Saturday, June 25, 2011

Khúc Nhạc Chiều



Khúc nhạc chiều










1.
Lúc ấy tôi không biết gì nhiều về bài hát, ngoài tên gọi, tên tác giả, và dĩ nhiên âm hưởng nhịp ¾ dặt dìu của nó – đặc biệt là câu intro mở đầu; và tiếng láy quyến luyến lập lại ở đôi chỗ cuối câu. Tiếng nhạc đó dâng lên khi buổi chiều thành phố đang xuống, trong một con hẻm ở Đakao, từ tiếng dương cầm của một người tập đàn. Có một thời gian khá lâu, tôi thường chậm xe, thử để tiếng đàn chọn lối rẽ, vì chưa đến đầu hẻm giai điệu đã vẳng đến  – lãng đãng cung D minor – nghe xong, đã có hơn một lần, tôi sợ phải cất lời khiến chúng loãng mất, nên quay xe; những lần ấy, không vào nhà ngay.

Khúc nhạc đó là khúc nhạc chiều của thành phố - con đường Đinh tiên Hoàng tắt nắng, xe vắng, tất cả như thấm âm hưởng bài hát, đã chậm nhịp lại; những khi tôi quay về như thế, veranda che lối vào cửa một hiệu ăn Tây, đèn đã sáng, chờ khách tối. 


Nhiều năm sau đó trong đời, bài Lieder Ständchen của Franz Schubert [1] vẫn vang lên trong những hoàn cảnh khác nhau, với các nhạc cụ khác nhau – nhưng dường như lúc nào cũng vẫn đem khu phố Đakao trở lại, khi tiếng hát cất lên, tây hay ta, trọn bài hay chỉ một khúc, – tiếng piano dặt dìu mở đầu, hay tiếng violin lảnh lót như họa mi, hay guitar ngọt ngào cô lữ, hay tiếng flute mơ màng,…Tất cả là chiều, một chiều nào của quá khứ, đã xa quá, như chính quê hương, đã ngoài thời gian và không gian, không ở ngoài kia, không nối với lúc này, chỉ trong tâm tưởng, không thực như một sự thực thất lạc.

Đâu đó có buổi sáng; đỗ xe xong, đứng chờ thang máy từ hầm parking lên phòng làm việc; quanh tôi vắng tanh, và tôi đột nhiên cất tiếng, hát Ständchen, một mình. Tường vây kín, vang động, gây ảo cảm một giọng trầm ấm, đâu đó trong tôi một gì đó ẩn dấu vẫn đợi dịp thoát ra ngoài – tự nghe tiếng mình - lúc ấy tôi chợt hiểu – đúng là đêm qua tôi đã mơ, quá nặng dày, nên khi ngày trở lại, đã tuột mất, không nhớ nổi giấc mơ, đến khi tiếng chuông mở cửa thang máy nhắc nhở – không hồ nghi gì nữa, tôi hiểu ngay, giấc đêm qua, tôi đã trở về khu phố Đakao – như câu văn giản dị nhưng ám ảnh, mở đầu Rebecca – “Last night I dreamt I went to Manderley again” [2]. Khúc nhạc trong mơ trở lại cùng tôi, lúc tôi thức sáng nay, nhưng âm hưởng lại đẩy về quá khứ chìm trong giấc mơ vừa quên mất.

Và một ý tưởng đến với tôi – đời một người được đánh dấu bằng những tiếng nhạc. May mắn, ngẫu nhiên, cả một spectrum các bài hát, giai điệu vào chật trong ký ức lúc nào không biết, một hôm nào nó lên tiếng, đưa chúng ta về một cảnh ngộ, không hẳn chỉ những gì quanh thuở ban đầu – nhưng cũng có thể là những nhọc nhằn của đời, kỷ niệm chọn chúng ta – chúng ta đâu chọn kỷ niệm!  – đâu đó, tưởng mất.  Những âm đó cuối cùng chỉ là những dấu mốc gắn chặt vào từng mảng quá khứ, chúng sáng lên trong hồi tưởng (có thể muốn quên). Những thanh đó cuối cùng sẽ tan đi như muối thấm vào từng thớ ký ức, khiến ký ức thêm đậm đà (và cũng xót xa?) Nhưng có lẽ quá khứ sẽ nghèo đi rất nhiều nếu không có những câu hát, những khúc nhạc, đó đây rải rác trong đời chúng ta.


2.
Mới đây, tác giả The World in Six Songs: How the Musical Brain Created Human Nature  [3] đi đến kết luận rằng âm nhạc là yếu tố cơ bản của nhân tính, nó mở đường cho ngôn ngữ, cho những công trình tập thể, và lý thú nhất – ghi lại đời sống chúng ta và lịch sử. Levitin xác định – khá chủ quan – rằng tất cả âm nhạc, hay cụ thể hơn - những ca khúc của con người đều có thể thu về trong sáu loại bài hát này: những bài về tình yêu, tình bạn, về vui mừng, về hạnh phúc, về hiểu biết, và về tín ngưỡng, chúng “ghi lại đời sống” của chúng ta.

Ở cái tuổi không hăng hái nhìn về trước nữa, nhưng trầm lắng và quyến luyến ngoái nhìn lại về sau, trên sân thu, con thỏ xám gậm nhấm những lá xanh óng ả trong một chiều sương - trước mùa tuyết đổ trắng bát ngát, và tôi đâu đó bất chợt gặp chính mình trầm ngâm chiêm nghiệm, suy tưởng về đã qua, về đánh mất, về thất lạc; cố nhớ một gì đã quên; và trong khi đó, những câu hát – dở nhiều hơn hay – cất lên – chúng như là những mốc đường, những đánh dấu. Lời hát tầm thường, đầy những câu văn vần, hay nếu có gọi là thơ – vì có vần điệu – dù rộng lượng đến đâu, cũng hiếm hoi và thật khó lòng xem là tuyệt tác. Giai điệu? đa số rất đơn giản, âm điệu đơn sơ đến nghèo khó, thiếu sót…Thế nhưng, chúng dai dẳng sống mãi; chẳng những với tôi, mà có lẽ cả với những người cùng tuổi, cùng thế hệ. Chúng đi kèm với những tiếng người, kể một vài tên gọi, có lẽ nay đã như cổ tích: Ngọc Cẩm, Thanh Thúy, Lệ Thanh, Hà Thanh, …  Những tên gọi của dĩ vãng, những bài hát từ dĩ vãng, hay những mảng dĩ vãng đánh dấu bằng những lời hát – đâu đó – vang mãi trong đời những người nó đi qua – hay những người đi qua chúng rồi “chịu trận” – phải ghi nhận chúng – giữ mãi lấy chúng.

Mỗi ca sĩ, nhạc sĩ thường có một repertoire riêng; gồm những tác phẩm họ thường chọn trình diễn; vì chúng phù hợp và phô bày hay nhất được giọng ca độc đáo hay tài năng nghệ thuật đặc biệt của họ. Những người nghe chúng ta; tương tự cũng có một repertoire; nhưng chúng không phải chỉ là những bài bậc nhất, thích nhất; thường có khi lại còn là những bài “dở tệ” hay “marie sến” không thích, của một thời; chúng có đó chỉ vì đã gắn chặt với kỷ niệm, đi đôi với dĩ vãng; đóng vai “chứng nhân” ngẫu hứng nhất cho những biến cố cuộc đời chúng ta, chúng “ghi lại đời sống” của chúng ta. Lớn lên trong một thời đại với những radio, TV hàng xóm, rồi phát thanh loa phường, nghe nhạc không có được chọn lựa như đọc sách, chẳng hạn.

Giá trị của chúng không ở lời ca- không ở nhạc điệu – giá trị của chúng ở kỷ niệm quanh chúng – chúng là âm thanh gần gũi nhất của quá khứ còn có thể trầm tưởng nghe lại, không ai muốn nghe lại tiếng đạn bắn đêm giao thừa ấy; không ai muốn nghe lại tiếng sóng đổ đêm ra đi ấy; nhưng chúng ta có thể nghe lại bài hát đâu đó vang lên quanh những biến cố đó, bài hát với lời ca có khi rất lạc lõng ngô nghê, nội dung nhiều khi chẳng liên quan gì với biến cố - như bầu trời rạng đông rực rỡ giữa một sáng chia ly xé lòng nào đó, hay một chiều giông bão mây đen mưa tối, trút thịnh nộ xuống trần gian đương lúc có hai kẻ mừng rỡ gặp nhau bất ngờ trên đường - ngoại cảnh đâu phải bao giờ cũng ứng hợp với biến cố của đời sống cá nhân - và tiếng hát, âm thanh cũng thế - sự có mặt của nó là ngẫu nhiên - chỉ vì vang lên đúng lúc ấy - nó khiến tự nó liên kết thần kỳ, gắn bó mãi mãi với biến cố - và mãi sau, mang biến cố đó trở về, trong cách thức nó có thể trở về tâm tưởng được - Có phải thế không -  tắt tiếng bom đạn, hết tiếng sóng biển – những tiếng hát lại trở lại - chúng trở lại, không xót một bài nào! Những ám ảnh của dĩ vãng từ quá khứ bám chặt không rời.


3.
Âm nhạc tự nó vẫn được xem là một thứ ngôn ngữ, hay rộng hơn; các nhà nghiên cứu khá đồng ý – cả hai, âm nhạc và ngôn ngữ đều là đặc tính của riêng loài người, trong đó, âm nhạc có nhiều khả năng là đã xuất hiện trước ngôn ngữ [4]; tuy sự liên hệ giữa chúng vẫn còn là một nội dung chưa ngã ngũ, hiện nay, các nhà khoa học dừng lại ở quan điểm – ngôn ngữ và âm nhạc liên hệ mật thiết với nhau – có lẽ chúng đến từ cùng một khả năng, có thể là từ một cơ quan, hay phần não bộ chung vận hành cả hai. Thuở ban đầu, âm nhạc luôn luôn đi kèm với với động tác; một trong những yếu tố cơ bản của âm nhạc là nhịp điệu. . Chúng ta biết chuyện hàng trăm nô lệ chèo thuyền vượt đại dương ở phương Tây, hay tiếng hò mái đẩy của con thuyền trên sông Hương; trong nhiều ngôn ngữ - từ “hát” và “múa” là một – người Việt chúng ta cũng vẫn thường nói từ kép “múa hát”. Mới đây, các nhà nhà nhân chủng tìm ra được một tộc người ở giữa rừng Amazon  [5] - ngôn ngữ của họ còn chưa có những từ chỉ số đếm và màu sắc; nhưng họ đã có rất nhiều bài ca và điệu múa. Tất cả những điều tôi vừa dẫn chỉ là tóm tắt những gì hiện nay chúng ta có được hiểu biết về âm nhạc do các nhà nghiên cứu đem lại. Trước kia, cõ lẽ âm nhạc là phương tiện truyền thông, âm thanh có thể là những tín hiệu biểu hiện những gì ngoài tình cảm, nhưng sau khi ngôn ngữ ra đời, âm nhạc có lẽ chỉ còn với lĩnh vực tình cảm của con người. Con người đã tiến hóa một chặng dài - muốn trình bày tư tưởng? người ta làm như Socrates ở thành Athena; ra giữa chợ mà gạ chuyện, thuyết giảng. Dấu tích của âm nhạc, nếu còn diễn tả những gì ngoài tình cảm mà thôi, có lẽ chỉ còn thấy trong âm nhạc tôn giáo, vốn có nguồn gốc rất xưa; nhạc diễn tấu trước bàn thờ thần linh – tiếng nói đó của con người không chỉ là tình cảm. Nói nhiều như thế - nhưng vẫn chỉ có một ý, mà chúng ta đã đồng ý và biết từ lâu rồi – âm nhạc là tiếng lòng - và chúng ta có thể thêm - của con người.

Điều tôi muốn nói là tác động chủ yếu của âm nhạc vào tình cảm và ký ức con người. Trước hết về tình cảm; âm nhạc dĩ nhiên biểu hiện tình cảm của tác giả, nhưng khi đến với thính giả - tác động ra sao? Các nhà tâm lý phân tích hai sự kiện rõ ràng – môt khúc nhạc buồn của người soạn – đó là nỗi buồn (hay cái  đẹp thẩm mỹ) thể hiện qua thanh âm (cũng như nó có thể thể hiện qua màu sắc, ngôn từ, động tác.); khi đến với người nghe – chúng ta có thể phản ứng: thích/không thích – nếu không thích, chúng ta không buồn; chúng ta chỉ buồn khi chúng ta thích thanh âm, hay cụ thể hơn, thích bài hát đó. Nói như thế, để cho thấy – có khi chúng ta nghe một bài hát buồn mà chúng ta dửng dưng, chẳng buồn chút nào. Trong lĩnh vực này – âm nhạc được xem là có tác dụng đặc biệt trong đem lại hai tình cảm: vui và buồn. Trong lĩnh vực xúc cảm của con người – âm nhạc không có nhiều tác dụng với những xúc cảm khác, thí dụ ghen tị, giận hờn, nhưng chỉ đặc biệt là với - vui và buồn. Vui buồn với mọi cường độ, màu sắc khác nhau - từ mỉm cười một mình đến ngất ngây nhảy múa điên cuồng, từ âm thầm thở dài đến lã chã nước mắt, gục đầu than thở. Âm nhạc – là âm thanh – và đi vào lòng người – chuyển động tâm chúng ta -  Một bí ẩn nào đó vẫn chưa được khám phá; có những âm, chuỗi âm mà thôi, không lời kèm- đem lại cảm xúc buồn, và có những âm hay chuỗi âm  đem lại vui vẻ, tươi tỉnh. Ai học nhạc Tây phương cũng biết rằng – những âm giai thứ, tự nó gợi buồn; như bài Ständchen – thường nghe với cung Ré thứ; khúc intro mở đầu đã dặt dìu một nỗi buồn rồi - hay những hợp âm nghịch với quãng bảy, luôn gợi chênh vênh [6]. Tiếng nhạc và tiếng lòng giao hưởng với nhau, thực ra chúng ta vẫn chưa hiểu vì sao. Và khi làm thí nghiệm với những trẻ em còn chưa biết nói, cho nghe một chuỗi âm thanh, trong đó nếu có một nốt “lạc điệu”, chúng “biết”. Thế nên, có khuynh hướng cho khả năng âm nhạc cũng như khả năng ngôn ngữ - như thuyết của Chomsky – có tính bẩm sinh. 

Khi bàn về những hình thức của văn hóa – trong đó có âm nhạc, Sorokin [7] nêu hai hình thức chính: nhạc tạo ý (ideational) nhạc gây cảm (sensate). Điển hình cho loại trước là nhạc cổ điển phương Tây, còn nhạc của chúng ta? Phần lớn, nếu không nói hầu hết, thuộc loại thứ hai – nhạc của chúng ta là nhạc gây cảm, hướng đến và nhằm thỏa mãn cảm giác. Chúng ta đã nói âm nhạc chủ yếu là gây xúc động, và nếu chấp nhận Sorokin, chúng ta có thể thêm vào trường hợp âm nhạc của chúng ta, nhạc Việt cho đến nay, gây xúc động qua hình thức nhạc gây cảm.

Quay lại với tác dụng gây xúc động của âm nhạc nói chung, đây là điều hiển nhiên; hãy bước vào một nhà thờ ngoại quốc chẳng chẳng hạn, rồi nghe thánh ca – dù chỉ hiểu hay đoán ý lờ mờ - nhưng thật xúc động; cho thấy xúc động đó không đến từ nội dung cụ thể nào, nhưng chủ yếu đến từ âm thanh nhạc điệu; những nhà thờ Kitô thường được xây cất với kiến trúc đặc biệt chú trọng về acoustic – nên tiếng hát, tiếng organ đặc biệt của nhà thờ - phụ họa với vòm cột cao, những kính màu, lung linh đèn nến,... Tất cả nhằm đẩy xúc động con con người đi thật xa; người ta vào nhà thờ để rồi xúc động. Toàn bộ nghệ thuật thứ bảy của Holywood, sẽ xụp đổ nếu không có âm nhạc. Người ta thường quên không nhắc cho đúng mức sự đóng góp của âm nhạc trong điện ảnh – hãy mở tivi, thử xem một phim với âm thanh tắt đi, (vẫn hiểu câu chuyện và đối thoại qua phụ đề), để thấy động tác của diễn xuất và màu sắc của cảnh trí không thôi, đã không làm nên phim ảnh; và rồi biết âm nhạc quan trọng ra sao, và sự thành công của những sound tracks và những bài hát vốn xuất hiện lần đầu từ phim ảnh, cho thấy đóng góp lớn lao của âm nhạc vào nghệ thuật này của nhân loại, không chỉ với vũ điệu vốn là anh em song sinh của nó.


4.
Cả phần trên – tôi chỉ nói những gì chúng ta đã đồng ý và biết từ lâu rồi – âm nhạc là tiếng lòng của con người. Hiện nay, có rất nhiều khảo cứu chỉ để chứng minh điều chúng ta, tôi muốn nói người Việt, đã biết.  Một em bé sơ sinh, còn ẵm ngửa, chuyền tay dỗ dành, nhưng chỉ im tiếng khóc khi được chính người mẹ ôm vào lòng. Người ta giải thích – em bé tìm lại đúng nhịp tim đập của mẹ – quen thuộc từ trong những ngày tháng còn nằm trong lòng người. Tiếng và nhịp tim của mẹ chúng ta là âm điệu đầu tiên, là âm nhạc chúng ta biết được trước cả khi thực sự ra đời - tiếng lòng!

Các khám phá gần đây, cho thấy xem ra có sự tương hợp giữa âm nhạc và tiếng nói, hay đúng hơn với nhịp điệu của tiếng nói. Thí dụ nhạc của William Elgar – một nhạc sĩ Anh - gần nhịp điệu phát âm tiếng Anh, còn Claude Debussy - một nhạc sĩ Pháp - gần với của tiếng Pháp. Điều này có lẽ dễ hiểu; chúng ta nói tiếng mẹ đẻ theo một nhịp điệu nào đó, và chắc chắn các nhạc sĩ đã học nói trước khi học soạn nhạc, dĩ nhiên nhịp điệu đó đi vào âm nhạc của họ. Không phải chỉ với nhạc cổ điển, chúng ta có thể ứng dụng nhận xét này và giải thích - tại sao khi hát Vọng cổ, chẳng hạn - chúng ta phải hát với giọng miền Nam mới hay, mới ngọt ngào; và dĩ nhiên tôi chưa nghe hát Quan họ bằng giọng nào khác ngoài giọng - cũng ngọt ngào không kém – của miền Bắc đất nước. Và phải chăng chúng ta cũng có thể nói như thế - tôi không thể tưởng tượng ai có thể hát – lấy thí dụ từ trí nhớ - Huỳnh Anh (Mưa Rừng), Trúc Phương (Nửa đêm ngoài Phố), Lam Phương (Duyên kiếp)…  tự nhiên, truyền cảm hơn những giọng ca miền Nam được, và cũng tương tự như thế với tất cả Cung Tiến chẳng hạn, với miền Bắc. Có thể thêm lý do nữa - nhạc của chúng ta là nhạc gây cảm - như phân loại của Sorokin nói ở trên.

Hãy tạm bỏ qua ký ức, bỏ qua kỷ niệm cụ thể nào đó liên hệ; chú ý và giữ lại chỉ tiếng hát, giọng ca cất lên đâu đó, hay nghe lại đâu đó – chúng đã chất chứa cả quê hương, đất nước. Trong sâu thẳm – tiếng hát chuyển chúng ta về tận thuở còn trong lòng mẹ, thời bập bẹ với nhịp điệu của tiếng mẹ. Khi người ta xa quê hương, có ai đó bắt đầu và sau đó nhiều người phụ họa; thường nhắc nhở và viết rằng họ nhớ quê hương qua những món ăn. Chuyện đó đã lâu lắm từ trong Đường thi. Nhưng với tôi, đó chỉ mới là một nửa, phải nói đến những khúc ca, hay tiếng hát, nói chung những âm thanh mang giai điệu đến từ quê hương quá khứ; vì có lẽ chỉ âm nhạc mới trọn vẹn đánh thức một nỗi nhớ quê hương. Có nỗi nhớ quê nào tràn đầy hơn, không chỉ mũi lưỡi, nhưng qua tai nghe, đúng hơn là toàn thân, rồi thấm hết mọi ngõ ngách của não thức, chảy qua từng tế bào cơ thể, cuốn trọn chúng ta thành một gói dâng đầy ràn rụa; trong khoảnh khắc đó, chúng ta không chỉ là người nghe, nhưng là cả người hát, người chơi đàn, và tất cả những gì là chúng ta lúc ấy – là một nhạc cụ, với toàn thân chúng ta là một thứ buồng cộng hưởng (resonant chamber); những thanh âm quá khứ vang động: tiếng tàu chuối rách trong gió sau vườn, hay tiếng sóng một mặt sông chiều bồng bềnh lục bình; hiển hiện trước mắt nhắm, rõ rệt như tay có thể vươn chạm – khi ngẫu nhiên một hơi Lý đứt ruột hay một giọng Ru con xót xa chợt đến, hay đột nhiên vẳng lại câu Vọng cổ bao lần đã từng vang trên những lần chờ bắc qua sông Cửu:

“Ba năm sau tôi trở về quê cũ,
gánh nước đêm trăng để tìm lại kẻ chung tình…”

Đó là những bất chợt ký ức được đánh thức, ngẫu nhiên những biến cố dĩ vãng sống dậy qua một tiếng ca, giọng hát tình cờ.  Như nói ở trên, chúng ta nghe trước khi biết mở mắt nhìn cảnh vật chốn ra đời. Xa quê hương, không gì đem quê hương trở lại hơn là âm thanh, giai điệu của nó; khi chúng ta tự ý đi tìm, khỏa lấp khát khao, chính là trong những tiếng đàn bầu, đàn đáy, tiếng ầu ơ, cồn cào lòng người hơn những món ăn dù dậy hương vị quê nhà.

Trong  mỗi khoảnh khắc của cuộc đời, chúng ta sống chỉ với hiện tại, nhưng khi hồi tưởng - đó là hiện tại của quá khứ - qua hồi tưởng, và nếu có tiếng hát, nó dựng trọn vẹn ký ức. Như nói ở trên. Những tiếng hát, những bài ca, đánh dấu cuộc đời chúng ta, khua động cảm xúc của chúng ta trọn vẹn hơn cả. Chìm trong ký ức, những câu hát ấy là những indexes của quá khứ cảm giác. Không một tách trà nào, một mẩu bánh madeleines nào có thể mang lại quá khứ mãnh liệt như thế, với một tâm hồn bình thường.


5.
Đúng vậy, sáng nay - không có bánh madeleines, và cũng không có khói sóng trên sông, chỉ bất ngờ một câu trong khúc lieder Ständchen hát lại vụng về - khi đứng chờ thang máy – đã trong sát na hiện tại của quá khứ – đưa tôi về với giấc mơ tưởng quên, trong sâu thẳm – đưa chiều quá khứ về với sáng hiện tại – đưa tôi về chốn tôi vốn từ đó ra đời, rồi đã từ đó ra đi.

Lê Dọn Bàn
(Jun, 2011)
(còn tiếp …  )




[1] Ständchen D.957 (Sérénade) - 1826. Nhạc: Franz Schubert (1797-1828) - lời phổ từ thơ của Ludwig Rellstab.

Bản này có số thứ tự 4, nằm trong quyển 1 của tập “Schwanengesang” (Khúc hát Thiên nga). Đây là tuyển tập bài hát – Schubert phổ thơ của các thi sĩ Đức: được sưu tầm và xuất bản sau khi Schubert qua đời, trong catalogue Deutsch, đánh số D 957. Franz Liszt là người đã chuyển thể các tác phẩm trong tập “Schwanengesang” cho piano độc tấu.

Franz Schubert chỉ sống một đời rất ngắn ngủi (chết năm 31 tuổi). Ngoài tác phẩm bất hủ và được biết nhiều nhất của ông - sẽ còn mãi với nhân loai -Unfinished Symphony (Symphony No. 8 in B minor), ông còn được mệnh danh là “vua Lied” vì ông sáng tác rất nhiều – khoảng 600 - Lieder (đoản ca) có giá trị. Và trong số này, “Ständchen” là lied của Schubert được nhiều yêu thích nhất. “Ständchen” đã được dịch sang rất nhiều ngôn ngữ, và được chuyển soạn cho nhiều nhạc cụ, dưới tên “Serenade”, và tên phổ biến nhất là “Serenade của Schubert”, để phân biệt với những Serenade khác của của những nhạc sĩ khác.

Leise flehen meine Lieder 
Durch die Nacht zu dir; 
In den stillen Hain hernieder, 
Liebchen, komm zu mir! 
Flüsternd schlanke Wipfel rauschen 
In des Mondes Licht; 
Des Verräters feindlich Lauschen 
Fürchte, Holde, nicht. 
Hörst die Nachtigallen schlagen? 
Ach! sie flehen dich, 
Mit der Töne süßen Klagen 
Flehen sie für mich. 
Sie verstehn des Busens Sehnen, 
Kennen Liebesschmerz, 
Rühren mit den Silbertönen 
Jedes weiche Herz. 
Laß auch dir die Brust bewegen, 
Liebchen, höre mich! 
Bebend harr’ ich dir entgegen! 
Komm, beglücke mich! 

(Khúc ca tôi van nài em xuốt đêm thâu,
thấm khắp rừng im lắng:
Em yêu ơi, đến cùng tôi

Những ngọn cây vút cao xào xạc
thầm thì dưới ánh trăng:
Em yêu, đừng sợ có kẻ trộm nghe phản bội

Em có nghe họa mi lảnh lót? Chúng xin em
Tiếng than ngọt ngào tràn nước mắt
Chúng van em vì tôi

Chúng biết nhịp tim căng tràn
Hiểu đớn đau tình ái
Tiếng  hót như bạc khua động lòng mềm

Hãy để bầu ngực em rung động, nghe tôi em ơi
Tôi run rẩy chờ em, xuống đi
Hãy làm tôi vui sướng.)

1a. Lời Việt – của Phạm Duy (1948)
(thật đẹp - có lẽ của PD – không có dấu gì của lời Đức, hay Pháp)

1. Chiều buồn nhẹ xuống đời- Người tình tìm đến người.Thấy run run trong chiều phai...
Vẻ sầu của đóa cười- Tình bền của lứa đôi- Thoáng hương trong chiều rơi...

Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời. Cho người thôi khóc thương ai!
Cho niềm yêu đến bên tôi!
Chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu. Ru người qua chốn thương đau
Cho làn nước mắt... chìm sâu...

ĐK 1 - Dù một ngày đời sẽ vỡ tan rồi. Người về khuất chân trời
Nhớ nuôi cho hương một chiều vương vấn đời
Cuộc tình vĩnh viễn xa vời.Chỉ còn thương nhớ...mà thôi...

2. Tình đời tỏa ngát màu. Chiều nay là lúc đầu. Nói cho nhau nghe đời sau
Nhẹ nhàng người đắm sầu. Kể lể chuyện kiếp nao. Có ai chia lìa nhau

Một ngày đó tóc mây đã phai màu. Có chờ ta oán trách đâu?
Có vì duyên kiếp không lâu!
Đời sẽ thấy chúng ta sống không cầu. Cho tình cứ úa phai mau
Cho người cứ mãi... phụ nhau...

ĐK 2 - Dù một ngày đời sẽ vỡ tan rồi. Người về khuất chân trời
Nhớ nuôi cho hương một chiều vương vấn đời. Cuộc tình vĩnh viễn xa vời
Chỉ còn thương nhớ... mà thôi. Bóng tối buồn... không... lời...

 

 1b. Một lời Việt khác – do Lê Dung hát – lời này gần gũi với lời Đức:

Đợi chờ em anh ngỏ lời ước nguyện đến bên em trong màn đêm.
Cảnh rừng vắng nơi mộng chiều lắng sâu bao yêu thương đang chờ mong.

Kìa trong gió thoáng nghe thì thầm lời yêu làm xao xuyến trăng thanh,
đang làm rung trái tim anh.
Lời tha thiết yêu thương chân thành, hòa trong lời chim hót đêm thanh
Yêu lòng ta đến tìm nhau

Đợi chờ em anh ngỏ lời ước nguyện đến bên anh trong màn đêm.
Cảnh rừng vắng nơi mộng chiều lắng sâu bao yêu thương đang chờ mong.

Kìa trong gió thoáng nghe thì thầm vọng trong lời chim hót đêm xanh,
đang làm rung trái tim anh.
Lời tha thiết yêu thương chân thành, hòa trong lời chim hót đêm thanh
Yêu lòng ta đến tìm nhau.

Để lòng anh tung cánh vút bay lên, ngời thêm ánh trăng đêm
Trái tim anh đang như biển muôn sóng trào.
Ôi lòng xuân ngát thương yêu, Anh chờ em hát cùng anh
Khúc ca ban chiều ......



1c.  Nana Mouskouri hát - lời Đức 
Schubert: Schwanengesang D957 №4 (Ständchen/Serenade) (1968):


1d. Và cuối cùng – những ngón đàn thiên tài diễn lòng kẻ thiên tài - cho chúng ta, những thiên tài của lòng nhớ thương mãi mãi:  F. Liszt - "Ständchen" Piano Transcriptions After Schubert - Khatia Buniatishvili:




[2] Daphne Du Maurier. Rebecca (1938).
[3] Daniel Levitin. The World In Six Songs: How The Musical Brain Created Human Nature. Viking, Penguin. Toronto. 2008.
[4] Dĩ nhiên – chúng ta có thể nói – thế loài chim thì sao – như tiếng họa mi trong bài Ständchen? – Thực ra, tiếng chim hót rất giới hạn; chỉ có chim trống biết hót, chúng chỉ hót trong quãng thời gian nào đó trong năm, vào một dịp nào đó, thường là mùa động tình, và dĩ nhiên rất giới hạn có tính bản năng, …không như của con người.
[5] Những người trong bộ tộc Pirahã ở Amazon: Họ thường hát, hâm hư, hoặc huýt gió thay vì nói chuyện. Ngôn ngữ rất đơn giản, thí dụ, họ không có từ chỉ màu sắc. Nếu họ muốn nói vật gì màu đỏ, họ nói nó giống như quả dâu đỏ, hay máu. Đặc biệt họ  không có từ chỉ số nào khác ngoài ít hay nhiều. Có thể nói họ không sử dụng số đếm. Nhưng họ có rất nhiều bài hát và các điệu nhảy múa.
Tuy vây, sự hiểu biết về họ vẫn còn thiếu sót, và vì chủ yếu là đến chỉ từ một nguồn, nên còn nhiều bàn cãi, chưa ngã ngũ – Điều chúng ta đáng chú ý và có thể dựa vào – là con người biết xử dụng âm thanh làm ký hiệu truyền thông, trước ngôn ngữ.
[6] Thí dụ về nhạc Tây phương mà thôi. Trong nhạc Ấn độ – ragas – hay trong nhạc Ba tư – dastgahs – phong phú hơn nhiều, nếu nói về mặt scales types.
[7] Pitirim A. Sorokin. Social and Cultural Dynamics. Porter Sargent Publisher, Boston, 1970.