điều kiện hiện đại, là những phương tiện ngây thơ của hắn ta trong cuộc chiến chống lại sự bất mãn: bây giờ chúng ta hãy quay sang điều thú vị hơn, những phương tiện (của sự) “có tội”. Chúng tất cả đều liên hệ với một điều: dăm loại nào đó của một sự quá độ của tình cảm, – chúng được dùng như thuốc gây mê công hiệu nhất cho đau đớn-kéo-dài, tê liệt đến tật nguyền, buồn nản đến tàn lụi; đó là lý do tại sao tài khéo thần kỳ của những thày chăn chiên đã thực tế không cạn kiệt trong suy nghĩ ra những ẩn ý của một câu hỏi này: “cách nào người ta có thể tạo được sự quá độ của tình cảm?”. . .

Điều đó nghe lỗ mãng khó chịu: hiển nhiên nó sẽ nghe dễ chịu hơn và lọt vào tai hay hơn, nếu như tôi đã nói “thày tu khổ hạnh đã luôn luôn đem xử dụng lòng nhiệt thành nằm trong tất cả những xúc động mạnh mẽ”. Nhưng tại sao vuốt ve những tai nghe nhu nhược của những con người yếu đuối hiện đại của chúng ta? Tại sao, về phần của chúng ta, chúng ta lại nên nhượng bộ, ngay cả chỉ hai đốt ngón tay, với lời giả nhân giả nghĩa của họ? Đối với chúng ta những nhà tâm lý học, điều này sẽ tạo dựng một giả nhân giả nghĩa của việc làm, ngoài chuyện thực tế là nó sẽ làm chúng ta buồn nôn. Thật ra, một nhà tâm lý học ngày nay cho thấy khẩu vị tốt của ông, nếu ông có cho thấy bất kỳ gì chăng tất cả (những người khác có thể nói: tính chính trực của ông ta), bằng cưỡng chống lại ngôn ngữ bị tai tiếng đạo đức quá lố, vốn trên thực tế tất cả những phán đoán hiện đại về con người và những sự vật đều bị nó bôi bẩn. Vì chúng ta phải đừng vướng sai lầm về nó: cá tính đặc thù nhất của những linh hồn hiện đại, những ghi chép hiện đại, thì không phải là những lời dối trá của chúng, nhưng sự ngây thơ vô tội bắt rễ sâu xa trong sự điêu ngoa xuyên tạc đạo đức của chúng. Để phải tái khám phá ra “sự ngây thơ vô tội” này ở khắp nơi – có lẽ, đó là nhiệm vụ gây phẫn nộ nhất trong số những nhiệm vụ phần nào còn nghi ngờ, một nhà tâm lý học ngày nay phải thực hiện, nó là phần nguy hiểm lớn của chúng ta, nó là một lối đi, có lẽ, cũng dẫn chúng ta nữa, đến sự buồn nôn lớn lao.

Tôi không nghi ngờ về những ghi chép hiện đại chỉ riêng dùng làm gì (giả sử chúng bền lâu, vốn chắc chắn là điều không sợ, và giả sử tương tự rằng một ngày rồi sẽ có hậu thế với khẩu vị khỏe mạnh hơn, chặt chẽ hơn, khó khăn hơn,) – những gì tất cả mọi thứ hiện đại dùng trong tổng quát sẽ phục vụ, có thể phục vụ, cho hậu thế này: như một thuốc gây nôn, – và điều đó là vì tính đường mật đạo đức của nó và gian dối, chủ nghĩa phái nữ bình quyền sâu thẳm bên trong của nó, vốn hài lòng tự gọi nó là “chủ nghĩa duy ý” [1] và  trong bất cứ trường hợp nào tin chính nó là chủ nghĩa duy ý.  Những người có giáo dục của chúng ta ngày nay, những người “tốt” của chúng ta, không nói dối – đó là sự thật, nhưng nó chẳng đem lại uy tín nào cho họ! Lời nói dối thực sự, đích thực, nói dối ‘kiên quyết lời (hãy nghe Plato nói về giá trị của nó [2]) sẽ là một-gì đó quá cứng rắn và quá mạnh mẽ cho họ; nó sẽ đòi hỏi một-gì đó của họ mà người ta phải đừng đòi hỏi, rằng họ mở mắt họ nhìn chính mình, rằng họ đi đến để biết làm thế nào phân biệt giữa ‘thực’ và ‘giả’ về phần đối với chính họ. Nói dối không trung thực là điều duy nhất vừa vặn cho họ, tất cả những người là người cảm thấy mình là một ‘người tốt’ ngày nay thì hoàn toàn không có khả năng đối diện bất cứ điều gì ngoại trừ trong một lối gian dối không trung thực, trong một cách đó là gian dối xuống tận tất cả độ sâu của nó, nhưng gian dối ngây thơ, gian dối thật chân thành, gian dối mắt xanh, gian dối một cách đức hạnh. Những ‘người tốt’ này, – tất cả họ bây giờ đã đạo đức tận gốc và cành, và đã điếm nhục đến mức mà trung thực là mối quan tâm, và bị hư hoại đến vĩnh cửu: ai trong họ có thể đứng vững cho một sự thật duy nhất “về con người”! . . . Hay hỏi thẳng vào vấn đề hơn: ai trong họ có thể mang được một tiểu sử chân thực!.

Một vài mách ý: Lord Byron đã viết một vài sự việc hết sức riêng tư về chính ông, nhưng Thomas Moore đã “quá tốt” với chuyện này: ông đốt sạch giấy tờ của người bạn mình. Điều này được cho là cũng đã xảy ra với Tiến sĩ Gwinner, người thực thi di chúc của Schopenhauer: vì Schopenhauer đã viết vài điều về bản thân mình và có thể cũng phản lại mình nữa (eis heauton [3]). Người Mỹ siêng năng Thayer, người viết tiểu sử Beethoven, đột nhiên tự đình chỉ công việc của mình: sau khi đã đến một vài điểm hay gì-khác trong đời sống đáng tôn kính và ngây thơ này, ông thôi không thể chịu được nó nữa.

Đạo đức: con người thận trọng có thể viết được một từ nào trung thực về bản thân mình ở thời nay? – Ông ta sẽ thuộc vào đội ngũ của những Gan dạ hàng Thần thánh. Chúng ta được hứa hẹn một tự truyện của Richard Wagner: ai có thể nghi ngờ, trừ ra nếu nó sẽ là một cuốn tự truyện thận trọng?

Chúng ta hãy cùng, nghĩ về sự kinh hoàng buồn cười mà thày chăn chiên Catô Janssen [4] đã dấy lên với hình ảnh vô thưởng vô phạt và thực tế lạ thường của ông về Phong trào Cải cách Tôn giáo nước Đức;  rồi người ta sẽ làm gì tiếp, nếu như một ai đó đã kể câu chuyện khác đi lấy một lần, nếu một nhà tâm lý học thực, kể cho chúng ta về một Luther thực, thôi không với sự đơn giản đạo đức của một thày chăn chiên miền quê, thôi không với đường mật ngọt ngào, cung kính khiêm tốn, của những sử gia đạo Phản thệ, nhưng thay vào đó là với sự dạn di của Taine, từ sức mạnh của linh hồn và không phải từ một nuông chiều [5] khôn ngoan hướng tới sức mạnh. [6]. . (Những người Đức, nhân tiện đây, cuối cùng đã sản xuất được một mẫu cổ điển dễ chịu của loại vừa kể sau, – họ có đủ mọi quyền để tuyên xưng ông ta như thuộc riêng họ, và tự hào về ông: một Leopold Ranke [7], người này bẩm sinh là luật sư cổ điển cho tất cả mỗi vụ tố tụng vững chắc [8], kẻ cẩn trọng bậc nhất này của tất cả những nhà hiện thực thận trọng.)


20.
Nhưng bạn sẽ thấy mình đã hiểu tôi từ trước rồi: – lý do đủ chắc chắn, nhìn chung tất cả, có phải bạn không nghĩ rằng tại sao chúng ta, những nhà tâm lý học ngày nay, không thể gột sạch được một không-tin cậy nào đó về hướng chính bản thân chúng ta? . . .

Có lẽ chúng ta, cũng vậy, vẫn còn “quá tốt”, đối với nghể nhiệp của chúng ta, có lẽ chúng ta cũng vậy, vẫn còn là những nạn nhân, con mồi, con bệnh của khẩu vị hiện đại này của sự đạo đức hóa, cũng nhiều như chúng ta cảm thấy khinh bỉ đối với nó, – nó có khả năng có thể đã cũng lây bệnh cho chúng ta. Khi nói chuyện với những đồng nghiệp, nhà ngoại giáo đó [9] đã báo trước điều gì? “Trên tất cả, thưa quý vị, chúng ta phải nghi ngờ những xung lực đầu tiên của chúng ta!” ông nói, “chúng là gần như luôn luôn tốt” . . . Ngày nay, mỗi nhà tâm lý học nên nói như thế với những đồng nghiệp của mình. …

Và với điều đó, chúng ta quay về vấn đề của chúng ta, nó thực sự có đòi hỏi chúng ta một số kỷ luật nào đó, một không-tin cậy nào đó nhất định, đặc biệt hướng về “những xung lực đầu tiên” của chúng ta. Lý tưởng khổ hạnh đã dùng để sản xuất sự quá độ của tình cảm: – nếu bạn có thể nhớ bài luận văn trước, bạn sẽ có khả năng ngoại suy được những yếu tính của những gì theo đến từ ý nghĩa nén chặt trong chín chữ này. Để ném linh hồn con người khỏi khớp nối, dúi nó xuống trong kinh hoàng, sương giá, lửa cháy và những ngất ngây đến một mức độ mà nó làm tiêu đi trong chính nó tất cả những hình thức nhỏ bé và vụn vặt của thờ ơ, lãnh đạm và trầm cảm, như thể bị sét đánh trúng: những con đường nào dẫn đến mục tiêu này? Và đường nào là chắc chắn nhất để làm thế? . . .

Về cơ bản, tất cả cảm xúc mạnh mẽ có khả năng này, miễn là chúng được phóng ra thình lình: giận dữ, sợ hãi, khoái lạc xác thịt, trả thù, hy vọng, chiến thắng, tuyệt vọng, tàn ác; trong thực tế, nhà tu khổ hạnh đã không chủ ý, vô tâm đem vào dịch vụ của mình toàn bộ bầy chó săn hoang dại trong con người, bây giờ thả ra một con, rồi lúc sau một con khác, luôn luôn với cùng một mục đích để đánh thức con người ra khỏi u sầu dài đằng đẵng, để đưa vào đánh lại, ít nhất là tạm thời, với đau buồn xám xịt của hắn, với khổ sở lê thê của hắn, luôn luôn cũng với một sự giải thích và “biện minh” tôn giáo. Mỗi quá độ xúc cảm như vậy, về sau phải được trả giá, thanh toán cho nó, điều đó không cần phải nói – nó làm cho người bệnh lại càng nặng bệnh hơn – và do đó loại thuốc chữa này để giảm đau là một loại ‘phạm lỗi’, đem sánh đo với thước đo hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta phải nhấn mạnh cho chắc nhiều hơn nữa, vì công bằng đòi hỏi thế, rằng biện pháp chữa trị này đã được đem áp dụng với một lương tâm tốt, rằng nhà tu khổ hạnh viết toa bổ thuốc nó như thế với lòng tin tối cùng vào tính công hiệu của nó, tính bắt buộc không thể bỏ qua được của nó, thực vậy – Thường đủ để làm chính ông gần ngã quị, trước đau khổ cùng quẫn ông đã gây ra, tương tự rằng sự trả thù về sinh lý mãnh liệt được thực hiện bằng những thái quá như vậy, có lẽ ngay cả sự rối loạn tâm thần, về cơ bản là không thực sự không phù hợp với ý tưởng tổng quát của loại thuốc này, như tôi đã chỉ ra cho thấy rồi, vốn nó đã không được thiết lập để chữa lành bệnh, mà đúng hơn là để chống lại sự trầm cảm thờ ơ, để làm giảm bớt và gây mê nó. Bằng cách này, cũng vậy, thì đạt được mục đích.

Xoay sở toan tính chính mà nhà tu khổ hạnh tự cho phép mình sử dụng để làm cho linh hồn con người lại vang tiếng mọi loại âm nhạc xé lòng và xuất thần ngây ngất – như mọi người biết  – sự sử dụng tình cảm thấy mình phạm tội của ông. Luận văn trước đã vắn tắt chỉ định nguồn gốc của xúc cảm này – như một mảnh của tâm lý học động vật, không gì hơn: ở đó chúng ta đã chạm trán cảm xúc tội lỗi trong trạng thái thô nguyên của nó, như nó là. Chỉ trong những bàn tay của thày chăn chiên, nhà nghệ sĩ thực sự của cảm xúc tội lỗi, nó đã đã nên hình dạng – và mới thật là một hình dạng! “Tội Lỗi” – vì đó là cái tên để thày chăn chiên diễn-giải-lại cho lương tâm cắn rứt của con vật (sự tàn ác quay trở lại trên chính nó) – đã là biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử của linh hồn ốm đau cho đến bây giờ:  với tội lỗi, chúng ta trò chơi khắm lừa đảo tinh ma nguy hiểm nhất và thảm khốc tai hại nhất của sự diễn giải tôn giáo. Con người, khi bị khổ đau từ chính mình một cách nào đó, trong tất cả những biến cố về mặt sinh lý, đúng hơn giống như một con thú bị tù trong một cái lồng, không rõ ràng về phần tại sao? để làm gì? và khao khát tìm những lý do  –  những lý do mang khây khỏa cho đau đớn, mong mỏi tìm thuốc chữa và cũng tìm chất ma tuý, cuối cùng hỏi ý kiến một người nào đó là người cũng biết những điều ẩn dấu nữa – và nhìn đây này (ngạc nhiên chưa)! từ nhà ảo thuật này, nhà tu khổ hạnh, anh ta nhận được mách nước đầu tiên về phần ‘”nguyên nhân” đau khổ của anh: rằng anh nên tìm nó bên trong chính mình, trong cảm xúc phạm tội, trong một mảnh của quá khứ [10], anh ta nên hiểu đau khổ của mình, chính nó như một điều kiện của sự trừng phạt…[11]

Con người bất hạnh đã nghe, đã hiểu, anh ta như một con gà mái bên trong một vòng vẽ quanh. Anh ta không thể ra khỏi vòng tròn này được: con người ốm đau đã được làm trở thành “kẻ tội lỗi”. … Và bây giờ chúng ta sẽ không sao tống khứ được cảnh tượng của của con bệnh mới này, “kẻ tội lỗi”, cho một vài ngàn năm.

Rồi đây chúng ta sẽ tống khứ được anh ta hay không? – Bất cứ chúng ta nhìn nơi nào, cái nhìn vội bị thôi miên của kẻ tội lỗi thì luôn luôn di chuyển theo cùng một hướng, ở khắp mọi nơi (theo hướng của “tội lỗi” như là nguyên nhân độc nhất gây ra đau khổ); ở khắp nơi, cái lương tâm cắn rứt, “con thú vật kinh tởm” đó, như Luther đã gọi nó; ở khắp nơi, quá khứ đã ựa mửa ngược trở lại, hành vi bị bóp méo, con mắt xanh dõi trên mỗi hành động, ở khắp nơi, cái ý chí để hiểu lầm đau khổ được vào thành nội dung của sự sống, đau khổ được giải thích lại như những cảm xúc của sự phạm tội, sợ hãi, sự trừng phạt; ở khắp nơi, người phê bình khắc nghiệt, người khổ hạnh nghiêm khắc, cơ thể ốm đói, sự ăn năn hối lỗi; ở khắp mọi nơi, kẻ tội lỗi tự đập vỡ mình trên vòng quay độc ác của một lương tâm bất an và đầy khát vọng bệnh hoạn; khắp mọi nơi, hành hạ ngu xuẩn, nỗi sợ hãi cùng cực nhất, đau đớn thống khổ của con tim bị tra tấn, những kích phát cực điểm của hạnh phúc không rõ, tiếng kêu đòi để có sự “cứu chuộc”. Trong thực tế, bệnh trầm cảm cũ, sự nặng nề nhọc nhằn và mệt mỏi đã bị hệ thống những thủ tục này thắng vượt, trước đến sau khắc phục triệt để, cuộc sống lại trở thành rất thú vị: tỉnh táo, vĩnh viễn tỉnh táo, không ngủ, sáng lên, cháy hết, bị kiệt sức và vẫn không mệt mỏi, – đây là như thế nào, kẻ “có tội” đã nhìn khi được dẫn nhập vào trong những huyền nhiệm này. Nhà ảo thuật vĩ đại xưa cũ đó, chiến đấu chống lại sự hôn mê, nhà tu khổ hạnh –rõ ràng đã thắng, vương quốc của ông đã xảy đến: người ta đã thôi không còn phàn nàn chống lại đau đớn nữa rồi, họ lại đã khát thèm nó; “đau đớn hơn! thêm đau đớn nữa”, đã kêu thét lên khát vọng của những tín đồ và những người được kết nạp của ông đã hàng thế kỷ. Mỗi quá độ xúc cảm mà gây tổn thương, tất cả mọi thứ mà đã bị tan vỡ, đã bị lật đổ, đã bị nghiền nát, đã bị làm mụ người mê mẩn, đã bị làm thích thú mê tơi, sự kỳ bí của những phòng khảo tội tra tấn, sự thần kỳ khéo léo của ngay chính hỏa ngục [12]  – tất cả điều này bây giờ đã được khám phá, đã đoán ra và đã đem dùng, tất cả mọi thứ đã là dịch vụ của nhà ảo thuật, từ giờ trở đi về sau, tất cả mọi thứ được đem dùng nhắm tới sự  chiến thắng của lý tưởng của ông ta, lý tưởng khổ hạnh. . . “Vương quốc của ta không phải là thế giới này” [13] – đó là những gì ông tiếp tục vẫn nói: thực sự ông có quyền hay không để đã nói như vậy? …

Goethe đã tuyên bố chỉ có ba mươi sáu tình cảnh bi thảm: [14]  từ điều này, chúng ta suy ra, nếu như chúng ta đã không biết rồi, rằng Goethe không phải là một nhà tu khổ hạnh. Ông - biết nhiều hơn. …

Lê Dọn Bàn tạm dịch  – bản nháp thứ nhất 
(Dec/2012)



[1] Idealism: chủ nghĩa Duy ý – Ở đây Nietzsche chỉ những triết gia Duy ý người Đức, và chủ nghĩa duy ý châu Âu sống dậy với Immanuel Kant, sau đó là G. W. F. Hegel, Johann Gottlieb Fichte, Friedrich Wilhelm Joseph Schelling, và cả Arthur Schopenhauer. Trong triết học cổ đại Hylạp, Plato đã chính thức bắt đầu tất cả với thuyết Thể Dạng và phân thế giới làm hai - thế giới của giác quan, hiện tượng (hình bóng trong hang tối) và thế giới siêu nghiệm, của những ý tưởng, hay những lý tưởng (bên trên mặt đất, dưới ánh sáng mặt trời). 

Đến thế kỷ 18, Kant - duy ý siêu nghiệm - transcendental idealism (khác với Hegel, duy ý tuyệt đối - absolute idealism - và Berkeley, người Anh, duy ý duy thần - theistic idealism) mặc cho lý thuyết này một tấm áo mới với sự phân biệt tương tự, cũng chia thế giới thành: hiện tượng và siêu nghiệm, sau đó “giáng” cho lý trí một trận đòn qua “Phê bình Lý trí Thuần túy”, chủ trương rằng nó có những hạn chế của nó, để dẫn đến kết luận những “nhận thức” bằng lý trí có những giới hạn; trong đó có hệ quả là lý trí (hay kiến thức từ lý trí, nhưng theo Kant là tổng hợp trên những khả năng tiên nghiệm: “synthetic a priori” knowledge) và kiến thức thực nghiệm (empirical knowledge), cả hai đều không, cái sau không thể có đối tượng siêu nghiệm, cái trước bị giới han; nên chúng ta không có khả năng “phán đoán” được những đối tượng siêu nghiệm – nghĩa là không thể phê bình được về Gót, linh hồn (trả lời những câu hỏi loại như: Gót có hiện hữu không, linh hồn có vĩnh cửu không). Như thế, Kant đã bảo vệ được tôn giáo của mình khi ấy đương bị đe dọa từ Phong trào ánh sáng đề cao lý trí, kinh nghiệm, khoa học.

Tạm hiểu phong trào ánh sáng là vận động tư tưởng của giới trí thức châu Âu, thiết lập một mệnh đề “dữ dội” – ý tưởng rằng lý trí và kinh nghiệm là những quan tòa tốt nhất để phán quyết về sự thật, chân lý. Những triết gia trong phong trào ánh sáng đã bắt đầu thôi không còn nhấn mạnh vào chân lý mặc khải, tức là những “chân lý” siêu nghiệm trong tôn giáo, thứ chân lý do Gót tiết lộ, “bảo cho biết” - Kant đã tài tình chống đỡ cho thế giới “siêu nghiệm”, thế giới bên-kia, ông đã chặn lý trí ở ngoài ngưỡng cửa, không cho vào lĩnh vực tin tưởng của ông; đó là quan điểm còn rơi rớt lại tới ngày nay – cho rằng khoa học và tôn giáo là hai lĩnh vực khác nhau, những gì thuộc về tin tưởng (tôn giáo) thì không thể dùng lý trí (thành công trong khoa học) để phán đoán  - và đó là điều Nietzsche lên án, và chúng ta hiểu lý do thái độ của Nietzsche về cả Plato lẫn Kant.

Trong phần giới thiệu công trình nổi tiếng của mình - Critique of Pure Reason - Kant đã nói thẳng: “Tôi thấy cần thiết phải từ chối kiến thức để dành chỗ cho đức tin”.

Tất cả mọi thứ về thế giới tự nhiên là theo như cách khoa học mô tả, nghiên cứu về nó, Kant không thể phủ nhận giá trị của những kiến thức đó, nhưng trong phân tích cuối cùng của Kant, ông kết luận kiến thức khoa học về thế giới tự nhiên chỉ là kiến thức về những dạng ngoài, về những gì xuất hiện với giác quan chúng ta, khoa học chỉ nói-bàn-hiểu về những hiện tượng (phenomenon – dạng ngoài - Erscheinung).  Vượt quá nó - hoặc hơn nữa, đằng sau nó, bên kia, bên trên những hiện tượng là một thế giới khác: thế giới siêu nhiên, lĩnh vực của những thực tại tối cùng, của những “vật-tự-thân” (noumena - thing-in-itself - das Ding an sich). Lý trí suy đoán của con người không bao giờ có thể vào sâu đến, không bao giờ nắm-hiểu trọn vẹn được những vật-tự thân. Thế nên, với thế giới của chúng, khoa học (lý trí), không có khả năng, và cũng không thể tiến hành cách nào để đi đến được, vậy lý trí không thể bàn luận, không thể phê phán gì về thế giới này. Do đó Kant khéo léo dẫn dụ đến quan niệm - Khoa học và tôn giáo, vì đối tượng của chúng nằm trong hai lĩnh vực khác nhau, chúng không mâu thuẫn nhau. Kant và những người theo ông vẫn chủ trương: lý trí trong khoa học không thể phê bình, áp dụng vào đức tin tôn giáo. Như tôi nói trên – Kant cố chặn lý trí ở ngoài ngưỡng cửa, không cho vào lĩnh vực tin tưởng, linh thiêng, tôn giáo của ông.

Dĩ nhiên, lý thuyết của Kant dù khéo léo, sâu rộng, nhưng vẫn một chiều, nên không toàn vẹn, thêm nữa đã như tôi nói trên – chủ yếu là một phản vận động với phong trào ánh sáng, chủ ý của Kant là phụng sự những gì ở ngoài triết học, chứ không phải thuần túy triết học, hay tri thức luận như vẫn lầm tưởng, (thêm nữa – khi tôi nhìn theo hướng của Nietzsche, Kant đã “hạ giá” lý trí và cả kinh nghiệm, và tri thức luận của Kant chỉ là một hiện tượng luận nghèo nàn). Tránh dài giòng – hãy quay về chủ đích muốn cứu vớt đức tin tôn giáo của ông trước sự phát triển của khoa học ở thế kỷ 18; hãy cứ giả dụ theo ông về thế giới của những vật tự thân, thế giới siêu nghiệm, và hãy cứ chấp nhận rằng lý trí con người (kiến thức thực nghiệm) không có khả năng đạt đến được thực tại toàn vẹn, tối hậu. Nếu thế giới của những vật tự thân, thế giới của thực tại tối hậu, nếu thực sự là không thể đến “biết” được chúng, nếu thế chúng ta chỉ có thể đoán về chúng, hay tệ hơn, chỉ được “bảo cho biết” (mặc khải)  – Vậy tại sao có thể nói chỉ có một lối  bảo-cho-biết (theo như đạo Kitô) là đúng, nếu tất cả những gì về thế giới siêu nghiệm, chúng ta chỉ có thể ức đoán, nói về, mang tính gián tiếp, không trọn; như thế phải có hơn một lối đoán, hơn một cách chỉ, hơn một cách bàn về nó – và phải có nhiều ức đoán, diễn dịch khác nhau về nó. Tại sao chỉ có một lối đoán, một lối chỉ, một lối diễn dịch  (theo như kinh Thánh của Kant) là đúng? Chưa kể “chân lý” đó về thực tại tối hậu là chân lý được “bảo cho biết” !  – không phải chân lý tự tìm và thấy được, và dĩ nhiên không thể kiểm chứng. Tại sao một A (Jesus trong Tân Ước) nào đó bảo thì đúng, nhưng một B (Muhammad trong Quran) nào đó khác bảo thì không đúng? (với những người theo A), vân vân ...

[2] Cộng hòa – quyển 2 (382c), quyển 3 (389b, 414b, 414c: “noble lie”); quyển 5 (459c-d)
[3] Về, hay chống lại, chính ông ta
[4] Johanes Janssen, Geschichte des deutschen Volkes seit dem Mittelalter (Freiburg/Br., 1877)
[5] indulgences: còn ẩn ý lịch sử tôn giáo (trong hội Nhà thờ Catô Lamã): là một “nuông chiều”, gia hạn hay xá tội của vua chiên Vatican – xem như đặc ân, có thể giảm hay tha sự trừng phạt thế gian lúc ăn ăn chuộc tội sau khi đã thú nhận phạm tội. Những “xá tội” này thành chuyện buôn bán và là một tệ nạn thịnh hành trong hội Nhà thờ TrungCổ. Sự kiện đóng tiền mặt cho nhà thờ để được xá tội, và mua chỗ trên thiên đàng – là một trong những động cơ trực tiếp đưa Martin Luther mở đầu cách mạng tôn giáo, đưa đến đạo Kitô Phản thệ
[6] Freud sẽ làm điều này -  kể cả bàn luận về Luther
[7] có lẽ là một luật sư tên tuổi trong thời của tác giả.
[8] Causa fortior - “trường hợp vững chắc”
[9]  Ám chỉ Charles Maurice de Talleyrand (1754-1838) – dòng quí tộc, nhà ngoại giao nổi tiếng – từng là thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao thời cách mạng Pháp.

[10] Tội tổ tông!
[11] Thí dụ - kinh Thánh Cũ - Sáng thế ký 3:17-19 – “Gót phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con; sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi. Gót lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.”
[12] Thiên đường hay hỏa ngục – là những đối tượng tưởng tượng – nhưng khi một tín đồ tin rằng mình được lên thiên đường, hay tin rằng mình có tội phải xuống hỏa ngục – dẫn đến những xúc động, những tình cảm thực sự, sung sướng hay đau khổ – như thế những đối tượng không thực, đã tạo nên những tình cảm xúc động sống thực! – sự thần kỳ khéo léo, và mê hoặc là ở đó.
Người ta chỉ có thể lấy những-gì không-thực, chỉ có trong tưởng tượng, để “dọa” con người; vì không thực và tưởng tượng thì mãi mãi sẽ là những không-biết, chỉ những gì không-biết mới làm con người sợ hơn tất cả, và nỗi sợ hãi về một-gì tưởng tượng thì kinh hoàng, ám ảnh hơn tất cả. Đó là sự thần kỳ khéo léo, mê hoặc của tâm lý học trong Kitô.
[13] Kinh thánh Mới – John 18.36.
[14] Trong Conversations with Eckermann, 14/Feb/1830.