Friday, August 19, 2011

Robert Frost - The Pasture



The Pasture









Đồng Cỏ


Ta ra ngoài đồng dọn giòng suối đây;
Ta sẽ chỉ đến đấy cào sạch lá
(và rồi chờ xem nước trong – có thể):
Ta không lâu đâu – con đi cùng đi.

Ta ra ngoài đồng cho bê ăn đây
Đó, đang đứng cạnh mẹ. Thật bé quá,
Tập tễnh lúc mẹ lấy lưỡi liếm nó.
Ta không lâu đâu – con đi cùng đi.


(Lê Dọn Bàn tạm dịch)

Robert Frost
(North of Boston.  1915)


(I’m going out to clean the pasture spring;   
I’ll only stop to rake the leaves away            
(And wait to watch the water clear, I may): 
I sha’n’t be gone long.—You come too.        

I’m going out to fetch the little calf        
That’s standing by the mother. It’s so young,              
It totters when she licks it with her tongue. 
I sha’n’t be gone long.—You come too.)   

Robert Frost  












1.
Bài thơ ngắn, đơn giản. dễ đi vào ký ức. Nội dung là chính sự âu yếm dỗ dành đầy dịu dàng – như lời một người mẹ với đứa con nhỏ (hình ành con bò và con bê)

Lời mộc mạc, tự nhiên: “I sha’n’t be gone long.—You come too”  – và thay vì nói “the spring in the pasture”, ông nói “pasture spring” (Anthimeria). Khi đọc sẽ thấy ngay nhịp điệu du dương - Như một bài hát cho trẻ con – hát cho trẻ một bài đồng dao và trẻ hát theo (sing a song, và sing along).

Robert Frost (1874–1963)
You come too” – có thể hiểu nhiều cách – tạm cho là có hai. Thứ nhất, tôi nghĩ đây là lời người mẹ hay cha, nói với con nhỏ (chỉ con bê đằng xa, và bảo sẽ đi cho nó ăn, trẻ con thích hành động loại như cho những con thú nhỏ ăn) – nên đắn đo tạm dịch “con”– và “you” ở đây gọi đứa trẻ. Thứ hai, cũng có thể hiểu là tác giả nói với người đọc, chúng ta, hãy cùng ông ra với cánh đồng thiên nhiên [1]. Đây là bài đầu tiên và cũng ngắn nhất trong tập North of Boston, nên nó như một lời mời (invitation) với người đọc; vì đọc thơ là một hành trình tham dự, tác giả mời chúng ta - “You come too”.

Thường bài thơ có một cái khung, một câu chuyện, dù đơn sơ nào đó (a plot) - ở đây không có gì cả, nên tôi nói nội dung là sự dịu dàng, chúng ta có thể nói âu yếm thành lời, và dĩ nhiên những lời âu yếm. Ý và lời là một.

Và thấm đến người nghe.



Robert Frost's farm house, NH
2.
Metaphor? – đâu là cái trừu tượng trong cái đơn giản cụ thể của bài thơ này? - Có lẽ không có, không cần thiết? - Một sáng nắng đẹp, đồng cỏ lúc xuân về, dăm con bò thanh thản và giòng suối chảy qua còn nổi lá mùa đông cũ.

Những lúc đó – thiên nhiên kêu gọi chúng ta hãy buông thả, thôi tư lự, vớt sạch lá nghĩ ngợi, để giòng tư tưởng chảy như suối nước trong.

Hãy đi ra ngoài đón nắng, hứng gió, ngửi mùi đất, mùi trời, mùi đời.

“… không lâu đâu  - đi cùng đi.”


Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
 (Aug/2011)


[1] “Một chiều xuân năm 1905, Frost tản bộ trên đồng với vợ, Elinor, và đứa con gái sáu tuổi, Lesley. Theo sổ tay Lesley giữ từ lúc còn là một đứa trẻ, cô và mẹ đã đi hái táo và dâu tây đang mùa, trong khi cha cô đi đến góc phía tây nam của đồng cỏ thả bò lớn, để xem nước trong giòng suối ở đó nhiều đến đâu. Năm 1910, khi Frost đã viết “Pasture”, ông kể chuyện tản bộ đến một giòng suối ở một đồng cỏ nuôi bò như trung tâm câu chuyện. Kinh nghiệm đó vẫn còn là một ký ức yêu thích ba mươi năm sau khi ông đã viết về nó. Năm 1940, ông hồi tưởng lại, “Tôi không bao giờ có một niềm vui lớn hơn khi đi đến một giòng suối bị bỏ quên trong một đồng cỏ trong rừng”. Lea Newman. Robert Frost: The People, Places, and Stories Behind His New England Poetry. New England Press; 2000.
Xem tóm lược tiểu sử R. Frost trong chú thích  [1] trong bài thơ dịch của tôi  Dừng chân bên rừng một chiều tuyết đổ ”.