Saturday, November 3, 2012

Daisetz T. Suzuki - Đóng đinh trên Giá chữ thập và Giác ngộ dưới gốc Bồđề


Đóng đinh trên Giá chữ thập và Giác ngộ dưới gốc Bồđề


(Crucifixion and Enlightenment)
Daisetsu Teitaro Suzuki [1]






I.
Bất cứ khi nào tôi nhìn thấy một hình tượng Chúa Kitô bị đóng đinh, tôi không thể không nghĩ về khoảng cách nằm sâu giữa đạo Kitô và đạo Phật. Khoảng cách này là biểu tượng của sự phân chia tâm lý tách biệt phương Đông và phương Tây.

Ego [2] cá nhân tự khẳng định mạnh mẽ ở phương Tây. Ở phương Đông không có ego. Cái-ta thì không-hiện hữu, Vì vậy, không có cái-ta bị đóng đinh trên giá gỗ chữ thập.

Chúng ta có thể phân biệt hai chặng(phát triển) của ý tưởng-cái-ta. Thứ nhất là tương đối, tâm lý hoặc theo kinh nghiệm. Thứ nhì là cái-ta siêu nghiệm [3].

Cái-ta kinh nghiệm thì giới hạn. Nó không có hiện hữu tự thân. Dù nó khẳng định thế nào đi nữa về nó, nó không có giá trị tuyệt đối, nó phụ thuộc vào những-gì khác. Đây là không-gì nhiều hơn một cái-ta tương đối và một cái-ta được tâm lý thiết lập. Nó là một cái-ta giả định, nó là đối tượng phải chịu tất cả mọi thứ điều kiện. Vì vậy, nó không có tự do.

Sau đó, điều gì khiến nó cảm thấy tự do như thể nếu nó đã thực sự độc lập và chân chính đáng tin như thế? Do đâu có ảo tưởng này?

Ảo tưởng này xuất phát từ cái-ta siêu nghiệm bị nhìn nhầm lẫn vì nó hoạt động qua cái-ta kinh nghiệm và trú ngụ trong nó. Tại sao cái-ta siêu nghiệm, bị nhìn nhầm lẫn như thế, tự nó phải chịu đựng bị đem nhận là cái-ta-tương đối?

Thực tế là cái-ta-tương đối,  vốn tương ứng với manovijñāna [4] của trường phái Yogacara [5], có hai phương diện về quan hệ, bên ngoài và bên trong.

Khách quan mà nói, cái-ta kinh nghiệm hay tương đối là một trong nhiều cái-ta khác thuộc loại giống như vậy. Nó là trong thế giới của đám đông, tiếp xúc của nó với những người khác là đứt quãng, trung gian gián tiếp, và tuần tự từng phần. Bên trong, tiếp xúc của nó hoặc quan hệ với cái-ta siêu nghiệm là liên tục, trực tiếp tức thời, và toàn bộ. Do điều này, quan hệ bên trong không thể nhận thức được rõ rệt như quan hệ bên ngoài, tuy nhiên, không có nghĩa là sự nhận thức thì hoàn toàn tối mịt và không đáng kể, và không có giá trị thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Ngược lại, nhận thức về cái-ta siêu nghiệm ở mặt sau của cái-ta tương đối soi chiếu ánh sáng vào nguồn gốc của ý thức. Nó mang chúng ta đến tiếp xúc trực tiếp với vô thức.

Nó là hiển nhiên rằng nhận thức bên trong này không thuộc loại thông thường của thứ kiến ​​thức vốn chúng ta vẫn có về một-gì ở bên ngoài.

Sự khác biệt thể hiện theo hai cách. Đối tượng của kiến ​​thức thông thường được nhìn như đã được đặt ở vị trí trong không gian và thời gian và bắt phải chịu tất cả mọi loại của những đo lường khoa học. Đối tượng của nhận thức bên trong thì không phải là một khách thể riêng lẻ. Cái-ta siêu nghiệm không thể tách riêng được ra khỏi cái-ta tương đối để bị chính nó đem xem xét. Nó tiếp xúc với cái-ta tương đối hết sức tức thời và trực tiếp đến nỗi khi nó bị tách khỏi cái-ta tương đối, nó thôi không còn là chính nó. Cái-ta siêu nghiệm là cái-ta tương đối, và cái-ta tương đối là cái-ta siêu nghiệm; nhưng tuy thế, chúng không là một nhưng là hai; chúng là hai nhưng dẫu thế chúng không phải là hai. Chúng là tách rời trong trí tuệ nhưng không phải trong thực tế. Chúng ta không thể làm cho một này đứng như cái-nhìn và một kia như cái-bị-nhìn, vì cái-nhìn là cái-bị-nhìn, và cái-bị-nhìn là cái-nhìn.

Khi quan hệ đặc biệt độc nhất này giữa cái-ta siêu nghiệm và cái-ta tương đối không được thấu hiểu đầy đủ hoặc được trực giác, xảy ra có một ảo tưởng. Cái-ta tương đối tưởng tượng chính nó là một tác nhân tự do, hoàn toàn trong tự thân, và cố gắng để hành động một cách ứng hợp như thế.

Tự thân cái-ta tương đối không có hiện hữu độc lập với cái-ta siêu nghiệm. Cái-ta tương đối là không gì cả. Đó là khi cái-ta tương đối bị ảo tưởng lừa dối về phần bản chất thực sự của nó mà giả nhận cho chính nó và soán đoạt vị trí của cái đằng sau nó.

Đúng là cái-ta siêu nghiệm yêu cầu cái-ta tương đối đem cho chính nó một hình thức qua đó cái-ta siêu nghiệm tác hành. Nhưng cái-ta siêu nghiệm thì không để bị đồng nhất với cái-ta tương đối đến mức độ khiến biến mất cái-ta tương đối cũng có nghĩa là biến mất cái-ta siêu nghiệm. Cái-ta siêu nghiệm là tác nhân sáng tạo và cái-ta tương đối thì được sáng tạo. Cái-ta tương đối không phải là một-gì đó vốn lúc trước đó đã đứng đối lập với cái-ta siêu nghiệm. Cái-ta tương đối từ cái-ta siêu nghiệm đi ra, và liên hệ và tùy thuộc toàn bộ vào cái-ta siêu nghiệm. Nếu không có cái-ta siêu nghiệm, cái-ta tương đối là con số không. Cái-ta siêu nghiệm, tuy nhiên sau cùng, là mẹ của tất cả mọi thứ.

Não thức phương Đông qui tất cả mọi thứ về cái-ta siêu nghiệm, mặc dù không phải luôn luôn một cách có ý thức và phân tích được, và cuối cùng nhìn chúng tất cả rút gọn về nó, Trong khi phương Tây tự kết buộc vào cái-ta tương đối và bắt đầu từ nó.

Thay vì qui hệ cái-ta tương đối về cái-ta siêu nghiệm và làm cái sau là điểm bắt đầu của nó, não thức phương Tây bám chặt vào nó. Nhưng vì cái-ta tương đối thì trong bản chất là thiếu xót, nó luôn luôn thấy không thỏa mãn và bực bội, và dẫn đến một chuỗi những thảm họa, và vì não thức phương Tây tin vào kẻ gây rắc rối này là có thực, muốn giải quyết nhanh chóng cho xong nó. Ở đây chúng ta cũng có thể xem thấy một-gì đó đặc biệt phương Tây, vì họ đã đem nó đóng đinh trên giá gỗ chữ thập.

Trong một cách, não thức phương Đông không nghiêng sang tính vật chất thân xác [6] của những sự-vật. Cái-ta tương đối thì lặng lẽ và không nhiều phiền phức được hấp thụ vào cơ thể của cái-ta siêu nghiệm. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy đức Phật bình thản nằm yên tĩnh trong Nirvana dưới tán hai cây Sala, không chỉ những môn đệ thương tiếc, nhưng cả tất cả chúng sinh, loài không-người cũng như loài người, loài hữu tình cũng như loài vô tình. Vì ngay từ đầu tiên có thực thể không-có-cái-ta [7], không cần phải có sự đóng đinh trên giá gỗ chữ thập.

Trong đạo Kitô, sự đóng đinh trên giá gỗ chữ thập là cần thiết, xác thân cụ thể đòi hỏi một cái chết bạo động, và ngay sau khi điều này được thực hiện, sự phục sinh phải diễn ra dưới hình thức này hay hình thức khác, vì chúng đi cùng với nhau. Như Paul nói, “Nếu Chúa Kitô không sống lại, sau đó là rao giảng của chúng ta vô ích, và đức tin của nhà ngươi cũng là vô ích .... Nhà ngươi đã tội lỗi rồi.” [8] - Đóng đinh trên giá gỗ chữ thập trong thực tế, có một ý nghĩa đôi: một cá nhân và một-kia nhân loại. Trong ý nghĩa đầu tiên, nó tượng trưng cho sự hủy diệt của cái-ta cá nhân, trong ý nghĩa thứ hai nó đứng đại diện cho học thuyết về sự chuộc tội thay cho người khác, theo đó tất cả những tội lỗi của chúng ta được chuộc bằng sự làm Chúa Kitô chết vì chúng. Trong cả hai trường hợp, người chết phải được sống lại. Nếu không có sự sống lại đó, sự hủy diệt gây cái chết không có bất cứ một ý nghĩa nào dù là gì đi nữa. Chúng ta chết trong Adam, chúng ta sống trong Chúa Kitô - điều này phải được hiểu theo nghĩa đôi như trên.

Những gì cần thiết trong đạo Phật là sự giác ngộ, không là sự đóng đinh trên giá gỗ chữ thập và cũng chẳng là sự sống lại. Một sự sống lại thì có đủ kịch tính và đủ tính con người, nhưng vẫn còn có mùi của thân xác trong đó. Trong sự giác ngộ, có sự siêu trần tuyệt vời và một cảm giác đích thực của sự siêu việt. Những sự-vật của trái đất đi qua sự đổi mới và một chuyển hóa tươi mới. Một mặt trời mới lên cao trên đường chân trời và toàn thể vũ trụ được hiển lộ.

Nó là thông qua kinh nghiệm này của sự giác ngộ mà tất cả chúng sinh trong riêng lẻ từng cá nhân và chung với toàn tập thể đạt đến chứng ngộ Phật tính. Đó không chỉ là một hiện sinh lịch sử nào đó và chắc chắn xác định được, là người đã thức tỉnh đến được một trạng thái của sự giác ngộ, nhưng toàn bộ vũ trụ với từng hạt bụi chúng đi vào kết hợp tạo phần của nó. Tôi nhấc ngón tay tôi và nó chiếu sáng ba nghìn cõi thế giới [9] và một vô lượng [10] những vị Phật và Bồ Tát đón chào tôi, không loại trừ dẫu những con người tầm thường.

Sự đóng đinh trên giá chữ thập không có ý nghĩa gì trừ khi nó được tiếp theo bằng sự sống lại. Nhưng bụi đất của trái đất vẫn còn bám vào nó mặc dù người sống lại đi lên thiên đàng. Nó khác với sự giác ngộ, vì sự giác ngộ ngay lập tức chuyển hóa chính trái đất này vào trong cõi Tịnh Ðộ. Bạn không cần phải đi lên thiên đàng, nhưng chờ cho chuyển hóa này xảy ra ngay ở đây.


II.
Hệ thống biểu tượng đạo Kitô có nhiều tương quan với sự đau khổ của con người. Đóng đinh trên giá chữ thập là đỉnh cao nhất của tất cả đau khổ. Những người theo đạo Phật cũng nói nhiều về sự đau khổ và đỉnh cao nhất của nó là Đức Phật tĩnh lặng thanh thản ngồi dưới tán cây Bồđề bên sông Niranjana. [11] Chúa Kitô gánh đau khổ của ngài cho đến lúc dứt đời trần thế của ngài, trong khi đó, Đức Phật chấm dứt nó trong khi còn đương sống và sau đó đi giảng dạy “tin lành” về sự giác ngộ cho đến khi ngài qua đời thanh thản yên lặng dưới tán hai cây Sala. Loài cây mọc thẳng đứng và Đức Phật trong Niết Bàn, nằm ngang như đường chân trời, như tự thân của vĩnh cửu.

Chúa Kitô bị chết treo bất lực, đầy đau thương trên giá gỗ chữ thập dựng đứng theo chiều dọc. Đối với  não thức phương Đông, cảnh tượng thì gần như không thể nào chịu đựng nổi. Những người theo đạo Phật đã quen với cảnh tượng Bồ tát Địa tạng (Bồ Tát Kshitigarbha) thấy ở bên đường [12]Hình ảnh này là một biểu tượng của sự thương yêu dịu dàng. Ngài đứng thẳng, nhưng thật là một tương phản xiết bao với biểu tượng của đạo Kitô cho sự đau đớn!

Bây giờ chúng ta hãy làm một so sánh hình học giữa một bức tượng ngồi bắt chéo chân trong thiền định và một chịu đóng đinh. Đầu tiên tất cả, thẳng đứng cho thấy hành động, chuyển động, và khát vọng. Nằm ngang, như trong trường hợp của Đức Phật nằm, làm cho chúng ta nghĩ về an bình và sự hài lòng hoặc mãn nguyện. Hình dáng ngồi đem cho chúng ta khái niệm về  sự kiên định, vững chắc, và không chuyển đổi. Cơ thể tự nó đặt xuống với hông và chân xếp an toàn trên mặt đất. Trọng tâm của lực hấp dẫn xung quanh vùng thắt lưng. Đây là vị trí vững chắc nhất một sinh vật hai chân có thể nhận lấy trong khi đương sống. Đây cũng là biểu tượng của an bình, thanh tĩnh, và tự tin. Một vị thế đứng nói chung cho thấy một tinh thần chiến đấu, hoặc phòng thủ hay tấn công. Nó cũng đem cho người ta một cảm giác cá nhân tự-cho-mình-quan-trọng sinh ra từ cá thể và quyền lực.

Khi con người đã bắt đầu đứng bằng hai chân nó, điều này cho thấy rằng bây giờ nó khác biệt với đám còn lại gồm những sinh vật đi bằng bốn chân. Từ đấy về sau, nó trở nên càng độc lập hơn với trái đất, vì hai chân trước của nó được giải phóng và hậu quả tất nhiên từ sự phát triển não bộ của nó. Sự phát triển và độc lập này về phần con người đã thường trực không đổi, làm nó lầm lẫn nghĩ rằng bây giờ nó là chủ nhân của Thiên nhiên, và có thể đặt Thiên nhiên dưới sự hoàn toàn kiểm soát của mình. Điều này, khi kết hợp với truyền thống kinh Thánh chủ trương rằng con người thống trị tất cả mọi thứ trên trái đất, đã giúp cho ý tưởng thống trị hoàn vũ phổ quát của con người mọc quá lớn, thậm chí che khuất và vượt ra ngoài giới hạn hợp lý của nó. Hậu quả là chúng ta nói rất nhiều về sự chinh phục thiên nhiên, nhưng lại trừ ra bản chất con người của chúng ta, vốn nó đòi hỏi nhiều kỷ luật và kiểm soát hơn, và có lẽ cần được chinh phục nhiều hơn bất cứ gì khác.

Mặt khác, ngồi bắt chéo chân và tư thế thiền định làm một người cảm thấy không tách rời khỏi trái đất và thế nhưng vẫn không quá chiếm tâm trí đến không hồi ngược lại được, rằng ông phải tiếp tục ngửi thở nó và đắm mình trong nó. Đúng, ông được mặt đất nâng đỡ, nhưng ông ngồi trên nó như thể ông là biểu tượng tột đỉnh của sự siêu việt. Ông không gắn liền với đất cũng không tách rời khỏi nó.

Ngày nay, chúng ta nói rất nhiều về sự buông xả làm như nếu buông xả là một điều-gì hết sức tai họa chết người, và đáng ghét sợ đến nỗi bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải cố gắng để đạt được sự đối nghịch, đến sự không-buông-xả. Nhưng tôi không hiểu lý do tại sao chúng ta phải rời khỏi những điều đáng yêu và thực sự tiếp dẫn đến an lạc cho cá nhân và cho xã hội chúng ta. KanzanJittoku [13] vui hưởng tự do và an lạc của họ trong cách riêng của họ. Cuộc sống của họ có thể được coi như một của sự buông xả tuyệt đối, như chúng ta từ bên ngoài nhìn vào nó. Thích Ca Mâu Ni dành bốn mươi lăm năm của đời ngài bảy mươi chín năm, đi từ nơi này sang nơi khác, và giảng dạy chân lý về sự giác ngộ của ngài cho tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội khác nhau, trong mọi phương diện, xã hội, trí tuệ, kinh tế, và cuối cùng qua đời lặng lẽ gần bờ sông Hiranyavati [14]. Socrates sinh ra và chết tại Athens, và đã đem dùng năng lực và trí tuệ của mình vào thực hành công việc của ông như của một bà mụ đỡ đẻ cho suy tưởng của con người, đã đem triết học từ trời cao xuống đất thấp, và cuối cùng đã bình tĩnh uống ly thuốc độc hemlock, giữa những môn đệ bao quanh, và chấm dứt cuộc sống bảy mươi năm của mình [15].

Chúng ta sẽ nói gì đây về những đời sống này khi mỗi trong những vị đó đều đã vui hưởng đời sống của họ đến tột cùng mãn nguyện của nội tâm họ? Có phải đó là một đời sống của gắn buộc hay của buông xả? Tôi sẽ nói rằng, như trong mức hiểu biết của tôi, mỗi vị đã có đời sống của họ với tự do không bị cản trở bởi bất kỳ bận tâm thầm kín bên trong nào, và do đó, thay vì sử dụng những từ ngữ như gắn bó hay buông xả để đánh giá cuộc đời của những vị đề cập ở trên, không phải là hay hơn hay sao - để gọi nó là một cuộc sống của tự do tuyệt đối?

Chính đó là sự giác ngộ đem an bình và tự do đến giữa chúng ta.

III.
Khi Đức Phật đạt đại giác ngộ tối thượng của ngài, ngài đã ở tư thế ngồi của mình, ngài đã không gắn buộc cũng không tách rời khỏi trái đất. Ngài đã là một với nó, ngài đã phát sinh ra từ nó, nhưng ngài không bị nó nghiền nát. Khi là một em bé sơ sinh tự do thoát tất cả những sankharas [16]ngài tuyên bố, đứng thẳng, với một tay chỉ lên trời và tay kia chỉ xuống đất, “Trên trời, dưới đất, mình ta là được vinh danh!”. Trong đạo Phật có ba tượng hình chính, tượng trưng cho (1) đản sinh (2) giác ngộ, và (3) Niết Bàn, đó là đứng, ngồi, và nằm – ba tư thế chính con người có thể nhận lấy. Từ điểm này, chúng ta thấy rằng đạo Phật quan tâm hết sức sâu xa với những vấn đề nhân loại, trong sự sử dụng hòa bình những hình thức khác loại, và không trong bất cứ bước đi nào của những hoạt động bạo động hiếu chiến.

Đạo Kitô, mặt khác, trình bày một vài điều vốn khó có thể hiểu được, cụ thể là biểu tượng của sự đóng đinh trên giá chữ thập. Đức Kitô chịu đóng đinh là một cảnh tượng khủng khiếp và tôi không thể nào không liên kết nó với xung lực ác dâm của một não bộ bị vướng bệnh tâm thần [17].

Những người Kitô sẽ nói rằng đóng đinh trên giá gỗ chữ thập có nghĩa là đóng đinh tự ngã hay xác thịt, vì nếu không điều phục tự ngã, chúng ta không thể đạt được toàn thiện đạo đức.

Đây là chỗ mà đạo Phật khác với đạo Kitô.

Đạo Phật tuyên bố từ ngay khởi đầu là không có tự ngã (vô ngã) để đem đóng đinh. Nếu nghĩ rằng có tự ngã là sự bắt đầu của tất cả những lỗi lầm và những xấu ác. Vô minh là gốc rễ của tất cả mọi sự-vật-việc mà chúng đi sai lạc.

Vì không có tự ngã, sự đóng đinh trên giá chữ thập là không cần đến, không đem (bản năng) ác dâm ra thực hành, không có cảnh tượng kinh tởm chướng mắt, gây sửng sốt sẽ được trưng bày bên đường đi.

Theo như đạo Phật, thế giới là một mạng lưới những quan hệ nhiều chiều qua lại nghiệp lực và không có tác nhân nào ở đằng sau lưới như kẻ nắm giữ nó, để quản lý nó theo chủ ý của mình. Để có một cái nhìn sâu xa đến sự thật về thực tại của những sự vật, điều kiện tiên quyết là xua tan đám mây của vô minh. Để làm điều này, người ta phải tự rèn luyện chính mình được kỷ luật, trong sự đi đến nhìn thấy rõ ràng và xuyên thấu vào trong chân như của những sự vật.

Đạo Kitô có xu hướng nhấn mạnh tính xác thịt cụ thể của sự hiện hữu của chúng ta. Do đó có sự đóng đinh trên giá chữ thập của nó, và cũng do đó có biểu tượng của sự ăn thịt sống và uống máu tươi. Đối với  những người  không-Kitô, chỉ riêng một ý tưởng về uống máu người là đã lợm miệng ghê tởm.

Những người Kitô sẽ nói: Đây là cách để thể hiện ý tưởng của sự hiệp nhất với Chúa Kitô. Nhưng người  không-Kitô sẽ trả lời: Không thể nào ý tưởng về sự hiệp nhất được thể hiện trong một số cách nào khác hay sao, đó là cách nào an bình hơn, hợp lý hơn, con người hơn, nhân đạo hơn, ít đấu tranh hơn, và ít bạo động hơn?

Khi chúng ta nhìn vào hình ảnh nhập Niết Bàn, chúng ta có một ấn tượng hoàn toàn khác biệt. Thật là một tương phản giữa hình ảnh bị đóng đinh tuẫn nạn của Chúa Kitô và hình ảnh của Đức Phật nằm trên một chiếc giường, bao quanh là những môn đệ và những chúng sinh khác, cả loài không-người cũng như loài người! Không phải là điều thú vị và gây cảm hứng khi thấy tất cả những loài sinh vật kéo đến để cùng nhau tiếc thương trước cái chết của Đức Phật hay sao?

Rằng Chúa Kitô đã chết đứng theo chiều dọc, treo trên giá hai thanh gỗ ghép hình chữ thập, trong khi đó, Đức Phật mất – ra đi an bình – nằm theo chiều ngang – không phải điều này là không tượng trưng cho sự khác biệt cơ bản giữa đạo Phật và đạo Kitô – nhiều hơn trong một ý hướng?

Đứng thẳng có nghĩa là hành động, chiến đấu, độc đáo loại trừ, trong khi nằm ngang có nghĩa là hòa bình, khoan dung, và đầu óc cởi mở rộng rãi. Là hoạt động, đạo Kitô có một cái gì đó trong nó, nó quấy, khích, và xáo động. Tư cách là hiếu chiến và riêng biệt chuyên nhất, đạo Kitô có xu hướng nắm quyền lực độc đoán, và đôi khi [18] là sức mạnh độc tài đàn áp những gì khác nó, mặc dù tuyên xưng của nó về dân chủ và tình huynh đệ phổ quát.

Trong những phương diện này, đạo Phật đã chứng tỏ đúng là đối ngược của đạo Kitô. Tính chất nằm ngang như đường chân trời của Đức Phật nhập Niết-bàn có thể đôi khi gợi ý về sự đại lãn, lãnh đạm, và không năng động, mặc dù đạo Phật thực sự là tôn giáo của sự tích cực hoạt động và kiên nhẫn vô hạn. Nhưng không nghi ngờ gì rằng đạo Phật là một tôn giáo của hòa bình, tĩnh lặng, thanh thản, và cân bằng. Nó từ chối chiến đấu và độc tôn. Ngược lại, nó tán thành rộng đầu óc rộng rãi, lòng khoan dung phổ quát, và đứng xa cách với những đối xử phân biệt của thế gian.

Đứng thẳng lên có nghĩa là một người thì sẵn sàng để hành động, để chiến đấu và áp đảo. Nó cũng ngụ ý rằng một người nào đó đứng đối mặt với bạn, người đó có thể là sẵn sàng để đánh bạn gục xuống nếu bạn không kịp đánh người ấy trước. Đây là cái “tự ngã” mà đạo Kitô muốn đem đóng đinh. Vì kẻ thù này luôn luôn đe dọa bạn, bạn phải là (sẵn sàng) chiến đấu. Nhưng khi bạn nhận thức rõ ràng rằng kẻ thù chết người này, kẻ giữ bạn thấp thỏm đề phòng, phập phồng báo động thì không-hiện-hữu, khi bạn hiểu rằng đó là không gì khác ngoài một ác mộng (của cuộc đời), chỉ đơn thuần là một ảo tưởng đặt lên thành  một tự ngã, như một-gì-đó cố gắng để chế ngự bạn, sau đó lần đầu tiên bạn sẽ có được bình yên với chính mình và cũng với thế giới rộng lớn, sau đó bạn có thể có đủ khả năng để nằm xuống, và nhìn thấy chính mình trong tất cả mọi thứ (xung quanh).

Sau khi đã nói tất cả xong, có một điều mà tất cả chúng ta phải nhớ về phần đem những tư tưởng đối kháng lại với nhau và xem chúng có thể giải hợp được như thế nào.Tôi đề nghị điều này: Khi nằm ngang lúc nào cũng giữ thế nằm ngang, kết quả là cái chết. Khi đứng thẳng giữ chặt tính cứng chắc của nó, nó sụp đổ. Thật sự, nằm ngang là nằm ngang chỉ khi nó được hình thành như trong có chứa ngầm khuynh hướng đứng dựng lên, như là một giai đoạn của sự trở thành một-gì-đó khác, như là một đường (không gian hai chiều) để chuyển đến (không gian) ba chiều. Cũng thế, với sự đứng thẳng. Chừng nào nó là vẫn giữ chiều dọc bất động, nó thôi là chính nó. Nó phải trở nên uyển chuyển, có được khả năng đàn hồi, nó phải cân bằng chính nó với tính chuyển dịch.

(Chữ Thập [Hylạp]  và chữ Vạn có liên quan gần gũi, có thể bắt nguồn từ cùng một gốc. Tuy nhiên,  hình chữ Vạn là động, trong khi hình chữ thập tượng trưng đối xứng tĩnh. Hình chữ thập Latin [19] rất có thể là sự phát triển của một dấu hiệu có bản tính khác loại.)

Daisetz T. Suzuki
Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất 
(Nov/2012)
(còn tiếp ..)






[1] Daisetsu Teitaro Suzuki (鈴木 大拙 貞太郎 - Linh mộc Đại chuyết trinh Thái Lang) (1870-1966). Mysticism: Christian and Buddhist: World Perpectives Series.  New York: Harper, 1957.
Bài Crucifixion and Enlightenment là một phụ lục - Chương 6  - của tập sách trên - Lý thuyết Thần bí: người Kitô và người đạo PhậtNguyên văn có thể lấy được từ đây:

[2] Ego trong nguyên văn –– tôi nghĩ Suzuki dùng thuật ngữ của Freud, vậy nên giữ nguyên thuật ngữ ego đặc biệt này – để dễ theo dõi tạm dịch là Cái-ta, không phải Ngã, hay Tự-Ngã, nhưng hiểu là ego theo như định nghĩa của Freud – vắn tắt; là một chủ thể nhận thức tâm lý trong mỗi cá nhân.
Xem Sigmund Freud, The Ego and the Id - Cái Ta và cái Đó, bản tôi dịch – phổ biến trên cùng blog: http://chuyendaudau.blogspot.ca/2012/03/sigmund-freud-ego-va-id-7.html
[3] transcendental ego
[4] manoviññāṇa (p) (s: manovijñāna); Mạt-na thức : the mind cognition: tạm hiểu như ý thức trong tâm lý học phương Tây.
[Là ý, ý nghĩ, khả năng suy nghĩ, đôi khi được hiểu là Ý thức. Mạt-na được xem có tính lí luận của con người, là xứ thứ sáu (Mười hai xứ). Mạt-na kiểm soát năm giác quan còn lại.Trong Duy thức tông, Mạt-na (manas) là thức thứ bảy trong tám thức (theo TDPH -ChânNguyên&NgTường Bách)]
Năm thức (panäca-parijnananas): Những thức tiếp nhận, do 5 giác quan (căn) cảm nhận, gồm có: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức. Những dữ liệu từ mắt, tai, mũi, lưỡi, da của thân thể chuyển cho Thức thứ 6 (manaskàra). Thức này là thức phân biệt nhị nguyên, phải trái, trắng đen, lạnh nóng, v.v..., và tự chuyên phê phán, phân biệt, tính toán, so lường trên căn bản đạo đức (duyên lự tâm) những gì mà 5 thức trước thâu nhập vào. - Thức thứ 7: Mạt-na thức (mano-vijnanana).- Thức thứ 8: A-lại-da thức (àlaya-vijnanana).
Diễn giải của Suzuki – dựa trên lý thuyết Duy thức tông - Suzuki nhấn mạnh trên quan hệ giữa Mạt na và A lại da: - Đọc Duy thức tam thập tụng – (HT ThíchThiệnHoa dịch): - phân biệt: tám thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt na thức và A lại da thức) – riêng Mạt na, luận như sau: “Thức này là căn của ý thức, chứ không phải là ý thức (thức thứ 6). Thức này nương thức A lại da sanh khởi, rồi trở lại duyên thức A lai da chấp làm ngã”.
[5] Trường phái Phật giáo đại thừa:  Du-già hành tông , một tên khác của Duy thức tông.

[6] corporeality (Latin: corporealis) – có thân xác (vật chất cụ thể) – ở phương Tây, những khái niệm trừu tượng có khuynh hướng mang dạng con người, và được biểu tượng bằng những hình tượng, cụ thể – tượng nữ thần Tự do cho khái niệm Tự do, Marianne cho nước Pháp,… , Trong cổ điển Hylạp, các khái niệm đều thành tượng hình:  Aphrodite cho sắc đẹp, Apollo cho ánh sáng, sự thật, …
Thế nên, ngay cả Jesus, và hình tượng về ông – cũng không hoàn toàn là tượng hình của một con người đã có thật trong lịch sử - vẫn có quan niệm ngày càng lớn rộng cho rằng Jesus là một huyền thoại – một khái niệm – đã được niềm tin tôn giáo dựng thành nhân vật – trong lịch sử, nhân vật mang tên Jesus không có thực (The historicity of Jesus.).
Không có tài liệu lịch sử khách quan, đương thời nào (ngoài tài liệu của hội nhà thờ) nhắc đến nhân vật, đáng lẽ rất nổi tiếng này – nếu những biến cố kể trong Tân ước là có thực, dù chỉ phần nào (ngay cả những biến cố quanh nhân vật này kể lại trong những văn bản Tân Ước, cũng có những chỗ bất nhất, đáng ngờ), nhưng không chỉ thuần chắp vá huyền thoại, tưởng tượng tôn giáo.

[7] no-ego substance.
[8] 132:1 I Cor., 15:14-17.
[9] chiliocosms
[10] Asankheyya (adj.) [a + sankheyya, grd. of saŋ -- khyā]  : không – tính toán được – vô tận, không đếm được, vô số, hàng hà sa số  -  chỉ một thời gian là vô cùng tận. (Pali-English Dictionary, TW Rhys Davids, William Stede)  
[11] Cây Ashvattha: là tên Sanskrit của cây Peepal (loài sung/vả - Ficus religiosa) và quen thuộc với tất cả người Ấn. Một loại cây rất lớn, thân nhẵn; hoa không hương, có nguồn gốc từ NepalIndia. Có cành hướng xuống đất. Vỏ cây dễ bóc, màu xám nhạt. Lá cây có hình trái tim và có đuôi dài ở cuối lá, rung động sột soạt dù gió nhẹ. Trái có hình như quả sung, không cuống, có đường kính khoảng 7-8 mm. Khi còn non màu xanh, khi chín màu đỏ xậm hay tím, điểm chấm đỏ. Cây Peepal là cây đầu tiên được miêu tả ở India: trong một con dấu cổ tìm được tại Mohenjodaro, một thành phố cổ của nền văn minh vùng châu thổ sông Indus (3000 - 1700 TCN), cho thấy cây này đã được sùng kính. Cây được nhắc trong các kinh điển: Veda, Upanishads, và Bhagavad Gita. Thí dụ, trong Bhagavad Gita, thần Krishna nói: “trong đám cây, ta là cây ashvattha”. Đốn cây peepal là một trọng tội, ngang với giết một tu sĩ Brahmin. Trong y học cổ truyền India (Ayurveda), vỏ cây cho chất tannin dùng trong thuộc da, và lá cây hâm nóng trong bơ (ghee) dùng trị vết thương.
Sau khi đức Phật đạt giác ngộ tối thượng, cây Peepal vốn ngài đã ngồi thiền định dưới gốc của nó, được gọi là cây Bồđề - (Bodhi, từ Sanskrit và Pali nghĩa đen là “tỉnh thức”- chỉ sự giác ngộ - cây Bồđề là “cây của sự giác ngộ”) – Trong những thế kỷ sau khi đức Phật qua đời, cây Bồđề này đã trở thành một biểu tượng cho sự có mặt của đức Phật, do thế, được sùng bái.
Cho đến nay, cây Peepal đặc biệt này, vẫn còn vị trí ngày nay là thị trấn Bodh Gaya, tiểu bang Bihar. Bodh Gaya đã từng là trung tâm và có trường đại học Phật giáo rất lớn, nổi tiếng trong nhiều thế kỷ. Cây Bồđề ở Bodh Gaya đã bị hủy hoại hai lần, trong những thời đạo Phật bị đàn áp – thế kỷ 2 và thế kỷ 7 – cây hiện nay ở Bodh Gaya - một trung tâm hành hương của tín đồ đạo Phật - là một cây mới trồng năm 1880, trên gốc cây cũ chết già vài năm trước đó. Đặc biệt, trong thế kỷ 3 TCN, Công chúa Sanghamitta, con gái của Hoàng đế Asoka, đã mang một nhánh của chính cây Bồ đề từ Bodh Gaya đến trồng ở Anuradhapura, Sri Lanka. Cây này vẫn còn sống cho đến ngày nay, và là cây Bồđề già nhất thế giới, trên 2,500 tuổi.
Sông Niranjana: sông Ni Liên Thiền: nay là sông Lilajan (Niranjana hay Nilanjan là những tên cũ) chảy qua các quận Chatra và Gaya trong hai tiểu bang Jharkhand và Bihar, Đông bắc India.
[12] Jizo Bosatsu: Địa Tạng Bồ tát -  S: kṣitigarbha - 地藏 – là vị bồ tát của những người lữ hành, ở Trung Á, trên con đường tơ lụa – sau khi sang đất Tàu - vị bồ tát này thành vị trông coi cõi âm – âm phủ -  hiểu như cõi của những người chết, ngài tự nguyện không thành Phật, cho đến khi “cõi âm sạch người”. Ở Việt nam, chúng ta thường thấy tượng ngài ở những nơi chôn người chết.
Sang Nhật, ngài thành một bồ tát được yêu quí nhất – là bồ tát  Jizō – công việc chính của ngài là chăm sóc những kẻ đau khổ ngay cả sống và nhất là trong cõi chết, làm dịu đau đớn cho họ, và giúp họ cắt ngắn thời gian ở cõi chết (không bồ tát nào chịu nghiệp thay cho ai cả - không có sự chuộc tội trong đạo Phật, đó cũng là ý ngầm, tôi nghĩ Suzuki nhắc đến vị bồ tát này, bồ tát là biểu hiện của ý niệm thương yêu, cứu giúp nhưng không cứu chuộc), đưa họ tới quốc độ Tây Phương của Phật ADiĐà, nơi có điều kiện thuận lợi để tu học tiếp.
Trong nước Nhật hiện đại, bồ tát Jizō rất được tôn kính rộng rãi như vị giám hộ của trẻ em chết non (phá thai, sẩy thai, hay do bệnh tật, tai nạn, thai không thành). Là bồ tát của thế giới trẻ con, nên ngài cũng là bồ tát của những bà mẹ. Một cảnh tượng rất phổ biến ở Nhật Bản khi thấy tượng hình bồ tát Jizo tạc khắc sơ sài đặt rải rác dọc bên đường, thường được treo, quấn với quần áo nhỏ của trẻ em, những yếm sữa.
Những vai trò này trước đó không có trong truyền thống Phật giáo ở lục địa châu Á, đây là những thích nghi hiện đại và độc đáo của đạo Phật Nhật Bản.

Khái niệm bồ tát như bồ tát Jizō hay Địa tạng, cho thấy lòng xót thương sự sống trong đạo Phật – từ bi - thấm tràn xuống tận nơi khổ đau nhất, yếu đuối nhất (trẻ em – vì yếu đuối luôn đi với khổ đau) – nơi cần có nhất – là địa ngục – cõi chết, cõi âm – của con người – dù địa ngục là một thực tại hay cũng chỉ là, có phần đúng hơn, một khái niệm. Nhưng chỉ về một nội dung có thực là đau khổ - chúng ta biết khổ đau trong sự sống, nên chúng ta đoán biết phải có khổ sau sự sống – chốn đó con người nhất định phải suy nhược, yếu đuối.
Và khái niệm yếu đuối (thể chất, hay tinh thần), cõi âm, âm phủ, hay địa ngục – đã không bao giờ dùng để làm nền tảng cho một đạo đức nông cạn, ấu trĩ, dựa trên khen thưởng, và “trừng phạt đời đời” hỏa ngục – chúng ta làm điều tốt, thực hành điều trong luân lý xã hội gọi là thiện – vì cơ bản có phần muốn chính chúng ta và mọi người quanh mình được sung sướng, không phải chịu khổ đau, ở đây trên trần gian, lúc còn đương sống này – chứ không phải để mình ta lên thiên đường, hay tránh xuống hỏa ngục, sau khi đã chết.
Và chúng ta thương những sinh linh, con người khác, và tất cả dạng thức có sự sống; vì tất cả cũng là ta, tất cả là phần của chính ta, của sự sống trên hành tinh, hay toàn vũ trụ này – tất cả đều tương sinh, vì tất cả đều tương khởi – có ta vì có những gì không-ta. Đó là nền tảng của nhân ái, của lòng từ bi. Trên trần gian này, còn vật hay người khổ đau – dù xa lạ, cũng làm chúng ta kém vui, bớt sung sướng.
[13] Kanzan và Jittoku: Hàn San: (Kanzan): thiền giả, thi sĩ đời Đường sống lập dị, ẩn cư trong vùng núi Thiên thai, tỉnh Triết giang. Thập Đắc: (Jittoku) – vốn là trẻ bị bỏ rơi, được thiền sư Phong Can (Bukan) nhặt đem về nuôi trong chùa Quốc Thanh, núi Thiên thai. Thập Đắc làm việc trong nhà bếp, có tài thơ,  hàng ngày đem thức ăn thừa cho bạn là Hàn San.
Thập Đắc và Hàn San và Phong Can – Đạo lẫn Thiền – thường được gọi là Thiên thai tam thánh - và là đề tài rất phổ thông trong tranh vẽ Tàu, Nhật. Đó là lối sống vẫn nói đến trong thi văn về những người ẩn cư, giữa thiên nhiên, thoát tục, ngoài danh lợi, trên vật chất, buông xả.
Xem thêm chi tiết trong – LeDonBan, Tiếng chuông chùa trong Phong Kiu D Bc :
http://chuyendaudau.blogspot.ca/2009/03/tieng-chuong-chua-trong-phong-kieu-da.html
[14] bản Anh ngữ, tôi có -  đã in nhầm là Niranjana – tên con sông nơi có cây bồđề, đức Phật ngồi suy tưởng
[15] Xem thêm chi tiết trong – LeDonBan - Plato - Phiên Tòa và cái Chết của Socrates:
 [16] thường dịch là Hành:
[Thuật ngữ quan trọng của đạo Phật. Hành được xem là một ý định, một chủ tâm có thể dẫn tới một tạo tác. Chủ động tạo tác là Hành mà thể thụ động của một sự việc xảy ra cũng là Hành. Hành là uẩn thứ tư trong Ngũ uẩn ( ; s: pañcaskandha; p: pañcakhandha) và là yếu tố thứ hai trong Mười hai nhân duyên (s: pratītyasamutpāda; p: paṭicca-samuppāda). Hành bao gồm tất cả các chủ tâm trước khi một hành động được hình thành. Vì hành động bao gồm Thân, khẩu, ý nên người ta cũng phân biệt Hành thuộc thân, khẩu hay ý. Hành mang lại một sự tái sinh (được hiểu là một hành động hay cả một cuộc đời), không có Hành thì không có Nghiệp và không có tái sinh. Hành quyết định phương thức tái sinh vì hành có tốt, có xấu. Hành sinh Thức (; s: vijñāna; p: viññāṇa) và chính thức này đi tìm cha mẹ để tái sinh và quyết định thể tính của con người mới. (theo TDPH -ChânNguyên&NgTường Bách)]
Các học giả thường dịch sang Anh ngữ là : Karmic formations: những kết-hợp tạo nghiệp, hay Volitional activities: Những hành động chủ ý, gây nghiệp.
Khái niệm này khó khăn vì sankhara có thể (tùy nội dung văn bản) là một sự-việc-vật, một tiến trình hay một hành động, nhưng tính chất chung là có liên hệ với nghiệp.
[17] Freud cũng phát biểu tương tự, nguyên văn của Suzuki “The crucified Christ is a terrible sight and I cannot help associating it with the sadistic impulse of a psychically affected brain”.
[18] Nếu được phép – tôi xin góp ý với Suzuki, và ở đây, xin chữa lại cho gần sự thực lịch sử hơn - là “luôn luôn” thay vì “đôi khi”. Trong lịch sử thế giới, tôi chưa bao giờ thấy khi có cơ hội dù khó khăn, khi hoàn cảnh cho phép dù chật hẹp, đạo Kitô lại có thể sống chung hòa bình với các tôn giáo khác. Bởi bản chất là “chỉ một”, “độc tôn”, nên không thể chấp nhận khác biệt, với bất kỳ trong hay ngoài.
[19] Chữ thập Hylạp: hình dấu cộng, hai cạnh ngang/dọc bằng nhau.  Hình chữ vạn: (swastika) cũng là một chữ thập, hai cạnh ngang dọc bằng nhau, thành bốn cánh - nhưng mỗi cánh, ở khoảng trung điểm, lại bẻ 90 độ, hoặc đều hướng sang phải (), hay sang trái () – chữ vạn là dấu hiệu trong các tôn giáo Hinduism, Jainism, và vẫn được xem là biểu tượng của đức Phật, hay đạo Phật. Chữ vạn cổ nhất được tìm thấy ở Mezine, Ukraine, có tuổi khoảng10,000 TCN. Đoán là hình một loài chim như loài cò đang bay.
Chữ thập Latin (Crux immissa hay Latin cross): giống hình chữ thập Hylạp – nhưng cạnh đứng dọc dài hơn cạnh nằm ngang; đây là dấu hiệu của đạo Kitô, tượng trưng cho giá gỗ trên đó Jesus bị giết với khổ hình đóng đinh. 

Viết thêm (của người dịch):
Sự điên rồ của thập giá  (“the folly of the cross”)

Khi Paul người xứ Tarsus bắt đầu truyền đạo trong vùng Trung Đông, 1-Corinthians 1:23, tập sách thứ bảy trong Tân Ước, còn ghi lại – chuyện giết người trên giá gỗ chữ thập, nhưng lại xưng tụng người chết thê thảm như thế là đấng cứu thế - là “một xúc phạm đến công chúng; làm cho công chúng phẫn nộ; là việc xấu xa; chuyện nhục nhã đối với dân Dothái” (“a scandal to the Judeans”); và “điên rồ” đối với dân Aramaeans.

Nhìn theo tình cảm con người, thái độ văn hóa của những dân tộc Trung Đông đối với câu chuyện đóng đinh trên thập tự giá đã là một trở ngại lớn cho sự truyền bá đạo Kitô ngay từ thế kỷ đầu tiên. Người Dothái và những dân chúng không Kitô (khi ấy còn chưa theo đạo Islam), đều nhìn sự đóng đinh với ghê tởm và khinh miệt cùng cực. Một người bị đóng đinh là một kẻ bị xã hội gạt bỏ, nhưng bảo rằng một vị gót lại bị đóng đinh – hoàn toàn là một nghịch lý ngay từ trong ý tưởng, và những thuật ngữ là mâu thuẫn, nếu muốn diễn tả điều đó.

Những câu chép trong 1-Corinthians 1:23 chỉ ra rằng, ngay khi ấy, trong thế kỷ thứ nhất - cả người Dothái và những người không-Kitô đã đều từ chối, không tin rao giảng của Paul về một vị cứu thế (Christ) – vốn vẫn hứa hẹn sẽ ra đời trong truyền thống tôn giáo Dothái – khi Paul lại bảo với họ vị đó là Jesus –một người như đã kể lại trong Tân ước -  nhân vật bị đồng bào của mình đòi giết, và đã chết bằng khổ hình đặc biệt, bị đóng đinh trên thập giá, lại chịu nhục nhã, giữa hai tên ăn trộm. Thế nên, họ phủ nhận thông điệp tôn giáo này của Paul đương muốn truyền bá, vì ở thế kỷ thứ I, trong nội dung văn hóa các dân tộc Trung đông, ý nghĩa của sự đóng đinh trên thập tự giá - cũng tương tự như với chúng ta ngày nay ở Đông Nam Á: Đóng đinh trên thập giá là một sự giết người thô bỉ, tàn bạo, gớm ghiếc. Thói tục dã man, thô tục, cường bạo này, đã có từ cổ thời, không xa lạ gì với họ; nhưng ngay người Lamã cũng chỉ dành cho những tội phạm khét tiếng, những kẻ giết người, những tù nhân chiến tranh, và những nô lệ nổi loạn. Sự tàn bạo khắc nghiệt của nó tượng trưng cho uy quyền tuyệt đối của chính quyền Lamã dành cho những phạm nhân, và dân chúng các xứ thuộc địa, không áp dụng với những công dân Lamã; tuy vậy vẫn có trường hợp người Lamã chịu tội hình này, nhưng đó là những kẻ mang tội phản quốc, đã bị tước quyền công dân. Thế nên, thái độ tự nhiên của Dân Dothái, và dân không Ki tô, đã xem đóng đinh trên thập giá như là một dấu hiệu chắc chắn về sự thảm hại của nạn nhân, hay tội lỗi của tội nhân. Người Dothái, thêm nữa, thậm chí còn khinh thường kẻ bị giết theo lối này hơn, vì theo họ, chết đóng đinh là một dấu hiệu chính Gót đã nguyền rủa nạn nhân.

Paul rao giảng Jesus chịu đóng đinh như vậy, đã cắt sâu và sát muối vào văn hóa của những dân tộc này. Người Dothái bác bỏ ý tưởng rằng một vị cứu thế lại có thể bị đóng đinh (và do đó có nghĩa là chịu một lời nguyền của Gót). Dân chúng không Ki-tô phản đối và phủ nhận hình ảnh một người bị giết trên thập giá như một tội phạm thô bỉ nhất, lại có thể là vị cứu thế cho họ, và duy nhất của nhân loại, họ cho đó là sự “ngu dại, điên rồ”.

Thế nên, ý tưởng trên đây của Suzuki, không có gì là mới lạ, vốn đã có từ hai nghìn năm trước, và đã rất phổ thông. Những người Kitô cũng nhận biết chúng từ lâu. Trả lời của những người giảng đạo Kitô – có thể tóm thu theo dòng lý luận như sau – đúng thế, tất cả những “tàn bạo khắc nghiệt”, cho đến “ngu dại, điên rồ” – nhưng chúng cho thấy sự hy sinh, đau khổ tột cùng của Jesus qua hình ảnh đó, Jesus đã chết với tư cách của một người bị khinh miệt nhất trong xã hội, và đó là sự cao cả trong sự hy sinh của ngài  – dĩ nhiên đây là giải thích đáng kính trọng, cao thượng và có thể có-lý – nhưng chỉ thuận tai, có-lý với những ai đã sẵn tin tưởng vào đạo Kitô rồi – còn với những người đứng ngoài, khách quan  – như chúng ta, - như tôi, khi đâu đó, vô tình tôi nhìn phải khuôn mặt đau đớn, hay tượng người với máu đổ, thịt nát, ... Không phải đi sâu như Freud, liên hệ với bản năng bạo dâm (như khi một người thích tự cạy khoét vết thương của mình, không để yên cho lành – và như thế có khoái cảm nhìn máu mình chảy, hay lòng đau đớn; mê sướng trong oán hờn thủ phạm đã gây vết thương); nhưng tôi vẫn không thể gạt đi câu hỏi tự nhiên, - Tại sao phải chọn hình ảnh thảm khốc đó? (trong ba thế kỷ đầu tiên, hình con cá – ichthus – đã từng là biểu tượng của đạo Kitô); và vẫn trang trọng cử hành nghi lễ “uống máu, ăn thịt” để “hiệp thông” với thần linh – để “thể nhập” với lý tưởng cao quí, với chính con người tự xưng là thần linh ấy?  Tượng trưng? (và Suzuki nghĩ thế) – Không, đến nay chính hội Nhà thờ vẫn nhấn mạnh và nhắc nhở tín đồ rằng – đây là ăn thịt, uống máu thực – có thế mới đúng tinh thần “linh thiêng nhất của phép bí tích thánh thể, và có một thay đổi toàn bộ bản chất của bánh thành xác, và toàn bộ bản chất rượu thành máu”. Suzuki trên đây, đã hỏi:

“Không thể nào ý tưởng về hiệp nhất được thực hiện trong một số cách nào khác hay sao, đó là cách nào an bình hơn, hợp lý hơn, con người hơn, nhân đạo hơn, ít đấu tranh hơn, và ít bạo động hơn?”

Nhưng phải chăng một nội dung bạo động chỉ có thể biểu hiện tuyệt vời bằng một hình thức bạo động?

Không thể bỏ được vì nếu buông bỏ, yếu tính của tôn giáo sẽ không còn, và sức mạnh của tôn giáo đó sẽ mất hết?

(Lê Dọn Bàn)