Friday, June 19, 2009

Bertrand Russell – Những gì tôi đã sống



Những gì tôi đã sống

(What I Have Lived For)







(Lời mở đầu tự truyện của Bertrand Russell)

Ba đam mê giản dị nhưng mãnh liệt đã chi phối đời tôi: khát khao tình yêu, săn tìm tri thức và xót thương khôn cùng những khổ đau của loài người. Những đam mê này, như những trận cuồng phong, đã thổi tôi tán loạn bay đây đó khắp hướng trên một đại dương sâu thẳm ngập tràn thống khổ, chạm những bờ thật cùng quẫn tuyệt vọng.

Tôi đã tìm tình yêu, vì trước hết, nó đem lại ngất ngây – ngất ngây quá đỗi đến nỗi tôi đã thường liều hi sinh tất cả đời còn lại cho một vài giờ lạc thú. Thứ nữa, tôi tìm tình yêu vì nó làm dịu cô đơn – cái cô đơn ghê gớm bao trùm một ý thức run lẩy bẩy đứng vịn bờ thế giới nhìn xuống một vực sâu bí hiểm giá lạnh vô sinh khí. Sau cùng tôi đã đi tìm nó, vì trong sự hợp nhất của tình yêu, tôi đã thấy, trong một huyền bí thu nhỏ, cảnh mộng trước đây vẫn mô tả về chốn tuyệt đỉnh hạnh phúc các vị thánh và các nhà thơ đã tưởng tượng ra. Đó là những gì tôi đã tìm kiếm, và dẫu rằng nó xem dường tốt đẹp quá nên đời người hiếm gặp, đây là những gì – sau cùng – tôi đã tìm thấy [1].

Sunday, June 14, 2009

Bertrand Russell - Linh hồn là gì?

Linh hồn là gì?

(What is the soul? – 1929)
Bertrand Russell (1872-1970)








Lời người dịch

Trong Why I Am Not a Christian (1927) Russell có nhắc đến sự bất tử của linh hồn là niềm tin cơ bản của những người theo Kitô, nhưng không bình luận gì thêm. Bài viết này – tôi nghĩ – là để trở lại câu hỏi còn bỏ ngỏ đó.

Tôi dịch Linh hồn là gì? để tiếp ý bài đã dịch trên.

Tuy vậy, bài luận thuyết này là một biện luận cổ điển, giới thiệu quan điểm của Russell về thuyết nhất nguyên (monism) chủ trương tâm trí và vật chất không khác, không đối lập nhau. Riêng Russell, ông đứng về phía nhất nguyên trung tính (neutral monism) – nhấn mạnh rằng thực tại, tuy hợp nhất, không tâm thần cũng không vật lý, nhưng đúng hơn là một khối kết những thực thể trung tính. Ông định nghĩa thế giới : “Thế giới bao gồm những biến cố, không phải những sự vật trường tồn một thời gian dài và có những thuộc tính thay đổi”.

Một chiều đầu xuân, dưới cơn mưa giông lộng gió, nhìn sóng dậy trắng mặt hồ xanh thẫm, để thấy thế giới là những hiện tượng, những biến cố, có đó, mất đó,...không phải những thực thể dị tính.

Một lý thú khác – khi ông viết “trên cơ sở của chính khoa vật lý, là cho đến nay cái mà chúng ta gọi là thân-xác-của-chúng ta, thực sự nó là một cấu trúc khoa học phức tạp không tương ứng với một thực tại vật chất nào cả.” Nghĩa là cái chúng ta gọi là thân thể chúng ta – nó chỉ là một ý niệm, trong thực tại vật lý, không có cái gì là thân thể cả, có da, thịt, xương, rồi tế bào, rồi những electrons, protons, những năng lượng chuyển thể dạng liên tục từ những phản ứng hoá học nhất thời... Tất cả gợi những dòng sau đây: