Monday, August 15, 2011

Robert Frost - The Road Not Taken


Con đường không đi

The Road Not Taken

Robert Frost (1874-1963)







Con đường không đi


Đường rẽ đôi hai lối giữa rừng thu,
Đáng tiếc không thể nào đi trọn cả
Chỉ một mình, rất lâu tôi đã đứng
Dõi nhìn một lối hết tầm mắt xa
Đến dưới lùm cây uốn vòng mất hút;

Rồi đi lối kia, ngang bằng cũng thế,
Và mời gọi có lẽ đậm màu hơn,
Vì lối ấy cỏ nhiều và ít mòn;
Dẫu cho về phần băng ngang quãng đó
Thực sự chúng đều mòn khoảng như nhau,

Và sáng ấy cả hai đều nằm chờ
Dưới đám lá còn nguyên chưa động bước.
Ồ, tôi dành lối đầu tiên cho ngày khác!
Dẫu biết lối này dẫn đến ngả kia,
Tôi ngờ nếu có bao giờ quay lại.

Tôi sẽ kể chuyện này với tiếng thở dài
Chốn nào đó về sau, mãi sau xa lắm:
Đường rừng rẽ đôi hai lối, và tôi --
Tôi chọn con đường có ít người đi,
Và điều ấy làm nên tất cả khác biệt

Lê Dọn Bàn tạm dịch
Robert Frost (1874 –1963)
(Mountain Interval. - 1916)


 (Two roads diverged in a yellow wood,
And sorry I could not travel both
And be one traveler, long I stood
And looked down one as far as I could
To where it bent in the undergrowth;

Then took the other, as just as fair,
And having perhaps the better claim,
Because it was grassy and wanted wear [1];
Though as for that the passing there
Had worn them really about the same,

And both that morning equally lay
In leaves no step had trodden black.
Oh, I kept the first for another day!
Yet knowing how way leads on to way,
I doubted if I should ever come back.

I shall be telling this with a sigh
Somewhere ages and ages hence:
Two roads diverged in a wood, and I --
I took the one less traveled by,
And that has made all the difference.)

Robert Frost


1.

The Road Not Taken” của Robert Frost, xuất bản năm 1916 trong bộ sưu tập Mountain Interval. Đây là bài ​​đầu tiên trong tập, và được in chữ nghiêng. Nhan đề bài này thường bị gọi nhầm là “The Road Less Traveled” – “Con đường ít người đi”, vì câu thơ trước câu cuối cùng: “I took the one less traveled by”.

The Road Not Taken”  là một bài thơ tự sự, gồm bốn stanzas, vần theo lối iambic tetrameter (mặc dù nó hypermetric - có chín âm tiết mỗi dòng, thay vì nghiêm ngặt tám âm tiết trong tetrameter) và đặc biệt là một trong hai bài thơ phổ biến nhất của Robert Frost (bài kia là “Stopping by Woods on a Snowy Evening” - Dừng chân bên rừng một chiều tuyết đổ).

Đây cũng có lẽ là bài thơ phổ biến nhất nước Mỹ, nếu một người Mỹ trung bình chỉ biết có một bài thơ – thường là bài này. Có nhiều lý do, nhưng hiển nhiên nhất là:  bài thơ rất đơn giản, không thi ảnh cầu kỳ hay văn từ hoa mỹ; được giảng dạy rộng rãi trong chương trình trung học; và nếu vẫn giữ lại với ký ức người nghe vì còn có một gì đó trong bài thơ đánh đúng vào một chỗ nào đó trong tâm lý con người, nhất là người Mỹ. Theo cách giải thích phổ biến, toàn bài thơ là một hứng cảm trào dâng, một hoan ca về  chủ nghĩa cá nhân, và nhất là chủ nghĩa không theo thông tục (non-conformism). Lối giải thích phổ thông - đọc hai dòng cuối theo nghĩa đen, hiểu người kể chuyện như là một cá nhân đã không theo lối thường, can đảm đi con đường dù ít người đi, và chấp nhận những hậu quả dù khác biệt, có khi thua thiệt với đời xung quanh.

2.

 
Robert Frost cho chúng ta biết về hoàn cảnh ra đời của bài thơ :

“Một stanza của ‘The Road Not Taken’ viết trong lúc tôi ngồi trên ghế sofa (ở nhà, thời gian còn sống) tại vùng giữa nước Anh: đã tìm thấy tại đó ba hay bốn năm sau, và tôi không thể nào chịu nổi nếu không viết cho trọn bài thơ. Trong đó, tôi không nghĩ về tôi, nhưng về một người bạn tôi, người đã lên đường gia nhập cuộc chiến, một người là kẻ, dẫu con đường nào anh chọn, sẽ ân hận là mình đã không chọn đường kia. Anh khó khăn với chính mình theo lối như thế.” (1953).

Người bạn đó là Edward Thomas, cũng là một thi sĩ Anh, gốc Welsh. Trong thời gian sống ở Gloucestershire, năm 1914, Thomas thường cùng ông đi dạo trong vùng quê. Nhiều lần Thomas muốn chọn một lối để có thể cho người bạn Mỹ của mình thấy những cây cảnh lạ, nhưng cũng thường là cuối những lần đi dạo Thomas lại luôn luôn tiếc, và thở dài – nói giá mình chọn lối kia thì có lẽ gặp nhiều cái hay hơn để chỉ cho Frost. Frost thường diễu bạn mình về những thở dài tiếc nuối phí phạm đó.

Nhưng Frost thấy có chút lãng mạn trong sự tiếc nuối về những gì chỉ có thể xảy ra. Frost không phải là con người như thế. Sau khi về lại nước Mỹ, lúc ấy như một nhà thơ mới, đương thành công, ông vẫn còn nhớ và đã bắt chước thái độ của Thomas, viết bài thơ “The Road Not Taken”- Gửi cho bạn đọc, với câu mang tính chất không-Frost, nhưng nhiều-Thomas - “I shall be telling this with a sign”. Thomas đã không nhận ra câu đùa cợt này, vì quá nhẹ nhàng, và quá tế nhị.

Sau đó, bài thơ xuất bản trên tạp chí Atlantic Monthly, tháng Tám 1915, Frost hy vọng độc giả Mỹ của mình sẽ nhận ra sự châm biếm mỉa mai mấu chốt này của bài thơ, nhưng ông cũng đã phải thất vọng. Trong một lần đọc bài thơ này trước công chúng, ông đã bảo trước “ bn phi cn thn vi bài thơ này, nó là mt bài thơ có chỗ đánh lừa đấy -  rất ngoắt ngéo”. Như vậy bài thơ có cuộc đời riêng của nó, đã dành, mà người đọc hiểu nó ra sao cũng có khi đi ngoài dự liệu, mong muốn của chính tác giả.

Về phần Thomas – ông cũng không có cơ hội biết bài thơ này của Frost thành nổi tiếng; hai tháng sau khi tình nguyện nhập ngũ trong thế chiến thứ nhất – Thomas đã tử trận trên đất Pháp, năm 1917.

Robert Frost ra đời tại San Francisco, 1874; nhưng ông lớn lên ở vùng New England, và sau đó sống ở đó. Ông từng theo học hai đại học nổi tiếng Dartmouth, và sau đó Harvard, nhưng đều dở dang, do sinh kế, nên không theo đuổi cho đến tốt nghiệp. Ông bắt đầu với nghề viết báo, sau khi lập gia đình, quay sang làm trang trại và dạy học là chủ yếu. Năm 1912, Frost đem gia đình sang nước Anh sinh sống. Đến 1915, về lại nước Mỹ, lúc này ông mới thành công, sau đó dạy học ở Massachusetts và Vermont, chết ở Boston năm 1963. Robert Frost là thi sĩ Mỹ hiện đại nổi tiếng, ông bốn lần đoạt giải Pulitzer.


3.
Then took the other, as just as fair”.
Người thơ đi dạo trong rừng, đến trước một ngã ba; hai lối rẽ đều cỏ mòn và cùng phủ lá. Giữa hai ngã rẽ, chọn ngả nào?- cả hai trông đều như nhau - nghĩa là đều không rõ - giữa rừng thu cây lá đặc dày: đắn đo nhìn ngả kia, nhưng rồi, như Frost, đi ngả này, tự nhủ với mình dành lối kia cho một ngày khác. Tuy vậy, chính ông cũng biết không chắc mình sẽ có cơ hội sẽ làm như vậy. Và ông thú nhận rằng một ngày nào đó trong tương lai ông sẽ kể lại câu chuyện với uốn bẻ, và chút ngần ngừ (“và tôi - ”)ông sẽ nói rằng những gì xảy ra sau đó vì ông đã - chọn con đường có ít người đi.

Thế nhưng, chính ông đã nói về hai con đường – chẳng đường nào có cỏ mòn hơn - “the passing there / Had worn them really about the same.” Trong thực tế, cả hai đều như nhau; “that morning lay / In leaves no step had trodden black.” Nghĩa là - không con đường nào là đường ít người đi.

Dù nhận ra hay không, bài thơ lôi cuốn người đọc vì nó mang một mẫu thức dilemma - cuộc đời và những tình trạng tiến thoái lưỡng nan - mà chúng ta cảm nhận ngay lập tức, từ câu đầu - “Đường rẽ đôi hai lối giữa rừng thu”, bởi vì mỗi người chúng ta đều như có kinh nghiệm khá thừa thãi về chúng. Đường rừng và ngã rẽ là những ẩn dụ xưa cũ và thấm sâu về cuộc đời, về những khủng hoảng và những phút chọn lựa quyết định. Và đặc biệt những ngã rẽ giống hệt nhau, như trong bài thơ, tượng trưng cho liên kết giữa ý chí tự do và số phận: chúng ta xem dường như có tự do chọn lựa, nhưng chúng ta không biết trước những gì mình phải chọn lựa, thế nên chọn lựa nào cũng như nhau. Chúng ta chọn lựa như thế chẳng khác nào chọn lựa với mắt nhắm, như để chừa toan tính cho số phận; Hành trình của chúng ta là chỗi dài những lựa chọn và ngẫu nhiên, loại giống như thế và không thể tách rời hai.

Rồi chúng ta có như người kể chuyện không? Ông biết rằng trong trường hợp may mắn nhất, ông sẽ phải không trung thực; hoặc có khi trong tồi tệ nhất, phải đạo đức giả phần nào, một khi ông phải kể lại chọn lựa như một quyết định có “ý nghĩa” của mình, để biện minh cho “tất cả những gì khác biệt” sau đó. Trong thâm tâm, ông ngầm biết rằng trong tương lai, chính mình sẽ phản bội thời điểm này của quyết định; và như thể sự phản bội là không thể tránh khỏi. Nhận thức này chân thực cảm động, nhưng có phần mỉa mai và cay đắng. Tất cả dấu trong một “thở dài”. Đâu đó trong não thức, hai lối rẽ giữa rừng thu sáng hôm đó, chúng đều phủ lá cỏ như nhau. Có chọn lựa gì đâu!

Có chăng mỉa mai và cũng có ân hận – câu cuối bài thơ, tác giả viện dẫn - “con đường ít người đi” – nhưng nhan đề bài thơ ông nói về - “con đường không đi”, con đường đó mới là nỗi ám ảnh. Ông không chọn lựa gì cả (có thể có chọn lựa đúng nghĩa khi đứng trước cả hai lối đều - cỏ như nhau, cùng phủ lá - nghĩa là những không-biết, hay không), mà ngay như buộc có chọn lựa, vì chúng ta phải tiếp tục đi, không thể đứng mãi giữa rừng – hay giữa đời; chúng ta cũng không có gì làm mốc để chọn; đám lá, bờ cỏ, biết được đến đâu về chúng, và tin được đến đâu. Chúng ta chỉ chọn trong mò mẫm và lựa trong mắt nhắm, giao phó cho may rủi, ngẫu nhiên. Để rồi sau đó, trong tương lai, chúng ta sẽ có thể mãi băn khoăn tự hỏi – con đường đã không đi, nếu đi sẽ dẫn về đâu? Không thể biết vì đó là con đường kia - con đường không đi - con đường không bao giờ biết.

Thế nhưng, đó dường như là bản chất của quyết định – là không có con đường Đúng – chỉ có con đường đicon đường không-đi

Và đó là tiếng thở dài của nhân loại – cuộc đời chúng ta và những ngã rẽ, và con đường đã đi, và con đường không đi, và thở dài.

Biết làm sao!












4.
a.
Những lối rẽ, những đường đời không đi, đều là những đối tượng của suy nghiệm triết học. Rừng màu thu (yellow wood) – như cuối cuộc đời; Tôi cũng thế, có những sáng lặng lẽ vào rừng, tần ngần những lối rẽ, băn khoăn những lối không đi.

Những con đường không đi – những ngã rẽ không chọn – mãi mãi là những bí ẩn, vì nếu không đi, chúng ta biết hành trình đó sẽ ra sao? và chúng ta có bao giờ  trở lại có cơ hội đi cả hai đường:
Yet knowing how way leads on to way,  I doubted if I should ever come back”.
Và nếu là những lối rẽ thời gian, làm sao chúng ta có thể quay trở lại, có chăng là nhớ lại giây phút chọn lựa đó. Thế nên sang stanza cuối, động từ ở thể tương lai; Rồi về sau - trong tương lai –  trong thở dài – nhẹ nhõm/tiếc nuối?
I took the one less traveled by, And that has made all the difference”.

Khác biệt đến đâu? – làm sao biết? – làm sao so sánh những gì đã xảy ra thật với những gì không bao giờ xảy ra; dù cho có khác biệt – giữa thật và tưởng tượng; dĩ nhiên hai lối -  nhưng có đúng/sai, hơn/kém hay không?
Tự biện hộ cho mình - nhưng tất cả chỉ là giả dối, tự lừa - chúng ta không thể so sánh với con đường không đi, chúng ta biện hộ dù đúng, bào chữa dù sai - chỉ là với những sự đã rồi - mà có sai; đâu phải lần nào cũng có thể làm lại! So sánh với một người nào khác đã đi con đường ta không đi? Một người khác nào đó có thể đã đi con đường ta không đi, nhưng dĩ nhiên đâu phải là ta.

b.
Con đường không đi – không thể biết - thế nên câu hỏi không thể trả lời - biết sẽ về đâu?
Chúng ta như đâu thể chọn được tương lai, vì chỉ có một nên không chọn lựa, cũng như hai con đường – một đi và một không đi - những gì không xảy ra sẽ mãi mãi không xảy ra, con đường không đi là con đường không có. Thế nên, chúng ta không chọn lựa gì cả thì đúng hơn.
Trong cuộc đời, có chọn lựa hay không?

c.
Và mọi đường đời đi về đâu? Cái chết? - ở một bài thơ nổi tiếng khác Frost viết khá rõ rệt hơn:
The woods are lovely, dark and deep,
(cái chết – chốn  an nghỉ - tối và sâu dày)
Nhưng:
But I have promises to keep,
And miles to go before I sleep,
And miles to go before I sleep.
(bao nhiêu điều tôi còn hứa, bao nhiêu dặm nữa tôi phải đi – trước khi được nằm xuống)

vậy đường đi có phải để đến không? Hay lối đi mới quan trọng?
không ở chỗ đến chúng ta mới thể hiện mình – nhưng hành trình là chúng ta, chúng ta thể hiện mình trên hành trình mỗi giây phút, ở đây, lúc này, dù:
chúng ta luôn có dáng của một kẻ ra đi

Hãy nhìn những con bướm, chúng chỉ tìm hương và sắc của trần gian - không một con nào bay thẳng. Nhớ đến những con dơi, chúng lao vút trong đêm tối mù lòa.

Và chúng ta bao giờ cũng chỉ như có một lối. 
Những ngã rẽ của thời gian - giữa đời không phải lối giữa rừng - chúng trôi đi không bao giờ trở lại, nẻo thời gian không chọn đó, chỉ có trong hư tưởng, và có lẽ trong tiếng thở dài.


Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Aug/2011)



[1] Thường hiểu như một nhân cách hóa – cỏ trên đường muốn được dẵm cho mòn – tuy nhiên, có quan điểm cho rằng hiểu như thế là sai – và “wanting wear” chỉ là lối nói cổ trong tiếng Anh có nghĩa là “thiếu” (lacking) – như vậy câu thơ sẽ là  “Because it was grassy and lacked wear” .Tôi hiểu thế nên dịch - Vì lối ấy cỏ nhiều và ít mòn.