Friday, August 31, 2012

Venedig - Friedrich Nietzsche



Venice
Friedrich Nietzsche






bên cầu tôi đứng
mới đây trong đêm  nâu.
vẳng từ xa, tiếng hát;
như giọt vàng loang sóng
tỏa trên mặt rúng động.
Gondola, ánh sáng, và âm nhạc -
bềnh bồng bơi vào choạng vạng, say ...

hồn tôi, một cây đàn dây,
cất tiếng hát, vô hình vừa chạm,
một khúc gondola bí ẩn,
run rẩy màu hạnh phúc lung linh.
- Có ai nghe nó không? 

Friedrich Nietzsche (1844-1900).
Lê Dọn Bàn tạm dịch (Aug/2012)

Wednesday, August 15, 2012

Stefan Zweig viết về Nietzsche




Stefan Zweig viết về Nietzsche









1.
Trong Về Lai lịch của Đạo đứccuối Lời nói đầu, Nietzsche ghi: “Sils-Maria, Oberengadin Tháng 7 / 1887”, cho chúng ta biết năm tháng và nơi chốn ông đã viết xong tập luận văn quan trọng này.

Đọc Ecce Homo, Nietzsche cho chúng ta biết thêm: “đến 20 September tôi mới rời Sils-Maria. Buổi chiều ngày 21, tôi đến Turin – chỗ xứng hợp của tôi, chốn ngụ cư của tôi, từ đấy. Tôi lại thuê cùng chỗ đã trọ trong mùa xuân, tòa nhà số 6, phố Carlo Alberto; đối diện với cung điện đồ sộ Carignano, nơi vua Vittorio Emanuele đã chào đời; phòng nhìn xuống công trường Carlo Alberto, và nhìn xa đến tận những ngọn đồi.  Không chần chừ và không để mình bị quấy rầy dù chỉ khoảnh khắc, tôi quay sang làm việc ngay …” [Nếu theo dõi hành trình của ông trong năm 1888 – ông đã ở các thành phố: Nice (Jan- đầu Apr); Turin (Apr-May); Sils-Maria (đầu Jun - cuối Sep); và về lại Turin (cuối Sep - Dec)].

Cảnh trong phim 
Dias de Nietzsche em Turim
Sau đó, chuyện kể rằng – Sáng ngày 3, Jan/1889, vừa ra khỏi cổng, – số 6, phố Carlo Albert nói trên, – được vài bước, trên công trường Carignano, Nietzsche thấy một người đương nặng tay đánh con ngựa kéo xe của mình, vì xem dường nó không chịu đi. Nietzsche chạy tới, che làn roi quất, tức tưởi choàng ôm cổ con vật đáng thương. Chuyện cũng kể ông đã ngã quị xuống đường, bất tỉnh; được chủ nhà (hay hàng xóm) can thiệp với cảnh sát, đưa ông về phòng trọ. Nằm bất động suốt hai ngày mới hồi tỉnh, nhưng ông không bao giờ hồi phục sau biến cố đó. Trong những ngày sau, ông gửi đến những bạn bè quen, một loạt thư, nội dung hết sức bất thường,  như dấu hiệu cho thấy chứng suy sụp thần kinh của ông đã trầm trọng.

Những chi tiết có khác biệt đôi chút tùy nguồn kể, nhưng biến cố ngã xuống đường phố Turin là thực. Khi ấy Nietzsche mới có 45 tuổi; nó chấm dứt một thời kỳ 10 năm kể từ 1879, vì thiếu sức khỏe ông đã từ nhiệm tại đại học Basel - đây  là quãng đời nay đây mai đó, nhưng đầy sáng tạo của  Nietzsche.

Chuẩn đoán bệnh của ông khi ấy là “tê liệt cấp tính”. Sau một năm trong một bệnh viện tâm thần ở Jena. Năm 1890, ông được mẹ đưa về quê hương ấu thời Naumburg, khi bà mất vào năm 1897, Elisabeth, em gái đã đưa ông về Weimar. Trong 10 năm tàn phế cuối đời này, chúng ta có thể thấy Nietzsche trong những ảnh chụp có râu dày rậm, áo trắng, nằm dựa trên giường – nhìn kỹ, đôi mắt sâu đã mất tinh anh.  Giai đoạn này ông đã nổi tiếng, nhiều khách đến thăm; nhưng ông thường im lặng, bình thản, trong một trạng thái hoàn toàn mất trí. Ông chết ở Weimar, ngày 25 tháng 8 năm 1900, khi mới 55 tuổi. Ngày nay, chúng ta có thể viếng mồ ông ở Röcken, một làng rất nhỏ gần Lützen trong xứ Saxony, vùng đông nước Đức. Triết gia Friedrich Wilhelm Nietzsche ra đời tại đây, ngày 15, Oct /1844.

Sunday, August 12, 2012

Nietzsche - Về Lai lịch của Đạo đức (08)

Về Lai lịch của Đạo đức
(On the Genealogy of Morality
Zur Genealogie der Moral)
Friedrich Nietzsche






3.
Lương tâm của anh ta? . . .  Chúng ta có thể giả định, từ sớm trước, khái niệm “lương tâm”, mà chúng ta gặp ở đây trong dạng cao nhất, hầu như không phối hợp thiếu vững chặt của nó, đã có một lịch sử dài và những biến thái đằng sau nó. Có thể trả lời với chính mình, và cũng một cách tự hào nữa, và do đó có đặc quyền để nói “có” với chính mình, - như tôi đã nói, đó là một trái cây chín mùi, nhưng cũng là một trái cây muộn: - lâu biết chừng nào trái cây này, đắng và chua, phải treo trên cây! Và thậm chí còn lâu hơn, đã không có gì để xem trái cây này, - không ai đã có thể hứa hẹn nó sẽ có ở đó, mặc dù điều chắc chắn rằng tất cả mọi thứ về thực vật đã sẵn sàng và đương lớn dần về hướng nó! – “Làm thế nào bạn đem một ký ức cho một con thú, con người? Làm thế nào bạn gây ấn tượng với một não thức đãng trí, một phần đần độn, một phần ngu ngốc này, sự hiện thân này của tính lãng quên, để nó sẽ dính chặt?” . . . Câu hỏi già cũ này đã không được giải quyết với những giải pháp và phương pháp nhẹ nhàng, như có thể tưởng tượng được, có lẽ trong thời tiền sử của con người không có gì khủng khiếp và kỳ lạ hơn kỹ thuật giúp trí nhớ của hắn. “Một điều phải được đem thiêu đốt để nó nằm trong ký ức: chỉ một gì đó tiếp tục làm tổn thương mới nằm trong ký ức” - đó là một đề nghị từ thứ tâm lý học cổ nhất (và bất hạnh thay là đã sống lâu nhất) trên trái đất. Bạn hầu như muốn thêm vào rằng bất cứ nơi nào trên trái đất bạn vẫn còn tìm thấy những bóng ma ám muội của lễ nghi, nghiêm trọng, bí ẩn, trong cuộc sống của con người và những dân tộc, một điều-gì-đó tất cả mọi người, mọi nơi nghĩ đến mà khiếp hãi, được sử dụng để làm những lời hứa, những cam kết và dâng lời ngợi khen [1], vẫn còn làm chạy việc: quá khứ, quá khứ lâu dài nhất, sâu nhất, khó khăn nhất, hít hơi thở trên chúng ta và trỗi dậy trong chúng ta khi chúng ta trở thành “nghiêm trọng”. Khi một người quyết định rằng hắn phải tạo một ký ức cho chính mình, điều đó không bao giờ xảy ra mà không có máu, những hành hạ đau khổ và những hy sinh: những hy sinh kinh hoàng và tước đoạt nhất (sự hy sinh đứa con đầu lòng thuộc vào điều này) [2], hành hình kinh tởm nhất (lấy thí dụ, thiến dương vật), những nghi lễ ác độc nhất của tất cả những giáo phái tôn giáo (và tất cả các tôn giáo, ở nền tảng tối đa của chúng, là những hệ thống của sự ác độc) - tất cả điều này có nguồn gốc của nó trong bản năng đặc biệt đó vốn đã khám phá rằng đau đớn là trợ giúp mạnh mẽ nhất cho những phươmg pháp ghi nhớ. Trong một ý hướng nhất định nào đó, toàn bộ chủ nghĩa khổ hạnh thuộc vào đây: một ít ý tưởng phải được làm thành không thể nhổ lên được, hiện diện khắp nơi, không thể quên, ‘cố định’, ngõ hầu thôi miên toàn bộ hệ thống thần kinh và trí thức thông qua những ý tưởng cố định này - và những cách thức và những lối sống khổ hạnh là một phương pháp để giữ những ý tưởng này khỏi phải cạnh tranh với tất cả những ý tưởng khác, làm cho chúng ‘không thể nào quên được’. Ký ức càng tồi tệ của con người đã có, những phong tục càng đáng sợ hơn đã xuất hiện: đặc biệt, sự khắc nghiệt của hình luật cho một đo lường về khó khăn nhiều đến đâu nó đã có trong chinh phục sự lãng quên, và bảo tồn một vài đòi hỏi sơ khai của đời sống xã hội trong não thức của những nô lệ này về tính khí và mong muốn của thời điểm. Người Đức chúng ta chắc chắn không coi mình là một dân tộc đặc biệt tàn bạo hoặc nhẫn tâm không biết thương xót, lại đặc biệt càng ít như vô trách nhiệm và vui nay không biết mai; nhưng bạn chỉ phải nhìn vào bộ luật hình sự cổ của chúng ta ngõ hầu xem đã khó khăn như thế nào trên mặt đất này để gây giống “một quốc gia của những nhà tư tưởng” (nói thể tôi có ý là: cái quốc gia ở châu Âu vẫn còn chứa tối đa của sự tin cậy, sự trang nghiêm, sự vô vị nhạt nhẽo và điềm đạm, những phẩm chất vốn cho nó quyền nuôi giống tất cả mọi loại quan lại châu Âu). Những người Đức này đã tạo một ký ức cho chính họ với những phương pháp khủng khiếp, ngõ hầu làm chủ những bản năng bình dân cơ bản của họ và sự sống sượng tàn bạo của cùng loại: hãy nghĩ đến những hình phạt Đức cổ, chẳng hạn như ném đá đến chết (thậm chí cả truyền thuyết để đá cối xay rơi xuống đầu của người phạm tội), buộc trên bánh xe rồi xoay vần hay đánh nát cho chết (một phát minh độc đáo và đặc biệt của thiên tài Đức trong lĩnh vực trừng phạt!), dùng ngựa xé thịt, phân thây và chà đạp cho đến chết (“tứ mã phân thây”), đun sôi tội phạm trong dầu hoặc rượu (vẫn còn trong thế kỷ 14 và 15), tục phổ biến đánh nát thịt rồi lột da (cắt từng dải), cắt thịt vú, và dĩ nhiên, xát mật ong lên khắp người rồi phơi tội phạm ngoài nắng thiêu dối và mặc cho ruồi nhặng. Với trợ giúp của những hình ảnh và những thủ tục như vậy, con người cuối cùng có thể có khả năng giữ lại năm hoặc sáu điều ‘Tôi-không-muốn-bị” trong ký ức của mình, kết nối với nó là một hứa hẹn đã được đem cho, ngõ hầu được hưởng những lợi thế của xã hội - và đây bạn có đấy! Với sự trợ giúp của ký ức thuộc loại này, người ta cuối cùng đã đi đến ‘lý trí! - A, lý trí, sự nghiêm trọng, sự làm chủ những cảm xúc, cái điều thực sự ảm đạm buồn bã này được gọi là sự phản tỉnh suy ngẫm, tất cả những đặc quyền và huy hoàng này con người có được: quá đỗi một giá đã phải trả cho chúng! Biết bao nhiêu máu và  kinh hoàng nằm dưới nền tảng của tất cả “những điều tốt đẹp”! . . .


Saturday, August 4, 2012

Nietzsche - Về Lai lịch của Đạo đức (07)

Về Lai lịch của Đạo đức

(On the Genealogy of Morality
Zur Genealogie der Moral)

Friedrich Nietzsche








Luận văn Thứ Hai:  
“Có tội”, “Lương tâm Cắn Rứt” và những Vấn đề liên quan


Dẫn nhập

 luận văn trước, Nietzsche trình bày sự hình thành của hai nền luân lý – ông gọi là - đạo đức chủ nhân và đạo đức nô lệ - nhằm đưa đến chủ trương của ông là - những lý tưởng truyền thống được đặt định như tốt đẹp, thánh thiện và đạo đức thấy trong đạo đức Kitô, chúng đều là những sản phẩm của tự lừa dối, vì chúng được nhào nặn trong không khí thối tha của báo thù, phẫn hận, căm ghét, bất lực và hèn nhát.

Trong luận văn thứ hai này, Nietzsche tiếp tục giải thích – về khái niệm “có tội” hay “lương tâm cắn rứt” – là những khái niệm nền tảng của luân lý Kitô – chúng cũng nổi lên từ không gì khác hơn, nhưng chỉ từ hệ quả của luân lý Kitô bệnh tật, không lành mạnh, của đạo đức nô lệ, nó đã hướng một cái nhìn độc hại vào những khuynh hướng tự nhiên của con người, để lên án, buộc tội, trấn áp  – những gì ở những chỗ khác chúng ta đã có thể gọi là những bản năng, thiên tính.

Nietzsche mở đầu bằng trình bày sự trừng phạt, vẫn xem như sự gây đau đớn thiệt hại cho người phạm tội, tương ứng với tội đã phạm, có lẽ đã được cho từ liên hệ khế ước kinh tế giữa chủ nợ và con nợ, nghĩa là từ quan hệ kinh tế, và như thế cho thấy khái niệm “có tội” – như hiểu trong đạo đức phương Tây - ban đầu không hàm ý luân lý (như tội lỗi, xấu xa), ông dẫn một tương tự trong tiếng Đức giữa hai từ - từ chỉ “có tội” (“Schuld”), và từ chỉ “nợ” (“Schulden”). Một người mang “nợ” là "có tội", và chủ nợ bằng vào món nợ, có thể trừng phạt con nợ. Trừng phạt không dự định để làm cho con nợ phải cảm thấy “xấu”, hay có “tội” - mà chỉ đơn giản để mang lại hài lòng cho chủ nợ. Hình phạt có thể độc ác, nhưng vui vẻ: và sau đó không có khó chịu thù hằn. Một xã hội với pháp luật cũng như một chủ nợ: khi một người nào đó vi phạm pháp luật, họ đã làm tổn hại xã hội, và xã hội có thể hành xử sự trừng phạt. Khái niệm về công lý khi thực hiện, đã có tác dụng lấy sự trừng phạt ra khỏi tay của những cá nhân, bằng cách tuyên bố rằng trong một xã hội, không phải là những cá nhân nhưng pháp luật đã bị vi phạm, và do đó, pháp luật, chứ không phải những cá nhân, phải thực hiện hình phạt. Suy nghĩ về nhiều mục đích khác nhau của sự trừng phạt đã thực hành qua các thời đại, Nietzsche quan sát thấy rằng tất cả các khái niệm có một lịch sử lâu dài và uyển chuyển, qua đó chúng đã có nhiều những ý nghĩa khác nhau. Ý nghĩa của những khái niệm được quyết định bởi một ý chí với quyền lực (will to power), trong đó những khái niệm được gán cho những ý nghĩa, hoặc được những ý chí khác nhau, tương ứng với chúng, đem sử dụng.

Nietzsche xác định nguồn gốc của lương tâm cắn rứt trong quá trình chuyển đổi từ xã hội săn bắn hái lượm sang nông nghiệp. Khi những bản năng bạo động thú vật của chúng ta không còn hữu ích trong một xã hội đòi hỏi hợp tác, của định cư và canh nông; chúng ta phải đè nén chúng bằng chuyển chúng vào bên trong. Đấu tranh vật vã trong tự thân, chúng ta dựng lập một đời sống nội tâm, lương tâm cắn rứt, ý thức về cái đẹp, và một ý thức về mang nợ với tổ tiên của chúng ta, đó là nguồn gốc của tôn giáo. Hiện nay, chúng ta hướng lương tâm cắn rứt của chúng ta chủ yếu trên những bản năng động vật của chúng ta, nhưng Nietzsche kêu gọi chúng ta hãy hướng lương tâm thao thức, cắn rứt của chúng ta quay sang chống lại những sức mạnh phủ nhận-cuộc sống vốn chúng ức chế bản năng của chúng ta.